Tác dụng của thuốc Chlorostat

Chlorostat là một loại dung dịch sát khuẩn ngoài thường dùng để sát khuẩn tay, làm sạch da hay sát khuẩn răng miệng. Vậy các chỉ định và lưu ý khi sử dụng là gì?

1. Chlorostat là thuốc gì?

Chlorostat có thành phần chính là Chlorhexidine - là một cation (điện tích dương) có tác dụng khử trùng, nhạy cảm trên nhiều chủng vi khuẩn Gram dương và Gram âm, nấm da và các loại virus ưa lipid. Nhưng ít hiệu quả đối với các chủng Proteus, Pseudomonas và Mycobacteria. Chlorhexidine kháng khuẩn thông qua cơ chế hút các điện tích trái dấu (điện tích âm), tạo phức hợp chứa phosphat bền vững bám trên màng tế bào, từ đó phá vỡ màng tế bào vi khuẩn.

Ở nồng độ thấp Chlorostat chỉ có tác dụng kìm khuẩn, với nồng độ thuốc cao hơn có tác dụng diệt khuẩn không hồi phục.

Thuốc hấp thu kém qua niêm mạc đường tiêu hóa, nhưng có thể có tác dụng toàn thân khi sử dụng ở vùng hậu môn hay cơ quan sinh dục. Sau khi bôi da thuốc cũng hấp thu kém vào hệ tuần hoàn, chỉ có tác dụng tại chỗ. Tác dụng kháng khuẩn tại chỗ có thể kéo dài đến sau 5 giờ bôi thuốc.

2. Chỉ định của Chlorostat

Chlorostat được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau đây

  • Sử dụng để sát khuẩn tay tại các cơ sở y tế trước hoặc sau khi thực hiện các thủ thuật trên người bệnh.
  • Sát khuẩn vùng da điều trị và lân cận trước khi thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật tại vùng đó.
  • Sát khuẩn, làm sạch các vết thương hở nông ngoài da.
  • Sát khuẩn, vệ sinh răng miệng, hỗ trợ điều trị các bệnh lý viêm răng lợi.

3. Chống chỉ định của thuốc Chlorostat

Không sử dụng Chlorostat trong các trường hợp sau

  • Bệnh nhân có tiền sử dị ứng với thành phần Chlorhexidine hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
  • Trẻ em dưới 2 tháng tuổi không nên sử dụng do nguy cơ kích ứng da và tăng hấp thu thuốc qua da.
  • Không sử dụng ở các vùng mô nhạy cảm như màng não, não, vùng tai giữa.

4. Liều dùng và cách dùng thuốc Chlorostat

Cách dùng

  • Chlorostat được bào chế dưới dạng dung dịch loãng dùng ngoài.
  • Không dùng để uống, nhỏ mắt, nhỏ tai hay nhỏ mũi, không dùng cho vùng niêm mạc hậu môn và cơ quan sinh dục.

Liều dùng

  • Sát khuẩn vùng phẫu thuật: Dùng bông hoặc gạc tẩm ướt bằng Chlorostat sau đó bôi lên vị trí mổ và vùng lân cận, lau ít nhất 2 phút và lau khô bằng khăn hoặc gạc vô khuẩn.
  • Sát khuẩn tay cho phẫu thuật viên: Lấy khoản 5ml dung dịch Chlorostat cọ rửa tay trong 3 phút và rửa sạch.
  • Làm sạch và sát khuẩn vết thương nông ở da: Làm sạch bằng nhiều nước trước khi rửa bằng Chlorostat. Dùng bông hoặc gạc tẩm ướt rồi lau vùng vết thương.
  • Sát khuẩn vùng răng miệng: Sau khi đánh răng ngậm khoảng 15ml Chlorostat trong 30 giây sau đó nhổ ra. Thực hiện 2 lần/ ngày.

5. Lưu ý khi sử dụng dung dịch thuốc Chlorostat

  • Nếu phát hiện các dấu hiệu kích ứng trên vùng da điều trị cần ngưng thuốc, rửa lại bằng nước sạch.
  • Không dùng thuốc trong thời gian dài trên một khu vực lớn của cơ thể do nguy cơ thuốc hấp thu vào hệ tuần hoàn.
  • Nếu thuốc dính vào mắt, tai, niêm mạc vùng hậu môn, cơ quan sinh dục cần rửa nhiều lần bằng nước sạch do nguy cơ hấp thu vào hệ tuần hoàn và tổn thương không hồi phục mắt, hay tai giữa.
  • Dung dịch có chứa cồn 70 độ, vì vậy không để gần lửa, tia lửa điện, lò sưởi hay các thiết bị điện, dùng thuốc ở nơi thoáng gió.
  • Khi dùng để súc miệng có thể làm răng, lưỡi bắt màu, tăng mảng bám trên răng và có thể làm thay đổi vị giác (mặn, ngọt, chua).
  • Phụ nữ có thai đặc biệt là 3 tháng đầu và phụ nữ đang cho con bú nên cân nhắc lợi ích trước khi dùng do chưa đảm bảo được tính an toàn của Chlorostat cho phôi thai và trẻ em.

6. Tác dụng phụ của thuốc Chlorostat

Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi dùng Chlorostat

  • Kích ứng vùng da sử dụng, phồng rộp, mẩn đỏ, ngứa, sưng tấy, bong tróc da.
  • Phù mặt, bàn tay, bàn chân.
  • Khô miệng, viêm miệng.
  • Viêm tuyến mang tai.
  • Phản ứng phản vệ, khó thở, phù mắt, nổi mày đay.

Tóm lại, Chlorostat là dung dịch sát khuẩn được sử dụng tại cơ sở y tế hoặc chỉ định của bác sĩ tại nhà. Ngoài sát khuẩn tay, vết thương và vùng răng miệng không uống hay sử dụng thuốc trên các bộ phận khác của cơ thể.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

68 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan