Đề phòng rối loạn kali máu do dùng thuốc

Rối loạn kali máu có thể gây ra các tai biến nghiêm trọng trên tim mạch như loạn nhịp, suy tim... đặc biệt khi kết hợp với loạn nhịp thất. Trong trường dùng liều càng cao, tần suất độ nặng của tai biến càng lớn, nếu cấp cứu không kịp thời sẽ ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh.

1. Rối loạn kali máu do dùng thuốc là gì?

Kali giữ vai trò quan trọng trong dẫn truyền thần kinh – cơ cũng như dẫn truyền kích thích co cơ tim, co cơ trơn, đảm bảo hiệu quả hoạt động củ thần kinh thực vật. Kali còn tác dụng điều hòa chuyển hóa glucid. Do dùng thuốc mà giảm hay tăng kali máu quá giới hạn thì gọi là rối loạn kali máu do thuốc.

Nồng độ kali máu trung bình 5nmol/ L (20mg%), tùy theo người, chế độ ăn, lượng kali dao động trong khoảng 3,5-5nmol/L; nếu <3nmol/L được coi là giảm, nếu >5nmol/L được coi là tăng kali - máu.

  • Trường hợp giảm kali máu cấp do dùng thuốc: Thuốc lợi tiểu bài tiết kali có thể bị hạ kali máu. Nếu dùng thuốc lợi tiểu chỉ bài nước, chất điện giải, kali ở mức vừa phải thì nhìn chung sự bài tiết kali chỉ ở ngưỡng cho phép, ít khi gây ra rối loạn hạ kali máu. Trường hợp dùng thuốc lợi tiểu có tác dụng bài nước, chất điện giải, kali ở mức mạnh thì sự mất kali dễ vượt quá ngưỡng cho phép, gây ra các rối loạn hạ kali máu.
  • Trường hợp tăng kali máu cấp do dùng thuốc: Thuốc lợi niệu tiết kiệm kali - thuốc giảm aldosteron - thuốc kháng aldosteron có thể gây tăng kali máu, khi tăng quá ngưỡng cho phép sẽ bị rối loạn tăng kali máu. Rối loạn tăng kali máu do thuốc cũng gây ra các ảnh hưởng bất lợi trên tim, trên hệ thống tuần hoàn.
Bệnh van tim
Rối loạn tăng kali máu do thuốc gây ảnh hưởng bất lợi trên tim

2. Sự nguy hiểm do rối loạn kali máu do dùng thuốc

Kali là một khoáng chất quan trọng đối với cơ thể; cần thiết cho hoạt động của các tế bào thần kinh, cơ; điều hòa nước, chất điện giải và giữ thăng bằng kiềm, toan cho cơ thể và giúp duy trì sự hoạt động bình thường của hệ tim mạch, tiêu hóa, tiết niệu, cơ bắp...

Kali thấm tương đối ít qua màng tế bào, thải trừ qua nước tiểu (80 -90%), phần nhỏ qua phân, không dự trữ trong cơ thể như natri, có khuynh hướng thoát ra khỏi tế bào trong khi có bệnh lý. Khi mất quá nhiều kali thì sẽ tăng natri trong tế bào, tăng bicarbonat trong dịch ngoài tế bào.

Rối loạn kali máu gây các tai biến nghiêm trọng trên tim mạch như loạn nhịp, suy tim... đặc biệt khi kết hợp với loạn nhịp thất. Khi dùng liều càng cao, tần suất độ nặng của tai biến càng lớn, nếu cấp cứu không kịp sẽ nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh.

Do vậy, cần hết sức thận trọng đối với các thuốc gây nên rối loạn kali máu. Trong quá trình sử dụng các thuốc này, cần kiểm tra nồng độ kali máu và nếu thấy bất cứ biểu hiện nào của triệu chứng rối loạn kali máu thì người bệnh cần nhanh chóng thông báo kịp thời cho bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời.

Suy tim tâm thu
Người bệnh có thể bị suy tim do rối loạn kali máu

3. Dấu hiệu nhận biết rối loạn kali máu

Dấu hiệu nhận biết hạ kali máu:

  • Người bệnh có dấu hiệu chóng mặt, rối loạn nhịp, huyết áp tụt hoặc ngừng tim trong trường hợp kali máu<2.5mEq/L.
  • Mệt mỏi, kích thích, rối loạn ý thức, rối loạn phát âm, giảm phản xạ, liệt hô hấp.
  • Buồn nôn và nôn gây chán ăn, tiêu chảy, chướng bụng, liệt ruột hoặc giảm nhu động ruột.
  • Tiểu nhiều.
  • Mệt mỏi, yếu cơ, vọp bẻ chân.

Dấu hiệu nhận biết tăng kali máu:

  • Nhịp tim người bệnh nhanh, sau đó chậm lại; điện tim thay đổi, ngưng tim trong trường hợp Kali máu>7mEq/L.
  • Tăng phản xạ tiến dần đến yếu cơ, tê rần, châm chích, và liệt mềm.
  • Buồn nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng.
  • Tiểu ít hoặc vô niệu.
  • Yếu cơ, liệt phần mềm.
Mệt mỏi
Mệt mỏi do rối loạn kali máu

4. Cách phòng ngừa rối loạn kali máu do dùng thuốc

Rối loạn kali máu xảy ra tùy từng trường hợp dùng thuốc và có cách phòng ngừa riêng cho từng trường hợp đó. Cụ thể như sau:

  • Hạn chế dùng các thuốc gây rối loạn kali máu: Một số người bị bệnh di truyền hạ kali máu thì nên tránh dùng các thuốc bài tiết nhiều kali. Còn đối với người bị tăng kali máu thì tránh dùng thuốc làm tăng kali.
  • Dùng thuốc lợi tiểu đơn trị tăng huyết áp: Thuốc lợi tiểu thiazid giúp bài tiết nước, gây giãn mạch thứ cấp,... dẫn tới hạ huyết áp và có thể gây hạ kali-máu. Do vậy nên dùng thiazid với liều thấp (chỉ 12,5mg/ngày, khi cần mới dùng tới 25mg/ngày) nên lượng kali máu giả không đáng kể. Khi dùng thuốc thiazide thì người bệnh không cần bổ sung kali mà chỉ ăn đủ rau quả hay ăn thêm vài quả chuối là đủ.
  • Dùng thuốc lợi tiểu phối hợp với thuốc hạ huyết áp khác: Phối hợp dùng thuốc lợi tiểu với ức chế men chuyển. Thuốc ức chế men chuyển có thể làm giảm aldosteron nên sẽ gây tăng kali máu. Nếu phối hợp với thuốc lợi tiểu tăng tiết kali nhẹ (thiazid) thì có thể điều hòa kali. Trường hợp phối hợp với thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali sẽ dễ làm tăng kali -máu nên tùy theo yêu cầu điều trị, khả năng đáp ứng mà chọn phối hợp với loại thuốc lợi tiểu thích hợp để không gây ra rối loạn kali máu.
kali
Kali có trong thực phẩm

  • Dùng thuốc lợi tiểu cho bệnh suy tim: Tùy theo thể suy tim mà thầy thuốc dùng các loại thuốc lợi tiểu khác nhau. Trong trường hợp suy tim nhẹ và vừa thì thường dùng loại bài tiết kali nhẹ (thiazid). Trường hợp suy tim trái cấp, suy tim mạn thường dùng loại bài tiết kali mạnh Đồng thời, tùy theo thuốc đang dùng trong suy tim mà chọn thuốc lợi tiểu thích hợp để tránh tương tác bất lợi.
  • Không được phối hợp với tác nhân gây xoắn đỉnh: Rối loạn kali máu là điều kiện thuận lợi gây xoắn đỉnh. Vì vậy, không dùng thuốc lợi tiểu cùng với các thuốc có tiềm năng gây xoắn đỉnh như thuốc chống dị ứng, thuốc tim mạch, thuốc kháng sinh.
  • Chế độ ăn uống thích hợp khi dùng thuốc: Những người dùng thuốc gây rối loạn kali máu cần có một chế độ ăn uống thích hợp như ăn cân đối các loại lipid, glucid, protid, rau quả. Đối với người bị di truyền hạ kali máu cần ăn nhiều thức ăn giàu kali, tránh nhiễm lạnh, tránh hoạt động quá sức, tránh ăn quá nhiều glucid dẫn tới hạ kali máu. Nguồn cung cấp kali cho cơ thể chủ yếu từ nguồn thực phẩm rau xanh, trái cây (chuối, bơ...), ngũ cốc, sữa, thịt, cá... với nhu cầu trung bình cho người lớn là 4.700mg kali mỗi ngày.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan