Thuốc Torasemide chữa bệnh gì?

Thuốc Torasemide được chỉ định trong điều trị phù do suy tim sung huyết, phù phổi hoặc gan, thận. Thuốc còn được chỉ định trong điều trị tăng huyết áp sử dụng đơn trị hoặc kết hợp với các nhóm thuốc hạ huyết áp khác.

1. Công dụng của thuốc Torasemid

Thuốc Torasemid chứa hoạt chất Torasemid bào chế dưới dạng viên nén (hàm lượng 2,5mg, 5mg, 10mg) và dung dịch thuốc tiêm.

Torasemid được chỉ định ở người bệnh phù gan, phù thận, phù phổi, phù do suy tim sung huyết. Thuốc cũng được sử dụng đơn trị hoặc phối hợp với các thuốc khác trong điều trị tăng huyết áp.

Hoạt chất Torasemid thuộc nhóm thuốc lợi tiểu quai, tác dụng theo cơ chế ức chế tái hấp thu natri và clo ở thận (nhánh lên của quai henle). Torasemid tác dụng giảm phù, cải thiện tình trạng hoạt động suy tim thông qua cơ chế giảm tiền tải và hậu tải. Thuốc đã được chứng minh bởi các nhà khoa học với công dụng giảm thể tích dịch ngoại bào, huyết áp ở người bệnh tăng huyết áp bị bệnh thận mãn tính. Ngoài ra, một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng Torasemid có thể làm giảm xơ hóa cơ tim thông qua cơ chế giảm tích tụ collagen.

2. Liều dùng thuốc Torasemid

Torasemid thuộc nhóm thuốc kê đơn, vì vậy liều thuốc sử dụng cần được chỉ định bởi bác sĩ điều trị dựa vào tình trạng người bệnh. Một số khuyến cáo về liều thuốc Torasemid ở người trưởng thành như sau:

  • Phù: Liều thuốc Torasemid đường uống khuyến cáo là 5mg/lần/ngày, trường hợp cần thiết có thể tăng lên 20mg/lần/ngày. Liều thuốc tối đa không vượt quá 40mg/lần/ngày;
  • Tăng huyết áp: Liều thuốc Torasemid đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch khuyến cáo là 5mg/lần/ngày. Trường hợp người bệnh không đạt được hiệu quả hạ huyết áp trong 4 – 6 tuần, có thể xem xét tăng liều thuốc lên tối đa 10mg/lần/ngày. Nếu người bệnh vẫn chưa đạt được mức huyết áp mục tiêu, xem xét phối hợp với một thuốc hạ huyết áp khác;
  • Người bệnh suy gan: Torasemid dùng trong điều trị phù liên quan đến xơ gan có liều khuyến cáo là uống hoặc tiêm tĩnh mạch 5 – 10mg/lần/ngày, sử dụng đồng thời với thuốc kháng Aldosteron hoặc thuốc lợi tiểu tiết kiệm Kali. Liều thuốc có thể xem xét tăng lên gấp đôi trong trường hợp cần thiết đến khi đạt được tác dụng lợi tiểu mong muốn (lưu ý liều thuốc không vượt quá 40mg/ngày);
  • Người bệnh suy thận: Torasemid dùng trong phù do suy thận mạn có liều khyến cáo là 20mg/lần/ngày. Liều thuốc có thể tăng gấp đôi trong trường hợp cần thiết đến khi đạt mục tiêu nhưng không quá 200mg/ngày.

3. Tác dụng phụ của thuốc Torasemid

Thuốc Torasemid có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:

  • Thường gặp: Chóng mặt, nhức đầu, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, đau bụng, táo bón, tiêu chảy, co thắt cơ, suy nhược, mệt mỏi;
  • Ít gặp: Bí tiểu, tăng men gan, giãn bàng quang, tăng glucose máu, tăng acid uric máu, tăng lipid máu;
  • Hiếm gặp: Tăng creatinin máu, tăng ure máu;
  • Tác dụng phụ không xác định tần suất: Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, thiếu máu, hội chứng Stevens – Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc, suy giảm thị lực, thiếu máu cục bộ não, trạng thái lú lẫn, dị cảm, điếc, ù tai, thiếu máu cục bộ cơ tim, nhồi máu cơ tim cấp, đau thắt ngực, hạ huyết áp, ngất, thuyên tắc mạch, viêm tụy, khô miệng.

Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu gặp phải bất kỳ tác dụng không mong muốn nào khi sử dụng thuốc Torasemid.

4. Chống chỉ định của thuốc Torasemid

Chống chỉ định sử dụng thuốc Torasemid trong những trường hợp sau:

  • Người bệnh quá mẫn với Torasemid, Sulphonylure hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc;
  • Người bệnh bị suy thận do vô niệu;
  • Người bệnh bị hôn mê gan, tiền hôn mê;
  • Người bệnh huyết áp thấp;
  • Người bị giảm thể tích máu từ trước;
  • Rối loạn nhịp tim;
  • Phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang cho con bú;
  • Người bệnh đang điều trị đồng thời với Aminoglycosid hoặc Cephalosporin;
  • Người bệnh bị tổn thương chức năng thận do thuốc.

5. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Torasemid

Người bệnh có triệu chứng hạ natri máu, hạ kali máu, giảm thể tích máu hoặc rối loạn tiểu tiện cần được điều chỉnh liều dùng trước khi điều trị bằng Torasemid.

Sử dụng thuốc lợi tiểu quá mức có thể dẫn đến mất nước, giảm thể tích máu kèm theo huyết khối, trụy tuần hoàn hoặc tắc mạch (đặc biệt là ở người cao tuổi).

Đối với người bệnh xơ gan, sự thay đổi cân bằng điện giải một cách đột ngột có thể dẫn đến hôn mê gan, vì vậy cần thận trọng khi dùng thuốc cho người bệnh xơ gan và cổ trướng.

Người bệnh điều trị lâu dài bằng Torasemid cần theo dõi thường xuyên cân bằng điện giải, acid uric, glucose, creatinin và lipid máu.

Người bệnh có xu hướng tăng acid uric máu hoặc mắc bệnh Gout cần được theo dõi triệu chứng lâm sàng trong suốt quá trình điều trị bằng Torasemid.

Thận trọng khi dùng thuốc ở người bệnh khó tiểu, bao gồm cả người bệnh bị phì đại tuyến tiền liệt vì nguy cơ bí tiểu cấp tính cao hơn và cần theo dõi triệu chứng lâm sàng khi dùng thuốc ở những người bệnh này.

Đối với phụ nữ đang mang thai: Hiện chưa có dữ liệu nghiên cứu về ảnh hưởng của Torasemid đối với thai nhi. Vì vậy chống chỉ định sử dụng thuốc ở phụ nữ đang mang thai.

Đối với phụ nữ đang cho con bú: Hiện chưa có nghiên cứu về khả năng bài tiết qua sữa mẹ của Torasemid. Vì vậy chống chỉ định sử dụng thuốc ở phụ nữ đang cho con bú.

6. Tương tác thuốc

  • Sử dụng đồng thời Torasemid với Glycoside tim làm tăng độ nhạy cảm với cơ tim của các glycoside.
  • Tác dụng hạ huyết áp của Torasemid tăng lên khi sử dụng đồng thời với các thuốc hạ huyết áp khác.
  • Torasemid ở liều cao làm tăng độc tính của kháng sinh nhóm Aminoglycoside, chế phẩm Cisplatin, tác dụng độc tính trên thận của Cephalosporin, tác dụng độc trên tim và thần kinh của Lithium. Vì vậy cần tránh sử dụng đồng thời Torasemid và các thuốc trên.
  • Tác dụng của Theophyllin, thuốc giãn cơ có chứa Curare tăng lên khi phối hợp với Torasemid.
  • Ở người bệnh điều trị bằng Salicylat liều cao có thể làm tăng độc tính của Salicylat.
  • Sử dụng đồng thời Torasemid và thuốc điều trị đái tháo đường làm giảm tác dụng của thuốc điều trị đái tháo đường.
  • Tác dụng lợi tiểu, hạ huyết áp của Torasemid giảm đi khi sử dụng đồng thời với thuốc kháng viêm không steroid.

Tương tác thuốc xảy ra làm tăng nguy cơ gặp tác dụng và giảm tác dụng điều trị của Torasemid, vì vậy để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm đang sử dụng trước khi dùng thuốc Torasemid.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan