Công dụng thuốc Varucefa F

Thuốc Varucefa F được bào chế dưới dạng bột pha tiêm, có thành phần chính là Ceftizoxim. Thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do nguyên nhân đến từ một số chủng vi khuẩn nhạy cảm với hoạt chất Ceftizoxim.

1. Công dụng của thuốc Varucefa F

Varucefa F là thuốc gì? 1 lọ thuốc Varucefa F có chứa 1g Ceftizoxim (dưới dạng Ceftizoxim natri). Ceftizoxim là kháng sinh cephalosporin thế hệ 3. Tác dụng diệt khuẩn của Ceftizoxim đến từ khả năng ức chế sinh tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Ceftizoxim có tính đề kháng cao với nhiều loại beta - lactamase do các chủng vi khuẩn hiếu khí gram dương và gram âm tạo ra.

Chỉ định sử dụng thuốc Varucefa F:

  • Điều trị các nhiễm trùng do vi khuẩn nhạy cảm gây ra: Nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng đường hô hấp dưới, bệnh lậu (gồm lậu không biến chứng ở niệu đạo và cổ tử cung), nhiễm trùng trong ổ bụng, các bệnh nhiễm trùng vùng chậu, nhiễm trùng xương khớp, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng da và cấu trúc da, viêm màng não;
  • Điều trị ở bệnh nhân nặng, tổn thương trầm trọng, kể cả người bệnh suy giảm miễn dịch, suy nhược hoặc giảm bạch cầu trung tính;
  • Ceftizoxim đáp với các các nhiễm trùng do vi khuẩn hiếu khí gram âm hay nhiều loại vi khuẩn đã đề kháng với các cephalosporin khác, penicillin hoặc aminoglycosid.

Lưu ý:

  • Ceftizoxim không có tác dụng với chlamydia trachomatis. Do vậy, khi sử dụng cephalosporin trong điều trị các bệnh nhiễm trùng vùng chậu do vi khuẩn này thì nên sử dụng thêm các thuốc diệt chlamydia;
  • Nên làm kháng sinh đồ trước khi dùng thuốc Ceftizoxim để xác định sự đáp ứng của chủng gây bệnh với thuốc. Có thể sử dụng Ceftizoxim trong khi chờ kết quả kháng sinh đồ, sau đó điều chỉnh việc điều trị dựa trên kết quả thu được;
  • Trong các nhiễm trùng nặng, có thể phối hợp Ceftizoxim với các aminoglycosid. Trước khi phối hợp, cần tìm hiểu kỹ về chống chỉ định, thận trọng và tác dụng phụ của các thuốc này. Đồng thời, nên theo dõi kỹ chức năng thận;
  • Để hạn chế sự phát triển của các chủng đề kháng, duy trì hiệu quả của Ceftizoxim và kháng sinh khác, chỉ nên dùng Ceftizoxim để điều trị, ngăn ngừa các nhiễm khuẩn đã được chứng minh là do vi khuẩn nhạy cảm gây ra. Nên lựa chọn, thay đổi kháng sinh dựa trên các thông tin có sẵn về chủng vi khuẩn và độ nhạy cảm

Chống chỉ định sử dụng thuốc Varucefa F:

  • Bệnh nhân quá mẫn với Ceftizoxim và các cephalosporin khác;
  • Không dùng lidocain tiêm bắp cho người bệnh có tiền sử dị ứng với thuốc tê tại chỗ nhóm anilid như thuốc lidocain.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Varucefa F

Cách pha thuốc:

  • Tiêm bắp: Hòa tan 1g Ceftizoxim với 3ml nước cất pha tiêm hoặc với lidocain 0,5%. Nên thực hiện tiêm sâu vào các cơ lớn. Khi cần tiêm bắp với liều 2g, nên chia thành các liều nhỏ, tiêm vào các cơ khác nhau;
  • Tiêm tĩnh mạch: Hòa tan 1g Ceftizoxim với 10ml nước cất pha tiêm, Dextrose 5% hoặc Natri clorid 0,9%. Nên tiêm chậm trong vòng 3 - 5 phút;
  • Truyền IV: Hòa tan và pha loãng 1g Ceftizoxim với 50 - 100ml Natri clorid 0,9% hoặc Dextrose 5%. Sau đó, truyền tĩnh mạch trong vòng 15 - 30 phút.

Lưu ý:

  • Nên sử dụng thuốc ngay sau khi pha;
  • Thận trọng khi pha thuốc, khi xác định vị trí và phương pháp tiêm. Nên tiêm tĩnh mạch càng chậm càng tốt bởi việc tiêm tĩnh mạch 1 liều lớn có thể gây đau hoặc nguy cơ viêm tĩnh mạch huyết khối;
  • Chỉ tiêm bắp khi bắt buộc, sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả. Tiêm bắp có nguy cơ gây đau hoặc chai vùng tiêm. Không nên tiêm bắp cho trẻ sinh non, trẻ sơ sinh và trẻ em. Không tiêm lặp lại cùng 1 vị trí nếu có thể để tránh gây tổn thương mô và dây thần kinh khi tiêm bắp. Tránh tiêm trúng các dây thần kinh. Nếu bệnh nhân bị đau hoặc có hiện tượng máu trào ngược khi tiêm thì nên rút kim ra ngay, tiêm vào vị trí khác;
  • Không trộn chung thuốc Varucefa F với các thuốc khác như aminoglycosid trong cùng 1 dung dịch tiêm.

Liều dùng:

Ở người lớn: Liều thông thường là 1 - 2g mỗi 8 - 12 giờ. Nên xác định liều dùng và đường dùng phù hợp dựa trên tình trạng của người bệnh, mức độ nặng của nhiễm trùng, sự nhạy cảm của vi khuẩn gây bệnh. Cụ thể:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu không biến chứng: Dùng liều 1g/ngày; 500mg mỗi 12 giờ, tiêm bắp hoặc tiêm/truyền tĩnh mạch;
  • Vị trí khác: Dùng liều 2 - 3g/ngày; 1g mỗi 8 - 12 giờ, tiêm bắp hoặc tiêm/truyền tĩnh mạch;
  • Nặng hoặc dai dẳng: Dùng liều 3 - 6g/ngày; 1g mỗi 8 giờ, tiêm bắp hoặc tiêm/truyền tĩnh mạch; 2g mỗi 8 - 12 giờ, tiêm/truyền tĩnh mạch;
  • Các bệnh nhiễm trùng vùng chậu: Dùng liều 6g/ngày; 2g mỗi 8 giờ, tiêm/truyền tĩnh mạch;
  • Đe dọa tính mạng: Dùng liều 9 - 12g/ngày; 3 - 4g mỗi 8 giờ, tiêm/truyền tĩnh mạch. Trong nhiễm trùng đe dọa tính mạng, có thể tăng liều tới 2g mỗi 4 giờ;
  • Lậu không biến chứng: Dùng liều 1g/ngày, liều duy nhất 1g, tiêm bắp.

Ở trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên:

  • Dùng liều 50mg/kg mỗi 6 - 8 giờ. Có thể tăng liều tới 200mg/kg/ngày (không vượt quá liều tối đa ở người lớn cho những trường hợp nhiễm trùng nặng).

Ở bệnh nhân suy thận: Điều chỉnh liều dùng thuốc cho phù hợp. Dùng liều khởi đầu từ 500mg - 1g, tiêm bắp hoặc tiêm/truyền tĩnh mạch, sau đó dùng liều duy trì như sau:

  • Suy thận nhẹ (độ thanh thải creatinin 50 - 79ml/phút): Nếu nhiễm trùng ít nghiêm trọng thì dùng liều 500mg mỗi 8 giờ; nếu nhiễm trùng đe dọa tính mạng thì dùng liều 750mg - 1,5g mỗi 8 giờ;
  • Suy thận trung bình đến nặng (độ thanh thải creatinin 5 - 49ml/phút): Nếu nhiễm trùng ít nghiêm trọng thì dùng liều 250 - 500mg mỗi 12 giờ; nếu nhiễm trùng đe dọa tính mạng thì dùng liều 500mg - 1g mỗi 12 giờ;
  • Thẩm phân máu (độ thanh thải creatinin dưới 5ml/phút): Nếu nhiễm trùng ít nghiêm trọng thì dùng liều 500mg mỗi 48 giờ hoặc 250mg mỗi 24 giờ; nếu nhiễm trùng đe dọa tính mạng thì dùng liều 5000mg - 1g mỗi 48 giờ hoặc 500mg mỗi 24 giờ.

Quá liều: Hiện chưa có báo cáo về trường hợp sử dụng thuốc Varucefa F quá liều. Nếu nghi ngờ có quá liều, nên áp dụng các biện pháp hỗ trợ tùy theo triệu chứng. Thẩm phân máu có thể làm giảm nồng độ của Ceftizoxim trong huyết thanh.

Quên liều: Thuốc Varucefa F được sử dụng bằng đường tiêm, có sự giám sát trực tiếp của nhân viên y tế. Vì vậy, rất hiếm khi xảy ra sự cố quên liều.

3. Tác dụng phụ của thuốc Varucefa F

Khi sử dụng thuốc Varucefa F, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

Thường gặp:

  • Quá mẫn: Phát ban, sốt, ngứa da;
  • Gan: Tăng tạm thời ALT, AST và phosphatase kiềm;
  • Máu: Tăng tạm thời bạch cầu ưa acid, tăng tiểu cầu, Coombs dương tính;
  • Vị trí tiêm: Viêm tế bào, bỏng rát, viêm tĩnh mạch khi tiêm tĩnh mạch, dễ bị đau, dị cảm, đau, chai cứng,...

Ít gặp:

  • Quá mẫn: Sốc phản vệ, tê;
  • Gan: Tăng bilirubin;
  • Thận: Tăng tạm thời creatinin và BUN;
  • Máu: Thiếu máu (gồm thiếu máu tán huyết, đôi khi gây tử vong), giảm bạch cầu trung tính, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu;
  • Niệu - sinh dục: Viêm âm đạo;
  • Dạ dày - ruột: Tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn và nôn mửa, viêm đại tràng màng giả.

Chưa rõ tần suất:

  • Da: Ban đỏ đa dạng, hoại tử thượng bì nhiễm độc, hội chứng Stevens - Johnson;
  • Thận: Suy thận cấp, nhiễm độc thận;
  • Máu: Xuất huyết, thiếu máu bất sản, tăng LDH, kéo dài thời gian prothrombin, mất bạch cầu hạt, giảm tế bào máu toàn phần;
  • Thần kinh: Co giật (đặc biệt ở bệnh nhân suy thận mà không giảm liều);
  • Gan: Vàng da;
  • Hô hấp: Hội chứng PIE, viêm phổi kẽ;
  • Khác: Đau đầu, phản ứng giống bệnh huyết thanh, thiếu vitamin K (có xu hướng dễ chảy máu, giảm prothrombin), thiếu vitamin nhóm B (viêm dạ dày, viêm lưỡi, viêm dây thần kinh, chán ăn).

Nếu xảy ra các bất thường nghiêm trọng, người bệnh nên ngưng dùng thuốc. Đồng thời, bệnh nhân cần thông báo ngay cho bác sĩ về các tác dụng phụ mà mình gặp phải khi sử dụng thuốc Varucefa F để được can thiệp xử trí phù hợp.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Varucefa F

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Varucefa F:

  • Trước khi điều trị với Ceftizoxim, cần tìm hiểu kỹ tiền sử dị ứng của bệnh nhân với Ceftizoxim, các cephalosporin, penicillin vì đã có bằng chứng về tình trạng dị ứng chéo giữa các thuốc trong nhóm beta - lactam. Nếu có phản ứng dị ứng xảy ra với Ceftizoxim thì nên ngưng dùng thuốc. Các phản ứng quá mẫn cấp trầm trọng có thể điều trị bằng epinephrin hay các biện pháp cấp cứu khác, gồm oxygen, dịch truyền IV, kháng histamin IV, các amin co mạch, các corticosteroid và bảo vệ đường thở;
  • Sốc phản vệ có thể xảy ra khi dùng thuốc Ceftizoxim. Nên chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu. Sau khi điều trị, bệnh nhân nên nghỉ ngơi, theo dõi sức khỏe cẩn thận;
  • Đã có trường hợp viêm đại tràng màng giả khi sử dụng Ceftizoxim, mức độ từ nhẹ tới đe dọa tính mạng. Do vậy, nên cân nhắc chẩn đoán này ở bệnh nhân tiêu chảy sau khi sử dụng kháng sinh;
  • Việc điều trị với kháng sinh làm thay đổi hệ vi khuẩn bình thường ở ruột, gây phát triển quá mức Clostridia. Độc chất do Clostridium difficile là nguyên nhân gây viêm đại tràng liên quan tới kháng sinh;
  • Khi đã có kết quả chẩn đoán viêm đại tràng màng giả, cần áp dụng các biện pháp điều trị thích hợp. Với các ca nhẹ, nên ngưng dùng thuốc. Với các ca trung bình đến nặng, cần bổ sung biện pháp bù dịch và chất điện giải, bổ sung protein, kháng sinh diệt Clostridium difficile;
  • Thận trọng khi chỉ định Ceftizoxim cho bệnh nhân có tiền sử bệnh dạ dày - ruột, đặc biệt là viêm đại tràng;
  • Mặc dù chưa thấy Ceftizoxim làm thay đổi chức năng thận nhưng cần đánh giá tình trạng của thận, đặc biệt ở bệnh nhân nặng đang dùng thuốc với liều tối đa;
  • Sử dụng thuốc Ceftizoxim kéo dài có thể làm phát triển quá mức các chủng vi sinh vật đề kháng. Nên theo dõi cẩn thận, áp dụng các biện pháp can thiệp phù hợp nếu xảy ra bội nhiễm;
  • Cephalosporin có thể làm suy giảm hoạt động của prothrombin. Những bệnh nhân nằm trong nhóm nguy cơ là người bị suy thận, suy gan, dinh dưỡng kém, đang trong thời gian điều trị kháng sinh kéo dài, đang điều trị ổn định với thuốc chống đông. Cần theo dõi thời gian prothrombin ở bệnh nhân có nguy cơ, bổ sung vitamin K ngoại sinh;
  • Ceftizoxim có thể gây ảnh hưởng tới các kết quả xét nghiệm: Dương tính giả trong phép thử đường niệu có dùng thuốc thử Fehling, Benedict, Clinitest; gây dương tính giả trong phép thử Coombs, thỉnh thoảng gây thiếu máu tan huyết nhẹ;
  • Thận trọng khi sử dụng Ceftizoxim cho: Người có tiền sử dị ứng như phát ban, hen phế quản, nổi mề đay, suy giảm chức năng thận nặng, ăn uống kém, người cao tuổi, nuôi dưỡng bằng tĩnh mạch, suy nhược, bệnh nhân kiêng muối;
  • Tính an toàn khi sử dụng thuốc Ceftizoxim ở phụ nữ có thai chưa được xác định. Chỉ dùng thuốc khi lợi ích lớn hơn nguy cơ ở nhóm đối tượng này;
  • Ceftizoxim bài tiết vào sữa mẹ với nồng độ thấp. Cần thận trọng khi dùng thuốc Varucefa F ở người mẹ đang nuôi con bú;
  • Chưa rõ tính an toàn của thuốc Varucefa F ở trẻ sơ sinh và trẻ sinh non;
  • Varucefa F có thể gây chóng mặt và rối loạn thị giác. Nếu có các biểu hiện này, người bệnh không nên lái xe hoặc vận hành máy móc.

5. Tương tác thuốc Varucefa F

Tương tác thuốc là một trong những nguyên nhân gây gia tăng tác dụng phụ của thuốc hoặc làm ảnh hưởng tới hoạt động/hiệu quả điều trị của thuốc. Đó là lý do người bệnh cần thông báo chi tiết cho bác sĩ về danh sách dược phẩm mà mình đang dùng để có sự điều chỉnh phù hợp.

Một số tương tác thuốc của Varucefa F gồm:

  • Uống probenecid trước hoặc đồng thời với Ceftizoxim sẽ làm chậm thải trừ Ceftizoxim qua thận, khiến nồng độ thuốc trong máu tăng cao và kéo dài hơn;
  • Sử dụng đồng thời Ceftizoxim với aminoglycosid có thể làm tăng nguy cơ độc tính trên thận. Do đó, nếu dùng đồng thời các thuốc này, cần theo dõi chức năng thận.

Khi được chỉ định sử dụng thuốc Varucefa F, người bệnh nên phối hợp với bác sĩ trị liệu. Điều này đảm bảo hiệu quả điều trị tốt cho các bệnh lý nhiễm khuẩn, đồng thời hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ phát sinh những sự cố nguy hiểm, đe dọa sức khỏe bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

23 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Imanmj 250mg
    Công dụng thuốc Imanmj 250mg

    Thuốc Imanmj 250mg là thuốc kháng sinh mạnh, dùng đường tiêm. Thuốc thường được chỉ định dùng trong những trường hợp nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn nhạy cảm với kháng sinh này.

    Đọc thêm
  • banner natives image QC
    Giải pháp hỗ trợ điều trị và dự phòng xơ vữa động mạch

    Nattokinase trong sản phẩm vừa có tác dụng phân giải cục máu đông, vừa có tác dụng kích hoạt các enzyme

    Đọc thêm
  • Cilaprim
    Công dụng thuốc Cilaprim

    Thuốc Cilaprim được dùng theo đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch nhằm điều trị cho các trường hợp nhiễm khuẩn. Để dùng thuốc Cilaprim hiệu quả và sớm khắc phục bệnh, bạn nên thực hiện theo đúng phác đồ ...

    Đọc thêm
  • Norlinco Caps
    Công dụng thuốc Norlinco Caps

    Norlinco Caps thuộc nhóm thuốc chống nhiễm khuẩn, trị ký sinh trùng, kháng virus và kháng nấm. Thuốc được bào chế dạng viên nang cứng, đóng gói hộp 10 vỉ x 10 viên. Trước khi sử dụng thuốc Norlinco Caps ...

    Đọc thêm
  • aurotaz p
    Công dụng thuốc Aurotaz P

    Aurotaz P thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm được bào chế ở dạng bột pha tiêm. Thành phần của thuốc bao gồm Piperacillin và Tazobactam, được chỉ định điều trị nhiễm trùng ...

    Đọc thêm
  • Mikalogis
    Công dụng thuốc Mikalogis

    Thuốc Mikalogis có thành phần chính là Amikacin sulfate được chỉ định trong điều trị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng thuốc Mikalogis có thể gặp một số tác dụng phụ như các phản ứng ...

    Đọc thêm