Công dụng thuốc Osmofundin 20

Osmofundin 20 là thuốc được sử dụng để truyền tĩnh mạch chỉ định trong điều trị thiểu niệu sau mổ, gây lợi niệu ép buộc tăng cường khả năng đào thải các chất độc qua đường thận,.... Để biết thông tin về sản phẩm này, các bạn có thể tham khảo thông tin trong bài viết dưới đây.

1. Thuốc Osmofundin 20 có tác dụng gì?

Osmofundin 20 là thuốc có chứa hoạt chất chính là Mannitol hàm lượng 17,5g/100ml. Khi truyền tĩnh mạch, thuốc được phân bố trong gian bào, làm gia tăng áp lực thẩm thấu của huyết tương và dịch ở trong ống thận. Từ đây thuốc gây tác dụng lợi niệu thẩm thấu và làm tăng lưu lượng máu tại thận, bảo vệ được chức năng thận trong trường hợp suy thận cấp, làm giảm áp lực nội sọ, áp lực nhãn cầu. Thuốc cũng giữ vai trò quan trọng trong việc làm cho độ nhớt của máu giảm, hồng cầu biến dạng và làm cho huyết áp động mạch tăng lên.

2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Osmofundin 20

2.1. Chỉ định

Osmofundin 20 được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Điều trị dự phòng suy hoặc hoại tử thận cấp ở bệnh nhân bị hạ huyết áp.
  • Dùng cho bệnh nhân thiểu niệu hoặc vô niệu sau khi phẫu thuật.
  • Gây lợi tiểu giúp tăng cường đào thải qua thận các chất độc khi cơ thể nhiễm độc.
  • Sử dụng để điều trị phù não có tăng áp lực nội sọ.
  • Làm giảm áp lực nhãn cầu nên thường được dùng trước và trong khi phẫu thuật mắt.
  • Sử dụng trong trường hợp test chức năng thận.
  • Khi phẫu thuật cắt nội soi tuyến tiền liệt, Osmofundin 20% thường được dùng làm dịch rửa.

Ngoài chỉ định trên, thuốc được sử dụng trong một số trường hợp khác tuỳ theo tình trạng của người bệnh.

2.2. Chống chỉ định

Osmofundin 20 chống chỉ định trong một số trường hợp:

  • Bệnh nhân có dấu hiệu mất nước do ảnh hưởng của một số bệnh lý nào đó.
  • Người bị suy tim sung huyết, mắc các bệnh tim nặng.
  • Bệnh nhân chảy máu nội sọ sau chấn thương sọ não (trừ khi sử dụng lúc phẫu thuật mở hộp sọ).
  • Phù do rối loạn chuyển hoá có nguy cơ vỡ mao mạch.
  • Bệnh nhân suy thận nặng (trừ những trường hợp có đáp ứng với test gây lợi niệu. Trong trường hợp không có đáp ứng hoặc đáp ứng kém thì thể tích dịch ngoại bào tăng có thể dẫn đến ngộ độc nước cấp).
  • Bệnh nhân mắc thiểu niệu hoặc vô niệu sau khi làm test với manitol.

3. Liều dùng và cách dùng thuốc Osmofundin 20

3.1. Liều dùng

Liều dùng thuốc Osmofundin 20 mà bệnh nhân có thể tham khảo như sau:

  • Sử dụng với mục đích test: Dùng thuốc truyền theo đường tĩnh mạch 200mg cho mỗi kg thể trọng hoặc sử dụng liều 12,5 gam dung dịch Osmofundin 20% trong thời gian từ 3 đến 5 phút. Kết quả cho thấy lượng nước tiểu bài xuất mỗi giờ là 30 đến 50 trong từ 2 đến 3 giờ sau khi truyền. Nếu đáp ứng không tốt với lần đầu, bệnh nhân sẽ cần phải test trong lần tiếp theo.
  • Sử dụng dự phòng suy thận cấp: Người lớn dùng thuốc truyền tĩnh mạch với liều dùng từ 50 đến 100 gam. Tốc độ truyền cần được điều chỉnh để lượng nước tiểu tối thiểu mỗi giờ là 30 đến 50 ml.
  • Dùng trong giải độc: Sử dụng tương tự như trên, duy trì lượng nước tiểu tối thiểu 100ml trong mỗi giờ.
  • Giảm áp lực nội sọ: Sử dụng thuốc để truyền tĩnh mạch nhanh từ 1 đến 2 gam trên mỗi kg thể trọng, thời gian thực hiện trong vòng 30 đến 60 phút.

Ngoài ra, thuốc được sử dụng trong một số trường hợp khác theo chỉ định của bác sĩ. Liều truyền và tốc độ truyền thuốc tùy theo mức độ đáp ứng cũng như tình trạng của bệnh nhân.

3.2. Cách dùng thuốc Osmofundin 20

  • Bệnh nhân chỉ sử dụng Osmofundin 20% khi đã tham vấn ý kiến của chuyên gia y tế hoặc đã có chỉ định của bác sĩ.
  • Thuốc Osmofundin 20% được truyền trực tiếp vào cơ thể qua đường tĩnh mạch nên phải tuân thủ đúng các quy định về an toàn và vệ sinh. Cụ thể, trước khi truyền vào cơ thể, dung dịch Osmofundin 20 phải được làm ấm bằng nhiệt độ cơ thể hoặc nhiệt độ phòng.
  • Sau khi mở nắp, Osmofundin 20 nên được sử dụng để truyền ngay, không được để lâu ngoài môi trường vì có thể bị nhiễm khuẩn.

4. Tác dụng phụ của thuốc Osmofundin 20

Trong quá trình sử dụng Osmofundin 20, một số tác dụng phụ thường gặp gồm.

  • Tác dụng phụ thường gặp: Tăng thể tích dịch ngoại bào, gây quá tải cho hệ tuần hoàn nếu dùng thuốc với liều cao, gây buồn nôn và nôn, khát nước, ỉa chảy, rối loạn cân bằng nước và acid - base,...
  • Tác dụng phụ hiếm gặp: Phù và hoại tử da nếu thuốc ra ngoài mạch. Nếu dùng liều cao còn có thể gây suy thận cấp, thận hư từng ổ, tim đập nhanh. Bệnh nhân cũng có thể gặp các triệu chứng dị ứng như phát ban đỏ, xuất hiện mề đay, chóng mặt...

5. Tương tác thuốc thường gặp

Một số tương tác thuốc thường gặp đó là:

  • Không truyền Osmofundin 20 cùng lúc với truyền máu toàn phần.
  • Theo dõi đáp ứng thuốc khi sử dụng Osmofundin 20 ở những bệnh nhân đang điều trị bằng Lithi.
  • Trong quá trình sử dụng Osmofundin 20 kết hợp với một số thuốc khác cần chú ý phản ứng của cơ thể, nếu có các biểu hiện lạ nghi ngờ do tương tác thuốc, bệnh nhân cần phải ngừng thuốc và báo ngay với bác sĩ điều trị để có biện pháp xử trí kịp thời, tránh để lại hậu quả nghiêm trọng.

6. Lưu ý khi sử dụng thuốc

  • Không tự ý truyền thuốc Osmofundin 20 vào cơ thể, việc thực hiện phải được thực hiện bởi nhân viên y tế. Trước khi truyền vào cơ thể cần chắc chắn bệnh nhân không bị mất nước.
  • Trong quá trình sử dụng thuốc cần kết hợp theo dõi lượng nước tiểu, tránh nguy cơ ngộ độc nước do lượng dịch truyền đi vào cơ thể nhiều hơn lượng nước tiểu đào thải ra ngoài.
  • Nếu chai dịch truyền xuất hiện vật thể lạ hoặc biến màu hay có vẩn đục, bệnh nhân tuyệt đối không được sử dụng.
  • Osmofundin 20 được bảo quản tốt nhất trong điều kiện nhiệt độ 15 đến 30 độ C. Khi bảo quản ở nhiệt độ thấp, trước khi truyền phải ngâm vào nước ấm để các tinh thể tan hoàn toàn do Mannitol có thể kết tinh lại.

Trên đây là một số thông tin về thuốc Osmofundin 20 mà bạn đọc có thể tham khảo. Bạn cần lưu ý, việc tiêm truyền cần được thực hiện bởi chuyên gia y tế để đảm bảo an toàn đối với sức khỏe.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan