Thuốc Venrutine trị bệnh gì?

Thuốc Venrutine là thuốc không kê đơn, thuộc nhóm vitamin và khoáng chất. Vậy chỉ định thuốc venrutine được dùng trong những trường hợp nào là thắc mắc của rất nhiều người.

1. Thuốc Venrutine là gì?

Thuốc Venrutine được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, hoạt chất chính bao gồm Rutin 500mg và Vitamin C (Ascorbic acid) 100mg.Bên cạnh đó còn được bổ sung các tá dược gồm: Povidon, Crospovidon, Manitol,Talc, Magnesi stearat, Ethanol 70%, Opadry đỏ, Opadry trong suốt, nước tinh khiết.

1.1. Dược lực học

Thuốc Venrutine chứa hai thành phần chính là Rutin và Vitamin C, chúng có các đặc tính như sau:

  • Rutin hay còn được gọi là Rutosid, là một flavonol glycosid cấu tạo bởi flavonol quercetin và disacarid rutinose. Rutin được chiết xuất từ các dược liệu: quả cam, chanh, nụ hoa Hòe, kiều mạch, ớt hay từ lá một số loài Eucalyptus. Rutin có tác dụng tăng cường sức chịu đựng và giảm độ thấm của mao mạch, chống phù nề bảo vệ mạch máu, chống viêm. Cơ chế tác dụng của Rutin chủ yếu là ngăn sự oxy hoá phá huỷ adrenalin trong tuần hoàn thông qua ức chế tương tranh với men Catecholamin-O- Methyltransferase. Rutin có tác dụng chống viêm thông qua cơ chế kích thích tuyến thượng thận tăng tiết adrenalin, ức chế men hyaluronidase. Bên cạnh đó, Rutin có tác dụng chống oxy hóa, chống u, hạ huyết áp, chống tạo huyết khối, hạ cholesterol và làm giảm nguy cơ xuất huyết não, cầm máu.
  • Vitamin C cần thiết cho sự tạo collagen, tái tạo mô trong cơ thể, tham gia vào phản ứng oxy hóa - khử, tăng cường hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng với nhiễm khuẩn. Vitamin C là chất chống oxy hóa mạnh, có vai trò đặc biệt trong giữ gìn sự toàn vẹn của mạch máu, nhất là các mao mạch và tác dụng này được tăng cường bởi Rutin.

1.2. Dược động học

Vitamin C được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa sau khi uống. Tuy nhiên, quá trình hấp thu có thể bị hạn chế khi dùng liều lớn. Trong một số nghiên cứu, chỉ có 50% liều khi uống 1,5 g vitamin C được hấp thu. Tiêu chảy hoặc mắc các bệnh lý về dạ dày ruột có thể làm giảm hấp thu vitamin C.

Bình thường nồng độ vitamin C trong huyết tương ở khoảng 10 - 20 mcg/ml, khoảng 25% vitamin C trong huyết tương kết hợp với protein. Vitamin C phân bố khắp các mô trong cơ thể. Vitamin C oxy hóa thuận nghịch thành acid dehydroascorbic. Một phần vitamin C chuyển hoá thành hợp chất không có hoạt tính gồm ascorbic acid-2-sulfat và acid oxalic được bài tiết trong nước tiểu.

Lượng vitamin C vượt quá nhu cầu của cơ thể sẽ được đào thải ra nước tiểu dưới dạng không chuyển hóa.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Venrutine

2.1. Chỉ định Venrutine

  • Bệnh trĩ
  • Các chứng xuất huyết dưới da, vết bầm máu
  • Suy giãn tĩnh mạch
  • Tăng huyết áp, xơ cứng mao mạch
  • Tình trạng xuất huyết ở khoa răng hàm mặt, khoa mắt.

2.2. Chống chỉ định Venrutine

Chống chỉ định khi dùng thuốc Venrutine bao gồm chống chỉ định với thành phần của thuốc là Rutin và Vitamin C.

  • Chống chỉ định của Rutin là quá mẫn cảm hay dị ứng với rutin hay một trong các thành phần của thuốc.
  • Chống chỉ định khi sử dụng Vitamin C: Không dùng liều cao Vitamin C cho người bị thiếu hụt men G6PD (Glucose - 6 -Phosphat Dehydrogenase; người bệnh thalassemia; tiền sử mắc sỏi thận, tăng oxalat niệu hay rối loạn chuyển hóa oxalat.

3. Cách dùng thuốc Venrutine

Liều dùng thuốc cụ thể của mỗi bệnh nhân tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và tiến triển của bệnh. Tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có liều dùng phù hợp. Thuốc Venrutine được dùng cho người lớn và trẻ em từ 6 tuổi trở lên.

  • Đối với người lớn: uống 1 viên, dùng 1 - 2 lần/ngày.
  • Đối với trẻ em từ 6 tuổi trở lên: uống 1/2 viên, dùng 1 - 2 lần/ngày.

Trương hợp dùng quá liều Rutin ít khi xảy ra. Tuy nhiên bạn có thể gặp các triệu chứng sau đây: chóng mặt, mệt mỏi, nhịp tim nhanh, cứng cơ, khó chịu ở dạ dày.

Việc sử dụng quá liều vitamin C khiến người bệnh có thể gặp các triệu chứng như: buồn nôn, đau dạ dày, tiêu chảy. Điều trị bằng phương pháp truyền dịch gây lợi tiểu có thể có tác dụng trong trường hợp này.

Cảnh báo và thận trọng:

  • Không nên dùng liều cao Vitamin C (trên 3g/ngày) do làm tăng nguy cơ sỏi oxalat và urat niệu.
  • Sử dụng Venrutinethận trọng ở bệnh nhân bị loét đường tiêu hóa.
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú nên sử dụng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

4. Tác dụng không mong muốn

Một số tác dụng phụ có thể gặp khi dùng Venrutine là: rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, ngứa tứ chi, thỉnh thoảng xuất hiện đau đầu.

Vitamin C có thể gây ra các tác dụng phụ phổ biến như co thắt dạ dày, buồn nôn, ợ chua, tiêu chảy, đau đầu, mất ngủ, thiếu máu huyết tán (ở bệnh nhân thiếu hụt G6PD). Bên cạnh đó, vitamin C bài tiết hợp chất oxalat và axit uric trong nước tiểu có thể gây nên sỏi thận. Nguy cơ mắc các tác dụng phụ này càng tăng nếu sử dụng với liều lượng càng cao.

Bạn cần ngưng sử dụng thuốc và tham khảo ý kiến bác sĩ khi gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn này.

5. Tương tác với các thuốc khác

  • Không dùng chung Venrutine với khánh sinh quinolon do có thể làm giảm tác dụng của quinolon do rutin ức chế cạnh tranh gắn kết trên các thụ thể DNA-gyrase hình thành nên Quercetin.
  • Vitamin C có trong thuốc Venrutine làm tăng hấp thu sắt qua đường tiêu hóa.
  • Aspirin: dùng đồng thời với vitamin C làm tăng bài tiết vitamin C và giảm bài tiết Aspirin.
  • Fluphenazin: Vitamin C làm giảm nồng độ Fluphenazin trong huyết tương.
  • Hạn chế sử dụng các thực phẩm chế biến có chứa nitrat và nitrit trong thời gian sử dụng thuốc. Một số nghiên cứu cho thấy rằng rutin có thể bị nitơ hóa tạo ra chất gây đột biến.

Tóm lại, sử dụng thuốc Venrutine sẽ giúp tăng hiệu quả chữa bệnh của thuốc này. Do đó, người bệnh hãy luôn tuân thủ chỉ định dùng thuốc đến từ bác sĩ để tránh gặp phải các rủi ro không mong muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

33.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan