Công dụng thuốc Agicloram

Agicloram là thuốc thuộc nhóm điều trị mắt, tai - mũi - họng, các trường hợp nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn nhạy cảm. Để hiểu rõ hơn về thành phần, cách dùng và công dụng thuốc Agicloram, mời bạn đọc tham khảo bài viết sau đây.

1. Thuốc Agicloram là thuốc gì?

Thuốc Agicloram có chứa thành phần chính là Cloramphenicol, được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Dược phẩm Agimexpharm- Việt Nam.

  • Tên dược phẩm: Thuốc Agicloram.
  • Thành phần: Cloramphenicol.
  • Nhóm thuốc: Thuộc nhóm thuốc điều trị mắt và tai - mũi - họng.
  • Dạng bào chế: Dạng viên nang.
  • Quy cách đóng gói: Đóng gói theo dạng hộp gồm 10 vỉ x10 viên, 20 vỉ x 10 viên hoặc hộp gồm 1 chai nhựa HD chứa 100 viên nang.
  • Số đăng ký: VD-14219-11.

2. Thuốc Agicloram chữa bệnh gì?

Cloramphenicol có hiệu quả cao trong việc kìm khuẩn, tuy nhiên có thể diệt khuẩn ở nồng độ cao hoặc những vi khuẩn nhạy cảm cao. Mặt khác, nó còn ức chế tổng hợp protein trên những vi khuẩn nhạy cảm thông qua việc gắn vào tiểu thể 50S ribosom. Thuốc cũng có chung vị trí tác dụng với Lincomycin, Erythromycin, Oleandomycin, Clindamycin và Troleandomycin.

Không chỉ vậy, Cloramphenicol còn ức chế tổng hợp protein ở những tế bào tăng sinh nhanh trên động vật có vú. Nó gây ức chế tủy xương và có thể sẽ không hồi phục được.

Cloramphenicol có chứa hoạt tính ức chế miễn dịch khi cho dùng toàn thân trước quá trình kháng nguyên kích thích cơ thể. Mặc dù vậy khả năng đáp ứng kháng thể có thể sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể khi dùng Cloramphenicol sau kháng nguyên.

Ngoài ra, thuốc không có tác dụng với Staphylococcus aureus, Shigella flexneri, Escherichia coli, Enterobacter spp, Streptococcus pneumoniae, Salmonella typhi và ít tác dụng đối với nấm.

Nhờ vào những cơ chế trên mà tác dụng thuốc Agicloram có hiệu quả trong các trường hợp như:

  • Tình trạng nhiễm trùng tại phần trước của mắt, mí mắt và lệ đạo.
  • Phòng ngừa nhiễm trùng trước và sau khi thực hiện phẫu thuật, bỏng hóa chất hoặc các loại bỏng khác.
  • Đau mắt hộtzona mắt.
  • Trường hợp cần bơm rửa hệ thống dẫn lưu nước mắt với mục đích điều trị hoặc phòng ngừa.
  • Tình trạng nhiễm khuẩn nặng gây ra bởi vi khuẩn nhạy cảm, bệnh viêm màng não và các dạng nhiễm khuẩn khác gây ra bởi Haemophilus influenzae trong trường hợp các kháng sinh Gentamicin, Aminopenicilin và một số Cephalosporin thế hệ 3 không đạt hiệu quả hoặc bị chống chỉ định.
  • Tình trạng nhiễm khuẩn gây ra bởi Rickettsia khi không thể dùng Tetracyclin.

3. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Agicloram

Đối với người lớn: Sử dụng 1 - 2 viên/lần, mỗi ngày dùng 4 lần.

Đối với trẻ nhỏ: Sử dụng 50mg/kg thể trọng/ngày, chia thành 4 lần/ngày.

Trong trường hợp sử dụng thuốc quá liều có thể dẫn tới một số triệu chứng như: Thiếu máu, nhiễm toan chuyển hoá, hạ huyết áp, hạ thân nhiệt. Trong trường hợp này người bệnh cần được điều trị triệu chứng sau khi rửa dạ dày.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Agicloram

4.1. Chống chỉ định dùng thuốc Agicloram

Chống chỉ định Agicloram đối với các trường hợp:

  • Không sử dụng Agicloram đối với những bệnh nhân có bệnh sử quá mẫn cảm hoặc xuất hiện phản ứng độc hại do thuốc.
  • Không dùng thuốc cho phụ nữ đang mang thai hoặc phụ nữ đang trong thời gian thai kỳ.
  • Không sử dụng thuốc cho người bệnh bị rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp.
  • Không sử dụng Agicloram với mục đích điều trị các ca nhiễm khuẩn thông thường hoặc những trường hợp không được chỉ định như: Cúm, cảm lạnh, nhiễm khuẩn họng hay sử dụng làm thuốc dự phòng nhiễm khuẩn.

4.2. Tác dụng phụ của thuốc Agicloram

Tác dụng phụ không mong muốn của Agicloram có thể diễn biến rất nghiêm trọng, đặc biệt phải tránh việc điều trị trong thời gian dài hoặc nhắc lại. Phản ứng phụ nghiêm trọng nhất là thiếu máu không tái tạo, không phục hồi gây ra bởi suy tủy xương.

Thường gặp (tỷ lệ lớn hơn 1/100):

  • Trên da: Ngoại ban.
  • Hệ tiêu hóa: Gây cảm giác buồn nôn, nôn ói, ỉa chảy.
  • Ít gặp (tỷ lệ 1/1000):
  • Máu: Gây giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, thiếu máu với giảm hồng cầu lưới, tất cả các triệu chứng trên đều có thể phục hồi.
  • Da: Nổi mề đay.
  • Tác dụng phụ khác: Tình trạng phản ứng quá mẫn.

Hiếm gặp:

  • Toàn thân: Nhức đầu.
  • Máu: Giảm toàn thể huyết cầu, mất bạch cầu hạt, thiếu máu không tái tạo (tỷ lệ 1/10000 – 1/40000).
  • Hệ thần kinh: Tình trạng viêm đa thần kinh ngoại biên, viêm dây thần kinh thị giác, liệt cơ mắt, lú lẫn.
  • Tác dụng phụ khác: Hội chứng xám trên trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuần tuổi (nguy cơ khi sử dụng ở liều cao).

Khi phát hiện ra những tác dụng phụ kể trên hoặc xuất hiện các triệu chứng nghi là tác dụng phụ chưa được liệt kê ở trên, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ, nhân viên y tế để được xử lý an toàn và kịp thời.

4.3. Tương tác thuốc

Cloramphenicol có thể làm kéo dài nửa đời huyết tương, đồng thời gia tăng tác dụng của Phenytoin, Dicumarol, Clorpropamid và Tolbutamid bởi quá trình ức chế hoạt tính các men của Microsom.

Phenobarbital, Rifampicin có khả năng làm giảm nồng độ của Cloramphenicol trong huyết tương. Ngoài ra, Cloramphenicol còn làm chậm đáp ứng của các chế phẩm sắt, acid folic, vitamin B12.

4.4. Thận trọng khi sử dụng

  • Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh có thể gặp phải các phản ứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong ở những trường hợp dùng Cloramphenicol với liều đã được thông báo. Vì vậy người bệnh điều trị bằng Cloramphenicol cần được thực hiện tại bệnh viện để được tiến hành các xét nghiệm phù hợp và khám nghiệm lâm sàng bởi bác sĩ chuyên môn.
  • Cần ngưng điều trị ngay nếu xảy ra tình trạng giảm bạch cầu, hồng cầu lưới và tiểu cầu, thiếu máu hoặc gặp những chứng huyết học bất thường khác được quy là do Cloramphenicol gây ra. Không thể dựa vào kết quả của các xét nghiệm máu ngoại biên mà đánh giá sự ức chế tủy xương không hồi phục và thiếu máu không tái tạo có thể xảy ra hay không.
  • Cần ngưng ngay liệu pháp điều trị với Cloramphenicol nếu xảy ra tình trạng viêm dây thần kinh thị giác hoặc ngoại biên. Tương tự như những loại kháng sinh khác, dùng thuốc có thể gây ra sự sinh trưởng quá mức bình thường của các vi khuẩn nhạy cảm, trong đó bao gồm cả nấm. Nếu gặp phải trường hợp này cần phải tiến hành xử lý bằng liệu pháp thích hợp.
  • Cần đặc biệt thận trọng khi sử dụng thuốc cho người bệnh bị suy giảm chức năng thận và/hoặc gan, đồng thời phải giảm liều lượng theo tỷ lệ tương ứng.
  • Đối với phụ nữ mang thai, hiện chưa xác định được sự an toàn của liệu pháp Cloramphenicol trên nhóm đối tượng này. Cloramphenicol có thể dễ dàng đi qua thai và nồng độ huyết tương của thai nhi có thể đạt bằng 30 - 80% nồng độ huyết tương đồng thời của thai phụ. Chính vì vậy mà không dùng thuốc cho phụ nữ mang thai đã gần đến thời kỳ sinh nở hoặc thời gian chuyển dạ để tránh làm ảnh hưởng tới thai nhi.
  • Các báo cáo cho thấy Cloramphenicol được phân bố vào trong sữa mẹ, vì vậy cần thận trọng khi dùng trong thời kỳ cho con bú để tránh tác dụng độc đối với trẻ nhỏ.

Bài viết đã cung cấp thông tin về thành phần, công dụng thuốc Agicloram cùng những lưu ý đặc biệt khác. Thuốc chỉ nên được sử dụng khi có sự chỉ định, giám sát bởi bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo hiệu quả đạt được và an toàn cho người bệnh. Tuyệt đối không được tự ý mua Agicloram điều trị tại nhà vì sẽ gặp phải những tác dụng phụ ngoại ý.

54 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan