Uống thuốc tuyến giáp có mệt không?

Uống thuốc hormone tuyến giáp là liệu pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh suy giáp. Liệu pháp này có thể cần được duy trì suốt đời, tuy nhiên nhiều bệnh nhân cảm thấy không thoải mái với loại thuốc này. Vậy uống thuốc tuyến giáp có mệt không và cần lưu ý những gì?

1. Tổng quan về liệu pháp hormone tuyến giáp

Tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng, khi giảm sản xuất hormone sẽ dẫn đến bệnh suy giáp và từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết hoạt động chuyển hóa của cơ thể. Suy giáp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi đối tượng nhưng gặp nhiều hơn ở nữ giới với những triệu chứng đặc trưng như sau:

  • Nhịp tim chậm;
  • Lạnh, sợ lạnh;
  • Da khô;
  • Thường xuyên mệt mỏi, giảm khả năng tập trung;
  • Cân nặng tăng bất thường không do những nguyên nhân khác.

Khi nhận thấy những triệu chứng bất thường như trên mà không giải thích bằng bất kỳ nguyên nhân nào khác, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để chẩn đoán có phải suy giảm và từ đó lựa chọn biện pháp điều trị phù hợp. Trong đó, uống thuốc hormone tuyến giáp là liệu pháp điều trị suy giáp tối ưu nhất và đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh nhân và bác sĩ. Bác sĩ sẽ theo dõi, đánh giá tình trạng bệnh và dựa vào kết quả xét nghiệm để điều chỉnh liều lượng hormone tuyến giáp phù hợp. Loại thuốc hay được sử dụng để điều trị suy giáp là Levothyroxin với những công dụng như sau:

  • Điều trị suy giáp do bất kỳ nguyên nhân và phù hợp cho mọi lứa tuổi, trong đó bao gồm cả phụ nữ đang mang thai;
  • Levothyroxin còn ức chế quá trình sản xuất thyrotropin (TSH), do đó còn được ứng dụng trong điều trị bướu giáp đơn thuần hoặc viêm giáp mạn tính;
  • Levothyroxin khi dùng kết hợp với các thuốc kháng giáp để điều trị nhiễm độc giáp sẽ hỗ trợ ngăn ngừa bướu giáp và suy giáp.

Liều lượng Levothyroxine được cá thể hóa và điều chỉnh liên tục trong suốt quá trình điều trị, phụ thuộc vào các triệu chứng lâm sàng, nồng độ hormon giáp khi xét nghiệm, tuổi tác và các bệnh lý đồng mắc. Người bệnh sẽ phải uống thuốc tuyến giáp trong thời gian dài, đa phần là suốt phần đời còn lại. Vì vậy, một vấn đề cực kỳ quan trọng được đặt ra là bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ, điều chỉnh liều lượng sao cho hiệu quả nhất và hạn chế tối đa các tác dụng không mong muốn.

2. Uống thuốc tuyến giáp có mệt không?

Uống thuốc tuyến giáp có mệt không là câu hỏi được rất nhiều bệnh nhân đặt ra. Những bệnh nhân tuân thủ đúng theo hướng dẫn về việc uống thuốc tuyến giáp của bác sĩ sẽ duy trì một cách nhất quán tình trạng suy giáp. Ngược lại, những trường hợp dùng quá liều có thể dẫn đến một số tác dụng phụ hoặc những triệu chứng tương tự tình trạng cường giáp.

2.1. Ảnh hưởng chức năng tiêu hóa

Uống thuốc hormone tuyến giáp quá liều sẽ dẫn đến tăng cảm giác thèm ăn và tùy thuộc vào mức độ cũng có thể gây buồn nôn. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ, ngay cả khi bệnh nhân tăng cảm giác thèm ăn thì việc dùng uống thuốc tuyến giáp quá liều và kéo dài sẽ gây giảm cân vì chính lượng hormone dư thừa đã kích thích tăng trao đổi chất và khiến lượng calo được đốt cháy nhiều hơn bình thường.

Thực tế cho thấy, một số người cố giảm cân bằng cách uống thuốc hormone tuyến giáp, tuy nhiên việc này hết sức nguy hiểm vì loại thuốc này có khoảng điều trị rất hẹp, nghĩa là liều hiệu quả và liều gây độc không có sự khác biệt quá lớn.

2.2. Ảnh hưởng đến não bộ/thần kinh

Uống thuốc tuyến giáp quá liều có thể dẫn đến cảm giác lo lắng, cáu gắt, hoang mang và mất phương hướng... Sự gia tăng nồng độ hormone giáp đã kích thích tăng tốc độ mọi hoạt động chuyển hóa của cơ thể, do đó việc thần kinh được thư giãn sẽ trở nên khó khăn hơn. Quá liều thuốc hormone giáp còn gây ra tình trạng mất ngủ và nghiêm trọng hơn có thể gây đột quỵ, hôn mê hoặc thậm chí tử vong do các xung thần kinh tăng tốc mất kiểm soát (khi dùng liều quá cao).

2.3. Tăng nhịp tim

Uống thuốc hormone tuyến giáp quá liều có thể làm tăng nhịp tim, hồi hộp, đánh trống ngực. Tác dụng này có thể rất khó chịu và khiến bệnh nhân lo lắng dữ dội. Hơn nữa, nếu nồng độ hormon giáp tăng cao có thể kích thích tăng cường độ hoạt động của tim, thậm chí khi tăng quá cao sẽ khiến hoạt động co bóp suy giảm và dẫn đến suy tim.

2.4. Tác động lên cơ bắp

Mặc dù liệu pháp uống thuốc hormone tuyến giáp sẽ giúp bệnh nhân suy giáp cảm thấy khỏe hơn, nhưng việc lạm dụng quá liều sẽ gây ra tình trạng ngược lại là mệt mỏi và yếu cơ.

Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ thể không còn đủ khả năng thư giãn và nghỉ ngơi, các cơ bắp trở nên căng thẳng và cuối cùng là mệt mỏi khi sử dụng hết năng lượng.

2.5. Tăng thân nhiệt

Uống thuốc tuyến giáp quá liều có thể kích thích nhiệt độ cơ thể tăng lên do quá trình trao đổi sản sinh thêm nhiệt trong cơ thể. Khi đó, bệnh nhân có thể sẽ cảm thấy nóng trong khi mọi người xung quanh lại thấy lạnh.

Một người dùng quá nhiều thuốc bổ sung hormone tuyến giáp sẽ trở nên nhạy cảm hơn với nhiệt độ và khi đó da có thể đỏ bừng lên. Để bù trừ cơ thể sẽ tăng tiết mồ hôi và bệnh nhân thường cảm thấy rất khó chịu.

3. Một số lưu ý khi uống thuốc hormone tuyến giáp

3.1. Uống thuốc tuyến giáp đúng liều

Levothyroxin thường được sử dụng theo đường uống, bên cạnh đó còn có chế phẩm dạng tiêm mạch hoặc tiêm bắp. Liều lượng thuốc tuyến giáp được bác sĩ điều chỉnh cẩn thận theo nhu cầu và đáp ứng của mỗi bệnh nhân, có thể thay đổi theo thời gian, tuổi tác và mức độ đáp ứng của cơ thể. Người bệnh suy giáp cần tái khám theo lịch hẹn để xét nghiệm kiểm tra các chỉ số TSH, T3, T4, qua đó bác sĩ sẽ điều chỉnh thuốc thích hợp cho từng giai đoạn bệnh. Vì vậy, người bệnh tuyệt đối không tự ý thay đổi liều lượng thuốc tuyến giáp nhằm hạn chế xảy ra các tác dụng phụ nguy hiểm.

3.2. Lưu ý thời điểm uống thuốc tuyến giáp

Thuốc hormone giáp hấp thụ chủ yếu ở hồi tràng, hỗng tràng và một ít ở tá tràng. Bụng đói làm tăng hấp thu và đỉnh hấp thu đạt được sau 2 giờ uống thuốc nhưng có thể lâu hơn nếu dùng đồng thời với các thuốc, chất bổ sung hay thực phẩm gây cản trở hấp thu. Do đó, các hướng dẫn của Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ, bệnh nhân nên dùng Levothyroxine ít nhất 60 phút trước bữa ăn sáng hoặc trước khi ngủ (tối thiểu 3 giờ sau ăn tối) và cách ít nhất 4 giờ so với thời điểm dùng các thuốc bổ sung khác.

3.3. Theo dõi tác dụng phụ

Khi uống thuốc hormone tuyến giáp, một số người bệnh có thể xuất hiện các dấu hiệu của cường giáp như sụt cân, đánh trống ngực, hồi hộp, dễ kích thích, tiêu chảy, co cứng bụng, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim, run, đau đầu, mất ngủ, sợ nóng... Vì vậy, để hạn chế diễn tiến nặng thì bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ nếu gặp những tác dụng ngoại ý trong quá trình uống thuốc tuyến giáp.

3.4. Chú ý tương tác thuốc

Việc sử dụng đồng thời các loại thuốc trong thời gian uống thuốc tuyến giáp có thể gây ra một số phản ứng ngoài ý muốn như giảm hấp thu hoặc tăng đào thải Levothyroxin hoặc ảnh hưởng đến khả năng liên kết của Levothyroxin trong máu. Một số thuốc thông dụng như thuốc ức chế bơm proton (PPI), statin, sắt, calci, magie, Raloxifene, Estrogen... có thể cản trở sự hấp thu hormon tuyến giáp, hệ quả lả bệnh nhân vốn đã được kiểm soát tốt suy giáp sẽ bị nhược giáp tái phát.

Người bệnh không được uống thuốc hormone tuyến giáp đồng thời với các thuốc kháng acid dạ dày, nếu bắt buộc sử dụng thì nên dùng cách nhau 4 giờ.

3.5. Chú ý đến chế độ ăn uống

Một trong các tác dụng của Levothyroxine là kích thích tăng chuyển hóa trong cơ thể, từ đó tăng giải phóng năng lượng và tạo ra nhiệt năng, do đó nhiều bệnh nhân sẽ cảm giác nóng trong người, sụt cân, tim đập nhanh, hồi hộp... Vì vậy, bệnh nhân nên uống thuốc hormone tuyến giáp kèm theo thuốc hỗ trợ gan để giảm tác dụng phụ này. Tuy nhiên, các thuốc bổ gan này lại khá đắt tiền, hơn nữa lợi ích khi dùng kèm hormone giáp không phải lúc nào cũng rõ ràng. Vì vậy, quan trọng hơn hết vẫn là bệnh nhân suy giáp cần ăn uống đầy đủ, đảm bảo đủ lượng nước nhu cầu, tiêu thụ thêm các loại rau thanh nhiệt như rau má, mã đề...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan