Công dụng thuốc Tamidan

Thuốc Tamidan thuộc nhóm thuốc nội tiết có thành phần chính là levothyroxine có tác dụng phòng và điều trị các triệu chứng suy giáp. Thuốc được bào chế ở dạng viên nén với hàm lượng 100 mcg. Vậy thực sự thuốc Tamidan chữa bệnh gì?

1. Thuốc Tamidan là thuốc gì?

Thuốc Tamidan có thành phần chính Levothyroxine là hormon tuyến giáp thường được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Điều trị bổ sung hoặc thay thế cho các bệnh nhân mắc hội chứng suy giáp do bất cứ nguyên nhân nào ở tất cả các lứa tuổi (kể cả phụ nữ mang thai) chỉ trừ suy giáp nhất thời trong thời kỳ hồi phục viêm giáp bán cấp.
  • Ức chế tiết thyrotropin (TSH): Tác dụng này có thể có ích trong bướu cổ đơn thuần và trong bệnh viêm giáp mạn tính Hashimoto, làm giảm kích thước bướu.
  • Phối hợp với các thuốc kháng giáp trong nhiễm độc giáp để ngăn chặn bướu giáp và suy giáp

Các chống chỉ định của thuốc Tamidan gồm có:

  • Nhiễm độc do tuyến giáp chưa được điều trị và nhồi máu cơ tim cấp
  • Suy thượng thận chưa được điều chỉnh vì làm tăng nhu cầu hormon thượng thận ở các mô và có thể gây ra suy thượng thận cấp

2. Liều sử dụng của thuốc Tamidan

Tuỳ thuộc vào độ tuổi, sự hiện diện của bệnh, tác dụng thuốc và nồng độ trong máu của hormon tuyến giáp mà liều bắt đầu và thay đổi của Tamidan sẽ khác nhau. Có thể mất 1-3 tuần sau khi bắt đầu điều trị với levothyroxine hoặc thay đổi liều thì hiệu quả của việc điều trị mới có thể nhận thấy được. Liều sử dụng của thuốc Tamidan cụ thể như sau:

  • Người lớn: 12,5-125 mcg/ngày (uống)
  • Chưa có chỉ định sử dụng Tamidan ở trẻ em

Khi quá liều thuốc Tamidan có thể gây ra các triệu chứng tăng chuyển hoá như nhiễm độc giáp nội sinh:

  • Giảm cân, tăng thèm ăn
  • Bồn chồn, đánh trống ngực
  • Tiêu chảy, co cứng bụng
  • Vã mồ hôi, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp
  • Loạn nhịp, giật rung
  • Mất ngủ, sợ nóng
  • Sốt, rối loạn kinh nguyệt

Cách xử trí khi quá liều là giảm hoặc ngưng tạm thời thuốc Tamidan nếu dấu hiệu và triệu chứng quá liều xuất hiện. Có thể rửa dạ dày ngay hoặc gây nôn nếu không có chống chỉ định khác. Cholestyramin hoặc than hoạt tính cũng được dùng để giảm hấp thu levothyroxin. Dùng các chất chẹn beta- adrenergic như propranolol để chống nhiều tác dụng tăng hoạt động giao cảm. Có thể dùng các glycosid trợ tim nếu suy tim sung huyết xuất hiện.

3. Tác dụng phụ của thuốc Tamidan

Ở một số bệnh nhân khi sử dụng thuốc Tamidan có thể gặp các tác dụng phụ như:

  • Giảm cân
  • Run rẩy, đau đầu
  • Buồn nôn, nôn, tiêu chảy
  • Co thắt dạ dày
  • Căng thẳng, cáu gắt, mất ngủ
  • Tăng sự thèm ăn, sốt
  • Thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt
  • Nhạy cảm với nhiệt
  • Rụng tóc tạm thời

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Tamidan

Một số lưu ý chung khi sử dụng thuốc Tamidan gồm có:

  • Cần rất thận trọng khi sử dụng Tamidan với bệnh nhân tim mạch và tăng huyết áp, khi có đau ngực hoặc tăng nặng các bệnh tim cần phải giảm liều ngay
  • Bệnh nhân đái tháo đường, đái tháo nhạt hoặc suy thượng thận khi điều trị levothyroxin sẽ làm tăng thêm các triệu chứng bệnh. Cần điều chỉnh liệu pháp điều trị khi người bệnh mắc các bệnh nội tiết song hành này.
  • Ở trẻ em khi dùng quá liều Tamidan có thể gây liền sớm khớp sọ
  • Nếu dùng phối hợp thuốc chống đông máu uống cần kiểm tra thường xuyên thời gian prothrombin để xác định có cần điều chỉnh liều lượng hay không
  • Hormon tuyến giáp không dễ qua được hàng rào nhau thai nên chưa thấy tác dụng đến bào thai khi người mẹ mang thai dùng hormon giáp.
  • Một lượng nhỏ hormone giáp được bài tiết qua sữa tuy không gây hại đến trẻ nhỏ và không gây khối u nhưng cần thận trọng khi dùng Tamidan trên đối tượng này

5. Các tương tác thuốc của thuốc Tamidan

Một số tương tác thuốc có thể xảy ra đối với sử dụng thuốc Tamidan gồm:

  • Tác dụng của thuốc chống đông, coumarin hoặc dẫn xuất indandion có thể bị ảnh hưởng tuỳ thuộc vào trạng thái tuyến giáp của người bệnh. Khi tăng liều hormon tuyến giáp có thể cần phải giảm liều thuốc chống đông, điều chỉnh liều thuốc chống đông dựa vào thời gian prothrombin.
  • Hormon tuyến giáp có thể làm tăng nhu cầu insulin hoặc thuốc chống đái tháo đường nên cần theo dõi cẩn thận việc kiểm soát đường huyết khi bắt đầu hoặc thay đổi ngừng điều trị tuyến giáp .
  • Tác nhân chẹn beta- adrenergic có thể bị giảm tác dụng khi người bệnh suy giáp trở lại bình thường..
  • Các cytokin (interferon, interleukin): có thể gây cả chứng suy giáp và cường giáp.
  • Tác dụng của các glycosid trợ tim có thể bị giảm, nồng độ digitalis trong huyết thanh có thể bị giảm ở người cường giáp hoặc ở người bị suy giáp trở lại bình thường.
  • Khi dùng đồng thời Tamidan với ketamin có thể gây tăng huyết áp và nhịp nhanh.
  • Dùng đồng thời Somatrem/Somatropin với hormon tuyến giáp có thể làm cốt hoá nhanh đầu xương.
  • Sự thanh thải của theophylin giảm ở người suy giáp và trở lại bình thường khi tuyến giáp trở lại bình thường.
  • Phối hợp Tamidan với thuốc chống trầm cảm 3 vòng có thể làm tăng tác dụng và độc tính của cả hai thuốc, có thể do tăng nhạy cảm với catecholamin.
  • Dùng đồng thời Tamidan với thuốc giống thần kinh giao cảm có thể làm tăng nguy cơ suy mạch vành ở người bị bệnh mạch vành.

Những thông tin về thuốc Tamidan hy vọng sẽ giúp người dùng hiểu thêm về cách dùng cũng như lưu ý khi sử dụng để đạt được hiệu quả tốt nhất trong vấn đề điều trị bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

335 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan