Metformin: Thuốc điều trị bệnh tiểu đường loại 2

Thuốc phổ biến nhất trên toàn thế giới để điều trị bệnh tiểu đường là thuốc metformin (Glumetza, Riomet, Glucophage, Fortamet). Metformin giúp kiểm soát lượng đường trong máu cao ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2. Để đảm bảo thuốc đem lại tác dụng tốt nhất, người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn sử dụng thuốc.

1. Thuốc metformin có tác dụng gì?

Thuốc metformin là thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2 hoặc ngăn ngừa sự tiến triển thành bệnh tiểu đường type 2 cho những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao (tiền đái tháo đường). Ngoài ra, metformin còn được sử dụng để điều trị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), mặc dù chỉ định này không được chính thức chấp thuận.

Bệnh tiểu đường type 2 xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc lượng insulin tạo ra không thể hoạt động một cách bình thường, từ đó gây ra tình trạng tăng đường huyết.

Metformin không điều trị nguyên nhân cơ bản của bệnh tiểu đường. Thuốc chỉ điều trị các triệu chứng của bệnh bằng cách giảm lượng đường trong máu qua cơ chế:

  • Giảm sản xuất glucose ở gan;
  • Giảm hấp thụ glucose từ ruột;
  • Cải thiện độ nhạy insulin ở các mô ngoại vi, tăng sự hấp thu của mô và sử dụng glucose.

Các tác dụng khác của metformin:

  • Giảm lipid, giảm nồng độ chất béo trung tính trong máu;
  • Giảm LDL- cholesterol xấu;
  • Tăng HDL - cholesterol tốt;
  • Có thể làm giảm sự thèm ăn dẫn đến giảm cân nhẹ.

Thuốc metformin thường được kê toa cho bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường khi chế độ ăn kiêng và tập thể dục không đủ để kiểm soát lượng đường trong máu của người bệnh. Đối với phụ nữ bị PCOS, thuốc metformin có thể kích thích rụng trứng.

Metformin là thuốc sử dụng theo đơn của bác sĩ, được bào chế dưới dạng viên nén hoặc dưới dạng chất lỏng uống với các hàm lượng khác nhau: thuốc metformin 500mg, thuốc metformin 850mg, thuốc metformin 1000mg...

XEM THÊM: Thuốc metformin: Lưu ý khi điều trị tiểu đường type 2

Thuốc Metformin
Thuốc Metformin có tác dụng điều trị bệnh tiểu đường type 2

2. Những lưu ý khi sử dụng thuốc metformin

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc metformin như sau:

  • Thuốc metformin hoạt động bằng cách làm giảm lượng đường mà gan thải trở lại vào máu (tân tạo đường) và khiến cơ thể phản ứng tốt hơn với insulin (insulin là hormone kiểm soát lượng đường trong máu).
  • Tốt nhất người bệnh nên dùng metformin trong các bữa ăn để giảm các tác dụng phụ như: buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng và chán ăn.
  • Metformin không gây tăng cân, không giống như một số loại thuốc tiểu đường khác, đây là một ưu điểm của thuốc rất có lợi cho người bệnh.

3. Ai có thể và không thể dùng thuốc metformin?

Metformin được chỉ định cho người lớn và trẻ em từ 10 tuổi trở lên. Metformin không phù hợp với một số người, vì vậy hãy cho bác sĩ biết trước khi bắt đầu dùng thuốc nếu bệnh nhân:

  • Đã từng bị dị ứng với metformin hoặc các loại thuốc khác trong quá khứ;
  • Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường không kiểm soát;
  • Người có vấn đề về gan hoặc thận;
  • Đang bị nhiễm trùng nặng;
  • Đang được điều trị suy tim hoặc gần đây đã bị đau tim;
  • Người có vấn đề nghiêm trọng với tuần hoàn hoặc khó thở;
  • Người uống nhiều rượu.

Người bệnh có thể cần ngừng uống metformin trước khi phẫu thuật hoặc trước khi thực hiện các xét nghiệm y tế nhất định như chụp X-quang, tiêm thuốc cản quang có chứa iốt vào máu...

suy-tim
Người bị suy tim chống chỉ định dùng thuốc metformin

4. Cách dùng thuốc metformin

Tốt nhất người bệnh nên uống viên metformin trong bữa ăn để giảm tác dụng phụ, nuốt toàn bộ viên metformin với một cốc nước, đừng nhai thuốc trước khi nuốt. Liều tối đa của thuốc metformin là 2.000mg một ngày (ví dụ: 4 viên 500mg). Metformin có 2 dạng viên khác nhau: viên nén giải phóng tiêu chuẩn và viên nén giải phóng chậm.

  • Viên nén giải phóng tiêu chuẩn giải phóng metformin vào cơ thể người dùng một cách nhanh chóng. Người dùng có thể cần dùng thuốc metformin nhiều lần trong ngày tùy thuộc vào liều lượng chỉ định của bác sĩ điều trị.
  • Viên nén giải phóng chậm sẽ tan chậm nên người bệnh không cần phải dùng thuốc metformin thường xuyên, thường chỉ cần một liều là đủ, nên dùng thuốc metformin trong bữa ăn tối.

5. Tăng hay giảm liều thuốc metformin?

Bác sĩ sẽ kiểm tra lượng đường trong máu của người bệnh thường xuyên để thay đổi liều metformin nếu cần thiết. Khi bệnh nhân lần đầu tiên dùng viên nén giải phóng tiêu chuẩn metformin, bệnh nhân nên tăng liều từ từ, việc này làm giảm nguy cơ mắc các tác dụng phụ.

Ví dụ: uống 01 viên thuốc metformin 500mg cùng hoặc sau bữa ăn sáng trong ít nhất 1 tuần, sau đó uống 01 viên thuốc metformin 500mg cùng hoặc sau bữa ăn sáng và 01 viên trong bữa tối trong ít nhất 1 tuần. Tiếp theo uống 01 viên thuốc metformin 500mg cùng với hoặc sau bữa sáng, 01 viên cho bữa trưa và 01 viên trong bữa tối

Nếu bạn nhận thấy bạn không thể chịu đựng được các tác dụng phụ của metformin giải phóng tiêu chuẩn, bác sĩ có thể đề nghị chuyển sang viên nén giải phóng chậm.

XEM THÊM: Mắc đái tháo đường tuýp 2 dùng Metformin 500 bị tiêu chảy nên làm gì?

Metformin
Dù tăng hay giảm liều thuốc metformin bạn cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ

6. Làm gì khi quên uống và sử dụng quá liều thuốc metformin?

Nếu bỏ lỡ một liều metformin, hãy dùng liều tiếp theo vào thời điểm thông thường như mọi ngày, không dùng liều gấp đôi để bù cho liều đã quên. Quá liều metformin có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Các triệu chứng nghiêm trọng sẽ nhanh chóng xuất hiện gồm:

  • Đau bụng;
  • Tiêu chảy;
  • Thở nhanh hoặc nông;
  • Cảm thấy lạnh;
  • Buồn ngủ bất thường;
Tiêu chảy ở thanh thiếu niên
Tiêu chảy báo hiệu tình trạng quá liều thuốc metformin

8. Tác dụng phụ của thuốc metformin

Giống như tất cả các loại thuốc khác, thuốc metformin có thể gây ra tác dụng phụ, mặc dù không phải ai cũng mắc phải. Các tác dụng phụ thường xảy ra với tần suất hơn 1 trong 100 người, cần báo cho bác sĩ nếu các tác dụng này không biến mất sau 1 tuần:

  • Cảm thấy buồn nôn (nôn);
  • Tiêu chảy;
  • Đau bụng;
  • Ăn mất ngon;
  • Có vị kim loại trong miệng.

Tác dụng phụ nghiêm trọng rất hiếm khi xảy ra khi sử dụng thuốc, tần suất xảy ra với dưới 1 trong 10.000 người, gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo:

  • Cảm giác khó chịu kèm theo mệt mỏi nghiêm trọng, thở nhanh hoặc nông, lạnh người và tim đập chậm
  • Da vàng hoặc lòng trắng của mắt chuyển sang màu vàng: đây có thể là dấu hiệu của các vấn đề về gan
  • Cực kỳ mệt mỏi, thiếu năng lượng, cảm giác như bị kim châm, đau và lưỡi đỏ, loét miệng, yếu cơ và rối loạn thị lực: đây có thể là những dấu hiệu của bệnh thiếu máu do thiếu vitamin B12
  • Phát ban da, mẩn đỏ hoặc ngứa: đây có thể là dấu hiệu của rối loạn da.

Metformin có thể gây ra một tình trạng đe dọa tính mạng được gọi là nhiễm toan lactic. Những người bị nhiễm toan lactic có sự tích tụ axit lactic trong máu và không nên dùng metformin. Tình trạng này rất nguy hiểm và thường gây tử vong nhưng đây là một tác dụng phụ hiếm gặp, ảnh hưởng ít hơn 1 trong 100.000 người dùng metformin. Nhiễm toan lactic dễ xảy ra hơn ở những người bị bệnh thận vì vậy cần cho bác sĩ biết nếu bạn đã từng có vấn đề về thận.

Làm thế nào để đối phó với các tác dụng phụ này? Nếu thấy có cảm giác khó chịu buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy thì người bệnh hãy dùng metformin với thức ăn để giảm sự khó chịu hoặc tăng liều từ từ trong vài tuần, hỏi dược sĩ hoặc bác sĩ điều trị để được tư vấn. Bên cạnh đó, người bệnh nên uống nhiều chất lỏng để tránh mất nước, uống từng ngụm nhỏ và thường xuyên, báo cho nhân viên y tế khi có dấu hiệu mất nước (tiểu ít hơn bình thường, tiểu sẫm màu, có mùi nặng). Không tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào để điều trị tiêu chảy hoặc nôn mửa mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

Nếu trong trường hợp bị đau dạ dày thì bệnh nhân cần cố gắng nghỉ ngơi và thư giãn, ăn uống chậm lại và chia thành nhiều bữa nhỏ hơn, thường xuyên hơn. Đặt miếng đệm gia nhiệt hoặc chai nước nóng lên bụng cũng có thể hữu ích trong việc cải thiện cơn đau. Nếu người bệnh đau nhiều hãy nói chuyện với dược sĩ hoặc bác sĩ.

Người bệnh có thể gặp phải tình trạng chán ăn do thay đổi khứu giác và vị giác
Một trong những tác dụng phụ của thuốc metformin là gây chán ăn

9. Dấu hiệu cảnh báo hạ đường huyết khi sử dụng thuốc

Thuốc metformin thường không gây hạ đường huyết khi dùng đơn độc, nhưng có thể gây ra hạ đường huyết khi dùng cùng với các loại thuốc tiểu đường khác, chẳng hạn như insulin hoặc gliclazide. Các dấu hiệu cảnh báo sớm hạ đường huyết bao gồm:

  • Cảm thấy đói
  • Run rẩy
  • Đổ mồ hôi
  • Lú lẫn
  • Khó tập trung
  • Lượng đường trong máu có thể xuống quá thấp khi đang ngủ, nếu điều này xảy ra sẽ khiến người bệnh đổ mồ hôi, mệt mỏi và bối rối khi thức dậy.

Hạ đường huyết có thể xảy ra nếu:

  • Uống quá liều một số loại thuốc tiểu đường;
  • Ăn không thường xuyên hoặc bỏ bữa;
  • Nhịn ăn;
  • Không thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, không nhận đủ chất dinh dưỡng;
  • Thay đổi chế độ ăn;
  • Tăng các hoạt động thể chất mà không ăn nhiều hơn để bù đắp;
  • Uống rượu, đặc biệt là sau khi bỏ bữa;
  • Uống một số loại thuốc khác bao gồm cả các thuốc thảo dược;
  • Rối loạn hormone như suy giáp;
  • Vấn đề về thận hoặc gan.

10. Ngăn ngừa hạ đường huyết bằng cách nào?

Để ngăn ngừa hạ đường huyết, điều quan trọng là phải thực hiện các bữa ăn đều đặn, bao gồm cả bữa sáng, không bao giờ bỏ lỡ hoặc trì hoãn một bữa ăn. Nếu người bệnh dự định tập thể dục nhiều hơn bình thường, hãy đảm bảo cung cấp lượng carbohydrate như bánh mì, mì ống hoặc ngũ cốc trước, trong hoặc sau khi tập thể dục.

Luôn mang theo carbohydrate có tác dụng nhanh bên mình như kẹo, nước ép trái cây hoặc một số đồ ngọt, phòng trường hợp lượng đường trong máu xuống thấp. Người bệnh cũng có thể cần ăn các loại carbohydrate giàu tinh bột như bánh sandwich hoặc bánh quy để duy trì lượng đường trong máu lâu hơn. Nếu dùng đường không đỡ hoặc các triệu chứng giảm rồi trở lại, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc bệnh viện gần nhất. Bên cạnh đó, cần đảm bảo bạn bè và gia đình của người bệnh biết về bệnh tiểu đường của bệnh nhân và các triệu chứng hạ đường huyết để kịp thời nhận diện nếu nó xảy ra.

Ngũ cốc Cheerios
Người bệnh nên ăn đồ ăn trước khi có ý định tập thể dục để ngăn ngừa hạ đường huyết

11. Thuốc metformin đối với phụ nữ mang thai và cho con bú

Thuốc metformin thường an toàn khi dùng trong thai kỳ, có thể dùng một mình hoặc kết hợp với insulin. Các bà mẹ có thể dùng metformin khi đang cho con bú, loại thuốc này đi vào sữa mẹ nhưng với lượng quá ít để có thể ảnh hưởng đến em bé bú mẹ. Tuy nhiên vẫn nên báo cho bác sĩ biết nếu người bệnh đang cố gắng mang thai, đang mang thai hoặc đang cho con bú.

12. Thận trọng khi dùng thuốc metformin với các loại thuốc khác

Một số loại thuốc cản trở hoạt động của thuốc metformin. Vì vậy nếu người bệnh đang dùng bất kỳ loại thuốc nào sau đây, lượng đường trong máu có thể cần được kiểm tra thường xuyên hơn và chú ý điều chỉnh liều lượng thuốc metformin:

  • Steroid như prednisolone;
  • Thuốc lợi tiểu như furosemide;
  • Thuốc điều trị các vấn đề về tim và cao huyết áp;
  • Kích thích tố nam và nữ, như testosterone, estrogen và progesterone;
  • Các loại thuốc tiểu đường khác;
  • Một số phụ nữ có thể cần điều chỉnh liều lượng thuốc metformin sau khi bắt đầu dùng thuốc tránh thai, vì thuốc tránh thai có thể làm thay đổi cách cơ thể xử lý glucose.

13. Điều gì xảy ra khi dùng thuốc metformin trong thời gian dài?

Metformin an toàn khi dùng trong thời gian dài, thuốc không làm cho người bệnh tăng cân, thậm chí thuốc metformin có thể giúp giảm cân, giữ cho cholesterol ở mức lành mạnh. Bác sĩ sẽ kiểm tra xem chức năng thận của người dùng thuốc metformin ít nhất mỗi năm 1 lần. Người bệnh có thể chủ động kiểm tra nhiều hơn nếu là người lớn tuổi hoặc người có chức năng thận không hoạt động bình thường.

Metformin có thể gây thiếu hụt vitamin B12 nếu dùng nó trong thời gian dài. Nếu người bệnh bị thiếu hụt vitamin B12 có thể được điều trị bằng cách bổ sung vitamin này theo đường uống hoặc tiêm.

Thiếu vitamin B12
Khi dùng thuốc metformin trong thời gian dài có thể gây thiếu hụt vitamin B12

14. Khi nào thì có thể ngừng dùng thuốc metformin?

Metformin có thể là một phần quan trọng không thể thiếu của kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường type 2 hiệu quả. Nhưng việc giảm liều lượng metformin hoặc ngừng hoàn toàn là an toàn trong một số trường hợp nhất định nếu bệnh tiểu đường của bệnh nhân được kiểm soát. Tuy nhiên, muốn ngừng dùng thuốc tiểu đường cần phải được chỉ định bởi bác sĩ.

Tất cả những người mắc bệnh tiểu đường đều có thể hưởng lợi từ việc thay đổi một số thói quen sống nhất định, ngay cả những người đang dùng thuốc. Việc giảm cân, ăn uống khoa học và tập thể dục là những cách tốt nhất để giảm lượng đường huyết và A1C. Nếu bệnh nhân có thể kiểm soát đường huyết và A1C thông qua việc thay đổi lối sống, bệnh nhân có thể ngừng dùng metformin hoặc các loại thuốc tiểu đường khác.

Theo các chuyên gia của Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ, người bệnh cần đáp ứng các tiêu chí sau đây trước khi ngừng dùng thuốc điều trị tiểu đường:

  • A1C < 7%
  • Đường huyết buổi sáng lúc đói < 130mg/dL
  • Đường huyết bất kỳ hoặc đường huyết sau ăn < 180 mg/dL.

Việc ngừng dùng metformin nếu người bệnh không đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí này là rất rủi ro. Tuy nhiên, những tiêu chí này có thể thay đổi dựa trên độ tuổi, sức khỏe tổng thể và các yếu tố khác, vì vậy điều quan trọng nhất vẫn là hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thay đổi kế hoạch dùng thuốc metformin.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: nhs.uk, healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

285.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan