Công dụng thuốc Posthappy

Thuốc Posthappy dùng để ngừa thai khẩn cấp, có thể tránh thụ thai nếu dùng trong vòng 72 giờ sau cuộc giao hợp không được bảo vệ. Vậy Posthappy là thuốc gì và được sử dụng như thế nào?

1. Posthappy là thuốc gì?

Posthappy có chứa thành phần chính là hoạt chất Levonorgestrel 0,75mg và các tá dược như Povidon, Lactose, Magnesi stearat vừa đủ 1 viên. Thuốc được bào chế cho người sử dụng dưới dạng viên nén. Thuốc Posthappy được đóng gói dưới dạng hộp, mỗi hộp gồm 1 vỉ x 2 viên.

2. Công dụng của thuốc Posthappy

2.1. Chỉ định

Thuốc Posthappy được chỉ định trong các trường hợp:

  • Không sử dụng biện pháp tránh thai khi giao hợp;
  • Dùng các biện pháp tránh thai như: Bao cao su, màng chắn âm đạo, vòng tránh thai, giao hợp gián đoạn nhưng không có hiệu quả.

2.2. Chống chỉ định

Chống chỉ định sử dụng thuốc Posthappy trong những trường hợp sau:

  • Người dùng quá mẫn cảm với Levonorgestrel hay bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Phụ nữ mang thai hoặc nghi ngờ mang thai, chảy máu âm đạo bất thường không chuẩn đoán được nguyên nhân.
  • Viêm tắc tĩnh mạch hoặc bệnh huyết khối tắc mạch thể hoạt động, viêm gan cấp tính, u lành hoặc ác tính, có tiền sử ung thư vú, buồng trứng và tử cung.
  • Trong lần có thai trước bị ngứa dai dẳng, vàng da.

2.3. Dược lực học

Levonorgestrel là 1 chất được tổng hợp dẫn xuất từ Nortestosteron. Đây là thuốc ức chế phóng noãn. Thuốc làm biến đổi giai đoạn tăng sinh estrogen sang giai đoạn chế tiết với nội mạc tử cung. Levonorgestrel có tác dụng tránh thai bằng cách ngăn cản quá trình làm tổ của trứng do những biến đổi về cấu trúc của nội mạc tử cung, tạo nên một hàng rào ngăn cản sự di chuyển của tinh trùng vào tử cung khi làm thay đổi dịch nhầy cổ tử cung.

2.4. Dược động học

  • Sau khi uống, Levonorgestrel được hấp thụ nhanh chóng và hầu như hoàn toàn. Trong huyết thanh, Levonorgestrel liên kết với Globulin gắn hormon sinh dục với Albumin. Nồng độ trong huyết thanh có thể ức chế phóng noãn là 0,2 mcg/l. Khi uống nồng độ đỉnh trong huyết thanh xuất hiện sau 1,1 ± 0,4 giờ, sau đó nồng độ của Levonorgestrel giảm dần qua quá trình đào thải.
  • Levonorgestrel và các chất chuyển hóa được thải trừ qua phân và nước tiểu với tỉ lệ tương đương. Tốc độ thải thuốc của thể khác nhau giữa các cá thể và trung bình từ 36 ± 13 giờ.
  • Hệ vi khuẩn đường ruột có thể làm thay đổi tuần hoàn gan ruột của các thuốc tránh thai dạng uống. Trong huyết tương, sulfat và acid glucuronic có thể liên hợp với Levonorgestrel. Liên hợp này được bài tiết vào mật rồi đến ruột, chúng có thể bị vi khuẩn đường ruột thủy phân và giải phóng thuốc nguyên dạng. Các thuốc kháng sinh ức chế tác dụng này của vi khuẩn, làm giảm nồng độ hormon trong huyết tương.

3. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Posthappy

3.1. Cách sử dụng

  • Posthappy được dùng theo đường uống, 2 viên 1 đợt. Người dùng uống viên đầu tiên trong vòng từ 48 giờ đến 72 giờ sau khi giao hợp, uống càng sớm càng tốt. Viên thứ 2 uống sau viên đầu 12 giờ, không chậm hơn 16 giờ. Trong vòng 2 giờ sau khi uống viên đầu hay viên thứ hai nếu bị nôn đều phải uống bù ngay viên khác.
  • Sau khi dùng thuốc tránh thai khẩn cấp, cần sử dụng các phương pháp tránh thai màng chắn như bao cao su cho đến chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo.

Lưu ý: Thuốc có thể uống bất cứ lúc nào trong chu kỳ kinh nguyệt, trừ chậm kinh. Không dùng Posthappy để tránh thai hàng ngày và không dùng quá 4 viên trong 1 tháng.

3.2. Quá liều và cách xử trí

Chưa có nghiên cứu nào cho thấy dùng quá liều thuốc tránh thai uống gây tác dụng xấu nghiêm trọng. Nếu quá liều được phát hiện sớm trong vòng 1 giờ và với sử dụng liều lớn thì nên xử trí bằng rửa dạ dày hoặc dùng 1 liều Ipecacuanha thích hợp, đồng thời báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn, can thiệp kịp thời.

4. Tác dụng phụ của thuốc Posthappy

Các tác dụng không mong muốn thường gặp của thuốc Posthappy gồm:

  • Nhức đầu, hoa mắt chóng mặt, phù, đau vú và buồn nôn;
  • Trầm cảm;
  • Vô kinh, kiểu hành kinh có thể rối loạn thoáng qua nhưng hầu hết đầu bình thường vào kỳ kinh sau.

Các triệu chứng ít gặp của thuốc Posthappy gồm:

  • Thay đổi cân nặng;
  • Giảm dục tính;
  • Rậm lông, ra mồ hôi và hói.

5. Tương tác thuốc Posthappy

Một số tương tác với thuốc tránh thai Posthappy gồm:

  • Các chất cảm ứng như enzym gan như Barbiturat, Phenytoin, Primidon, Phenobarbiton, Rifampicin, Carbamazepin và Griseofulvin có thể làm giảm tác dụng tránh thai của thuốc. Đối với người đang dùng những thuốc cảm ứng enzym gan điều trị dài ngày thì nên chọn lựa 1 biện pháp tránh thai khác.
  • Sử dụng đồng thời các thuốc kháng sinh có thể làm giảm tác dụng của Posthappy do can thiệp vào hệ vi khuẩn đường ruột.

6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Posthappy

  • Levonorgestrel phải được dùng thận trọng đối với người bị bệnh động kinh, bệnh van tim, bệnh tuần hoàn não, người tăng nguy cơ có thai ngoài tử cung và bệnh đái tháo đường.
  • Levonorgestrel có thể gây ứ dịch nên cần theo dõi cân nặng khi dùng thuốc với người bị hen suyễn.
  • Thận trọng khi dùng thuốc Posthappy cho người lái xe và vận hành máy móc.
  • Phụ nữ có thai không sử dụng thuốc Posthappy
  • Phụ nữ đang cho con bú có thể sử dụng Posthappy vì không gây hại cho trẻ đang bú mẹ, bắt đầu dùng 6 tuần sau sinh thì thuốc không làm giảm tiết sữa mẹ.

Hy vọng với những thông tin chia sẻ về công dụng, cách dùng và một số lưu ý cần thiết về Posthappy sẽ giúp cho người dùng hiểu và sử dụng thuốc tránh thai 1 cách hiệu quả, an toàn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

79 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan