Công dụng thuốc Tanaclaratyne

Thuốc Tanaclaratyne được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Loratadin. Thuốc được sử dụng trong điều trị viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, ngứa, nổi mày đay,...

1. Thuốc Tanaclaratyne có tác dụng gì?

Thuốc Tanaclaratyne là gì? 1 viên thuốc Tanaclaratyne có chứa 10mg Loratadin và các tá dược khác. Loratadin là dẫn chất piperidin liên quan tới azatadin, là thuốc kháng histamin có tác dụng kéo dài. Loratadin còn có tác dụng chống ngứa, chống nổi mày đay liên quan tới histamin. Tuy nhiên, Loratadin không có tác dụng bảo vệ, trợ giúp lâm sàng đối với những trường hợp giải phóng histamin nặng như choáng phản vệ. Trong trường hợp đó, việc điều trị chủ yếu là sử dụng adrenalin và corticosteroid. Các thuốc kháng histamin không sử dụng trong điều trị hen. Thuốc cũng không có tác dụng điều trị nguyên nhân mà chỉ giúp làm giảm nhẹ triệu chứng bệnh.

Chỉ định sử dụng thuốc Tanaclaratyne:

  • Điều trị viêm mũi dị ứng;
  • Điều trị viêm kết mạc dị ứng;
  • Điều trị ngứa da, nổi mày đay liên quan tới histamin.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Tanaclaratyne:

  • Bệnh nhân quá mẫn cảm với Loratadin hoặc thành phần khác của thuốc.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Tanaclaratyne

Cách dùng: Đường uống. Uống thuốc Tanaclaratyne không phụ thuộc vào bữa ăn.

Liều dùng:

  • Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên: Dùng liều 1 viên/lần/ngày;
  • Trẻ em 2 - 12 tuổi: Dùng thuốc tùy theo trọng lượng cơ thể:
    • Trên 30kg: Dùng liều 1 viên/lần/ngày;
    • Dưới 30kg: Không dùng dạng viên nén Tanaclaratyne;
  • Trẻ em dưới 2 tuổi: Chưa xác định được hiệu quả và độ an toàn khi sử dụng thuốc;
  • Bệnh nhân suy gan nặng: Khởi đầu với liều 1 viên, 2 ngày/lần cho người lớn và trẻ em trọng lượng trên 30kg;
  • Bệnh nhân suy thận nhẹ và người lớn tuổi: Không cần điều chỉnh liều dùng thuốc;
  • Bệnh nhân suy thận nặng (Clcr dưới 30ml/phút): Dùng liều 1 viên, 2 ngày/lần cho người lớn và trẻ em trên 6 tuổi. Trẻ em từ 2 - 5 tuổi không dùng dạng viên nén Tanaclaratyne.

Quá liều: Ở người lớn, khi sử dụng Loratadin quá liều (40 - 180mg) thì sẽ có những biểu hiện như buồn ngủ, nhức đầu, nhịp tim nhanh. Trẻ em dùng thuốc quá liều (vượt 10mg) có biểu hiện ngoại tháp và đánh trống ngực. Xử trí gồm điều trị triệu chứng và hỗ trợ chức năng sống cho bệnh nhân. Có thể sử dụng than hoạt (dạng hỗn dịch) hoặc rửa dạ dày. Đồng thời, người bệnh cần được nghỉ ngơi nhiều hơn, theo dõi y tế chặt chẽ.

Quên liều: Khi quên 1 liều thuốc Tanaclaratyne, người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ để nhận được lời khuyên chính xác. Bệnh nhân không được tự ý uống thêm liều, bù liều để tránh nguy cơ gặp tình trạng quá liều.

3. Tác dụng phụ của thuốc Tanaclaratyne

Khi sử dụng thuốc Tanaclaratyne với liều trên 10mg/ngày, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ sau:

  • Thường gặp: Đau đầu, khô miệng;
  • Ít gặp: Chóng mặt, khô mũi, hắt hơi, viêm kết mạc;
  • Hiếm gặp: Trầm cảm, đánh trống ngực, tim đập nhanh, loạn nhịp nhanh trên thất, buồn nôn, kinh nguyệt không đều, chức năng gan bất thường.

Cách xử trí là nên sử dụng Loratadin với liều thấp nhất có hiệu quả. Đồng thời, nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào liên quan tới thuốc Tanaclaratyne, người bệnh nên thông báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn về cách xử trí, ứng phó thích hợp nhất.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Tanaclaratyne

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Tanaclaratyne:

  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Tanaclaratyne ở bệnh nhân suy gan;
  • Khi dùng Loratadin, người bệnh có nguy cơ bị khô miệng, tăng nguy cơ sâu răng, đặc biệt là ở người cao tuổi. Do đó, nên vệ sinh răng miệng sạch sẽ khi sử dụng thuốc Loratadin;
  • Người bệnh mắc các rối loạn di truyền về dung nạp galactose, rối loạn hấp thu glucose - galactose hoặc thiếu hụt lactase Lapp không nên sử dụng thuốc Tanaclaratyne;
  • Chưa có đầy đủ các nghiên cứu cần thiết về việc sử dụng thuốc Loratadin trong thai kỳ. Do vậy, bà mẹ mang thai chỉ dùng thuốc này khi thực sự cần thiết, sử dụng với liều thấp và trong thời gian ngắn nhất;
  • Loratadin và chất chuyển hóa descarboethoxyloratadin có thể tiết vào sữa mẹ. Do đó, bà mẹ đang cho con bú chỉ dùng thuốc này khi thực sự cần thiết, sử dụng với liều thấp và trong thời gian ngắn nhất;
  • Thuốc Tanaclaratyne có thể gây chóng mặt nên cần thận trọng đối với người lái xe, vận hành máy móc.

5. Tương tác thuốc Tanaclaratyne

Một số tương tác thuốc của Tanaclaratyne gồm:

  • Loratadin được chuyển hóa bởi cytochrome P450 isoenzyme CYP3A4 và CYP2D6. Vì vậy, sử dụng đồng thời Tanaclaratyne với các thuốc ức chế hoặc bị chuyển hóa bởi những enzyme này có thể dẫn tới thay đổi nồng độ của thuốc trong huyết tương, tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Các thuốc có ức chế enzyme trên gồm: Erythromycin, cimetidin, quinidin, ketoconazol, fluconazol và fluoxetin;
  • Sử dụng đồng thời Loratadin và cimetidin làm tăng 60% nồng độ Loratadin trong huyết tương, do cimetidin ức chế chuyển hóa của Loratadin. Điều này không gây ra triệu chứng lâm sàng;
  • Sử dụng đồng thời Loratadin và ketoconazol làm gia tăng nồng độ Loratadin trong huyết tương gấp 3 lần (do ức chế CYP3A4). Điều này không gây ra triệu chứng lâm sàng vì Loratadin có chỉ số điều trị rộng;
  • Sử dụng đồng thời Loratadin và erythromycin dẫn tới làm tăng nồng độ Loratadin trong huyết tương.

Khi được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc Tanaclaratyne, điều quan trọng là bệnh nhân cần tuân thủ đúng hướng dẫn về cách dùng, liều dùng cũng như thời gian dùng thuốc. Đây là yêu cầu tiên quyết để đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh cao nhất, hạn chế được các tác dụng phụ nguy hiểm.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

329 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan