Thông tin về thuốc Hydroxocobalamin

Thuốc Hydroxocobalamin là một dạng vitamin B12 nhân tạo, được đưa vào trong cơ thể thông qua đường tiêm bắp. Dưới đây là những thông tin và lưu ý khi sử dụng thuốc Hydroxocobalamin.

1. Hydroxocobalamin là thuốc gì?

Thuốc tiêm Hydroxocobalamin là dung dịch Hydroxocobalamin vô trùng dùng để tiêm bắp. Thành phần trong mỗi ml thuốc sẽ chứa:

  • Hydroxocobalamin Acetate tương đương với 1000 mcg Hydroxocobalamin
  • Natri Axetat khan 0,2 mg
  • Axit axetic băng 0,442 mg
  • Natriclorua 8,2 mg
  • Methylparaben 1,5 mg và Propylparaben 0,2 mg làm chất bảo quản

Hydroxocobalamin ở dưới dạng kim hình thoi màu đỏ sẫm hoặc dạng bột màu đỏ vô định hình hay kết tinh. Nó hút ẩm ở dạng khan và hòa tan vừa phải trong nước. Nó có trọng lượng phân tử là 1346,37. Các coenzym vitamin B12 rất không ổn định dưới ánh sáng. Hydroxocobalamin chia sẻ cấu trúc phân tử cobalamin với cyanocobalamin.

2. Dược lý lâm sàng

Vitamin B12 là một loại vitamin cần thiết cho sự tăng trưởng, sinh sản tế bào, tạo máu, tổng hợp nucleoprotein và myelin.

50% liều Hydroxocobalamin đã dùng sẽ chuyển hóa khỏi vị trí tiêm trong vòng 2,5 giờ sau tiêm. Hydroxocobalamin liên kết với protein huyết tương và được lưu trữ trong gan. Nó được bài tiết qua mật.

Trong vòng 72 giờ sau khi tiêm từ 500 đến 1000 mcg Hydroxocobalamin, 16 - 66% liều tiêm có thể xuất hiện trong nước tiểu. Phần lớn thuốc sẽ được bài tiết trong vòng 24 giờ đầu tiên.

3. Chỉ định và cách sử dụng Hydroxocobalamin

Thuốc Hydroxocobalamin sẽ được chỉ định trong các trường hợp:

  • Thiếu máu ác tính, thiếu máu hồng cầu to khác nhưng không kèm tổn thương thần kinh
  • Chế độ ăn thiếu Vitamin B12 thường xảy ra ở những người ăn chay nghiêm ngặt và trẻ bú mẹ.
  • Kém hấp thu vitamin B12 do tổn thương cấu trúc hoặc chức năng của dạ dày. Những tình trạng này bao gồm: bệnh tiêu chảy nhiệt đới và bệnh tiêu chảy không nhiệt đới (chứng phân mỡ vô căn, bệnh lý đường ruột do gluten gây ra).
  • Sự bài tiết không đủ do các tổn thương phá hủy niêm mạc dạ dày (ăn phải chất ăn mòn, khối u lan rộng) và một số tình trạng liên quan đến teo dạ dày ở các mức độ khác nhau (chẳng hạn như bệnh đa xơ cứng, một số rối loạn nội tiết, thiếu sắt và cắt dạ dày bán phần). Trường hợp bị cắt toàn bộ dạ dày sẽ gây thiếu vitamin B12.
  • Tổn thương cấu trúc dẫn đến thiếu vitamin B12 bao gồm: viêm hồi tràng vùng, cắt bỏ hồi tràng, khối u ác tính,..
  • Thiếu hụt Vitamin B12 bởi ký sinh trùng đường ruột hoặc vi khuẩn.
  • Sán dải cá (Diphyllobothrium latum) hấp thụ một lượng lớn vitamin B12 và những bệnh nhân bị nhiễm bệnh thường kèm theo chứng teo dạ dày. Hội chứng mù vòng có thể gây ra sự thiếu hụt Vitamin B12 hoặc folate.
  • Cơ thể không được đầy đủ vitamin B12, điều này có thể xảy ra nếu các chất chống chuyển hóa vitamin được sử dụng trong điều trị tân sinh.

Liều dùng tham khảo:

  • 30 mcg mỗi ngày trong 5 đến 10 ngày đầu, sau đó tiêm bắp 100 - 200 mcg hàng tháng. Nếu bệnh nhân bị bệnh nặng hoặc mắc bệnh thần kinh, bệnh truyền nhiễm hoặc cường giáp, có thể chỉ định liều cao hơn. Tuy nhiên, dữ liệu hiện tại chỉ ra rằng đáp ứng thần kinh đạt được tối ưu có thể được mong đợi với liều lượng vitamin B12 đủ để tạo ra đáp ứng huyết học tốt.
  • Trẻ em có thể được dùng tổng cộng từ 1 - 5 mg trong khoảng thời gian từ 2 tuần trở lên với liều 100mcg, sau đó là 30 đến 50 mcg cứ sau 4 tuần để duy trì.
  • Bệnh nhân có khả năng hấp thụ đường ruột bình thường có thể được điều trị bằng chế phẩm vitamin tổng hợp đường uống, chứa 15 mcg vitamin B12 mỗi ngày.

4. Chống chỉ định đối với Hydroxocobalamin

Thuốc chỉ được sử dụng trong trường hợp có chỉ định của bác sĩ và không dùng cho người quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc này.

5. Thận trọng khi sử dụng Hydroxocobalamin

  • Tránh sử dụng thuốc thông qua đường tiêm tĩnh mạch.
  • Axit folic không phải là chất thay thế cho vitamin B12 mặc dù nó có thể cải thiện tình trạng thiếu máu nguyên hồng cầu to do thiếu vitamin B12. Việc sử dụng duy nhất axit folic trong điều trị thiếu máu nguyên hồng cầu to do thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến tổn thương thần kinh tiến triển và không hồi phục.
  • Đáp ứng điều trị chậm hoặc bị cản trở đối với vitamin B12 có thể là do các tình trạng như: nhiễm trùng, nhiễm độc niệu, thuốc có đặc tính ức chế tủy xương như Chloramphenicol, đồng thời thiếu sắt hoặc axit folic.
  • Giá trị của các xét nghiệm máu chẩn đoán vitamin B12 hoặc axit folic có thể bị ảnh hưởng bởi thuốc và điều này nên được xem xét trước khi dựa vào các xét nghiệm như vậy để điều trị.
  • Vitamin B12 không phải là chất thay thế cho axit folic và vì nó có thể cải thiện tình trạng thiếu máu nguyên hồng cầu to do thiếu axit folic, nên việc sử dụng vitamin B12 bừa bãi có thể ảnh hưởng đến việc chẩn đoán chính xác.
  • Hạ kali máu và tăng tiểu cầu có thể xảy ra khi chuyển đổi nguyên hồng cầu to nghiêm trọng sang tạo hồng cầu bình thường bằng liệu pháp B12. Do đó, nồng độ kali huyết thanh và số lượng tiểu cầu nên được theo dõi cẩn thận trong quá trình điều trị.
  • Thiếu vitamin B12 có thể ngăn chặn các dấu hiệu của bệnh đa hồng cầu. Điều trị bằng vitamin B12 có thể khắc phục tình trạng này.
  • Các nghiên cứu về khả năng gây ung thư, đột biến hoặc suy giảm khả năng sinh sản chưa được thực hiện với Hydroxocobalamin.
  • Các nghiên cứu sinh sản trên động vật chưa được tiến hành với Hydroxocobalamin. Chính vì vậy, hiện nay chưa xác định được việc Hydroxocobalamin có thể gây hại cho thai nhi khi dùng hay không. Tuy nhiên, thuốc chỉ nên cung cấp cho phụ nữ có thai trong trường hợp thực sự cần thiết.

6. Một số tác dụng phụ

  • Xuất hiện tiêu chảy nhẹ thoáng qua, ngứa, ngoại ban thoáng qua, cảm giác sưng toàn thân và sốc phản vệ.
  • Một số bệnh nhân có thể bị đau sau khi tiêm Hydroxocobalamin.

Trên đây là toàn bộ thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Hydroxocobalamin. Lưu ý, Hydroxocobalamin là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng khi chưa có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

969 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan