Công dụng thuốc Usapred

Thuốc Usapred được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Prednison. Thuốc được sử dụng để điều trị một số bệnh về khớp, rối loạn nội tiết, bệnh về da, dị ứng,...

1. Công dụng của thuốc Usapred

1 viên thuốc Usapred có chứa 5mg Prednison và các tá dược khác. Prednison là 1 glucocorticosteroid có tính trơ về mặt sinh học, nhanh chóng được chuyển hóa ở gan thành chất prednisolon. Tác dụng chính của glucocorticoid là tăng tổng hợp glycogen, tăng tích lũy glycogen ở gan, tăng chuyển hóa calci và protein. Ngoài ra, glucocorticoid còn có tác dụng chống dị ứng, chống viêm và chống thấp khớp qua cơ chế giảm mạch máu và thành phần tế bào của phản ứng viêm. Prednison có tác dụng điều trị mạnh, có ảnh hưởng tới hoạt động sinh hóa của hầu hết các mô trong cơ thể.

Chỉ định sử dụng thuốc Usapred:

  • Điều trị rối loạn nội tiết: Suy vỏ thượng thận nguyên phát và thứ phát, tăng sản thượng thận bẩm sinh, viêm tuyến giáp không có mủ, tăng calci máu kết hợp với ung thư;
  • Điều trị bệnh về khớp: Hỗ trợ trong thời gian ngắn đối với viêm khớp dạng thấp tuổi thiếu niên, viêm khớp vẩy nến, viêm màng hoạt dịch khớp, viêm cột sống dính khớp, viêm bao hoạt dịch cấp và bán cấp, viêm mỏm lồi cầu, viêm bao gân cấp không đặc trưng;
  • Điều trị bệnh về collagen: Sử dụng trong thời gian bệnh nặng thêm hoặc điều trị duy trì trong trường hợp viêm đa cơ, thấp tim, lupus ban đỏ hệ thống;
  • Điều trị bệnh về da: Viêm da bọng nước dạng herpes, pemphigus, hồng ban đa dạng nặng (hội chứng Stevens - Johnson), viêm da tróc vảy, u sùi dạng nấm, vảy nến, vảy nến nặng, viêm da tiết bã nặng;
  • Điều trị dị ứng: Kiểm soát các tình trạng dị ứng nặng hoặc không điều trị được bằng phương pháp thông thường như viêm mũi dị ứng quanh năm hoặc theo mùa, viêm da tiếp xúc, hen phế quản, bệnh huyết thanh, viêm da dị ứng, phản ứng quá mẫn với thuốc;
  • Điều trị bệnh ở mắt: Gồm các quá trình viêm và dị ứng mạn tính, cấp tính nặng ở mắt như viêm màng mạch và viêm màng mạch nho sau, viêm phần trước mắt, loét khóe mắt dị ứng, herpes ở mắt, viêm thần kinh thị giác, viêm giác mạc, viêm kết mạc dị ứng, viêm mắt đồng cảm, viêm màng mạch võng mạc, viêm mống mắt, viêm mống mắt thể mi;
  • Điều trị bệnh hô hấp: Hội chứng Loeffler, bệnh sarcoidosis, ngộ độc berili, viêm phổi do sặc, lao phổi phát tán hoặc kịch phát;
  • Điều trị bệnh huyết học: Giảm tiểu cầu thứ phát ở người lớn, giảm tiểu cầu tự phát ở người lớn, giảm nguyên hồng cầu, thiếu máu tán huyết mắc phải, thiếu máu bất sản bẩm sinh;
  • Điều trị khối u: Bệnh bạch cầu ác tính và u lympho ở người trưởng thành, bệnh bạch cầu cấp tính ở trẻ em;
  • Điều trị tình trạng phù nề: Gây lợi tiểu, làm giảm protein niệu ở người bị hội chứng thận hư không bị ure niệu (do tự phát hoặc lupus ban đỏ);
  • Điều trị bệnh tiêu hóa: Giúp người bệnh vượt qua giai đoạn cấp ở bệnh viêm đoạn ruột hồi, viêm loét đại tràng;
  • Điều trị bệnh khác: Viêm màng não do lao bị chẹn/sắp bị chẹn dưới màng nhện, bệnh giun xoắn liên quan tới thần kinh hoặc cơ tim.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Usapred:

  • Người bệnh quá mẫn với Prednison hoặc thành phần khác của thuốc;
  • Bệnh nhân nhiễm nấm toàn thân.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Usapred

Cách dùng: Đường uống. Bệnh nhân nên uống thuốc cùng với thức ăn và 1 cốc nước đầy.

Liều dùng: Nên dùng thuốc Usapred với liều thấp nhất có hiệu quả. Liều dùng tham khảo như sau:

  • Người lớn: Liều khởi đầu là 10 - 100mg/ngày, chia theo liều. Nếu dùng 1 liều/ngày thì sử dụng vào lúc 8 giờ sáng, nếu dùng liều cách ngày thì dùng gấp đôi. Liều duy trì thông thường là 5 - 20mg/ngày. Liều dùng thuốc được chỉ định tùy mức độ nghiêm trọng của bệnh và đáp ứng của người bệnh;
  • Điều trị ngắn hạn: Liều dùng 20 - 40mg/ngày, giảm liều từ 2,5mg hoặc 5mg mỗi 2 - 4 ngày tùy đáp ứng của bệnh nhân;
  • Trẻ em: Liều dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần điều chỉnh theo mức độ nghiêm trọng, thời gian điều trị dự kiến và đáp ứng của bệnh nhi với thuốc. Để điều trị suy vỏ thượng thận thì dùng liều theo diện tích bề mặt cơ thể. Thông thường, trẻ em trên 18 tháng tuổi dùng liều khởi đầu 0,5mg/kg/ngày. Mức liều này có thể tăng gấp 2 hoặc gấp 3 lần cho tới khi bệnh thuyên giảm. Liều duy trì là 0,125 - 0,25mg/kg/ngày.

Quá liều: Quá liều thuốc Usapred cấp tính thường không gây triệu chứng đe dọa tới tính mạng và hiếm khi cần điều trị.

3. Tác dụng phụ của thuốc Usapred

Khi sử dụng thuốc Usapred, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Phản ứng dị ứng: Phản ứng quá mẫn, phản ứng phản vệ, phù mạch;
  • Tim mạch: Nhịp tim chậm, rối loạn nhịp tim, ngừng tim, tim to, suy tim sung huyết, trụy tim mạch, thay đổi điện tâm đồ do thiếu kali, tắc mạch do mỡ, phù, tăng huyết áp hoặc trầm trọng thêm tình trạng tăng huyết áp, bệnh tim phì đại ở trẻ sinh non, viêm mạch hoại tử, vỡ cơ tim sau cơn nhồi máu cơ tim, phù phổi, ngất, huyết khối nghẽn mạch, nhịp tim nhanh, viêm mạch, viêm tĩnh mạch huyết khối;
  • Da: Phát ban dạng mụn, mụn, viêm da dị ứng, phù mạch, rụng tóc, mỏng da, da khô có vảy, ban đỏ, phù mặt, vết thâm tím, viêm, rậm lông, đốm xuất huyết và bầm máu, tăng tiết mồ hôi, chậm liền sẹo, ung thư Kaposi, giãn mao mạch, nổi mề đay, tóc thưa, phản ứng với các test thử trên da;
  • Nội tiết: Có khả năng bị suy tuyến thượng thận do sử dụng glucocorticoid hiệu lực mạnh trong thời gian dài (triệu chứng đau khớp, chóng mặt, hạ huyết áp, bướu mỡ cổ trâu, buồn nôn, mệt mỏi, suy nhược nặng), xuất hiện kinh nguyệt sau mãn kinh, mất kinh, kinh nguyệt không đều, hội chứng Cushing, giảm dung nạp carbohydrate và đường, tiểu đường, giảm tăng trưởng ở trẻ em, tăng mọc lông và tóc, tăng glucose huyết, cường giáp, suy giáp, cân bằng nitrogen âm tính, tăng nhu cầu sử dụng insulin hoặc thuốc điều trị tiểu đường, ức chế sự phát triển ở trẻ em,...;
  • Cân bằng nước và điện giải: Suy tim sung huyết ở người bệnh nhạy cảm, hạ kali máu, ứ dịch, nhiễm kiềm chuyển hóa, nhiễm kiềm do hạ kali, hạ huyết áp, phản ứng giống bị sốc, mất kali, giữ natri gây phù nề,...;
  • Tiêu hóa: Chán ăn, đau bụng, chướng bụng, giảm cân, tiêu chảy, táo bón, tăng nồng độ enzyme gan trong huyết thanh (thường hồi phục khi ngưng thuốc), gan to, kích thích dạ dày, thèm ăn và tăng cân, viêm tụy, buồn nôn, nhiễm Candida ở họng, loét dạ dày - tá tràng, có thể thủng hoặc xuất huyết dạ dày - tá tràng, nôn, viêm loét thực quản;
  • Huyết học: Giảm bạch cầu trung tính, thiếu máu;
  • Chuyển hóa: Cân bằng nitrogen âm tính (do nguyên nhân dị hóa protein);
  • Cơ, xương, khớp: Đau khớp, tăng nguy cơ gãy xương, hoại tử vô khuẩn xương đùi và đầu xương cánh tay, yếu cơ, đau cơ, nứt các xương dài, loãng xương, bệnh cơ do steroid, đứt gân (đặc biệt là gân Achilles), gãy xương cột sống;
  • Thần kinh, tâm thần: Mê sảng, tăng áp lực nội sọ lành tính, chứng mất trí nhớ, lo âu, sa sút trí tuệ, co giật, trầm cảm, bất thường trong điện não đồ, nhức đầu, hưng phấn, ảo giác, chóng mặt, giảm nhận thức, tăng động, mất ngủ, tăng các triệu chứng tâm thần nặng, mất trí nhớ trong thời gian dài, tâm trạng thất thường, bệnh thần kinh do thiếu máu cục bộ, viêm dây thần kinh, dị cảm, rối loạn tâm thần, thay đổi tính cách, bồn chồn, tâm thần phân liệt, hội chứng cai thuốc;
  • Mắt: Mờ mắt, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, mắt lồi, hắc võng mạc trung tâm thanh dịch, tăng áp lực nội nhãn, nhiễm virus, nấm và vi khuẩn thứ phát, phù gai thị, tổn thương thần kinh thị giác;
  • Khác: Lắng đọng mỡ bất thường, che giấu các bệnh nhiễm trùng hoặc làm nặng thêm tình trạng này, nấc cụt, ức chế miễn dịch, giảm khả năng chống lại bệnh nhiễm trùng, mệt mỏi, mất ngủ, tăng/giảm số lượng và khả năng di chuyển của tinh trùng, sốt, mất ngủ,...

Bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ về các tác dụng phụ của thuốc Usapred mà mình gặp phải để được can thiệp điều trị sớm, hiệu quả nhất.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Usapred

Một số vấn đề người bệnh cần lưu ý trước và trong khi dùng thuốc Usapred:

  • Nên sử dụng corticosteroid ở liều thấp nhất có thể để kiểm soát bệnh. Khi liều dùng thuốc có thể giảm thì nên giảm liều từ từ;
  • Các biến chứng do điều trị với thuốc phụ thuộc vào mức liều và thời gian dùng thuốc. Do vậy, nên đánh giá tình trạng của từng bệnh nhân để đưa ra liều dùng và thời gian điều trị phù hợp;
  • Người bệnh dùng thuốc có thể bị ung thư Kaposi. Khi ngừng dùng thuốc sẽ có cải thiện lâm sàng;
  • Do thuốc có khả năng giữ natri dẫn đến phù và mất kali nên cần thận trọng khi dùng thuốc Usapred ở bệnh nhân cao huyết áp, suy thận hoặc suy tim sung huyết;
  • Có thể giảm nguy cơ suy vỏ thượng thận do thuốc này bằng cách giảm liều dùng thuốc từ từ. Loại suy giảm có thể kéo dài tới 12 tháng sau khi ngưng điều trị với liều cao trong thời gian dài. Vì vậy, nếu bệnh nhân bị stress trong thời gian này thì nên dùng lại liệu pháp hormone. Hiệu quả của corticosteroid có thể tăng ở người bệnh suy giáp;
  • Người bệnh đang dùng corticosteroid dễ bị nhiễm trùng hơn so với người khỏe mạnh. Các nhiễm trùng có thể nhẹ hoặc nặng, đôi khi gây tử vong. Ngoài ra, corticosteroid cũng có thể che giấu một số triệu chứng của bệnh nhiễm trùng hiện có;
  • Corticosteroid có thể làm nặng thêm tình trạng nhiễm nấm toàn thân. Do vậy, không nên sử dụng thuốc khi có mặt bệnh nhiễm trùng, trừ khi việc dùng thuốc là cần thiết. Đã có trường hợp bị tim to và suy tim sung huyết khi sử dụng phối hợp hydrocortison với amphotericin B;
  • Có thể bộc phát các bệnh tiềm ẩn, tăng thêm tình trạng bệnh nhiễm trùng gian phát do một số chủng vi khuẩn trong quá trình dùng thuốc corticosteroid;
  • Hạn chế sử dụng prednison ở người bệnh lao thể hoạt động. Với bệnh lao kịch phát hoặc bệnh lao lan tỏa thì có thể dùng corticosteroid cùng với 1 phác đồ điều trị lao thích hợp;
  • Chống chỉ định sử dụng vắc-xin sống hoặc sống giảm độc ở người bệnh đang dùng corticosteroid với liều ức chế miễn dịch. Bệnh nhân có thể sử dụng vắc-xin chết hoặc bất hoạt;
  • Thủy đậu hoặc sởi có thể trầm trọng hơn hoặc thậm chí gây tử vong ở người lớn và trẻ em sử dụng corticosteroid. Những người chưa từng bị bệnh này nên đặc biệt thận trọng để tránh mắc bệnh;
  • Nên sử dụng steroid một cách thận trọng ở người bệnh loét dạ dày, viêm ruột thừa, viêm loét đại tràng không điển hình, mới nối ruột vì có thể làm tăng nguy cơ thủng đường tiêu hóa;
  • Corticosteroid làm giảm sự tạo xương, tăng quá trình phân hủy xương, có thể ức chế sự phát triển xương ở trẻ em và tăng nguy cơ loãng xương ở mọi lứa tuổi. Do đó, nên theo dõi cẩn thận sự tăng trưởng của trẻ em khi dùng thuốc kéo dài. Đặc biệt lưu ý tới bệnh nhân có nguy cơ loãng xương trước khi bắt đầu sử dụng corticosteroid;
  • Sử dụng corticosteroid liều cao có liên quan tới bệnh cơ cấp tính, hầu hết xảy ra ở người bệnh có rối loạn dẫn truyền thần kinh cơ hoặc người dùng phối hợp với các thuốc ức chế thần kinh cơ;
  • Có thể xuất hiện rối loạn tâm thần khi sử dụng corticosteroid, bao gồm mất ngủ, phấn chấn, thay đổi tính cách, thay đổi tâm trạng, trầm cảm nặng,...;
  • Có thể xảy ra tăng áp lực nội nhãn ở một số bệnh nhân sử dụng thuốc Usapred. nên theo dõi áp lực nội nhãn nếu sử dụng steroid trên 6 tháng;
  • Corticosteroid gây chậm tăng trưởng ở trẻ em, có thể không phục hồi nên cần tránh dùng thuốc dài ngày. Nếu buộc phải điều trị dài ngày, việc điều trị cần hạn chế tới mức tối thiểu sự ức chế trục HPA và sự chậm tăng trưởng. Nên theo dõi sự tăng trưởng của trẻ chặt chẽ. Khi có thể, nên dùng 1 liều duy nhất cách ngày;
  • Khi dùng thuốc corticosteroid cho người lớn tuổi, đặc biệt là nếu điều trị lâu dài, nên đề phòng những tác dụng phụ nghiêm trọng, đặc biệt là loãng xương, tăng huyết áp, tiểu đường, hạ kali huyết, làm mỏng da, nhạy cảm với nhiễm trùng,... Nên theo dõi các dấu hiệu cận lâm sàng để tránh những phản ứng đe dọa tới tính mạng;
  • Thuốc Usapresd có chứa lactose, không nên sử dụng cho người bị thiếu hụt lactose Lapp, rối loạn hấp thu glucose - galactose;
  • Prednison đi qua nhau thai, có thể gây bất thường ở thai nhi. Do đó, thận trọng khi dùng thuốc ở phụ nữ mang thai;
  • Corticosteroid xuất hiện trong sữa mẹ.. Do vậy, nên thận trọng khi dùng thuốc này ở bà mẹ đang cho con bú, nếu cần thì phải dùng liều thấp nhất có thể.

5. Tương tác thuốc Usapred

Tương tác thuốc ảnh hưởng khá nhiều tới hiệu quả điều trị bệnh hoặc làm gia tăng các tác dụng phụ của thuốc. Một số tương tác thuốc của Usapred gồm:

  • Các thuốc gây cảm ứng enzyme cytochrome P450 3A4 ở gan như phenytoin, phenobarbital, rifabutin, rifampicin, primidon và aminoglutethimide có thể làm giảm hiệu quả điều trị của corticosteroid do làm tăng tốc độ chuyển hóa thuốc;
  • Các thuốc ức chế enzyme cytochrome P450 3A4 ở gan như cyclosporin, ketoconazol hoặc ritonavir có thể làm giảm độ thanh thải glucocorticoid. Có thể cần giảm liều prednison để giảm nguy cơ xảy ra tác dụng phụ;
  • Prednison có thể làm tăng nồng độ glucose máu nên có thể cần điều chỉnh liều dùng của các thuốc điều trị tiểu đường;
  • Sử dụng Prednison phối hợp với các thuốc kháng viêm không steroid có thể làm tăng nguy cơ loét đường tiêu hóa. Nên thận trọng khi kết hợp aspirin với prednison ở người bệnh giảm prothrombin huyết. Độ thanh thải salicylat ở thận tăng do corticosteroid, hội chứng cai steroid có thể gây ngộ độc salicylat. Cần theo dõi chặt chẽ người bệnh về các tác dụng phụ của 2 thuốc này;
  • Prednison có thể làm giảm đáp ứng với thuốc chống đông máu. Cần theo dõi chặt chẽ chỉ số INR và thời gian prothrombin của bệnh nhân;
  • Kết hợp corticosteroid với amphotericin có thể làm tăng nguy cơ hạ kali máu;
  • Các kháng sinh macroid làm giảm độ thanh thải corticosteroid;
  • Sử dụng đồng thời các thuốc chống cholinesterase với corticosteroid có thể gây suy nhược nặng ở người bệnh bị nhược cơ. Nếu có thể, nên ngừng các thuốc kháng cholinesterase ít nhất 24 giờ trước khi bắt đầu sử dụng corticoid. Nếu cần dùng đồng thời, nên theo dõi chặt chẽ, có thể cần áp dụng biện pháp hỗ trợ hô hấp;
  • Sử dụng corticosteroid với thuốc chống lao có thể làm giảm nồng độ isoniazid trong huyết thanh;
  • Chỉ kết hợp corticosteroid với bupropion khi thực sự cần thiết, nên dùng với liều khởi đầu thấp, tăng liều từ từ;
  • Độ thanh thải của corticosteroid có thể gia tăng do Cholestyramin;
  • Nguy cơ đứt gân tăng lên ở người bệnh sử dụng đồng thời corticosteroid với fluoroquinolon, đặc biệt là ở người cao tuổi;
  • Corticosteroid có thể ức chế phản ứng với các xét nghiệm ở da;
  • Tăng nguy cơ ngộ độc máu khi sử dụng đồng thời prednison và methotrexat;
  • Mifepriston có thể làm giảm hiệu quả của corticosteroid;
  • Tác dụng của glucocorticoid có thể gia tăng bởi Oestrogen. Có thể cần điều chỉnh liều dùng prednison khi bắt đầu hoặc ngừng liệu pháp oestrogen;
  • Thuốc corticosteroid có thể ức chế tác dụng thúc đẩy tăng trưởng của somatropin;
  • Dùng liều cao corticosteroid với liều cao salmeterol, salbutamol, terbutalin hoặc formoterol có nguy cơ hạ kali máu;
  • Sử dụng glucocorticoid cùng với thuốc lợi tiểu tăng đào thải kali hoặc thuốc ức chế enzyme carbonic anhydrase có thể gây mất kali quá mức;
  • Sử dụng đồng thời thuốc kháng acid với prednison có thể làm giảm hấp thu glucocorticoid, dẫn tới giảm hiệu quả của thuốc. Nên có thể cần điều chỉnh liều dùng với bệnh nhân đang sử dụng prednison liều thấp.

Khi sử dụng thuốc Usapred, bệnh nhân nên tuân thủ đúng chỉ định, hướng dẫn chi tiết của bác sĩ. Đây là yếu tố tiên quyết để đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh và hạn chế được những nguy cơ phát sinh nhiều sự cố khó lường.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

87 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan