Tophem là thuốc gì?

Sắt, acid folic và vitamin B12 là những vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể người. Việc thiếu hụt các chất dinh dưỡng trên có thể gây nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Do đó, việc sử dụng thuốc Tophem để bổ sung là vô cùng quan trọng. Vậy tophem là thuốc gì và trị bệnh gì?

1. Tophem là thuốc gì?

Tophem là được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại Dược phẩm Đông Nam, thành phần hoạt chất chính bao gồm sắt fumarat, acid folic và vitamin B12.

Thuốc Tophem bào chế ở dạng viên nang mềm, hình oval, màu đỏ, bên trong bao gồm phần thuốc có màu nâu đỏ. Tophem đóng gói theo quy cách mỗi hộp 10 vỉ, mỗi vỉ tương ứng có 10 viên.

Thành phần và hàm lượng hoạt chất trong 1 viên nang thuốc Tophem

2. Thuốc Tophem trị bệnh gì?

Sản phẩm Tophem được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Ngăn ngừa chứng thiếu máu thiếu sắt ở các đối tượng nguy cơ cao như phụ nữ trong thai ký hoặc đang cho con bú, trẻ em độ tuổi dậy thì, phụ nữ đang ở thời kỳ kinh nguyệt;
  • Bổ sung sắt, acid folic, vitamin B12 cho người bệnh mất máu do phẫu thuật, chấn thương, nhiễm giun hoặc ở người thường xuyên hiến máu.

3. Đặc điểm dược lý của thuốc Tophem

3.1. Dược lực học

Sắt một trong những nguyên tố vi lượng thiết yếu của cơ thể, là nguyên liệu trong quá trình sản sinh Hemoglobin và các tiến trình trong các mô sống cần có oxy. Bổ sung sắt có công dụng khắc phục các bất thường trong quá trình tạo ra tế bào hồng cầu do nguyên nhân thiếu sắt.

Vitamin B2 khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành methylcobalamin và 5-deoxyadenosylcobalamin (các co-enzyme hoạt động) và đóng vai trò quan trọng khi tế bào sao chép và tăng trưởng. Tình trạng thiếu hụt vitamin B12 sẽ dẫn đến suy giảm chức năng của một số dạng acid folic cần thiết ở trong tế bào. Bên cạnh đó, vitamin này rất cần thiết cho các mô có tốc độ tăng trưởng tế bào mạnh như mô tạo máu, ruột non, tử cung.

Acid folic là một nguyên liệu cần thiết cho quá trình tổng hợp nucleoprotein và duy trì sự sản sinh ra hồng cầu bình thường. Thiếu acid folic tương tự thiếu vitamin B12 là có thể gây ra thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ.

3.2. Dược động học

Sắt hấp thu không đồng đều và không hoàn toàn thông qua hệ tiêu hóa, vị trí hấp thu đa phần là ở tá tràng và hỗng tràng. Các yếu tố kích thích tăng hấp thu sắt bao gồm dịch tiết acid dạ dày, sắt ở dạng sắt II, cơ thể ở trạng thái thiếu hụt sắt hoặc đang có chế độ ăn kiêng. Ngược lại, sắt sẽ giảm hấp thu khi lượng dự trữ của cơ thể đã quá thừa.

Vitamin B12 hấp thu qua niêm mạc ruột, chủ yếu ở đoạn hồi tràng theo 2 cơ chế là cơ chế thụ động khi bổ sung vào nhiều và cơ chế tích cực cho phép hấp thu ở liều sinh lý nhưng đòi hỏi phải có yếu tố nội tại glycoprotein do tế bào thành niêm mạc dạ dày tiết ra.

Acid folic hấp thu chủ yếu ở đoạn đầu ruột non và phân bố rộng rãi trong cơ thể. Chất dinh dưỡng này dự trữ chủ yếu ở gan, có thể tập trung tích cực trong dịch não tủy và đào thải ra ngoài khoảng 4 - 5 mg mỗi ngày qua nước tiểu. Ngoài ra, acid folic có khả năng đi qua nhau thai và bài tiết vào trong sữa mẹ.

4. Hướng dẫn sử dụng thuốc Tophem

4.1. Cách dùng

Thuốc Tophem sử dụng bằng đường uống thời điểm trước ăn 1 giờ hoặc sau ăn 2 giờ.

4.2. Liều dùng

  • Người lớn: Mỗi lần uống 1 viên thuốc Tophem, 2 lần/ngày;
  • Trẻ em: Uống 1 viên thuốc Tophem, 1 lần duy nhất trong ngày;
  • Phụ nữ có thai: Kể từ thời điểm xác định có thai cần duy trì uống 1 viên/ngày.

4.3. Quá liều và cách xử trí

Liều độc của sắt:

  • Dưới 30 mg Fe2+/kg cân: Ngộ độc ở mức trung bình;
  • Trên 60 mg Fe2+/kg cân nặng có thể gây ngộ độc nghiêm trọng;
  • Liều có thể gây tử vong là 80 - 250 mg Fe2+/kg cân nặng. Trong đó liều gây tử vong ở trẻ em thấp nhất được ghi nhận là 650 mg Fe2+.

Triệu chứng ngộ độc sắt:

  • Khởi đầu người bệnh có thể đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy ra phân kèm máu, biểu hiện mất nước, nhiễm acid, ngủ gà kèm theo sốc;
  • Người bệnh sẽ có giai đoạn tưởng như bình phục khi các triệu chứng biến mất nhưng 6 - 24 giờ sau thì các triệu chứng bất thường quay trở lại với biểu hiện đông máu và trụy tim mạch;
  • Một số biểu hiện ngộ độc sắt khác bao gồm: Sốt cao, hạ đường huyết, nhiễm độc gan, suy thận, co giật và hôn mê.

Điều trị ngộ độc thuốc Tophem:

  • Bước đầu tiên là rửa dạ dày bằng sữa hoặc dung dịch cacbonat;
  • Sau đó tiến hành bơm dung dịch deferoxamin;
  • Trường hợp cần nâng huyết áp có thể sử dụng Dopamin;
  • Thẩm phân khi có suy thận, điều chỉnh cân bằng kiềm toan, đảm bảo điện giải và bù nước.

5. Tác dụng phụ của thuốc Tophem

Các tác dụng không mong muốn hay gặp khi sử dụng Tophem là các rối loạn hệ tiêu hoá như kích ứng dạ dày, đau bụng, buồn nôn, nôn ói và táo bón.

Khi gặp tác dụng phụ nay người bệnh hãy ngưng thuốc và thông báo cho bác sĩ để được xử trí kịp thời.

6. Chống chỉ định của thuốc Tophem

  • Quá mẫn cảm hay dị ứng với các thành phần có trong thuốc Tophem;
  • Bệnh thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ do thiếu vitamin B12;
  • Cơ thể đang trong trái thái thừa sắt do các bệnh lý như bệnh mô nhiễm sắt, nhiễm hemosiderin hoặc thiếu máu tan huyết;
  • Người truyền máu lặp đi lặp lại;
  • Loét dạ dày đang tiến triển;
  • Viêm loét đại tràng;
  • Sử dụng đồng thời với các chế phẩm khác cũng có chứa sắt.

7. Một số vấn đề cần thận trọng khi sử dụng Tophem

  • Cần thận trọng khi sử dụng thuốc Tophem cho bệnh nhân mắc bệnh erythropoietic protoporphyria;
  • Không sử dụng thuốc Tophem ở liều điều trị kéo dài quá 6 tháng khi chưa có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ;
  • Người thường xuyên truyền máu không được uống thuốc Tophem do Hemoglobin của hồng cầu được truyền chứa một lượng sắt và tăng nguy cơ ngộ độc;
  • Acid folic cần dùng thận trọng cho các trường hợp thiếu máu chưa được chẩn đoán xác định do nguy cơ che lấp triệu chứng thiếu máu ác tính, tiến triển thành các biến chứng thần kinh;
  • Hạn chế hoặc không sử dụng trà có chứa tanin cùng lúc, ngay trước hoặc sau khi uống thuốc Tophem;
  • Thận trọng ở người bệnh có các khối u phụ thuộc folat;
  • Dùng chung các chế phẩm chứa sắt như thuốc Tophem với thức ăn có ưu điểm là giảm kích ứng dạ dày nhưng lại ảnh hưởng suy giảm khả năng hấp thu thuốc;
  • Sử dụng các chế phẩm bổ sung sắt có thể khiến người bệnh đi tiêu ra phân màu đen, một số trường hợp yêu cầu xét nghiệm tìm máu trong phân để loại trừ xuất huyết tiêu hóa;
  • Thuốc Tophem có thể sử dụng được cho phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú.

8. Tương tác thuốc của sản phẩm Tophem

8.1. Tương tác của sắt

  • Sắt ảnh hưởng làm giảm hấp thu các thuốc như kháng sinh Fluoroquinolon (như Ciprofloxacin, Norfloxacin, Ofloxacin), Levodopa, Carbidopa, Entacapone, Tetracyclin, Penicillamin, Levothyroxin, Mycophenolat, Cefdinir và kẽm;
  • Sử dụng đồng thời sắt với Dimercaprol vì có thể hình thành phức hợp độc hại;
  • Tác dụng hạ áp của Methyldopa suy giảm khi dùng cùng lúc với sản phẩm bổ sung sắt như thuốc Tophem;
  • Khả năng hấp thu của sắt suy giảm khi dùng kết hợp với Calci, kẽm và Trientine;
  • Sự hấp thu của sắt giảm khi dùng đồng thời với các thuốc kháng acid, các thuốc ức chế bơm proton, một số loại thực phẩm (như trà, cà phê, ngũ cốc nguyên hạt, trứng và sữa), Neomycin hay Cholestyramin;
  • Hấp thu sắt tăng lên khi kết hợp với Acid Ascorbic hoặc Acid Citric;
  • Tác dụng của sắt suy giảm khi dùng cùng với Cloramphenicol.

8.2. Tương tác của Acid folic

  • Kết hợp với Sulfasalazine làm giảm hấp thu Acid folic;
  • Các thuốc tránh thai đường uống làm giảm chuyển hóa folate, từ đó làm giảm folate và vitamin B12 máu ở một mức độ nhất định;
  • Các thuốc chống co giật khi dùng đồng thời với acid folic với mục đích bổ sung lượng folate thiếu hụt do thuốc chống co giật gây ra thì nồng độ thuốc chống co giật trong huyết thanh có thể bị giảm;
  • Cotrimoxazol có thể làm giảm tác dụng điều trị thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ của acid folic;
  • Sử dụng đồng thời Chloramphenicol và Acid folic cho người thiếu folate có thể gây tác dụng đối kháng với đáp ứng tạo huyết khối của acid folic;
  • Không sử dụng đồng thời Acid folic với Raltitrexed.

8.3. Tương tác thuốc của Vitamin B12

  • Khả năng hấp thu vitamin B12 suy giảm khi kết hợp với Colchicin, Cholestyramin, Neomycin, Kali clorua, Methyldopa và Cimetidine;
  • Nồng độ thuốc Tophem có thể giảm khi dùng kết hợp với các thuốc tránh thai;
  • Omeprazol làm giảm acid dịch vị và từ đó giảm hấp thu vitamin B12;
  • Cloramphenicol dùng ngoài đường tiêu hóa có thể làm giảm tác dụng của vitamin B12 trong bệnh thiếu máu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan