Công dụng thuốc Zasinat 750

Thuốc Zasinat 750 là kháng sinh dạng bột pha tiêm với thành phần chính Cefuroxim. Tìm hiểu một số thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng Zasinat 750 sẽ giúp người bệnh dùng thuốc an toàn.

1. Zasinat 750 là thuốc gì?

Thuốc Zasinat 750 có thành phần Cefuroxim (dưới dạng Cefuroxim natri) 750mg, được bào chế dưới dạng bột pha tiêm.

2. Chỉ định thuốc Zasinat 750

  • Điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, nhiễm khuẩn da và mô mềm, nhiễm khuẩn xương khớp.
  • Nhiễm khuẩn niệu – sinh dục nặng (bệnh lậu, đặc biệt khi kháng sinh Penicilin không phù hợp); nhiễm khuẩn máuviêm màng não do các vi khuẩn nhạy cảm với Cefuroxim.
  • Dự phòng nhiễm khuẩn phẫu thuật.

3. Cách dùng thuốc Zasinat 750

  • Dung dịch tiêm bắp: Pha 750 mg bột trong 3ml nước cất pha tiêm. Lắc kỹ để bột thuốc tan hết.
  • Dung dịch tĩnh mạch: Hòa 750mg bột trong 8,3ml nước cất pha tiêm. Lắc kỹ để bột thuốc tan hết.
  • Dung dịch truyền tĩnh mạch trong thời gian ngắn: Hòa 1,5 g Cefuroxim trong 50ml dung dich Dextrose 5% hoặc dung dịch NaCl 0,9%.
  • Dung dịch truyền tĩnh mạch liên tục: Pha loãng dung dịch Cefroxim đã pha tiêm tĩnh mạch với các dịch tiêm truyền tương hợp.

4. Liều dùng của thuốc Zasinat 750

Người lớn: Tiêm 750mg, cách 8 giờ tiêm một lần, với trường hợp nhiễm khuẩn nặng hơn có thể tiêm tĩnh mạch 1,5g, cách 8 giờ tiêm một lần.

Trẻ em: 30mg đến 60mg/kg thể trọng/ ngày, nếu cần có thể tăng, đến 100mg/ kg/ngày, chia làm 3- 4 liều nhỏ.

Viêm màng não do vi khuẩn nhạy cảm:

  • Người lớn: tiêm tĩnh mạch 3g, cách 8 giờ tiêm một lần
  • Trẻ em: tiêm tĩnh mạch 200 – 240mg/kg thể trọng/ngày.
  • Bệnh lậu: Dùng 1,5g liều duy nhất. Có thể chia làm 2 mũi vào 2 vị trí khác nhau.
  • Dự phòng nhiễm khuẩn phẫu thuật: Liều thông thường là 1,5g tiêm tĩnh mạch trước phẫu thuật, sau đó tiếp tục tiêm bắp 750mg, cách 8 giờ một lần.

Lưu ý: Nên cấy vi khuẩn, làm kháng sinh đồ trước và trong khi điều trị bằng thuốc.

5. Chống chỉ định của thuốc Zasinat 750

Thuốc Zasinat 750 chống chỉ định với bệnh nhân có tiền sử dị ứng với các kháng sinh nhóm Cephalosporin và bất cứ thành phần nào của thuốc.

6. Thận trọng khi dùng thuốc Zasinat 750

  • Phải kiểm tra tiền sử dị ứng với nhóm Cephalosporin, Penicillin hoặc các thuốc khác trước khi sử dụng thuốc của thuốc Zasinat 750.
  • Phản ứng quá mẫn chéo có thể xảy ra với người bệnh có tiền sử dị ứng với các kháng sinh nhóm Betalactamin.
  • Không nên dùng Cefuroxim đồng thời với các thuốc lợi tiểu mạnh vì có thể gây bất lợi cho chức năng thận.
  • Cần giảm liều Cefuroxim ở bệnh nhân bị suy thận.
  • Không nên dùng thuốc Zasinat 750 kéo dài vì nguy cơ gây bội nhiễm do các vi khuẩn không nhạy cảm với Cefuroxim phát triển quá mức.
  • Dùng Cefuroxim chung với kháng sinh nhóm Aminoglycosid có nguy cơ gây độc thận.
  • Thuốc Zasinat 750 không ảnh hưởng đến người lái xe và vận hành máy móc.
  • Thời kỳ mang thai: Kháng sinh cefuroxim được coi là an toàn cho đối tượng này. Tuy nhiên chỉ dùng zasinat 750 cho phụ nữ mang thai khi thật cần thiết.
  • Thời kỳ cho con bú: Cefuroxim có thể bài tiết qua sữa mẹ ở nồng độ rất thấp không có tác động trên trẻ bú mẹ, thận trọng nếu trẻ bị nổi ban, tiêu chảy, tưa.

Tác dụng không mong muốn của thuốc Zasinat 750

  • Bệnh nhân có thể bị đau tại chỗ tiêm và viêm tĩnh mạch huyết khối tại nơi tiêm truyền.
  • Tác dụng phụ thường gặp: Ban da, tiêu chảy.
  • Ít gặp: Buồn nôn, nôn, nhiễm nấm Candida, mày đay, ngứa, tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu trung tính, tăng creatinin huyết thanh.
  • Hiểm gặp: Viêm đại tràng giả mạc, vàng da ứ mật, thiếu máu tan huyết, nhiễm độc thận có tăng urê huyết tạm thời, đau khớp, viêm thận kẽ, hội chứng Stevens – Johnson.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Zasinat 750, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Zasinat 750 là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.

70 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan