Tác dụng của thuốc Butamirate

Thuốc Butamirate thường được kê đơn dùng cho cả trẻ em và người lớn nhằm điều trị hiệu quả tình trạng ho gà hay ho cấp tính,... Butamirate citrate có thể dùng dưới dạng viên uống, si rô hoặc giọt, tuỳ vào từng đối tượng bệnh nhân. Nhằm tránh gặp phải các tác dụng phụ, người bệnh nên dùng Butamirate theo đúng liều lượng và tần suất khuyến cáo.

1. Butamirate là thuốc gì?

Butamirate thuộc nhóm thuốc tác dụng trên đường hô hấp, hay còn được gọi là Butamirat citrat. Thuốc thường được bác sĩ kê đơn sử dụng cho những trường hợp ho cấp tính ở trẻ em và người lớn.

Butamirate được bào chế dưới dạng giọt, si rô hoặc viên nén, có chứa hoạt chất chính là Butamirate citrate. Ngoài ra, trong công thức thuốc còn được nhà sản xuất bổ sung thêm những thành phần tá dược khác có tác dụng phụ trợ cho dược chất chủ đạo.

2. Thuốc Butamirate citrate có tác dụng gì?

2.1. Công dụng của hoạt chất Butamirate citrate

Butamirate citrate được biết đến là thuốc chống ho, có tác dụng đối với hệ thần kinh trung ương. Ngoài khả năng chống ho, các nghiên cứu cũng cho thấy Butamirate citrate có khuynh hướng giảm thiểu sức cản tại đường hô hấp nhờ cải thiện đáng kể các chỉ số khí dung.

Sau khi uống, hoạt chất Butamirate citrate có tốc độ hấp thu nhanh chóng. Thời gian bán thải của thuốc ước tính khoảng 13 giờ sau khi sử dụng dưới dạng viên và 6 giờ dưới dạng si rô. Khi dùng thuốc với các liều lặp lại không ghi nhận xảy ra hiện tượng tích luỹ hoạt chất.

Nhìn chung, Butamirate citrate thuỷ phân thành hai chất chính, bao gồm Diethylamino Ethoxy Ethanol và Axit phenyl-2-butyric. Hai chất chuyển hoá trên cũng có khả năng chống ho và liên kết khoảng 95% với protein huyết tương.

2.2. Chỉ định – Chống chỉ định dùng thuốc Butamirate

Hiện nay, thuốc Butamirate citrate được chỉ định sử dụng cho những trường hợp sau:

  • Điều trị tình trạng ho cấp tính bắt nguồn từ nhiều nguyên do khác nhau.
  • Dùng để làm dịu cơn ho trước và sau khi thực hiện phẫu thuật/ soi phế quản.
  • Điều trị chứng ho gà.

Cần tránh sử dụng Butamirate citrate cho những đối tượng bệnh nhân dưới đây khi chưa có chỉ định của bác sĩ, bao gồm:

  • Người có dấu hiệu dị ứng hoặc tiền sử mẫn cảm với hoạt chất Butamirate citrate hay bất kỳ tá dược phụ trợ trong công thức thuốc.
  • Chống chỉ định thuốc Butamirate citrate trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
  • Chống chỉ định dùng thuốc Butamirate citrate cho người bị suy thận hoặc suy gan cấp độ nghiêm trọng.

3. Hướng dẫn chi tiết cách dùng và liều lượng sử dụng thuốc Butamirate

Thuốc Butamirate citrate được bào chế dưới dạng giọt, si rô hoặc viên nén. Đường dùng thuốc sẽ được chỉ định cụ thể theo từng đối tượng bệnh nhân. Dưới đây là liều dùng thuốc Butamirate theo khuyến cáo chung của bác sĩ:

Dạng giọt dành cho trẻ em:

  • Từ 2 – 12 tháng tuổi: Dùng 10 giọt / lần, ngày sử dụng 4 lần.
  • Từ 1 – 3 tuổi: Dùng 15 giọt / lần, ngày sử dụng 4 lần.
  • Trên 3 tuổi: Dùng 25 giọt / lần, ngày dùng 4 lần.

Dạng si rô dành cho trẻ em và người lớn:

  • Từ 3 – 6 tuổi: Uống 5ml x 3 lần / ngày.
  • Từ 6 – 12 tuổi: Uống 10ml x 3 lần / ngày.
  • Từ 12 tuổi trở lên: Uống 15ml x 3 lần / ngày.
  • Người lớn: Uống 15ml x 4 lần / ngày.

Bệnh nhân có thể sử dụng muỗng đo lường thuốc kèm theo để dùng chính xác liều lượng được chỉ định.

Dạng viên cho trẻ em và người lớn:

  • Trẻ từ 12 tuổi trở lên: Uống từ 1 – 2 viên / ngày.
  • Người lớn: Uống từ 2 – 3 viên / ngày, mỗi liều cách nhau từ 8 – 12 giờ (chỉ được nuốt, không nhai).

Bạn nên sử dụng đúng liều lượng và tần suất thuốc Butamirate citrate đã được bác sĩ hướng dẫn. Hạn chế tối đa việc bỏ liều hoặc uống quá liều lượng cho phép. Nếu lỡ quên một liều thuốc, hãy cố gắng uống thay thế liều sớm nhất có thể. Trong trường hợp uống quá liều và gặp phải những tình trạng như tiêu chảy, nôn mửa, buồn nôn, ngủ li bì, hạ huyết áp hoặc mất thăng bằng, bệnh nhân cần đến trung tâm y tế ngay để được hỗ trợ. Bác sĩ có thể cân nhắc các biện pháp điều trị quá liều thuốc Butamirate citrate như dùng than hoạt tính, liệu pháp hỗ trợ đường hô hấp và tim thông thường hoặc thuốc nhuận tràng thuộc nhóm muối.

4. Thuốc Butamirate citrate gây ra những tác dụng phụ gì?

Nhìn chung, hiếm khi thuốc chữa ho Butamirate citrate dẫn tới những tác dụng phụ nghiêm trọng cho người sử dụng. Trong một số trường hợp nhất định, bệnh nhân có thể gặp phải các phản ứng bất lợi dưới đây:

  • Chóng mặt.
  • Buồn ngủ.
  • Rối loạn tiêu hoá như buồn nôn và tiêu chảy.
  • Phát ban hoặc nổi mày đay.

Khi cơ thể có dấu hiệu bất thường liên quan đến dùng thuốc Butamirate citrate, bạn cần ngưng sử dụng và đến khám bác sĩ sớm để có cách khắc phục. Những triệu chứng như tiêu chảy nếu không điều trị sớm có thể dẫn đến hiện tượng mất nước vô cùng nguy hiểm. Lúc này, bệnh nhân cần được bù chất điện giải nhanh chóng và áp dụng các biện pháp chặn tiêu chảy.

5. Những điều cần thận trọng khi sử dụng thuốc Butamirate citrate

Trong quá trình điều trị tình trạng ho cấp tính hay ho gà bằng thuốc Butamirate, bệnh nhân cần lưu ý những điều dưới đây:

  • Thận trọng khi dùng thuốc Butamirate cho bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận hoặc gan, người bị nhược cơ, tiểu đường, đau dạ dày, loét dạ dày,...
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Butamirate citrate cho phụ nữ đang mang thai ở kỳ tam cá nguyệt thứ 2 và 3. Mặc dù thuốc không gây độc tính cho thai nhi, tuy nhiên thai phụ cần tham khảo liều dùng phù hợp và chỉ sử dụng Butamirate khi được bác sĩ chỉ định.
  • Hiện nay chưa có nghiên cứu cụ thể cho biết liệu thuốc Butamirate có bài tiết vào sữa mẹ hay không. Vì vậy, phụ nữ đang nuôi con bú cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa mặt lợi và hại trước khi sử dụng sản phẩm.
  • Báo cho bác sĩ những loại thuốc khác mà bạn đang dùng, gồm cả thuốc không kê toa, thực phẩm chức năng, vitamin bổ sung hay thảo dược tự nhiên. Điều này sẽ giúp người bệnh tránh nguy cơ gặp phải các phản ứng tương tác thuốc bất lợi.
  • Kiểm tra chất lượng và hạn sử dụng của Butamirate trước khi dùng, giúp tránh dùng phải thuốc quá hạn, nấm mốc, đổi màu hoặc chảy nước.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Butamirate, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan