Thuốc Zyzocete chữa bệnh gì?

Zyzocete là thuốc có thành phần chính Cetirizin dihydroclorid, có tác dụng kháng histamin. Thuốc được dùng điều trị triệu chứng trong các trường hợp dị ứng như chảy nước mũi, hắt hơi, ngứa và phát ban...

1. Dược lực học và dược động học của thuốc Zyzocete

1.1 Dược lực học

Cetirizine dihydrochloride là dẫn chất của Piperazin, thuộc nhóm kháng histamin. Cetirizine có tác dụng đối kháng chọn lọc thụ thể H1 ngoại biên, nhưng không có tác dụng lên các thụ thể khác chẳng hạn như tác dụng đối kháng acetylcholin hoặc serotonin.

Ngoài ra, Cetirizine dihydrochloride còn ức chế giai đoạn sớm của phản ứng dị ứng qua trung gian Histamin, giảm sự di dời của tế bào viêm và ở giai đoạn muộn của phản ứng dị ứng nó có tác dụng giảm giải phóng chất trung gian hoá học.

1.2 Dược động học

Thuốc Zyzocete được hấp thu nhanh chóng sau khi uống. Nồng độ đỉnh trong máu ở mức khoảng 0,3 mcg/ml, đạt được sau khi uống 30 đến 60 phút.

Sinh khả dụng đường uống của thuốc khi dùng cùng với thức ăn không thay đổi. Tuy mức độ hấp thu không bị giảm bởi thức ăn, nhưng tốc độ hấp thu của thuốc bị giảm.

Cetirizin liên kết mạnh với protein huyết tương với tỷ lệ là khoảng 90 - 96%. Khoảng 2/3 liều thuốc được bài xuất qua nước tiểu dưới dạng không đổi. Độ thanh thải của thuốc ở thận là khoảng 30ml/phút và thời gian bán thải khoảng 10 giờ. Thuốc đi qua sữa mẹ nhưng hầu như không qua được hàng rào máu-não.

Thuốc Zyzocete chữa bệnh gì?
Thuốc Zyzocete là thuốc gì? đây một loại thuốc có tác dụng kháng histamin

2. Thuốc Zyzocete uống thế nào

Thuốc Zyzocete được bào chế dưới dạng viên nén dài bao phim. Thuốc được sử dụng theo đường uống, có thể dùng thuốc ngoài hoặc cùng lúc với bữa ăn mà không ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ của thuốc.

Liều dùng của thuốc Zyzocete:

  • Đối với trẻ em từ 6 đến 12 tuổi: Uống 5mg (tức là 1⁄2 viên) x 2 lần/ngày
  • Đối với người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Uống 10 mg/ngày ( tức 1 viên/ngày) x 1lần/ngày hoặc có thể uống 5mg (tức là 1⁄2 viên) x 2 lần/ngày.

Người cao tuổi: nếu người bệnh có chức năng thận bình thường thì chưa có dữ liệu khuyến cáo cần phải giảm liều. Người bệnh có chức năng thận suy giảm, liều thuốc nên được điều chỉnh theo mức độ lọc cầu thận. Đối với bệnh nhi, liều được dựa trên mức độ lọc của cầu thận, cân nặng và độ tuổi.

Bệnh nhân suy gan: Không cần điều chỉnh liều sử dụng, tuy nhiên nếu có suy thận kết hợp, cần điều chỉnh liều tương tự như bệnh nhân suy thận.

Lưu ý, liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo, liều dùng cụ thể của mỗi cá nhân tùy thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khoẻ và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng phù hợp bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, không tự ý tăng liều thuốc mà không theo chỉ dẫn.

Tham khảo ý kiến bác sĩ biết nếu các triệu chứng dị ứng hay phát ban không cải thiện sau 3 ngày điều trị. Đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu các triệu chứng trầm trọng hơn hoặc nghi ngờ xảy ra phản ứng dị ứng/sốc phản vệ.

Cetirizine nói chung là rất an toàn khi sử dụng. Dùng quá liều lượng thường không có khả năng gây hại cho bạn. Nếu dùng quá liều lượng, bạn có thể gặp một số tác dụng phụ thường gặp như buồn ngủ hay kích động ở trẻ em. Khi gặp các triệu chứng quá liều cần đến cơ sở y tế để được điều trị.

Nếu bạn quên uống 1 liều thì hãy uống ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên nếu gần đến lúc dùng liều tiếp theo, bỏ qua liều đã quên và dùng liều tiếp theo đúng hướng dẫn.

3. Tác dụng của thuốc Zyzocete

Cetirizine là một loại thuốc kháng histamine được sử dụng để làm giảm các triệu chứng dị ứng như ngứa mắt / mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, nổi mề đay và ngứa. Cetirizine không được dùng trong điều trị hay ngăn ngừa phản ứng dị ứng nghiêm trọng (chẳng hạn như phản vệ). Thuốc Zyzocete được sử dụng phổ biến để điều trị các triệu chứng trong các bệnh lý sau đây:

  • Viêm mũi dị ứng lâu ngày dai dẳng: Viêm mũi dị ứng theo mùa, viêm mũi dị ứng quanh năm lâu khỏi
  • Mề đay vô căn mãn tính.
  • Người bị viêm kết mạc dị ứng, phản ứng dị ứng bởi thuốc hay thức ăn không hợp
Thuốc zyzocete chữa bệnh gì? Người bị mề đay có thể sử dụng thuốc theo chỉ dẫn
Thuốc zyzocete chữa bệnh gì? Người bị mề đay có thể sử dụng thuốc theo chỉ dẫn

4. Chống chỉ định của thuốc Zyzocete

Thuốc Zyzocete chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân có tiền sử dị ứng với cetirizin, levocetirizine , hydroxyzin.
  • Mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc Zyzocete.
  • Trẻ em dưới 6 tuổi.
  • Suy thận có mức lọc cầu thận nhỏ hơn 10ml/phút.

5. Phản ứng phụ thường gặp

Buồn ngủ, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn và khô miệng có thể gặp. Tác dụng phụ ít gặp hơn như kích động, tiêu chảy, ngứa, đỏ bừng, tăng tiết nước bọt. Đau dạ dày cũng có thể gặp ở trẻ em.

Nếu tác dụng phụ trên không thuyên giảm hoặc xấu đi, ngưng sử dụng thuốc và đến gặp bác sĩ hoặc dược sĩ để được chăm sóc. Nếu chúng không nghiêm trọng, bác sĩ sẽ đánh giá giữa lợi ích và nguy cơ tác dụng phụ mang lại để chỉ định thuốc.

Mặc dù phản ứng dị ứng nghiêm trọng với thuốc Zyzocete rất ít khi xảy ra, tuy nhiên nếu có bất kỳ triệu chứng nào như phát ban, phù (đặc biệt là mặt, cổ họng) hay khó thở, hãy đi đến cơ sở y tế ngay lập tức.

6. Thận trọng khi sử dụng thuốc Zyzocete

Nếu bạn có tiền sử dị ứng với cetirizine hay hydroxyzine, levocetirizine, báo với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.

Tránh dùng đồng thời cetirizin với rượu và thuốc ức chế thần kinh trung ương do làm tăng thêm tác dụng của các thuốc này. Thận trọng ở bệnh nhân bị động kinh, có nguy cơ co giật.

Tác dụng phụ thường gặp của thuốc là buồn ngủ, bạn không nên lái xe, sử dụng máy móc khi sử dụng thuốc. Hiện tại mặc dù thuốc không đi qua hàng rào máu-não nhưng vẫn chưa có nghiên cứu đầy đủ ở phụ nữ mang thai, do đó không nên dùng thuốc khi mang thai. Cetirizin bài tiết qua sữa, vì vậy bà mẹ cho con bú không nên dùng.

tác dụng của thuốc zyzocete
Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ về tác dụng của thuốc zyzocete

7. Tương tác thuốc Zyzocete

Tương tác thuốc làm thay đổi cách hoạt động của thuốc hoặc làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng. Chia sẻ với bác sĩ tất cả các thuốc mà bạn đang sử dụng (bao gồm thuốc kê đơn/ không kê đơn và các sản phẩm thảo dược), đặc biệt chú ý các thuốc dưới đây:

  • Các loại thuốc gây buồn ngủ khác như thuốc giảm đau opioid hoặc thuốc giảm ho: codeine, hydrocodone.
  • Thuốc ngủ hoặc thuốc giảm lo âu chẳng hạn như alprazolam, lorazepam, zolpidem,
  • Thuốc giãn cơ: carisoprodol, cyclobenzaprine
  • Thuốc kháng histamine khác chẳng hạn như chlorpheniramine, diphenhydramine. Không nên dùng đồng thời với bất kỳ loại thuốc kháng histamine bôi ngoài da nào khác (như kem diphenhydramine, thuốc mỡ, thuốc xịt) vì có thể làm tăng tác dụng phụ của thuốc.
  • Cetirizine rất giống với hydroxyzine và levocetirizine. Không sử dụng những loại thuốc này trong khi sử dụng cetirizine.

Kiểm tra kỹ hướng dẫn sử dụng trên tất cả các loại thuốc mà bạn đang dùng vì có thể chứa các thành phần gây buồn ngủ làm tăng tác dụng phụ của thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

107.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan