Công dụng thuốc Sunmedabon

Sunmedabon là thuốc phối hợp Mifepriston và Misoprostol. Thuốc Sunmedabon được chỉ định để chấm dứt thai dưới 22 tuần. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc thông tin về cách dùng thuốc Sunmedabon an toàn và hiệu quả.

1. Thuốc Sunmedabon có tác dụng gì?

Sunmedabon là vỉ thuốc phối hợp gồm 1 viên Mifepriston 200mg và 4 viên Misoprostol 200mcg. Thuốc Sunmedabon được bào chế dưới dạng viên nén không bao.

Mifepriston:

Mifepriston là một steroid tổng hợp có tác dụng kháng progesteron nhờ cạnh tranh với progesteron tại thụ thể progesteron.

Với liều uống từ 3 đến 10mg/ kg, Mifepriston ức chế hoạt động của progesteron nội sinh hoặc ngoại sinh ở các loài động vật khác nhau (như chuột, thỏ, khỉ). Tác dụng này được chứng minh gây chấm dứt thai ở những loài gặm nhấm.

Đối với phụ nữ dùng liều lớn hơn hoặc bằng 1mg/kg, Mifepriston ức chế tác dụng của progesteron lên niêm mạc tử cung và cơ tử cung. Trong thai kỳ, Mifepriston tăng nhạy cảm co cơ tử cung, hệ quả của việc sử dụng prostaglandins. Hiệu quả tối đa khi sử dụng prostaglandin 36-48 giờ sau khi sử dụng Mifepriston.

Mifepriston được chứng minh là có tác dụng làm mềm và mở cổ tử cung sau 24 giờ và tăng tối đa 36 đến 48 giờ sau khi dùng.

Mifepriston gắn kết với thụ thể glucocorticoid. Ở động vật, với liều dùng từ 10 đến 25mg/kg, Mifepriston ức chế hoạt động của Dexamethason. Ở người, tác dụng kháng glucocorticoid được chứng tỏ khi dùng liều tương đương hoặc lớn hơn 4,5mg/kg nhờ sự tăng bù của ACTHcortisol. Hoạt động sinh học của glucocorticoid bioactivity (GBA) có thể bị ức chế trong vài ngày sau khi sử dụng liều duy nhất 200mg Mifepriston để chấm dứt thai nghén. Những liên quan về mặt lâm sàng của sự ức chế này chưa rõ ràng, tuy nhiên có thể gây tăng buồn nôn và nôn ở những phụ nữ nhạy cảm.

Mifepriston có tác dụng kháng hormon nam nhẹ và chỉ xuất hiện ở động vật khi dùng kéo dài với liều rất cao.

Misoprostol:

Misoprostol là một chất tổng hợp giống như prostaglandin E1. Với liều dùng được khuyến cáo, Misoprostol tạo các cơn co của các cơ trơn của cơ tử cung và làm giãn cổ tử cung. Tác dụng tăng trương lực của Misoprostol sẽ làm mở cổ tử cung và đẩy tổ chức thai ra ngoài.

Dùng Misoprostol đặt âm đạo hoặc ngậm dưới lưỡi sẽ có tác dụng kéo dài trên cơ tử cung và tạo các cơn co tử cung thường xuyên sau đó.

Trong trường hợp chấm dứt thai sớm, dùng kết hợp chất giống prostaglandin sau khi đã sử dụng Mifepriston sẽ tăng tỷ lệ thành công và cải thiện tỷ lệ thai được tống xuất ra. Trong thử nghiệm lâm sàng của Tổ chức y tế thế giới, tỷ lệ thành công là 93,9 - 95,4% khi sử dụng 200mg Mifepriston kết hợp với đặt âm đạo hoặc ngậm dưới lưỡi 800mcg Misoprostol để chấm dứt thai đến hết tuần thứ 22 tính từ kỳ kinh cuối. Tỷ lệ thất bại từ 4,6 - 6,1% trong tổng số các ca, trong đó có từ 0,3 - 1,1% thai tiếp tục phát triển và 2,8 - 4,3% sảy thai không hoàn toàn.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Sunmedabon

Chỉ định thuốc Sunmedabon:

  • Thuốc Sunmedabon chỉ có thể được kê đơn và sử dụng theo đùng “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản” ban hành kèm theo Quyết định số 4128/QĐ-BYT ngày 29/7/2016 của Bộ trưởng Bộ y tế.
  • Sunmedabon được chỉ định để chấm dứt thai kỳ trong buồng tử cung với tuổi thai đến hết tuần thứ 22.

Chống chỉ định tuyệt đối:

  • Dị ứng Mifepriston, Misoprostol hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Tiền sử dị ứng với prostaglandin.
  • Hẹp van hai lá, tiền sử tắc mạch, tắc mạch.
  • Hen suyễn nặng không kiểm soát được bằng điều trị.
  • Bệnh lý tuyến thượng thận.
  • Rối loạn chuyển hóa porphyrin di truyền.
  • Chưa khẳng định có thai qua khám lâm sàng, siêu âm hoặc xét nghiệm.
  • Rối loạn đông máu, đang sử dụng thuốc chống đông.
  • Thiếu máu (nặng và trung bình).
  • Chẩn đoán chắc chắn hoặc nghi ngờ thai ngoài tử cung, thai ở vết sẹo mổ cũ tử cung.
  • Nhau cài răng lược.

Chống chỉ định tương đối:

  • Điều trị corticoid toàn thân lâu ngày.
  • Tăng huyết áp.
  • Đang mắc viêm nhiễm đường sinh dục cấp tính, cần được điều trị.
  • Dị dạng sinh dục (trường hợp này chỉ được dùng thuốc tại tuyến trung ương).
  • Bệnh nhân có sẹo mổ cũ tử cung cần thận trọng: Giảm liều Misoprostol và tăng khoảng cách thời gian giữa những lần dùng thuốc (chỉ làm tại bệnh viện chuyên khoa phụ sản tuyến trung ương hoặc tuyến tỉnh).

Sunmedabon chống chỉ định trong trường hợp phụ nữ đã cắt bộ phận sinh dục trừ khi có bác sĩ được đào tạo khám và sàng lọc mọi bất thường về giải phẫu cản trở phá thai bằng thuốc.

Chưa có số liệu nhưng Sunmedabon chống chỉ định với nữ dưới 16 tuổi. Các trường hợp này có thể tiến hành hút thai chân không.

Khi có cấp cứu, việc tiếp cận dịch vụ y tế phù hợp là điều rất quan trọng, phương pháp này sẽ không được chỉ định nếu người dùng không tiếp cận được các cơ sở y tế có đủ phương tiện để tiến hành phá thai ngoại khoa trong trường hợp sảy thai không hoàn toàn hoặc truyền máu cấp cứu hay hồi sức ở giai đoạn từ lần đến khám đầu tiên cho đến khi hoàn tất quy trình chấm dứt thai nghén. Cả quá trình này phải do nhân viên y tế có chuyên môn thực hiện.

Bệnh nhân sẽ không được dùng thuốc Sunmedabon nếu họ không hiểu được các tác động của quá trình phá bằng thuốc hoặc không tuân thủ điều trị.

3. Cách dùng thuốc Sunmedabon

Sunmedabon chỉ được kê đơn bởi nhân viên y tế có chuyên môn, biết đánh giá tuổi thai và chẩn đoán sàng lọc thai ngoài tử cung. Nhân viên y tế có chuyên môn cũng phải có đủ năng lực để tiến hành các can thiệp ngoại khoa trong trường hợp sảy thai không hoàn toàn hoặc ra máu nhiều. Phải đảm bảo có nhân viên chăm sóc và bệnh nhân tiếp cận được cơ sở y tế có đủ điều kiện truyền máu, hồi sức. Bệnh nhân cần được tư vấn phá thai bằng thuốc bởi nhân viên y tế có chuyên môn trước khi tiến hành.

Các tư vấn cho bệnh nhân bao gồm:

  • Giới thiệu quy trình phá thai bằng thuốc: Cách uống thuốc và triệu chứng bình thường sau uống thuốc (ra huyết âm đạo, đau bụng). Cần phải khám lại sau dùng thuốc 1 đến 2 tuần.
  • Tư vấn bệnh nhân cách tự theo dõi và chăm sóc sau khi sử dụng thuốc phá thai. Đặc biệt chú ý các triệu chứng cần quay lại cơ sở y tế ngay.
  • Kê đơn thuốc giảm đau.
  • Cung cấp thông tin liên lạc trong tình huống cấp cứu.
  • Tư vấn về khả năng có thai trở lại sau phá thai bằng thuốc.
  • Giới thiệu các biện pháp tránh thai, giúp người dùng lựa chọn biện pháp phù hợp và hướng dẫn người dùng sử dụng chúng.
  • Phương pháp tránh thai nội tiết có thể bắt đầu ngay khi phá thai bằng thuốc. Vòng tránh thai có thể đặt khi chắc chắn bệnh nhân không còn mang thai nữa và không có chống chỉ định.

4. Quy trình thực hiện

Phá thai đến hết 9 tuần và từ tuần thứ 10 đến hết 12 tuần:

  • Thai đến hết 63 ngày:
    • Uống 200mg Mifepriston.
    • Sau khi dùng Mifepriston từ 24 đến 48 giờ ngậm dưới lưỡi hoặc ngậm bên má 800mcg Misoprostol tại cơ sở y tế hoặc tại nhà tuỳ theo tuổi thai và nguyện vọng của người dùng. Tuổi thai từ tuần thứ 8 đến hết 9 tuần nên dùng Misoprostol và theo dõi sảy thai ở cơ sở y tế.
    • Cán bộ y tế nên chọn thời điểm dùng Misoprostol để thuận lợi cho người dùng khi cần hỗ trợ.
  • Thai từ 64 đến hết 84 ngày.
    • Uống 200mg Mifepriston.
    • Sau khi dùng thuốc Mifepriston từ 24 - 48 giờ: Đặt túi cùng âm đạo 800mcg Misoprostol tại cơ sở y tế. Sau mỗi 3 giờ ngậm dưới lưỡi 400mcg Misoprostol, tối đa là 4 liều cho đến khi sảy thai hoàn toàn. Nếu sau 3 giờ khi dùng liều Misoprostol thứ 5 mà chưa sảy thai, uống tiếp 200mg Mifepriston, cho người dùng nghỉ 9-11 giờ, lặp lại các liều Misoprostol như trên cho đến khi sảy thai. Nếu sau 2 lần theo phác đồ trên vẫn không sảy thai thì chuyển sang phương pháp phá thai khác.
  • Theo dõi và chăm sóc người dùng:
    • Theo dõi trong các giờ đầu sau khi dùng thuốc Misoprostol: Dấu hiệu sinh tồn; Tình trạng ra máu âm đạo, đau bụng và các triệu chứng tác dụng phụ; cung cấp biện pháp tránh thai cho bệnh nhân hoặc tư vấn địa điểm cung cấp các biện pháp tránh thai.
  • Khám lại sau 2 tuần:
    • Sảy thai hoàn toàn: kết thúc điều trị.
    • Sảy thai không hoàn toàn hoặc còn sót: Dùng 400mcg Misoprostol ngậm dưới lưỡi hoặc dùng 600mcg Misoprostol đường uống, có thể dùng lặp lại. Một số trường hợp có thể hút buồng tử cung.
    • Thai tiếp tục phát triển có thể hút thai hoặc tiếp tục liệu trình phá thai bằng thuốc nếu người dùng mong muốn và trong giới hạn tuổi cho phép.

Ghi chú: Nếu máu ra nhiều (ướt đẫm 2 băng vệ sinh dày trong 1 giờ và kéo dài 2 giờ liên tiếp) phải khám lại ngay.

Phá thai từ tuần 13 đến hết tuần 22:

  • Tuổi thai từ 13 đến hết 18 tuần:
    • Uống 200mg Mifepriston (1 viên).
    • Sau 24 – 48 giờ đặt túi cùng âm đạo thuốc Misoprostol với liều 400mcg (2 viên). Sau mỗi 3 giờ, ngậm dưới lưỡi hoặc ngậm bên má 400mcg Misoprostol (2 viên) cho tới khi sảy thai.
    • Nếu sau 5 liều 400mcg Misoprostol sau mỗi 3 giờ ngậm dưới lưỡi hoặc ngậm bên má cho tới khi sảy thai. Nếu không sảy thai dùng tiếp Misoprostol ngày thứ 3 theo phác đồ trên, Sau 3 ngày không sảy thai thì dùng phương pháp khác.
  • Tuổi thai từ 19 đến 22 tuần:
    • Uống 200mg Mifepriston (1 viên).
    • Sau 24 - 48 giờ đặt túi cùng âm đạo 400mcg Misoprostol (2 viên). Sau mỗi 3 giờ, ngậm dưới lưỡi hoặc ngậm bên má 400mcg Misoprostol cho đến khi sảy thai. Nếu sau 5 liều Misoprostol mà không sảy thai thì ngày hôm sau dùng tiếp 5 liều 400mcg Misoprostol sau mỗi 3 giờ ngậm dưới lưỡi hoặc ngậm bên má cho tới khi sảy thai. Nếu không sảy thai thì áp dụng phương pháp khác.
  • Chăm sóc trong thủ thuật:
    • Theo dõi toàn trạng: huyết áp, mạch, nhiệt độ, tình trạng ra máu âm đạo và đau bụng (cơn co tử cung) cứ 3 giờ/lần, khi bắt đầu có cơn co tử cung mạnh cứ 1,5 giờ/lần.
    • Thăm âm đạo đánh giá cổ tử cung trước mỗi lần dùng thuốc.
    • Cho uống thuốc giảm đau đường uống, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch nếu cần thiết.
    • Sau khi sẩy thai và rau: có thể cho bệnh nhân dùng thuốc tăng co tử cung nếu cần. Chỉ định kiểm soát tử cung bằng dụng cụ (nếu cần) và cho bệnh nhân uống thuốc kháng sinh trước khi kiểm soát tử cung.
    • Nếu thai đã sổ rau thai còn nằm sót trong buồng tử cung, theo dõi thêm 1 giờ, nếu rau vẫn còn chưa sổ thì cho thêm 400mcg Misoprostol ngậm dưới lưỡi hoặc ngậm bên má giúp rau thai sổ. Nếu rau thai không sổ, lấy rau thai bằng dụng cụ.
    • Xử lý thai, nhau, chất thải và dụng cụ.
  • Theo dõi và chăm sóc:
    • Sau khi thai ra, theo dõi ra máu âm đạo, co tử cung ít nhất là 1 giờ/lần, cho đến khi ra viện.
    • Ra viện sau khi ra thai ít nhất 2 giờ, nếu sức khỏe của bệnh nhân ổn định với các dấu hiệu sống trở lại bình thường và ra máu âm đạo ở mức độ cho phép.
    • Kê đơn kháng sinh nếu cần.
    • Tư vấn bệnh nhân sau thủ thuật về biện pháp tránh thai phù hợp.
    • Hẹn khám lại sau 2 tuần.
    • Cung cấp biện pháp tránh thai hoặc giới thiệu địa điểm cung cấp biện pháp tránh thai.

Quá liều thuốc Sunmedabon và xử trí:

  • Hiện chưa có báo cáo về trường hợp quá liều thuốc Sunmedabon. Trong trường hợp dùng nhiều thuốc Sunmedabon do bất cẩn, có thể có dấu hiệu suy tuyến thượng thận. Các dấu hiệu ngộ độc cấp có thể cần được điều trị đặc biệt, bao gồm chỉ định dùng thuốc Dexamethason.

5. Các trường hợp thận trọng khi dùng thuốc Sunmedabon

Bệnh nhân có van tim nhân tạo hoặc đã từng bị viêm nội tâm mạc cần phải được dự phòng bằng thuốc.

Phương pháp điều trị này đòi hỏi sự tham gia chủ động của người phụ nữ và họ phải được thông báo về các yêu cầu của phương pháp này:

  • Sự cần thiết phải kết hợp dùng Misoprostol vào lần đến khám thứ 2.
  • Sự cần thiết phải đến khám lại (lần đến khám thứ 3) trong vòng từ 10-14 ngày sau khi dùng Mifepriston nhằm kiểm tra xem đã sảy thai hoàn toàn hay chưa.
  • Khả năng thất bại của phương pháp mà từ đó có thể cần tiến hành chấm dứt thai bằng phương pháp khác.

Trong trường hợp có thai khi đang dụng cụ tử cung, cần tháo dụng cụ tử cung trước khi dùng Mifepriston.

Thai có thể sảy trước khi dùng Misoprostol (khoảng từ 1 đến 2% tổng số ca). Trong các trường hợp đó người phụ nữ vẫn phải đến khám lại nhằm đảm bảo thai đã sảy hoàn toàn.

6. Các nguy cơ có liên quan đến phương pháp

Thất bại:

  • Nguy cơ thất bại là không thể phủ nhận, khoảng 4,6 - 6,1% tổng số các ca, càng làm cho lần đến khám lại trở thành bắt buộc để kiểm tra xem đã sảy thai hoàn toàn chưa.
  • Người dùng cần được thông báo rằng phương pháp ngoại khoa có thể áp dụng để hoàn tất phá thai, tuy nhiên khả năng này ít xảy ra.

Ra máu:

  • Người dùng cần được thông báo về việc có thể bị ra máu kép dài (trung bình khoảng 13 ngày sau khi dùng Mifepriston đến 3 tuần ở một số phụ nữ). Một vài trường hợp có thể ra máu nhiều cần đến hút buồng tử cung bằng phương pháp ngoại khoa. Hầu hết các ca thất bại cũng ra máu và đó không phải là bằng chứng của chấm dứt thai nghén hoàn toàn.
  • Lần khám lại phải được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày thứ 10 đến ngày 14 sau khi dùng Mifepriston, sử dụng các phương tiện phù hợp (khám lâm sàng, siêu âm hoặc xét nghiệm beta-hCG) để xác định xem thai đã sảy hoàn toàn chưa và đã hết ra máu hoặc giảm ra máu đáng kể chưa. Trong trường hợp vẫn còn ra máu (kể cả ra ít máu) trong lần đến khám lại, cần kiểm tra lại vài tuần sau đó. Nếu có nghi ngờ tiếp tục phát triển, cần tiến hành siêu âm thêm để đánh giá tình trạng thai.
  • Tiếp tục ra máu vào thời điểm này có thể báo hiệu sót thai hoặc có thai ngoài tử cung không được loại trừ, khi đó cần cân nhắc điều trị hoặc kiểm tra thêm.
  • Trong trường hợp đến khám lại phát hiện thấy thai tiếp tục phát triển, nên đề nghị với bệnh nhân tiến hành chấm dứt thai nghén bằng phương pháp khác.
  • Vì vẫn có từ 0,2 đến 1,8% tổng số ca phá thai bằng thuốc bị ra máu nhiều cần nạo cầm máu, cần hết sức thận trọng với người dùng có bất thường về máu như có rối loạn đông máu hoặc thiếu máu.

Nhiễm khuẩn:

  • Đường sinh dục dễ bị nhiễm khuẩn ngược lên khi cổ tử cung bị mở ra sau khi sảy thai hoặc sinh con. Có rất ít số liệu về viêm nhiễm tiểu khung có dấu hiệu lâm sàng đặc thù sau khi phá thai bằng thuốc, tuy nhiên tai biến này hiếm khi xảy ra. Nhiều triệu chứng viêm tiểu khung đều không đặc hiệu và vì thế khó chẩn đoán chính xác. Phụ nữ có dấu hiệu lâm sàng như đau khung chậu, đau vùng bụng hoặc phần phụ, tiết dịch âm đạo bất thường hoặc sốt cần được điều trị bằng kháng sinh phổ rộng.
  • Rất hiếm ca nhiễm khuẩn kỵ khí sau khi phá thai bằng thuốc mà không sốt. Với các ca đã được báo cáo, bệnh nhân chỉ sốt nhẹ hoặc không sốt, buồn nôn hoặc không, yếu mệt, đau bụng; tình trạng xấu nhanh trong vòng vài giờ hoặc vài ngày; mạch nhanh và hạ huyết áp; ra máu nhiều; tăng tốc độ lắng máu và bạch cầu. Những bệnh nhân này bị sốc do nhiễm độc có liên quan đến Clostridium sordellii.

Các nguy cơ khác:

  • Các triệu chứng liên quan đến thai nghén như buồn nôn và nôn có thể tăng sau khi dùng Misoprostol, nhưng các triệu chứng này sẽ giảm và biến mất trong quá trình sảy thai. Đau bụng dưới và đau quặn là các triệu chứng phổ biến và có liên quan đến tác dụng của Misoprostol và quá trình sảy thai. Nếu sau khi sảy thai mà vẫn tiếp tục đau, cần đánh giá nguyên nhân gây đau. Tiêu chảy là tác dụng phụ phổ biến liên quan đến sử dụng Misoprostol và thông thường không cần điều trị. Một số bệnh nhân bị rét run hoặc tăng thân nhiệt sau khi dùng Misoprostol.
  • Các nguy cơ khác khi sử dụng thuốc Sunmedabon tương tự như nguy cơ của thủ thuật phá thai ngoại khoa.
  • Liên quan đến xác định yếu tố Rh và phòng tránh miễn dịch đồng loài với yếu tố Rh, cần áp dụng các biện pháp chung khi sử dụng Mifepriston trong chấm dứt thai nghén.
  • Mọi nhiễm khuẩn đường sinh sản phải được điều trị trước khi chỉ định phá thai bằng thuốc Sunmedabon.
  • Trong khi thử nghiệm lâm sàng, vẫn có các trường hợp có thai lại sau khi phá thai và trước khi có kinh trở lại. Để tránh khả năng có thai lại, sau khi sử dụng Mifepriston, khuyến cáo tránh thai ngay sau khi sảy thai. Vì vậy cần bắt đầu sử dụng một biện pháp tránh thai đáng tin cậy sau khi sử dụng Misoprostol.

7. Thận trọng khi sử dụng thuốc

  • Trong trường hợp nghi ngờ suy thận cấp, nên chỉ định dùng Dexamethason, 1mg Dexamethason trung hoà 1 liều 400mg Mifepriston.
  • Về mặt lý thuyết, hiệu quả của phương pháp có thể bị giảm do tính kháng prostaglandin của các loại thuốc kháng viêm không steroid, bao gồm cả Aspirin. Có rất ít bằng chứng chỉ ra rằng sử dụng đồng thời thuốc kháng viêm không steroid và prostaglandin sẽ không ảnh hưởng đến tác dụng của Mifepriston hoặc prostaglandin trong việc làm mềm cổ tử cung hoặc gây cơn gò tử cung và không giảm hiệu quả lâm sàng của phương pháp phá thai bằng thuốc.
  • Mặc dù hiếm nhưng vẫn có báo cáo về tác động tới tim mạch sau khi dùng prostaglandin tiêm bắp. Vì lý do này, bệnh nhân có yếu tố nguy cơ tim mạch hoặc có bệnh lý tim mạch cần được thận trọng khi chỉ định phá thai bằng thuốc Sunmedabon.
  • Khi cho bệnh nhân ra viện, phải cung cấp đầy đủ thuốc cần thiết và tư vấn đầy đủ về các dấu hiệu có thể gặp và có thể tiếp cận được cơ sở y tế bằng điện thoại hoặc tự đến.
  • Hiện không có dữ liệu lâm sàng đầy đủ chứng minh khả năng gây dị tật thai nhi khi dùng Misoprostol đường âm đạo hoặc ngậm dưới lưỡi trong khi mang thai. Tuy nhiên trong một số ca tự dùng Misoprostol để tự phá thai, các tác dụng có hại của Misoprostol được ghi nhận bao gồm: dị tật chân tay, dị tật thần kinh sọ (bất thường khi bú, nuốt và cử động mắt). Cho đến nay, nguy cơ gây dị tật chưa bị loại trừ.
  • Mifepriston về lý thuyết có thể bài tiết vào sữa mẹ. Không nên sử dụng thuốc Sunmedabon ở phụ nữ đang cho con bú.

8. Tác dụng không mong muốn của thuốc Sunmedabon

Tiết niệu – sinh dục:

  • Ra máu: Ra máu lượng nhiều xảy ra trong khoảng 5% số ca và có thể cần nạo cầm máu và truyền máu trong khoảng 1,8% số trường hợp.
  • Co tử cung và đau quặn phổ biến với 70-80% trường hợp dùng thuốc, thường trong vòng vài giờ sau khi dùng Misoprostol.
  • Trong khi phá thai 3 tháng giữa hoặc tạo chuyển dạ để đẩy thai chết trong buồng tử cung ở 3 tháng cuối, vỡ tử cung không phải là phổ biến sau khi dùng prostaglandin nhưng đặc biệt xảy ra ở phụ nữ sinh nhiều lần hoặc phụ nữ có sẹo mổ đẻ cũ.
  • Nhiễm khuẩn sau phá thai: nghi ngờ hoặc đã khẳng định nhiễm khuẩn (viêm nội tâm mạc, viêm tiểu khung) đã được báo cáo dưới 1% tổng số phụ nữ sử dụng thuốc Sunmedabon.
  • Rất ít ca bị sốc đã được báo cáo do nhiễm độc bởi viêm nội mạc do Clostridium sordellii, mà không có sốt hoặc không có triệu chứng nhiễm khuẩn rõ ràng khác.

Tiêu hoá:

  • Có thể gặp đau quặn, đau nhẹ hoặc đau vừa (phổ biến). Buồn nôn, nôn, tiêu chảy.

Quá mẫn và các phản ứng trên da:

  • Ít khi gặp hiện tượng ngứa ở da, một vài trường hợp có nổi mề đay, đỏ ở da, viêm da biểu bì, ban đỏ.

Triệu chứng khác:

  • Hạ huyết áp; hiếm gặp đau đầu, khó chịu, triệu chứng của thần kinh phế vị, sốt.

9. Tương tác thuốc

Chưa có nghiên cứu được thực hiện về sự tương tác với một lần dùng thuốc duy nhất. Trên cơ sở chuyển hoá của Mifepriston bởi CYP3A4, có thể các thuốc như Ketoconazol, Itraconazol, Erythromycin và nước ép bưởi sẽ ức chế chuyển hoá Mifepriston, làm tăng nồng độ Mifepriston trong huyết thanh. Rifampicin, Dexamethason và một số thuốc chống co giật (Phenytoin, Phenobarbital, Carbamazepin) có thể làm tăng chuyển hoá Mifepriston, làm giảm nồng độ Mifepriston trong huyết thanh.

Dựa vào kết quả thí nghiệm trong ống nghiệm về sự ức chế, khi sử dụng đồng thời với Mifepriston có thể làm tăng nồng độ trong huyết thanh ở các thuốc có nguồn gốc CYP3A4. Do cơ thể thải loại Mifepriston chậm, sự tương tác này có thể tồn tại một thời gian dài sau khi sử dụng. Cần thận trọng khi sử dụng Mifepriston với các thuốc có nguồn gốc CYP3A4 và khoảng điều trị hẹp, kể cả một số chất sử dụng trong gây mê toàn thân.

Trên đây là thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Sunmedabon. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Sunmedabon theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan