Nên dùng nước muối hay thuốc nhỏ mắt cho trẻ sơ sinh bị ghèn?

Triệu chứng đổ ghèn mắt thường gặp ở trẻ sơ sinh, khiến trẻ khó mở mắt khi ngủ dậy, đỏ mắt, có mủ và dễ bị ngứa ngáy khó chịu. Vậy khi mắt bé gặp tình trạng này, mẹ cần làm gì để loại bỏ ghèn mắt nhanh chóng?

1. Nguyên nhân xuất hiện ghèn mắt ở trẻ sơ sinh

Có nhiều nguyên nhân gây xuất hiện ghèn mắt ở trẻ sơ sinh như:

  • Trẻ bị tắc tuyến lệ: Ghèn mắt xuất hiện phổ biến ở trẻ sơ sinh và nguyên nhân thường là do ống tuyến lệ bị tắc không gây biến chứng viêm. Trường hợp này các mẹ có thể điều trị cho trẻ ở nhà.
  • Dịch nước ối và máu chảy vào mắt trẻ: Với những bé mới sinh, các mẹ không cần phải quá lo lắng khi thấy mắt trẻ sơ sinh bị ghèn và chảy nước. Đây chỉ là 1 hiện tượng nhiễm trùng mắt thông thường. Dịch nước ối và máu chảy vào mắt trẻ lúc sinh cũng tình trạng xuất hiện ghèn mắt.
  • Trẻ sơ sinh bị viêm kết mạc: Vi khuẩn ở mắt có thể dẫn đến nhiễm trùng với các triệu chứng thông thường như mắt có mủ và ghèn, 2 mắt dính chặt lại. Hiện tượng này có thể xảy ra ở 1 hoặc cả 2 mắt.
  • Có vật thể lạ trong mắt: Cát, bụi có thể bay vào mắt. Cơ thể sẽ tự động tạo ghèn ở mắt bé.
  • Chăm sóc vệ sinh mắt chưa đúng cách: Làm sạch mắt cho trẻ không đúng cách cũng sẽ khiến mắt con bị ghèn.
  • Thân nhiệt trẻ nóng do chế độ ăn: Khi đang trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ nhưng các mẹ lại không chú ý đến chế độ ăn, ăn nhiều thức ăn gây nhiệt nóng cho cơ thể. Điều này cũng khiến mắt bé bị ảnh hưởng do bú sữa mẹ.
  • Lây từ môi trường ngoài: Vì mắt trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ còn rất yếu nên rất dễ bị lây nhiễm bệnh đau mắt từ những người xung quanh.

Nếu trẻ bị ghèn mắt, xuất hiện cùng với các triệu chứng khác hạn như đỏ, sưng hoặc đau thì có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc 1 bệnh lý về mắt khác. Trường hợp này, cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.

2. Trẻ sơ sinh bị ghèn mắt phải làm sao?

Trẻ có ghèn ở mắt không phải là vấn đề quá nghiêm trọng, vì vậy cha mẹ chỉ cần giữ gìn và vệ sinh sạch sẽ mắt bé đúng cách.

Vệ sinh mắt hàng ngày là việc cần thiết, đơn giản, an toàn và hữu hiệu để loại bỏ những tác nhân gây bệnh, hạn chế vi khuẩn, virus xâm nhập gây nên các căn bệnh về mắt cho trẻ như viêm kết mạc, nhiễm khuẩn...Vệ sinh mắt trước khi dùng các loại thuốc nhỏ mắt là điều cần thiết để thuốc phát huy hiệu quả.

3. Nên dùng nước muối hay thuốc nhỏ mắt cho trẻ sơ sinh bị ghèn?

  • Vệ sinh mắt, loại bỏ ghèn bằng nước muối sinh lý

Vệ sinh mắt cho bé bằng nước muối là một trong những cách để nuôi con khỏe mạnh. Vệ sinh mắt bằng nước muối giúp loại bỏ các chất nhầy dư thừa, vi khuẩn, ngăn ngừa các bệnh nhiễm khuẩn ở mắt trẻ.

Ngoài ra, chúng còn có tác dụng làm sạch các dị vật, rửa trôi ghèn mắt, vi khuẩn và các yếu tố gây bệnh khác. Các bà mẹ có thể yên tâm với phương pháp này, bởi nước muối sinh lý an toàn, không gây tác dụng phụ. Tuy nhiên cần chú ý, lựa chọn loại nước muối chuyên dụng để nhỏ mắt bởi đây là loại nước muối sinh lý đảm bảo vô trùng, pha đúng tỉ lệ và an toàn cho mắt trẻ.

Để loại bỏ rỉ ghèn ở mắt bằng nước muối sinh lý, các mẹ thực hiện bằng cách:

  • Dùng bông gòn nhúng vào nước muối sinh lý và lau nhẹ nhàng mắt cho trẻ.
  • Nên sử dụng 2 miếng bông khác nhau để tránh lây nhiễm chéo. Để miếng bông ẩm, lau nhẹ nhàng, không để gỉ khô chà xát gây tổn thương bé
  • Chỉ lau bên nào bị ghèn mắt.
  • Ngày vệ sinh mắt từ 2 – 3 lần hoặc lau bất kỳ khi nào nếu thấy rỉ ghèn nhiều.

Ngoài ra, các mẹ có thể sử dụng nước muối sinh lý nhỏ mắt cho bé. Tuy nhiên, cần hỏi qua ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện.

Lưu ý không được nhỏ trực tiếp nước muối vào mắt bé vì có thể làm ảnh hưởng đến giác mạc.

  • Sử dụng thuốc nhỏ mắt

Hiện nay, có nhiều loại thuốc nhỏ mắt điều trị ghèn mắt ở trẻ sơ sinh. Các loại thuốc này thường có công thức lành tính, có thể sử dụng cho cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để vệ sinh mắt, loại bỏ ghèn, bụi bẩn, làm dịu mắt, sát trùng nhẹ, chống kích ứng và phòng ngừa các bệnh về mắt thường gặp.

Về vấn đề “có nên dùng nước muối hay thuốc nhỏ mắt cho trẻ sơ sinh bị ghèn?” thì câu trả lời còn phụ thuộc vào tình trạng của trẻ. Thực tế, cả 2 loại này đều giúp sát trùng, vệ sinh mắt. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, các phụ huynh nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa trước khi quyết định lựa chọn sản phẩm để điều trị ghèn mắt cho bé.

Để giảm hiện tượng đau mắt cho bé khi bị ghèn, các mẹ nên chú ý:

  • Dùng bông lau ghèn mắt cho trẻ ít nhất 2 lần trên ngày để làm sạch mắt.
  • Nếu trẻ chỉ đau 1 bên mắt thì chỉ nên tra thuốc vào mắt bị đau, không tra thuốc cả 2 mắt vì có nguy cơ gây nhiễm khuẩn.
  • Vệ sinh tay chân cho bé cẩn thận và không để bé dụi mắt.
  • Đưa bé đi khám càng sớm càng tốt và nhỏ mắt theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Không sử dụng các bài thuốc dân gian để điều trị vì có thể gây hại và tổn thương cho mắt của trẻ.

Với những trường hợp trẻ sơ sinh bị đau mắt có ghèn do nhiễm trùng nặng các mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời và phương pháp điều trị đúng cách. Khi sử dụng nước muối hay nước ấm hay các biện pháp chăm sóc tại nhà không tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh, bác sĩ có thể lựa chọn điều trị bằng thuốc nhỏ mắt cho trẻ sơ sinh bị ghèn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan