Công dụng thuốc Trivacintana

Trivacintana là một loại thuốc được sử dụng trong điều trị một số tình trạng bệnh lý thông thường như cảm sốt, đau đầu, hắt hơi, sổ mũi,... Để đảm bảo an toàn và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Trivacintana theo đúng chỉ định của bác sĩ/ dược sĩ

1. Thuốc Trivacintana là thuốc gì?

Trivacintana là một loại thuốc giảm đau, hạ sốt, được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, với thành phần chính trong mỗi viên thuốc là:

  • Paracetamol 650mg;
  • Phenylephrin.HCl 5mg;
  • Clorpheniramin maleat 4mg.

Paracetamol là một thuốc giảm đau hạ sốt không steroid. Đây là chất chuyển hoá có hoạt tính của Phenacetin, loại thuốc giảm đau hạ sốt hữu hiệu có thể thay thế Aspirin. Tuy nhiên, khác với Aspirin, Paracetamol không có tác dụng chống viêm. Với liều lượng ngang nhau tính theo gam thì Paracetamol có tác dụng giảm đau và hạ sốt tương tự như Aspirin.

Với liều điều trị, Paracetamol ít tác động đến hệ tim mạch và hô hấp, nó không làm thay đổi cân bằng acid - base, không gây kích ứng, loét hoặc chảy máu dạ dày như Salicylat. Vì Paracetamol không có tác dụng trên cyclooxygenase toàn thân, nó chỉ tác động đến cyclooxygenase/ prostaglandin của hệ thần kinh trung ương. Paracetamol không có tác dụng trên tiểu cầu hoặc thời gian chảy máu như là Aspirin.

Phenylephrin hydroclorid là một loại thuốc cường giao cảm a1 (a1-adrenergic), nó có tác dụng trực tiếp lên các thụ thể a1-adrenergic làm co mạch máu và tăng huyết áp. Tác dụng làm tăng huyết áp của phenylephrin yếu hơn norepinephrine, nhưng thời gian tác dụng dài hơn.

Đồng thời Phenylephrin hydroclorid còn gây nhịp tim chậm do phản xạ, làm giảm thể tích máu trong hệ tuần hoàn, giảm lưu lượng máu đi qua thận, cũng như giảm lượng máu vào nhiều mô và cơ quan của cơ thể.

Ở liều điều trị, Phenylephrin không có tác dụng kích thích trên thụ thể b-adrenergic của tim (thụ thể b1-adrenergic); nhưng ở liều cao, hoạt chất này có kích thích thụ thể b-adrenergic. Phenylephrin không gây kích thích thụ thể b-adrenergic của phế quản hoặc mạch ngoại vi (thụ thể b2-adrenergic). Ở liều điều trị, hoạt chất này không có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương.

Clorpheniramin là một loại thuốc kháng histamin có rất ít tác dụng an thần. Như hầu hết các thuốc kháng histamin khác, Clorpheniramin cũng có tác dụng phụ là chống tiết Acetylcholin, nhưng tác dụng phụ này khác nhau nhiều giữa các bệnh nhân.

Tác dụng kháng histamin của Clorpheniramin có được thông qua việc phong bế cạnh tranh thụ thể H1 của các tế bào tác động.

Thuốc Trivacintana được chỉ định để điều trị triệu chứng trong các trường hợp sau:

  • Cảm sốt;
  • Đau đầu;
  • Sổ mũi do dị ứng thời tiết;
  • Chảy nước mũi;
  • Hắt hơi;
  • Nghẹt mũi;
  • Viêm mũi cấp.

Thuốc Trivacintana chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc hoặc quá mẫn với Pseudoephedrine;
  • Người nhiều lần bị thiếu máu hoặc suy thận, suy gan, thiếu G6PD;
  • Bệnh nhân mắc bệnh tim nặng, bệnh mạch vành, tăng huyết áp nặng, glaucom góc hẹp, cường giáp nặng, đang lên cơn hen cấp, có triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt, tắc cổ bàng quang;
  • Bệnh nhân bị loét dạ dày, tắc môn vị-tá tràng;
  • Bệnh nhân sử dụng thuốc IMAO trong vòng 14 ngày;
  • Phụ nữ có thai và cho con bú;
  • Trẻ em dưới 15 tuổi.

2. Liều lượng và cách dùng thuốc Trivacintana

Thuốc Trivacintana được sử dụng bằng đường uống với lượng nước vừa đủ. Liều lượng thuốc Trivacintana được khuyến cáo cho người lớn như sau: Mỗi lần uống 1 viên, ngày uống từ 2-3 lần.

Khi xảy ra các triệu chứng quá liều thuốc Trivacintana, bác sĩ cần xem xét áp dụng điều trị triệu chứng và các biện pháp hỗ trợ y khoa như là gây nôn, rửa dạ dày và dùng thuốc đối kháng đặc hiệu nếu có ngay lập tức.

3. Tác dụng phụ của thuốc Trivacintana

Trong quá trình sử dụng thuốc Trivacintana, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ của thuốc, bao gồm:

  • Ban da;
  • Ngủ gà nhẹ đến ngủ sâu;
  • Khô miệng;
  • Chóng mặt;
  • Buồn nôn;
  • Gây kích thích khi điều trị ngắt quãng.

Nếu bạn gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc Trivacintana, hãy báo ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

4. Tương tác với các loại thuốc khác

Các loại thuốc có thể tương tác với Trivacintana khi sử dụng chung bao gồm:

  • IMAO;
  • Ethanol;
  • Thuốc an thần gây ngủ;
  • Phenytoin;
  • Carbamazepin;
  • Isoniazid;
  • Epinephrine;
  • Bromocriptin;
  • Thuốc cường giao cảm;
  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng;
  • Guanethidin;
  • Atropin;
  • Alkaloid nấm cựa gà;
  • Digitalis;
  • Furosemid;
  • Pilocarpin;
  • Coumarine;
  • Dẫn chất indandion;
  • Phenothiazin.

5. Chú ý đề phòng khi sử dụng thuốc Trivacintana

  • Tránh uống rượu, bia khi sử dụng thuốc;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Trivacintana ở người bệnh bị thiếu máu từ trước, bệnh phổi mãn tính, tắc nghẽn phổi, thở ngắn, khó thở, nhược cơ, người trên 60 tuổi, bệnh nhân bị cường giáp, nhịp tim chậm, block tim bán phần, đái tháo đường, tăng nhãn áp, người đang lái xe hay vận hành máy móc;
  • Thuốc Trivacintana làm tăng nguy cơ bí tiểu ở bệnh nhân bị phì đại tuyến tiền liệt, tắc đường niệu, tắc môn vị-tá tràng;
  • Bệnh nhân có nguy cơ hoặc đang bị suy giảm hô hấp và suy gan;
  • Khi bạn dùng thuốc Trivacintana, có nguy cơ bị khô miệng, tăng nguy cơ sâu răng. Do đó, bạn cần phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ khi dùng thuốc này;
  • Không dùng chung ốc Trivacintana với các thuốc khác có chứa Paracetamol, Phenylephrin hoặc Clorpheniramin.

Trên đây là thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Trivacintana. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Trivacintana theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan