Công dụng thuốc Vinprazol

Vinprazol là thuốc tiêm sử dụng trong các bệnh lý đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản,... Vậy các chỉ định, chống chỉ định và một số lưu ý khi sử dụng thuốc là gì?

1. Vinprazol là thuốc gì?

  • Vinprazol có thành phần hoạt chất chính là Rabeprazole - là dẫn chất benzimidazole tác dụng ức chế bơm proton ở niêm mạc đường tiêu hóa.
  • Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế enzym H+/K+-ATPase (là bơm acid, hydrogen hoặc proton) ở tế bào thành niêm mạc dạ dày bằng cách gắn vào enzym này ở giai đoạn cuối của quá trình tiết dịch vị. Sau khi tiếp xúc với tế bào thành của dạ dày, thuốc được proton hóa và chuyển thành dạng hoạt động là sulfenamide, gắn với cystein của bơm proton làm bất hoạt enzyme này. Từ đó dẫn đến ức chế quá trình tiết dịch vị trong tình trạng kích thích và cả trong tình trạng bình thường của dạ dày.
  • Ngoài ra, thành phần Rabeprazole cũng có thể ức chế đối với vi khuẩn Helicobacter pylori ở người bị viêm loét niêm mạc đường tiêu hóa do khả năng gắn vào thành tế bào vi khuẩn làm ức chế hoạt tính của urease.
  • Vinprazol được hấp thu nhanh chóng qua đường uống, đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau 3.5 giờ uống; phát huy tác dụng ức chế tiết acid dịch vị sau 1 giờ, đạt tác dụng tối đa trong 2 đến 4 giờ và thời gian ức chế có thể kéo dài đến 48 giờ. Sự tiết acid sẽ trở lại bình thường sau 2 - 3 ngày dùng thuốc. Gần 97% thuốc gắn vào các protein huyết tương khi vào hệ tuần hoàn, cuối cùng thải trừ qua nước tiểu (90%) và phân (10%).

2. Chỉ định của thuốc Vinprazol

Thuốc Vinprazol được sử dụng trong các trường hợp bệnh lý sau đây:

  • Bệnh lý viêm loét đường tiêu hóa cấp tính: Loét dạ dày, loét dạ dày,...
  • Bệnh nhân mắc hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản có hoặc không có viêm loét, trầy xước niêm mạc đường tiêu hóa.
  • Bệnh nhân mắc hội chứng Zollinger – Ellison đang điều trị.
  • Xuất huyết tiêu hóa trên không do nguyên nhân giãn vỡ tĩnh mạch thực quản.
  • Phối hợp với kháng sinh để điều trị nhiễm Helicobacter pylori ở những bệnh nhân loét hành tá tràng.

3. Chống chỉ định của thuốc Vinprazol

Không sử dụng Vinprazol trong các trường hợp bệnh lý sau:

  • Dị ứng với thành phần Rabeprazole, các dẫn chất của benzimidazol hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
  • Phụ nữ có thai và đang cho con bú không có chỉ định dùng thuốc Vinprazol.

Lưu ý khi sử dụng thuốc Vinprazol

  • Kiểm tra chức năng đường tiêu hóa, loại trừ khả năng các khối u ác tính trước khi điều trị bằng thuốc Vinprazol (thuốc làm giảm các triệu chứng của khối u, khiến chẩn đoán muộn).
  • Kiểm tra chức năng của hệ tạo máu trước và trong quá trình điều trị thuốc do nguy có rối loạn chức năng các dòng tế bào máu như giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu trung tính.
  • Kiểm tra chức năng gan trong quá trình điều trị, đặc biệt ở bệnh nhân có suy giảm chức năng gan do nguy chức tăng men gan khi dùng thuốc.
  • Chưa có bằng chứng về hiệu quả và tính an toàn của thuốc cho trẻ em vì vậy thận trọng và cân nhắc khi dùng thuốc cho đối tượng này.
  • Cũng như các thuốc ức chế bơm proton khác, Vinprazol có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do Salmonella, Campylobacter và Clostridium difficile.

4. Tương tác thuốc của Vinprazol

Phối hợp điều trị Vinprazol với một số thuốc khác có thể gây các tương tác sau:

  • Ketoconazol, Itraconazole bị giảm hấp thu, giảm tác dụng khi sử dụng phối hợp với Vinprazol.
  • Không phối hợp Vinprazol với các thuốc Erlotinib, nelfinavir, delavirdine, posaconazole do làm thay đổi sinh khả dụng và giảm tác dụng của thuốc.
  • Vinprazol làm tăng nồng độ của Digoxin trong huyết tương; giảm nồng độ và tác dụng của các thuốc atazanavir, dabigatran, etexilate, dasatinib, erlommi muối sắt, itraconazol, ketoconazol, mesalamin, mycophenolat, nelfinavir; giảm tác dụng chống kết tập tiểu cầu của Clopidogrel.
  • Một số tương tác thuốc khác chưa được báo cáo đầy đủ, do đó trước khi sử dụng Vinprazol cần thông báo cho bác sĩ tất cả các thuốc người bệnh đang điều trị.

5. Liều dùng và cách dùng

Cách dùng:

  • Vinprazol được bào chế dưới dạng bột đông khô pha tiêm 20mg, dung dịch pha tiêm NaCl 0.9% 5ml.
  • Thuốc dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch (IV) hoặc truyền tĩnh mạch, không sử dụng để uống hay bất cứ đường dùng nào khác.

Liều dùng:

  • Điều trị loét dạ dày - tá tràng cấp tính: Tiêm tĩnh mạch 1 lọ (20mg/ 5ml)/ lần/ ngày.
  • Điều trị hội chứng trào ngược dạ dày thực quản: Tiêm tĩnh mạch 1/2 - 1 lọ/ lần/ ngày.
  • Điều trị hội chứng Zollinger - Ellison: Tiêm tĩnh mạch 3 lọ (60mg)/ lần/ ngày. Liều tối đa 3 lọ (60mg)/ lần x2 lần/ ngày.

6. Tác dụng phụ của thuốc Vinprazol

Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi sử dụng Vinprazol:

Tác dụng phụ thường gặp:

  • Đau đầu, mệt mỏi, mất ngủ, suy nhược cơ thể.
  • Đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, ợ hơi, ỉa chảy, táo bón.
  • Khô miệng.
  • Nổi mẩn ngứa, ban đỏ do phản ứng dị ứng.
  • Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, viêm họng, viêm mũi, ho.

Tác dụng phụ ít gặp:

  • Bồn chồn, lo lắng.
  • Đau tức ngực, sốt, ớn lạnh.
  • Đau mỏi cơ, chuột rút, đau khớp.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
  • Tăng men gan (SGOT, SGPT).

Tác dụng phụ hiếm gặp:

  • Giảm các dòng tế bào máu như: Bạch cầu đa nhân trung tính, tế bào tiểu cầu.
  • Tăng huyết áp.
  • Trầm cảm.
  • Viêm dạ dày, rối loạn vị giác, chán ăn, tăng cân.
  • Rối loạn thị giác.
  • Suy giảm nghiêm trọng chức năng gan, vàng da, bệnh não gan.
  • Tăng tiết mồ hôi.
  • Bệnh lý viêm thận kẽ.
  • Hội chứng Stevens - Johnson.

Như vậy, Vinprazol là thuốc ức chế bơm proton ở dạng tiêm truyền tĩnh mạch được chỉ định trong bệnh lý viêm loét đường tiêu hóa cấp tính. Thuốc phải được chỉ định và thực hiện bởi nhân viên y tế tại cơ sở y tế đầy đủ trang thiết bị.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan