Công dụng thuốc Zokora

Thuốc Zokora có thành phần chính bao gồm Spiramycin và Metronidazol. Zokora công dụng trong điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn nha khoa và dự phòng nhiễm khuẩn răng miệng sau phẫu thuật. Tìm hiểu các thông tin khái quát như thành phần, chỉ định, chống chỉ định, liều dùng và tác dụng phụ của thuốc Zokora sẽ giúp cho bệnh nhân và người nhà nâng cao kết quả điều trị.

1. Zokora là thuốc gì?

Thuốc Zokora được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, với thành phần chính bao gồm:

  • Hoạt chất :
  • Spiramycin hàm lượng 1.5 mIU.
  • Metronidazol hàm lượng 250 mg.
  • Tá dược : Croscarmellose natri, Magnesi stearat, Cellulose vi tinh thể, Hydroxypropylmethylcellulose, Bột Talc, Polyethylen glycol 6000, Titan dioxyd, Màu Quinolin, Màu Ponceau 4R vừa đủ 1 viên nén bao phim.

Spiramycin là kháng sinh thuộc nhóm Macrolid, với cơ chế tác dụng trên các tiểu đơn vị 50S Ribosom của vi khuẩn và ngăn cản vi khuẩn tổng hợp Protein. Từ đó, Spiramycin có tác dụng kìm khuẩn trên vi khuẩn đang phân chia tế bào ở các nồng độ trong huyết thanh, đồng thời có tác dụng diệt khuẩn khi đạt nồng độ ở mô. Spiramycin có hoạt tính kháng khuẩn mạnh trên các vi khuẩn gây bệnh vùng răng miệng như: Phế cầu khuẩn, màng não cầu, liên cầu khuẩn không phải D, Corynebacterium, Chlamydia, Bordetella pertussis, Actinomyces, Mycoplasma. Không nhạy cảm với những vi khuẩn như lậu cầu khuẩn, liên cầu khuẩn D, tụ cầu khuẩn, Haemophilus influenzae và bị đề kháng bởi trực khuẩn hiếu khí Gram âm.

Metronidazol là kháng sinh thuộc nhóm Nitro 5 Imidazole, sau khi được hấp thu vào cơ thể sẽ bị khử bởi Ferredoxin hay bởi các loại Protein vận chuyển Electron để tạo thành các chất trung gian gây độc với tế bào. Các hoạt chất dạng khử của Metronidazol sẽ liên kết với cấu trúc của DNA của vi khuẩn, làm mất đi cấu trúc xoắn của phân tử DNA, từ đó tiêu diệt vi khuẩn và các vi sinh vật cấu trúc đơn bào. Metronidazol có hoạt tính kháng khuẩn trên các vi khuẩn gây bệnh vùng răng miệng như: Trực khuẩn kỵ khí bắt buộc, Bifidobacterium bifidum, Clostridium, C. perfringens, Melaninogenicus, Pneumosintes, Fusobacterium, Eubacterium, Bacteroides fragilis, Veillonella, Peptostreptococcus, Peptococcus. Không nhạy cảm với những vi khuẩn như Propionibacterium Acnes, Actinomyces, Arachnia và bị đề kháng bởi trực khuẩn kỵ khí không bắt buộc và trực khuẩn hiếu khí.

2. Thuốc Zokora có tác dụng gì?

Thuốc Zokora được chỉ định điều trị trong các trường hợp sau:

  • Nhiễm khuẩn răng miệng cấp tính, mạn tính và tái phát gặp trong áp xe răng, viêm mô tế bào xung quanh xương hàm, viêm tấy, viêm quanh chân răng, viêm miệng, viêm nướu, viêm nha chu, viêm miệng, viêm tuyến mang tai, viêm dưới hàm.
  • Phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật vùng răng miệng.

Tuy nhiên, trong các trường hợp sau đây, thuốc Zokora không được phép kê đơn:

  • Dị ứng quá mẫn với bất cứ thành phần của thuốc Zokora.
  • Tiền sử dị ứng với các thuốc khác có chứa hoạt chất Spiramycin hay Metronidazol.
  • Tiền sử dị ứng với các thuốc kháng sinh thuộc nhóm Macrolid hay Nitro 5 Imidazole.
  • Trẻ em dưới 6 tuổi.
  • Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu hay phụ nữ đang cho con bú.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Zokora

Liều dùng

Người lớn

  • Liều thông thường: Uống 1 viên/lần x 2 – 3 lần/ngày.
  • Liều tấn công: Uống 2 viên/lần x 2 lần/ngày ở các bệnh nhân bị nhiễm khuẩn nặng, sau đó duy trì với liều thông thường.

Trẻ em

  • Trẻ em 15 – 18 tuổi: Uống 1 viên/lần x 2 – 3 lần/ngày.
  • Trẻ em 10 – 15 tuổi: Uống 1⁄2 viên/lần x 3 lần/ngày.
  • Trẻ em 6 – 15 tuổi: Uống 1⁄2 viên/lần x 2 lần/ngày.
  • Trẻ em < 6 tuổi: Không khuyến cáo sử dụng thuốc Zokora.

Lưu ý: Sử dụng thuốc Zokora trong bữa ăn.

4. Tác dụng phụ gặp phải khi sử dụng Zokora

Việc sử dụng thuốc Zokora với liều cao hoặc kéo dài, có thể gây ra các tác dụng phụ như:

  • Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, nôn ói, đau dạ dày, tiêu chảy hoặc táo bón.
  • Phản ứng dị ứng: Phù mạch, nổi mày đay, ngứa, mẩn đỏ, nặng có thể dẫn đến sốc phản vệ.
  • Thần kinh: Đau đầu, chóng mặt, mất phối hợp, mất điều hòa, dị cảm, viêm đa dây thần kinh vận động và cảm giác.
  • Khác: Viêm lưỡi, miệng có vị kim loại, viêm miệng, giảm bạch cầu, nước tiểu có màu nâu đỏ.

Nên ngừng thuốc khi phát hiện các tác dụng phụ không mong muốn trên hoặc các triệu chứng bất thường khác sau khi sử dụng thuốc Zokora, đồng thời nhanh chóng thông báo với bác sĩ điều trị về việc sử dụng Zokora hay đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

5. Lưu ý sử dụng thuốc Zokora ở các đối tượng

Lưu ý sử dụng thuốc Zokora với những trường hợp sau đây:

  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Zokora ở những bệnh nhân có tiền sử hoặc đang bị bệnh lý về rối loạn tâm thần, bệnh thần kinh trung ương hoặc ngoại biên, các bệnh lý về máu đặc biệt liên quan đến bạch cầu.
  • Tránh sử dụng thuốc Zokora ở trẻ em dưới 6 tuổi vì những nghiên cứu về tính an toàn khi sử dụng thuốc vẫn còn hạn chế.
  • Phụ nữ có thai: Các dữ liệu về tác động có hại của Spiramycin có trong thuốc Zokora trên phụ nữ mang thai còn khá hạn chế. Đồng thời, theo phân loại của Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), hoạt chất Metronidazol thuộc nhóm C, nhóm có bằng chứng về nguy cơ gây hại cho thai nhi, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ. Vì thế, chống chỉ định sử dụng Zokora trong thai kỳ.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng cả Spiramycin và Metronidazol đều có thể đi qua sữa mẹ. Vì thế, nên ngừng cho con bú khi quyết định sử dụng thuốc Zokora.
  • Người làm nghề lái xe hay công nhân vận hành máy móc thường gặp phải những tác dụng phụ như đau đầu, chóng mặt, mất phối hợp, mất điều hòa ... sau khi dùng thuốc Zokora.

6. Tương tác thuốc Zokora

Liên quan đến Spiramycin

  • Thận trọng khi sử dụng Zokora với Levodopa.

Liên quan đến Metronidazol

  • Thuốc Zokora làm tăng nồng độ thuốc Lithium trong máu.
  • Tránh sử dụng thuốc Zokora với các thuốc chống đông đường uống như Warfarin, vì có thể tăng nguy cơ xuất huyết do tăng tác dụng của thuốc chống đông.
  • Thuốc Zokora làm tăng tác dụng của Vecuronium.
  • Thuốc Zokora làm tăng động tích của thuốc 5 Fluorouracil do làm giảm sự thanh thải.

Trên đây là thông tin cơ bản về thành phần, chỉ định, chống chỉ định, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Zokora. Bệnh nhân và người thân nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của thuốc Zokora đồng thời tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ điều trị để có được hiệu quả điều trị tốt nhất.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

218 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan