Công dụng thuốc Supirocin

Thuốc Supirocin có hoạt chất chính là Mupirocin, một loại kháng sinh dùng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn da và dự phòng nhiễm khuẩn ở vị trí rút ống catheter hoặc sau phẫu thuật da. Cơ chế tác dụng của mupirocin là gắn kết đặc hiệu với enzym isoleucyl transfer-RNA synthetase của vi khuẩn, từ đó làm ngưng tổng hợp protein và ức chế tổng hợp RNA.

1. Công dụng thuốc Supirocin

Supirocin có thành phần hoạt chất là Mupirocin, một loại kháng sinh dùng để điều trị tại chỗ các bệnh nhiễm khuẩn da và dự phòng nhiễm khuẩn vị trí rút ống catheter hoặc sau phẫu thuật da. Mupirocin là một kháng sinh được sản xuất bởi Pseudomonas fluorescens và có cấu trúc khác biệt với các kháng sinh khác. Cơ chế tác dụng của Mupirocin là gắn kết đặc hiệu và đảo ngược được với enzym isoleucyl transfer-RNA synthetase của vi khuẩn, từ đó làm ngưng tổng hợp protein và ức chế tổng hợp RNA. Nhờ cơ chế tác dụng này, tốc độ xuất hiện tụ cầu kháng Mupirocin trong các nghiên cứu in vitro là thấp, và không xảy ra tình trạng đề kháng chéo với các kháng sinh dùng ngoài da khác.

Mupirocin dùng tại chỗ có sinh khả dụng rất thấp (khoảng 0.24%). Tính thấm của Mupirocin tăng lên khi vết thương được băng kín hoặc khi bôi thuốc vào vùng da bị thương tổn. Mupirocin bị chuyển hóa chậm ở da thành axit monic, một chất chuyển hóa có không hoạt tính. Chỉ một lượng rất nhỏ thuốc Mupirocin được hấp thu, chuyển hóa và thải trừ chính qua thận. Thuốc Supirocin có thể được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Dùng tại chỗ để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn da nguyên phát và thứ phát gây ra bởi các vi khuẩn nhạy cảm như: Chốc lở, vết bỏng, vết thương nhiễm khuẩn thứ phát, viêm mô tế bào, loét chân mãn tính,...
  • Dự phòng nhiễm khuẩn tại vị trí rút catheter và dự phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật da.

2. Cách dùng của Supirocin 5g

Thuốc thuốc Supirocin 5g là dạng thuốc mỡ bôi ngoài da. Liều dùng cụ thể như sau:

Người lớn

Liều khuyến cáo là bôi một lớp mỏng vừa đủ thuốc mỡ Supirocin 5g lên các vùng da bị tổn thương 2 - 3 lần mỗi ngày, từ 5 đến 10 ngày đối với bệnh nhân bị nhiễm khuẩn da nguyên phát và thứ phát. Bệnh nhân có thể băng vùng bôi thuốc bằng gạc nếu cần thiết. Lưu ý chỉ dùng Supirocin để điều trị các vết thương có chiều dài dưới hoặc bằng 10cm hay có diện tích dưới hoặc bằng 100cm2. Nếu bệnh nhân không thấy thuốc có tác dụng sau 3 - 5 ngày điều trị thì nên ngưng sử dụng và đi khám lại. Bệnh nhân bị nhiễm khuẩn nặng hơn có thể cần thời gian lâu hơn. Đặc biệt nếu có dấu hiệu nhiễm khuẩn toàn thân, bệnh nhân cần dùng các kháng sinh tiêm hoặc uống để cho tác dụng toàn thân.

Trẻ em

Các dữ liệu hiện có cho thấy thuốc mỡ Mupirocin là an toàn và hiệu quả khi dùng ngoài da cho trẻ từ 2 tháng đến 16 tuổi. Tính an toàn và hiệu quả của thuốc mỡ Mupirocin cho trẻ dưới 2 tháng tuổi chưa được thiết lập do đó không nên dùng thuốc cho đối tượng này. Trong trường hợp bị chốc lở, có thể bôi một lượng nhỏ Mupirocin lên vùng da bị bệnh 3 lần mỗi ngày. Nếu không thấy cải thiện sau 3 - 5 ngày điều trị nên ngưng thuốc và đi khám lại. Cách bôi thuốc cho trẻ em tương tự như ở người lớn, nhưng tốt nhất là chỉ lấy một lượng vừa phải, ít thuốc hơn và khoảng cách giữa các lần bôi dài hơn so với người lớn.

3. Làm gì khi dùng quá liều thuốc Supirocin?

Các dữ liệu hiện tại cho thấy truyền tĩnh mạch 252 mg Mupirocin hay uống 1 liều 500mg Mupirocin đều được dung nạp tốt ở người lớn tình nguyện khỏe mạnh. Chưa có nhiều dữ liệu về việc dùng thuốc mỡ Mupirocin. Hiện chưa có báo cáo về việc dùng quá liều thuốc mỡ Mupirocin. Do Mupirocin hấp thu rất ít qua da nên quá liều thuốc hầu như rất hiếm xảy ra.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Supirocin là gì?

Thường gặp, ADR >1/ 100

Bệnh nhân có thể có cảm giác bỏng rát, ngứa, đau hoặc cảm thấy như bị kim châm tại vị trí bôi thuốc

Ít gặp, hiếm gặp, ADR < 1/ 100:

  • Tại chỗ: Nổi ban, khô da, sưng tấy, da dễ nhạy cảm, viêm da tiếp xúc, tăng rỉ dịch.
  • Toàn thân: Nôn, buồn nôn

Hướng dẫn cách xử trí ADR

Khi gặp tác dụng phụ của thuốc Supirocin, bệnh nhân cần ngưng sử dụng thuốc và thông báo cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí.

5. Lưu ý khi sử dụng Supirocin

  • Thuốc Supirocin chống chỉ định trong khi bệnh nhân có tiền sử đã biết hoặc nghi ngờ quá mẫn với Mupirocin hay bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Thuốc mỡ Supirocin chứa polyethylene glycol nên không dùng cho các vùng da hay niêm mạc bị rách, các vết thương hở rộng và vết bỏng vì polyethylene glycol có thể được hấp thu, sau đó bài tiết qua thận. Không nên dùng Supirocin cho các trường hợp có thể gây hấp thụ một lượng lớn polyethylene glycol, đặc biệt là bệnh nhân suy thận vừa hoặc nặng
  • Không dùng thuốc để tra mắt, uống hay bôi trong âm đạo.
  • Lưu ý đây là thuốc dùng ngoài, nên tránh bôi lượng thuốc lớn và trên diện tích quá lớn. Bệnh nhân cần thận trọng khi dùng cho các trường hợp làm tăng hấp thu thuốc chẳng hạn như bôi lượng lớn thuốc, bôi kéo dài, bôi lên da bị thương tổn và băng kín vùng bôi.
  • Dùng thuốc kéo dài có thể làm phát triển các vi sinh vật đề kháng với thuốc.
  • Khả năng lái xe và vận hành máy móc: Thuốc không có tác dụng phụ nào trên khả năng lái xe hay vận hành máy.
  • Thời kỳ mang thai: Các nghiên cứu trên động vật không phải lúc nào cũng có thể dự đoán được các đáp ứng của thuốc trên người. Do đó chỉ dùng thuốc cho phụ nữ mang thai trong trường hợp thật sự cần thiết.
  • Thời kỳ cho con bú: Chưa biết thuốc mỡ Supirocin có bài tiết qua sữa mẹ không. Cần thận trọng khi dùng Mupirocin ở phụ nữ cho con bú.
  • Tương tác thuốc: Tương tác do việc dùng đồng thời thuốc mỡ Mupirocin và các thuốc toàn thân hay tại chỗ khác chưa được nghiên cứu nhiều. Tuy nhiên, vì Mupirocin rất ít hấp thu qua da, tương tác thuốc với các thuốc dùng toàn thân hầu như không có khả năng xảy ra.

Tóm lại, Supirocin là thuốc mỡ dùng để điều trị hoặc dự phòng nhiễm khuẩn da do các vi khuẩn nhạy cảm gây ra. Cũng giống như các kháng sinh khác, việc lạm dụng thuốc có thể làm gia tăng tình trạng đề kháng kháng sinh. Do đó bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc mà nên tham khảo ý kiến chuyên viên y tế trước khi dùng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

32.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan