Công dụng thuốc Tradophen

Thuốc Tradophen thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm không steroid, điều trị gút và các bệnh xương khớp. Tham khảo thông tin về thành phần và công dụng giúp người bệnh có thể sử dụng một cách hiệu quả và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn.

1. Thuốc Tradophen có tác dụng gì?

Thuốc Tradophen có tác dụng gì? Thuốc Tradophen có thành phần chính là Paracetamol 325mg; Tramadol hydroclorid 37,5mg; được điều chế dưới dạng viên nén bao phim và đóng gói theo quy cách hộp 3 vỉ x 10 viên, hộp 5 vỉ x 10 viên, hộp 10 vỉ x 10 viên.

Thuốc Tradophen được chỉ định sử dụng trong các trường hợp điều trị các cơn đau có mức độ từ trung bình đến nặng.

2. Liều dùng và cách dùng thuốc Tradophen

2.1.Liều dùng

  • Đối với người lớn và trẻ em lớn hơn 12 tuổi: Liều dùng tối đa là 1-2 viên, dùng cách nhau 4-6 giờ và không được dùng quá 8 viên/ ngày;
  • Đối với trẻ em nhỏ hơn 12 tuổi: Độ an toàn và hiệu quả của thuốc trên nhóm đối tượng này chưa được nghiên cứu;
  • Đối với người cao tuổi trên 65 tuổi: Không có sự khác biệt về liều dùng cũng như độ an toàn hay tính chất dược động học giữa bệnh nhân trên 65 tuổi và người dùng nhỏ tuổi hơn.

2.2. Cách dùng

Thuốc Tradophen được đưa vào cơ thể thông qua đường uống. Thuốc không bị ảnh hưởng bởi thức ăn.

2.3. Xử trí quá liều

Trường hợp dùng thuốc quá liều sẽ có biểu hiện trên lâm sàng là các dấu hiệu hay triệu chứng của ngộ độc paracetamol, tramadol hay của cả hai.

Nếu bệnh nhân dùng thuốc quá liều và gặp bất ổn về sức khỏe thì người nhà cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất, cung cấp cho bác sĩ toàn bộ thông tin về các loại thuốc đang sử dụng, bao gồm cả thực phẩm chức năng, thuốc kê đơn hoặc không kê đơn để bác sĩ đưa ra hướng giải quyết phù hợp và hiệu quả nhất cho bệnh nhân.

3. Lưu ý khi sử dụng thuốc Tradophen

3.1. Chống chỉ định

Thuốc Tradophen không được phép sử dụng cho phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ, vì độ an toàn của thuốc đối với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh vẫn chưa được nghiên cứu cụ thể.

3.2. Tác dụng phụ

Bệnh nhân khi sử dụng thuốc nếu gặp tác tác dụng phụ thường là các ảnh hưởng trên hệ thần kinh trung ương và hệ tiêu hóa. Phổ biến nhất là buồn nôn, hoa mắt chóng mặt, buồn ngủ.

Một số tác dụng phụ sau đây cũng xảy ra, tuy nhiên ít gặp hơn:

  • Toàn bộ cơ thể: Suy nhược, mệt mỏi, xúc động mạnh;
  • Hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh ngoại biên: Đau đầu, rùng mình;
  • Hệ tiêu hóa: Đau bụng, táo bón, tiêu chảy, khó tiêu, đầy hơi, khô miệng, nôn mửa;
  • Rối loạn tâm thần: Chán ăn, lo lắng, nhầm lẫn, kích thích, mất ngủ, bồn chồn;
  • Da và các phần phụ thuộc da: Ngứa, phát ban, tăng tiết mồ hôi.

Đã ghi nhận các báo cáo về tác dụng phụ trên lâm sàng hiếm gặp có thể có nguyên nhân liên quan đến thuốc gồm có:

  • Toàn bộ cơ thể: Đau ngực, rét run, ngất, hội chứng cai thuốc.;
  • Rối loạn tim mạch: Tăng huyết áp, tăng huyết áp trầm trọng, tụt huyết áp;
  • Hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh ngoại biên: Mất thăng bằng, co giật, căng cơ, đau nửa đầu, đau nửa đầu trầm trọng, co cơ không tự chủ, dị cảm, ngẩn ngơ, chóng mặt;
  • Hệ tiêu hóa: Khó nuốt, phân đen do xuất huyết tiêu hóa, phù lưỡi;
  • Rối loạn về tai và tiền đình: Ù tai;
  • Rối loạn nhịp tim: Loạn nhịp tim, đánh trống ngực, mạch nhanh;
  • Cơ quan gan và mật: Các xét nghiệm về gan cho thấy các chỉ số bất bình thường;
  • Rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng: Giảm cân;
  • Rối loạn tâm thần: Hay quên, mất ý thức, trầm cảm, lạm dụng thuốc, tâm trạng bất ổn, ảo giác, bất lực, ác mộng, có những ý tưởng dị thường;
  • Rối loạn hồng cầu: Thiếu máu;
  • Hệ hô hấp: Khó thở;
  • Hệ tiết niệu: Albumin niệu, rối loạn tiểu tiện, nước tiểu ít, bí tiểu;
  • Rối loạn thị lực: Tầm nhìn không bình thường.

Các tác dụng phụ khác của tramadol hydrochloride trước giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và sau khi đã lưu hành trên thị trường: Các trường hợp được báo cáo khi dùng tramadol gồm có: tăng huyết áp thế đứng, các phản ứng dị ứng (bao gồm cả phản ứng phản vệ, nổi mề đay, hội chứng Stevens-Johnson), rối loạn chức năng nhận thức, muốn tự tử và mắc viêm gan. Các bất thường được báo cáo ở phòng thí nghiệm là creatinin tăng cao. Hội chứng serotonin (các triệu chứng nhận biết có thể là sốt, kích thích, run rẩy, căng thẳng lo âu) xảy ra khi dùng tramadol cùng với các chất tác động đến serotonin như các thuốc ức chế chọn lọc tái hấp thu serotonin và ức chế MAO. Việc theo dõi giám sát tramadol sau khi lưu hành trên thị trường cho thấy nó rất hiếm khi làm thay đổi tác dụng của warfarin, kể cả tăng thời gian đông máu.

3.3. Thận trọng

  • Nguy cơ co giật có thể xảy ra trong quá trình sử dụng đồng thời tramadol với các thuốc SSRI (ức chế tái hấp thu serotonin), TCA (các hợp chất 3 vòng), các Opioid, IMAO, thuốc an thần hay các thuốc làm giảm ngưỡng co giật; hay trên các bệnh nhân bị động kinh, bệnh nhân có tiền sử co giật, hay có nguy cơ co giật, vì vậy cần thận trọng khi dùng.
  • Bệnh nhân có nguy cơ suy hô hấp cần thận trọng khi sử dụng tramadol với thuốc tê, thuốc mê, rượu ở liều cao, vì nguy cơ gây suy hô hấp.
  • Khi sử dụng đồng thời với các thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương cần thận trọng.
  • Khi dùng cho bệnh nhân bị tăng áp lực nội sọ hay chấn thương đầu cần thận trọng.
  • Bệnh nhân nghiện thuốc phiện khi dùng thuốc có thể gây tái nghiện.
  • Bệnh nhân nghiện rượu mạn tính có nguy cơ gây độc tính trên gan.
  • Khi xử lý quá liều tramadol bằng naloxon có thể gây tăng nguy cơ co giật.
  • Bệnh nhân có độ thanh thải creatinin dưới 30ml/ phút được khuyến cáo liều dùng không được vượt quá 2 viên cách mỗi 12 giờ.
  • Bệnh nhân suy gan nặng cần thận trọng khi dùng thuốc.
  • Thuốc không được phép dùng quá liều chỉ định.
  • Thuốc không dùng với các thuốc khác chứa paracetamol hay tramadol.

Thuốc Tradophen thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm không steroid, điều trị gút và các bệnh xương khớp. Người bệnh dùng thuốc cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ để dùng thuốc hiệu quả và tránh được tác dụng phụ không mong muốn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

77 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan