Tìm hiểu về thuốc Tizanidine

Thuốc Tizanidine là thuốc kê đơn, được sử dụng để điều trị co cứng cơ, giảm đau do co cơ. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng thuốc Tizanidine, ngoài việc cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh cũng cần tìm hiểu thêm một số thông tin về thuốc Tizanidine trong bài viết dưới đây.

1. Thuốc Tizanidine công dụng là gì?

1.1. Thuốc Tizanidine là thuốc gì?

Thuốc Tizanidine thuộc nhóm thuốc giãn cơ xương, tác động hệ thần kinh trung ương. Thuốc có nhiều dạng biệt dược và dạng bào chế khác nhau như:

Viên nén hàm lượng 2 mg và 4 mg (Zanaflex, Tizalon); Viên nang hàm lượng 2mg, 4mg và 6mg. Thuốc Tizanidine khuyến cáo sử dụng cho người trưởng thành trên 17 tuổi.

1.2. Thuốc Tizanidine có tác dụng gì?

Tizanidin phát huy hiệu quả trong trường hợp co thắt cơ gây đau cấp tính cũng như tình trạng co cứng mạn tính có nguồn gốc do não và tủy sống. Thuốc làm giảm sự đề kháng lại của các động tác thụ động, làm dịu các cơn co giật và co thắt, có thể cải thiện các động tác chủ động.

Thuốc Tizanidine được bác sĩ kê đơn chỉ định trong các trường hợp:

  • Làm giảm các triệu chứng của tình trạng co cứng cơ do thần kinh: bệnh xơ cứng rải rác, bệnh thoái hóa tủy sống, bệnh tủy sống mạn tính, tai biến mạch máu não và liệt não.
  • Điều trị triệu chứng co thắt cơ gây đau mà nguyên nhân là do các rối loạn cân bằng và chức năng ở vùng cột sống (hội chứng ở cổ hoặc thắt lưng, như chứng vẹo cổ hoặc chứng đau lưng mạn tính); Giảm đau cơ sau phẫu thuật như phẫu thuật thoát vị đĩa đệm hoặc viêm xương khớp ở háng..

Chống chỉ định:

  • Bệnh nhân bị dị ứng với thành phần hoạt chất chính Tizanidine hydrochloride hay bất cứ thành phần tá dược nào của thuốc.
  • Bệnh nhân bị suy gan nặng.

2. Cách sử dụng của thuốc Tizanidine

2.1. Cách dùng thuốc Tizanidine

  • Thuốc Tizanidine dùng đường uống, có thể uống thuốc cùng hoặc không cùng với bữa ăn. Nuốt nguyên viên thuốc với nước lọc hoặc có thể bẻ đôi nhưng không nghiền nát hoặc bẻ nhỏ.
  • Do thuốc có tác dụng tương đối ngắn nên để thuốc phát huy tốt cần phải uống nhiều lần trong ngày (3 - 4 lần/ngày) hoặc phụ thuộc vào nhu cầu của người bệnh. Có thể điều chỉnh liều tùy theo đáp ứng của người bệnh. Nhưng không được vượt quá liều cho tác dụng điều trị mong muốn.

2.2. Liều dùng của thuốc Tizanidine

Liều dùng cho người lớn (từ 18 tuổi trở lên)

  • Điều trị co cứng cơ

Liều khởi đầu thông thường: 1 liều đơn 2 mg. Sau đó, tùy theo đáp ứng của từng người bệnh cụ thể, liều có thể tăng lên 2 mg mỗi lần, cứ cách nhau ít nhất 3 - 4 ngày có một lần tăng, thường dùng tới 24mg/ngày chia làm 3 - 4 lần. Liều tối đa khuyến cáo trong một ngày là 36 mg.

  • Điều trị đau do co cơ

Uống 2 đến 4 mg mỗi lần, 3 lần trong 1 ngày.

Đối với người bệnh suy thận có độ thanh thải creatinin < 25 ml/phút:

Liều khởi đầu duy nhất 2 mg/lần/ngày, sau đó tăng dần cho tới khi đạt được tác dụng mong muốn. Không được quá 2 mg cho mỗi lần tăng. Nên tăng chậm từ liều 1 lần/ngày trước khi tăng số lần dùng trong một ngày.

Người cao tuổi:

Liều uống thông thường như người trẻ tuổi. Có thể sẽ phải điều chỉnh liều vì độ thanh thải thận ở người cao tuổi có thể giảm bốn lần so với người trẻ.

Xử lý khi quên liều:

  • Để thuốc Tizanidine phát huy được hiệu quả giãn cơ thì cố gắng để không quên liều. Có thể đặt ghi nhớ để uống thuốc do số lần uống thuốc trong ngày nhiều.
  • Nếu lỡ quên uống một liều thì cần uống ngay khi nhớ ra và thời gian uống liều sau sẽ được dịch từ liều vừa uống.

Xử trí khi quá liều:

  • Quá liều tizanidine có thể gây buồn nôn, nôn, hoa mắt, tụt huyết áp, co đồng tử, hôn mê và đặc biệt là biểu hiện của suy hô hấp.
  • Sử dụng các biện pháp điều trị ngộ độc chung để loại trừ thuốc ra khỏi cơ thể như dùng than hoạt, rửa dạ dày và thuốc lợi tiểu như furosemid, manitol. Đồng thời sử dụng các biện pháp hỗ trợ hô hấp, tim mạch, bù nước và điện giải.

3. Lưu ý khi dùng thuốc Tizanidine

  • Không dùng thuốc Temazepam khi đã hết hạn sử dụng trên bao bì, thuốc bị đổi màu, nấm mốc, có mùi lạ, kết cấu viên thuốc không như ban đầu.
  • Cảnh báo huyết áp thấp. Tizanidine có thể gây ra huyết áp rất thấp dẫn đến chóng mặt hoặc ngất xỉu. Để giúp giảm nguy cơ này, bác sĩ có thể kê đơn với liều thấp nhất của Tizanidine hay Tizanidine thuốc biệt dược phù hợp với bạn. Nếu bạn đã dùng thuốc hạ huyết áp, sẽ phải kiểm tra huyết áp của bạn thường xuyên hơn.
  • Thời kỳ mang thai và cho con bú: do chưa có nhiều nghiên cứu khi sử dụng Tizanidine cho nhóm đối tượng này nên chỉ dùng thuốc khi thực sự cần thiết và đã cân nhắc kỹ lợi ích cao hơn nguy cơ rủi ro.

4. Tác dụng phụ của thuốc Tizanidine

  • Thường gặp

Hạ huyết áp, ngủ gà, suy nhược, chóng mặt, khô miệng, buồn ngủ, mệt mỏi, trầm cảm, lo lắng, ảo giác/hoang tưởng, rối loạn lời nói, kích động, sốt, nhịp tim chậm, đau bụng, tiêu chảy, khó tiêu... là những tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc này. Người bệnh nên lưu ý nếu có những dấu hiệu bất thường cần tới các cơ sở y tế để được thăm khám.

  • Ít gặp

Một vài triệu chứng ít gặp hơn có thể kể đến như: Giãn mạch, ngất, đau nửa đầu, loạn nhịp tim, hạ huyết áp thế đứng, khó nuốt, đầy hơi, chảy máu tiêu hóa, sỏi mật, viêm gan.

5. Tương tác thuốc Tizanidine

Khi sử dụng chúng với Tizanidine, những loại thuốc này có thể tương tác gây ra tác dụng phụ nguy hiểm cho cơ thể. Một số loại thuốc này bao gồm:

  • Fluvoxamine và ciprofloxacin (Cipro). Sử dụng các loại thuốc này với tizanidine có thể gây ra huyết áp rất thấp. Nó cũng có thể gây buồn ngủ nhiều hơn hoặc giảm kiểm soát cơ bắp.
  • Các loại thuốc chủ vận alpha-2 khác như clonidine, methyldopa hoặc guanfacine. Sử dụng các loại thuốc này với tizanidine có thể gây ra huyết áp rất thấp.

Tốt nhất người bệnh chỉ nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Trước khi sử dụng cần đọc kỹ hướng dẫn để có được kết quả điều trị tốt nhất.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

24.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan