Công dụng thuốc Tobrabac

Tobrabac thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus và kháng nấm. Thuốc được chỉ định điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuân thủ chỉ định, liều dùng thuốc Tobrabac sẽ giúp người bệnh nâng cao hiệu quả điều trị và tránh được những tác dụng phụ không mong muốn.

1. Tobrabac là thuốc gì?

Thuốc Tobrabac chứa thành phần chính Tobramycin hàm lượng 3mg trong thể tích 3ml và các tá dược khác vừa đủ do nhà sản xuất cung cấp.

Thuốc được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau như:

  • Thuốc tiêm với nhiều hàm lượng như 20mg/ 2 ml, 25mg/ 2,5 ml, 60mg/ 6 ml, 80mg/ 8ml, 100mg/ 2 ml, 240mg/ 6 ml, 1,2g/ 30ml...
  • Dịch truyền 60mg/ 50ml, 80mg/ 100ml.
  • Bột pha tiêm, dung dịch phun sương.
  • Dung dịch tobramycin nhỏ mắt 0,3%; Mỡ tra mắt 0,3%.

Hoạt chất Tobramycin là 1 thành phần thuộc nhóm Aminoglycosid có tác dụng diệt khuẩn. Hoạt chất này có tác dụng với nhiều loại vi khuẩn gram âm và một số vi khuẩn gram dương, cụ thể:

  • Vi khuẩn hiếu khí gram dương: Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus).
  • Vi khuẩn hiếu khí gram âm: Sp.Enterobacter, sp.Escherichia, Coli Klebsiella, sp. Morganella, trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas Aeruginosa), Proteus, Mirabilis Proteus, Vulgaris Providencia, sp.Serratia và Citrobacter.

Tobramycin không có tác dụng kháng nấm với chủng Chlamydia, nấm, virus và đa số các vi khuẩn yếm khí.

Cơ chế tác dụng của thuốc chưa được xác định rõ ràng, nhưng một số giả thuyết cho rằng thuốc ức chế sự tổng hợp protein ở các vi khuẩn không đề kháng với thuốc bằng cách gắn kết không thuận nghịch với các tiểu đơn vị 30s của Ribosom.

2. Thuốc Tobrabac có tác dụng gì?

Thuốc Tobrabac được chỉ định điều trị trong các trường hợp dưới đây:

  • Điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn đường tiết niệu, hệ tuần hoàn và máu (nhiễm trùng máu), xương, da và các mô mềm, bộ máy tiêu hóa, hệ thần kinh trung ương (như viêm màng não) và đường hô hấp dưới gây ra bởi các vi khuẩn nhạy cảm.
  • Được lựa chọn vào hàng thứ 2 trong điều trị các trường hợp nhiễm E.coli và Staphylococcus.
  • Dạng thuốc nhỏ mắt (nước hay mỡ tra mắt 0,3%): Dùng điều trị trong các trường hợp bệnh nhiễm trùng mắt do các chủng vi khuẩn nhạy cảm với thuốc Tobrabac gây ra như viêm kết mạc, viêm giác mạc, viêm túi lệ, viêm mí mắt, đau mắt hột và lẹo mặt...

Ngoài ra, thuốc Tobrabac chống chỉ định trong các trường hợp:

  • Người bệnh dị ứng với hoạt chất Tobramycin, các thành phần tá dược khác có trong thuốc hay với nhóm Aminoglycosides.
  • Người bệnh đang có thai hay nuôi con bằng sữa mẹ.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Tobrabac

Thuốc nhỏ mắt:

  • Rửa sạch tay và mắt trước khi dùng thuốc.
  • Cần hạn chế tối đa tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm bẩn thuốc, độ an toàn cũng như đảm bảo sự hiệu quả của thuốc tốt nhất trong khoảng 15 ngày kể từ khi mở nắp. Vì vậy, người bệnh không nên dùng lọ thuốc khi đã mở nắp quá 15 ngày. Hoặc khi phát hiện các dấu hiệu kém chất lượng của thuốc như thay đổi màu sắc, mùi vị hoặc trở nên vẩn đục. Cần thiết có thể thay bằng một lọ thuốc mới nếu quá ngày mở nắp hoặc thuốc có sự thay đổi.
  • Đậy kín nắp thuốc sau khi dùng.
  • Tránh tình trạng ngừng thuốc đột ngột, ngay cả khi đã khỏi bệnh vẫn nên dùng đúng liệu trình của bác sĩ hướng dẫn để hạn chế tình trạng đề kháng thuốc có thể xảy ra.
  • Trong trường hợp người bệnh đang điều trị đồng thời cùng với thuốc nhỏ mắt khác, nên dùng cách xa với thuốc nhỏ mắt khác trong thời gian ít nhất từ 5 đến 10 phút.
  • Tránh dùng chung một lọ thuốc này cho nhiều người để tránh lây nhiễm.
  • Liều dùng thông thường: Trường hợp nhiễm khuẩn nhẹ và trung bình: Dùng với liều từ 1 - 2 giọt mỗi bên mắt, mỗi ngày dùng khoảng 3 - 4 lần. Trường hợp nhiễm khuẩn nặng: Dùng với liều 1 - 2 giọt vào mỗi mắt, cứ mỗi giờ dùng 1 lần cho đến các triệu chứng được cải thiện, sau đó giảm dần số lần dùng thuốc trong ngày. Thời gian điều trị thông thường là 7 ngày liên tục, nhưng tùy vào đáp ứng của người bệnh để bác sĩ có chỉ dẫn phù hợp. Có thể dùng liều tương tự như trên với người lớn tuổi (trên 65). Trẻ em trên một tuổi có thể dùng liều tương tự như ở người lớn.

Thuốc tiêm/ truyền:

Có thể dùng thuốc Tobrabac bằng đường tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch:

  • Tiêm bắp: Ở bệnh nhân có chức năng thận bình thường, liều dùng là 1mg/ kg mỗi 8 giờ. Nên dùng thuốc liên tục với liệu trình 7 - 10 ngày.
    • Trường hợp nhiễm trùng nặng có thể cho phép tăng liều đến 5mg/ kg/ ngày. Liều dùng này nên được giảm xuống còn 3mg/ kg/ ngày càng sớm càng tốt.
    • Trẻ em: Dùng với liều 3 - 5mg/ kg/ ngày, chia làm các liều bằng nhau dùng mỗi 8 - 12 giờ.
    • Trẻ sơ sinh: Dùng với liều 2mg/ kg mỗi 12 giờ, đối với các trẻ có cân nặng từ 1,5 đến 2,5kg.
  • Truyền tĩnh mạch: Thuốc Tobrabac chỉ dùng đường truyền tĩnh mạch khi không thể dùng đường tiêm bắp. Nồng độ thuốc khi dùng theo đường truyền tĩnh mạch sau khi pha không được vượt quá 1mg/ ml (0,1%). Thời gian truyền từ 1 - 2 giờ. Không nên truyền tĩnh mạch phối hợp với các thuốc khác. Ở bệnh nhân suy thận, nên chỉnh liều tùy theo mức độ suy thận.

Lưu ý: Người bệnh chỉ nên tham khảo liều dùng khuyến cáo ở trên của nhà sản xuất. Trong quá trình dùng thuốc người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ trước khi dùng thuốc.

4. Tác dụng phụ của thuốc Tobrabac

Bác sĩ luôn xem xét giữa lợi ích mà Tobrabac đem lại cho bệnh nhân và nguy cơ có thể xảy ra các tác dụng phụ để chỉ định dùng thuốc thích hợp. Thuốc Tobrabac dung nạp tốt và đạt hiệu quả như mong muốn trong điều trị nhiễm khuẩn.

Các tác dụng không mong muốn thường được ghi nhận ở tỷ lệ thấp ở bệnh nhân dùng thuốc này khi có chức năng thận bình thường khi dùng không vượt quá liều lượng và thời gian điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Các tác dụng phụ sẽ tăng khi điều trị không đúng phác đồ ở người cao tuổi, người bị suy thận.

Thường gặp:

  • Gây ra độc tính trên ốc tai của dây thần kinh số 8 với các biểu hiện chóng mặt, giật nhãn cầu, có tiếng vo vo trong tai và giảm thính lực.
  • Thiếu máu, mất bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu, sốt, phát ban, ngứa, mề đay, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nhức đầu, ngủ lịm, lú lẫn, mất khả năng định hướng.

Ít gặp:

Lưu ý: Ngoài những tác dụng phụ được liệt kê ở trên đây, thuốc Tobrabac có thể gây ra cho người bệnh những tác dụng không mong muốn khác mà chưa được xác định đầy đủ. Vì thế, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu xảy ra các tác dụng không mong muốn ở mức độ nặng hơn tại chỗ hoặc toàn thân nghi ngờ có liên quan đến thuốc Tobrabac.

5. Tương tác thuốc Tobrabac

Một số tương tác thuốc đã được ghi nhận như sau:

  • Tránh dùng đồng thời với các thuốc lợi tiểu mạnh như Furosemid và Ethacrynic acid, do khi kết hợp làm tăng nguy cơ gây độc tính trên tai.
  • Dùng phối hợp thuốc Tobrabac với các thuốc khác cũng có nguy cơ gây độc tính trên tai và trên thận như Streptomycin, Kanamycin, Gentamycin, Cephalosporin, Polymyxin B và Colistin có thể gây tác dụng hiệp đồng.

Ngoài những tương tác đã được liệt kê ở trên, trong quá trình dùng Tobrabac có thể xảy ra những tương tác thuốc khi dùng kết hợp với các thuốc khác hoặc thực phẩm dùng hàng ngày. Vì vậy, trước khi được kê đơn thuốc Tobrabac, người bệnh cần cho bác sĩ điều trị nắm rõ các thuốc đang sử dụng ở dạng bôi ngoài da hoặc dùng bằng đường uống hoặc bao gồm cả thực phẩm chức năng và thuốc nam,...

6. Các lưu ý khi dùng thuốc Tobrabac

Một số lưu ý khi người bệnh dùng thuốc Tobrabac như sau:

  • Thận trọng khi dùng thuốc Tobrabac hay bất cứ kháng sinh khác thuộc nhóm Aminoglycosides do các thuốc thuộc nhóm này gây độc tính trên thận và tai. Khi có dấu hiệu gây độc trên tai và thận cần ngưng dùng thuốc ngay lập tức tránh các tổn thương nặng nề hơn.
  • Có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh số 8 nếu thuốc này được dùng cho người bệnh bị suy thận, dùng liều cao hoặc thời gian điều trị kéo dài. Vì vậy, cần theo dõi chặt chẽ khi dùng thuốc trên bệnh nhân đã được chẩn đoán suy thận hoặc nghi ngờ.
  • Một số biểu hiện độc thần kinh được cảnh báo như uể oải, cảm giác kim châm, co cơ và co giật cần được nhận biết sớm và can thiệp kịp thời.
  • Trong quá trình điều trị nên thường xuyên kiểm tra nồng độ đỉnh và nồng độ cặn của thuốc Tobrabac nhằm tránh để cho thuốc đạt mức gây độc cho người bệnh.
  • Nên tiến hành xét nghiệm nước tiểu để phát hiện nguy cơ giảm tỷ trọng, tăng protein niệu, tế bào và trụ niệu, đo thính lực đồ, creatinin huyết thanh và độ thanh thải creatinin.
  • Thận trọng khi dùng thuốc Tobrabac cho trẻ sơ sinh thiếu tháng hay trẻ sơ sinh do chức năng thận còn chưa hoàn chỉnh, có thể dẫn đến nguy cơ tăng thời gian bán hủy của thuốc.
  • Trong thuốc có chứa thành phần sodium metabisulfite, do đó có thể gây ra phản ứng dị ứng và hen phế quản nặng ở người bệnh nhạy cảm hoặc có tiền sử hen phế quản.
  • Có thể có nguy cơ xảy ra ngưng thở kéo dài hay thứ phát khi dùng thuốc Tobrabac cho bệnh nhân được gây vô cảm bằng các thuốc chẹn thần kinh cơ như Succinylcholine, Tubocurarin, Decamethonium hay bệnh nhân được truyền máu có chứa citrat.
  • Người bệnh không nên ngưng thuốc nếu thấy các triệu chứng đã cải thiện. Không tự ý tăng giảm liều dùng thuốc nếu chưa có chỉ định cho phép của bác sĩ vì có nguy cơ làm giảm hiệu quả điều trị cũng như những tác phụ không mong muốn có thể xảy ra khi dùng quá liều.
  • Kiểm tra hạn dùng thuốc trước khi dùng có ghi cụ thể trên bao bì thuốc. Thuốc đã hết hạn không nên dùng vì các thành phần của thuốc bị biến đổi có thể gây nguy hại cho người bệnh.
  • Phụ nữ có thai và cho con bú: Thuốc Tobrabac có thể gây tổn thương bào thai khi dùng thuốc này trong thời gian mang thai. Chống chỉ định dùng thuốc trong thời gian mang thai hay cho con bú, do có thể gây độc tính trên cho tai của bào thai và trẻ bú mẹ.

7. Làm gì khi quên liều, quá liều thuốc Tobrabac?

  • Khi người bệnh quên dùng thuốc Tobrabac, hãy dùng ngay khi nhớ ra. Thông thường các thuốc có thể dùng sau khoảng 1 - 2 giờ theo giờ quy định thì có thể không gây ảnh hưởng đến việc điều trị. Có thể xảy ra tình trạng quá liều nếu người bệnh tự ý dùng bù với liều gấp đôi vào liều đã quên. Nên bỏ qua liều đã quên nếu đã gần đến thời điểm dùng liều tiếp theo.
  • Trong trường hợp vì 1 lý do nào đó, người bệnh đã dùng quá liều thuốc Tobrabac, thì nên tự theo dõi những dấu hiệu bất thường sau khi dùng quá liều. Trường hợp xuất hiện các dấu hiệu quá liều ở mức độ nhẹ cần thông báo ngay cho bác sĩ để được tham khảo ý kiến. Nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời. Khi đi nhớ mang theo tất cả các loại thuốc mà người bệnh đã dùng ở nhà để bác sĩ nhanh chóng chẩn đoán và xử trí phù hợp.

Những thông tin liên quan về cách sử dụng, công dụng, liều dùng và một số lưu ý khi sử dụng thuốc Tobrabac đã được cập nhật ở bài viết trên. Hy vọng người bệnh đã có những thông tin hữu ích trong quá trình dùng thuốc này. Lưu ý, Tobrabac là thuốc chỉ được dùng khi có kê đơn của bác sĩ, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc khi chưa được thăm khám và chẩn đoán xác định của bác sĩ điều trị.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

62 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan