Công dụng thuốc Vistaril

Thuốc Vistaril có thành phần chính là Hydroxyzine pamoate hàm lượng 50 mg, thuộc nhóm thuốc kháng Histamin. Thuốc Vistaril được sử dụng phổ biến trong điều trị dị ứng, chống nôn trong say tàu xe, lo âu căng thẳng... Tìm hiểu các thông tin về thuốc Vistaril sẽ giúp bệnh nhân nâng cao được hiệu quả điều trị.

1. Thuốc Vistaril là thuốc gì?

Thuốc Vistaril được bào chế dưới viên con nhộng, với thành phần chính bao gồm:

  • Hoạt chất: Hydroxyzine pamoate hàm lượng 50 mg.
  • Tá dược: Gelatin, Magnesium stearate, Sodium lauryl sulfate, Starch, Sucrose vừa đủ 1 viên nhộn 50 mg.

Hoạt chất Hydroxyzine pamoate có tác dụng kháng Histamin thông qua đối kháng cạnh tranh trên thụ thể H1, đồng thời Hydroxyzine pamoate còn có tác dụng kháng cholinergic, ức chế hệ thần kinh trung ương, chống co thắt và gây tê tại chỗ.

Ngoài ra, Hydroxyzine pamoate còn có tác dụng chống nôn và chống say tàu xe, tuy nhiên cơ chế vẫn còn chưa hiểu rõ. Do làm giảm hoạt động của hệ thống thần kinh trung ương dưới vỏ não, Hydroxyzine pamoate có tác dụng làm an thần và giảm triệu chứng lo lắng và căng thẳng.

Trên đường tiêu hóa, Hydroxyzine pamoate tác dụng làm giảm nhẹ sự tiết dịch và chống co thắt ống tiêu hóa.

2. Thuốc Vistaril có tác dụng gì?

Thuốc Vistaril được chỉ định điều trị trong các trường hợp sau:

  • Điều trị các triệu chứng của dị ứng như ngứa, nổi mày đay.
  • Hỗ trợ điều trị triệu chứng căng thẳng và lo âu.
  • An thần trước và sau phẫu thuật.
  • Chống nôn, chống sau tàu xe.
  • Hỗ trợ điều trị trạng thái kích động gặp trong hội chứng cai rượu.

3. Chống chỉ định của thuốc Vistaril:

  • Dị ứng quá mẫn với bất cứ thành phần của thuốc Vistaril.
  • Tiền sử dị ứng với các loại thuốc khác có chứa hoạt chất Hydroxyzine pamoate.
  • Tiền sử dị ứng quá mẫn với các thuốc kháng Histamin khác.
  • Bệnh nhân có rối loạn điện tim như khoảng QT kéo dài.
  • Phụ nữ mang thai hoặc người đang cho con bú.

4. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Vistaril

4.1. Chống ngứa

Người lớn và trẻ em > 12 tuổi

  • Liều khởi đầu: Uống 1⁄2 viên (25 mg)/lần vào buổi tối.
  • Tăng liều: Uống 1 viên (50 mg)/lần x 2 lần/ngày.

Trẻ em

  • Liều chung: Uống 1 mg/kg/ngày.
  • Trẻ 6 tháng – 6 tuổi: Uống 5 – 15 mg/lần vào buổi tối. Tăng lên 50 mg/ngày hay 2,5 mg/kg/ngày chia 3 – 4 lần nếu cần thiết.
  • Trẻ 6 – 12 tuổi: Uống 15 – 25 mg/lần vào buổi tối. Tăng lên 50 – 100 mg/ngày hay 2 mg/kg/ngày chia 3 – 4 lần nếu cần thiết.

4.2. Chống lo âu

Người lớn

  • Liều: Uống 1 – 2 viên (50 – 100 mg)/lần x 4 lần/ngày.

Trẻ > 6 tuổi

  • Liều: Uống 1 – 2 viên (50 – 100 mg)/ngày chia nhiều lần.

Trẻ < 6 tuổi

  • Liều: Uống 1 viên (50 mg)/ngày chia nhiều lần.

4.3. Tiền mê hay sau khi gây mê toàn thân

Người lớn

  • Liều: Uống 1 – 2 viên (50 – 100 mg)/lần.

Trẻ em

  • Liều: Uống 0,6 mg/kg.

4.4. Bệnh nhân suy giảm chức năng gan thận

  • Suy gan: Giảm 1/3 liều thông thường.
  • Suy thận: Giảm 1⁄2 liều thông thường.

5. Lưu ý khi sử dụng Vistaril

5.1 Tác dụng phụ gặp phải khi sử dụng Vistaril

Điều trị bằng thuốc Vistaril với liều cao hoặc kéo dài, có thể gây ra các tác dụng phụ như:

  • Thường gặp: Đau đầu, mệt mỏi, bồn chồn, chóng mặt, tăng cân, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, khô miệng, đau khớp, viêm họng, buồn ngủ, đặc dịch tiết ở phế quản.
  • Ít gặp: Trầm cảm, đờ đẫn, kích thích nghịch thường, mất ngủ, đánh trống ngực, hạ huyết áp, phù, phù mạch, cảm quang, phát ban, bí tiểu, co thắt phế quản, chảy máu cam, viêm gan, đau cơ, run, dị cảm, nhìn mờ.
  • Hiếm gặp: Run cơ và chi, co giật, mất phối hợp, hoạt động vận động không tự chủ, suy giảm tâm thần vận động, tăng kích thích.

Khi phát hiện những tác dụng không mong muốn trên hoặc bất kỳ các bất thường khác sau khi uống thuốc Vistaril, bệnh nhân và người thân nên nhanh chóng thông báo với bác sĩ hay dược sĩ về việc sử dụng Vistaril hoặc đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

5.2 Lưu ý sử dụng thuốc Vistaril ở các đối tượng

  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Vistaril ở người cao tuổi, người có tiền sử hoặc đang bị bệnh Glocom góc hẹp, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, phì đại tuyến tiền liệt, tắc nghẽn cổ bàng quang. Rối loạn nhịp thất, suy tim mất bù thất và loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim gần đây, tiền sử gia đình mắc hội chứng QT dài, hội chứng QT dài bẩm sinh và các bệnh lý khác dẫn đến kéo dài QT.
  • Phụ nữ có thai: Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chưa xác định được bằng chứng về tác hại của hoạt chất Hydroxyzine trên phụ nữ có thai. Vì thế, chống chỉ định sử dụng thuốc Vistaril trong thai kỳ.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Không có dữ liệu liên quan đến sự hiện diện của hoạt chất Hydroxyzine trong sữa mẹ. Vì thế, chống chỉ định sử dụng thuốc Vistaril trên phụ nữ đang cho con bú.
  • Người làm nghề lái xe hay công nhân vận hành máy móc thường gặp phải những tác dụng phụ làm giảm sự tập trung và tỉnh táo sau khi sử dụng thuốc Vistaril.

6. Tương tác thuốc Vistaril

Tương tác với các thuốc khác

  • Các thuốc làm giảm tác dụng của Vistaril:
  • Amphetamin
  • Các chất ức chế Acetylcholinesterase
  • Các thuốc làm tăng tác dụng của Vistaril:
  • Droperidol
  • Methotrimeprazin
  • Pramlintid
  • Vistaril làm tăng tác dụng của các thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương, từ đó làm an thần quá mức:
  • Các Opiat
  • Thuốc giảm đau
  • Barbiturat
  • Thuốc gây tê, gây mê
  • Rượu
  • Vistaril kết hợp với các thuốc kháng Histamin dạng bôi có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ.

Trên đây là thông tin cơ bản về thành phần, công dụng, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Vistaril. Nhằm mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất, bệnh nhân và người thân dùng nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của thuốc Vistaril, đồng thời tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

309 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan