Giai đoạn phục hồi sau sốt xuất huyết

Người bệnh khi khỏi sốt xuất huyết cần thời gian phục hồi sức khỏe hoàn toàn, đôi khi có thể phải mất hàng tháng. Do đó chế độ ăn uống giai đoạn phục hồi sau sốt xuất huyết rất quan trọng vì có thể giúp bệnh nhân nhanh bình thường trở lại hơn.

1. Sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra và có nguy cơ cao bùng phát thành dịch khi gặp điều kiện thuận lợi. Virus Dengue xâm nhập từ người bệnh sang người lành thông qua trung gian muỗi vằn, trong đó chủ yếu là loài Aedes Aegypti. Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 type huyết thanh, ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Do đó về mặt lý thuyết một người có thể mắc sốt xuất huyết đến 4 lần với 4 type virus khác nhau.

Sốt xuất huyết có thể xảy ra quanh năm nhưng nguy cơ bùng phát thành dịch lớn tập trung vào khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 11 hằng năm. Những triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết sẽ rất khác nhau tùy vào giai đoạn và thể bệnh mà bệnh nhân mắc phải.

Nếu đang mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân nên đến bệnh viện bác sĩ thăm khám và chỉ định các loại thuốc phù hợp. Bên cạnh đó, để nhanh khỏi sốt xuất huyết, bệnh nhân không thể bỏ qua vai trò của chế độ dinh dưỡng. Một số chất dinh dưỡng có thể giúp giai đoạn phục hồi sau sốt xuất huyết diễn ra nhanh hơn, trong đó quan trọng là những chất sau:

  • Vitamin A: Tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng sinh tế bào B và kích hoạt tế bào T, đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động của đại thực bào nên khi bổ sung sẽ hỗ trợ tăng sức đề kháng và tiêu diệt virus gây bệnh;
  • Vitamin C: Hỗ trợ tăng sản xuất interferon, tạo điều kiện cho các chức năng thực bào của bạch cầu diễn ra thuận lợi hơn;
  • Vitamin D: Có công dụng ức chế phản ứng viêm, đồng thời hỗ trợ tăng sản xuất Interleukin-10 và nâng cao sức đề kháng của cơ thể;
  • Vitamin E: Có công dụng bảo vệ màng tế bào khỏi tác hại của quá trình oxy hóa, loại bỏ các gốc peroxyl, tăng cường chức năng miễn dịch thông qua kích hoạt enzyme và thay đổi biểu hiện gen;
  • Acid folic: Có tác dụng bổ huyết và thúc đẩy phục hồi huyết học;
  • Kẽm: Tạo điều kiện cho sự trưởng thành tế bào lympho, tăng sản xuất cytokine, thúc đẩy hoạt động tế bào T và bạch cầu trung tính, tăng tốc quá trình apoptosis.

2. Thực phẩm nên bổ sung giai đoạn phục hồi sau sốt xuất huyết

Nước dừa: Đây là một nguồn cung cấp các khoáng chất và muối cần thiết cho cơ thể. Nước dứa giúp người bệnh duy trì nồng độ các chất điện giải bình thường, ngừa mất nước do sốt cao và giảm suy nhược cơ thể. Bệnh nhân sau khỏi sốt xuất huyết nên uống hai cốc nước dừa mỗi ngày trong thời gian hồi phục. Tuy nhiên một số đối tượng đặc biệt như có huyết áp thấp, tiền sử đái tháo đường, suy thận hoặc rối loạn điện giải nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng nước dừa thường xuyên.

Nước trái cây: Nước rất quan trọng trong quá trình hồi phục sau sốt xuất huyết. Các thực phẩm dạng lỏng có ưu điểm là được cơ thể hấp thụ nhanh chóng, vừa bù nước vừa khắc phục tình trạng suy nhược. Nước trái cây, đặc biệt là trái cây họ cam quýt, là nguồn cung cấp tốt nhất Vitamin và chất chống oxy hóa quan trọng của cơ thể. Cam là loại quả có đầy đủ các chất dinh dưỡng và vitamin cần thiết, bao gồm vitamin C giúp tăng cường miễn dịch, thân thiện với đường ruột và chất xơ giúp người bệnh giảm bớt các vấn đề về tiêu hóa. Ngoài ra, một loại quả khác là kiwi được biết đến như một nguồn bổ sung nhiều dưỡng chất cần thiết, do đó kiwi có thể là loại thực phẩm mà bệnh nhân sau khỏi sốt xuất huyết nên sử dụng.

Trà thảo mộc: Bệnh nhân phục hồi sau sốt xuất huyết có thể lựa chọn các loại trà pha chế có thành phần thảo quả, bạc hà, gừng, quế... Một công dụng khác của trà thảo mộc là tạo giấc ngủ ngon, hỗ trợ cơ thể nghỉ ngơi trong thời gian tối đa và đẩy nhanh quá trình phục hồi sau sốt xuất huyết.

Cháo, súp:

  • Cơ thể bệnh nhân sau khỏi sốt xuất huyết cần nhiều năng lượng. Ưu điểm tuyệt vời của các món cháo súp là rất dễ tiêu hóa, giúp người bệnh không cảm thấy nặng bụng và đầy hơi sau khi ăn quá nhiều. Các món như cháo thịt nạc, cháo thịt gà bổ sung nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu cho người bệnh trong giai đoạn hồi phục;
  • Một nguyên liệu khác trong món cháo súp không thể thiếu là các loại rau. Một bữa ăn có thể cho bệnh nhân phục hồi sau sốt xuất huyết nên được chuẩn bị dưới dạng súp hoặc rau xay nhuyễn, kết thêm đậu hũ hoặc ít thịt nạc để tăng protein. Những món ăn này sẽ bổ sung đầy đủ năng lượng, chất xơ và khoáng chất cần thiết.
  • Ngũ cốc là một nguyên liệu tốt vì có nhiều chất xơ và các chất dinh dưỡng khác. Các thực phẩm giàu chất xơ khác như yến mạch có thể dễ tiêu hóa nên tốt cho bệnh nhân sau khỏi sốt xuất huyết, vì hỗ trợ chống lại các tác động xấu của virus gây ra.

3. Bệnh nhân khỏi sốt xuất huyết tránh ăn gì?

Giai đoạn phục hồi sau sốt xuất huyết không diễn ra dễ dàng, do đó cùng với việc bổ sung những thực phẩm giúp cơ thể mau phục hồi thì người bệnh nên chú ý các món ăn cần tránh, bao gồm:

  • Thực phẩm chiên rán và đồ ăn vặt: Những thực phẩm này vốn chứa rất nhiều dầu mỡ không tốt cho sức khỏe, vì thế bệnh nhân ở giai đoạn phục hồi sau sốt xuất huyết càng nên hạn chế tối đa những thực phẩm này;
  • Thức ăn cay: Tương tự như đồ chiên rán, các món ăn cay cũng khiến cơ thể không khỏe mạnh và ảnh hưởng đến quá trình hồi phục sau khỏi sốt xuất huyết;
  • Cà phê: Danh sách các loại thực phẩm cần tránh giai đoạn phục hồi sau sốt xuất huyết không thể thiếu cà phê do chứa nhiều cafein. Chất này có thể dẫn đến phá vỡ tế bào cơ, cũng như cản trở khả năng phục hồi của cơ thể sau sốt xuất huyết;
  • Rượu: Tương tự cà phê, rượu bia hoặc thức uống có cồn vốn đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe ở cả người bình thường và người mới khỏi sốt xuất huyết. Rượu là một trong những nguyên nhân khiến cơ thể mất nước, đặc biệt nghiêm trọng hơn ở bệnh nhân sốt xuất huyết và do đó bệnh nhân cần tránh sử dụng.

Khi đã hiểu được vai trò dinh dưỡng đối với giai đoạn phục hồi sau sốt xuất huyết như thế nào, người bệnh có thể áp dụng chế độ ăn ngay từ hôm nay. Điều này không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn hạn chế những ảnh hưởng không đáng có về sau.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan