Các rối loạn tiêu hóa ở người lớn

Rối loạn tiêu hóa ở người lớn là tình trạng khá phổ biến, tình trạng này không chỉ gây cản trở tới sinh hoạt hàng ngày mà nó còn gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe người bệnh. Vậy phải làm gì khi bị bệnh rối loạn tiêu hóa ở người lớn?

1. Nguyên nhân nào gây rối loạn tiêu hóa ở người lớn?

Tiêu hóa là quá trình chuyển hóa thức ăn thành những chất cơ thể có thể hấp thu qua thành ống tiêu hóa để vào máu. Quá trình tiêu hóa bắt đầu ngay từ miệng và cho đến tận ruột già. Bất kỳ nguyên nhân nào làm thay đổi, cản trở hoặc đảo lộn quá trình tiêu hóa thức ăn trong ống tiêu hóa đều có thể gây rối loạn tiêu hóa.

Gọi là bệnh rối loạn tiêu hóa ở người lớn là không chính xác vì đây không phải là một bệnh lý mà nó là hậu quả của một số nguyên nhân nhất định. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài và không được điều trị đúng cách thì người bệnh sẽ có thể mắc phải các chứng bệnh liên quan đến tiêu hóa, trong đó nguy hiểm nhất là ung thư đường ruột.

Các nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa ở người lớn gồm có:

  • Lạm dụng rượu bia, thuốc lá: Chất cồn trong rượu bia làm cho dạ dày co bóp nhiều hơn, tiết ra nhiều acid dịch vị. Chất nicotin trong thuốc lá gây co thắt, làm tổn thương niêm mạc dạ dày, từ đó dẫn đến rối loạn tiêu hóa.
  • Chế độ ăn uống không khoa học: Thói quen ăn uống thất thường, ăn đồ ăn không đảm bảo vệ sinh, thức ăn bị ôi thiu hoặc không rõ nguồn gốc, rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập, gây mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột dẫn tới đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, đầy hơi chướng bụng.
  • Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh: Nếu bạn đang phải sử dụng thuốc kháng sinh liên tục trong một thời gian dài, thuốc kháng sinh sẽ tiêu diệt cả lợi khuẩn ở đường ruột gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài ở người lớn. Tình trạng này dễ tái phát nhiều lần, khó để dứt điểm.
  • Do bệnh lý: Tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài ở người lớn có thể do các bệnh lý mà bạn đang mắc phải, thường kèm theo các triệu chứng như ợ hơi, ợ chua, đau bụng, buồn nôn,...
  • Mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột: Trong đường ruột của chúng ta luôn tồn tại lợi khuẩn và hại khuẩn, chúng giữ cân bằng với nhau để đảm bảo sức khỏe. Vì một lý do nào đó khiến cho hại khuẩn nhiều hơn, lấn át lợi khuẩn sẽ gây mất cân bằng hệ vi sinh vật dẫn đến tình trạng loạn khuẩn đường ruột.
rối loạn tiêu hóa ở người lớn
rối loạn tiêu hóa ở người lớn

2. Triệu chứng rối loạn đường tiêu hóa ở người lớn

Một vài dấu hiệu điển hình của chứng rối loạn đường tiêu hóa ở người lớn như:

  • Đầy hơi, khó tiêu: Đây là triệu chứng hay gặp nhất khi bạn bị rối loạn tiêu hóa. Bạn thấy bụng căng tức, óc ách khó chịu như vừa ăn no mặc dù bạn không ăn uống gì nhiều. Nguyên nhân là do quá trình tiêu hóa thức ăn bị ảnh hưởng khiến thức ăn không được tiêu hóa hết, chúng lên men sinh khí gây đầy hơi chướng bụng.
  • Buồn nôn, nôn nhiều: Khi thức ăn vào cơ thể không được tiêu hóa hấp thu sẽ bị lên men sinh khí dễ khiến bạn bị trào ngược thức ăn lên trên dẫn đến buồn nôn hoặc nôn mửa, có thể kèm theo triệu chứng hơi thở có mùi, sốt cao, mất nước.
  • Thường xuyên đau bụng: Người bị rối loạn tiêu hóa sẽ có những cơn đau bụng xuất hiện ở các vị trí khác nhau quanh vùng bụng, có thể đau âm ỉ hoặc dữ dội tùy mức độ của bệnh.
  • Ợ hơi, ợ nóng: Khi dạ dày, tá tràng bị kích thích thường gây nên tình trạng ợ hơi, ợ nóng và khiến bạn cảm thấy khó chịu, chán ăn.
  • Rối loạn đại tiện: Người lớn khi bị rối loạn tiêu hóa lâu ngày mà không điều trị đúng cách sẽ dẫn đến hiện tượng táo bón hoặc tiêu chảy, kiết lỵ. Tiêu chảy kéo dài sẽ gây ra tình trạng mất nước và chất điện giải làm cơ thể mệt mỏi, mất hết sức lực. Còn táo bón lâu ngày sẽ làm tăng nguy cơ bị trĩ.

3. Điều trị rối loạn tiêu hóa ở người lớn như thế nào?

Nhiều người khi bị rối loạn tiêu hóa thường chủ quan không điều trị hoặc tự ý đi mua thuốc uống khiến cho tình trạng bệnh dai dẳng, dễ tái phát. Khi thấy có các dấu hiệu khác thường bạn nên đi khám ngay để được bác sĩ thăm khám kê đơn điều trị phù hợp, tránh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.

Khi bị rối loạn tiêu hóa, bên cạnh việc điều trị, bạn cần lưu ý đến chế độ ăn uống. Chế độ ăn cần có đủ bốn nhóm chất đường, béo, đạm, vitamin và khoáng chất. Thức ăn cần được nấu chín, quá trình chế biến đảm bảo vệ sinh, tránh ăn thức ăn sống, tái, hoặc thức ăn đã ôi thiu. Không được bỏ bữa, bạn có thể chia nhỏ các bữa ăn để dễ tiêu hóa.

Nên ăn nhiều các loại thực phẩm giàu chất xơ, vitamin C, uống nước cam và ăn sữa chua khi bị rối loạn tiêu hóa để bổ sung lợi khuẩn giúp cho đường ruột được ổn định và hoạt động tốt hơn. Bạn cũng cần tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, đồ uống có ga, đồ ăn cay nóng để không làm cho hệ tiêu hóa bị kích thích, rối loạn thêm.

Đồng thời, để giúp kích thích hoạt động co bóp của ruột tốt hơn, bạn nên tập thể dục thường xuyên, lựa chọn các bài tập thích hợp với sức khỏe của bạn. Bạn cũng cần ngủ đủ giấc để các bộ phận trong cơ thể được nghỉ ngơi. Lối sống lành mạnh này không chỉ tốt cho tim mạnh, cơ bắp mà nó còn giúp cân bằng hoạt động bài tiết các men tiêu hóa cũng như điều chỉnh nhu động ruột.

Các loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị rối loạn tiêu hóa như là thuốc giảm đau, thuốc giảm đầy bụng khó tiêu, có thể uống thêm oresol để bù nước và sử dụng men vi sinh để bổ sung lợi khuẩn cho đường tiêu hóa, qua đó giúp hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn, cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa.

rối loạn tiêu hóa ở người lớn
Người bệnh có thể dùng thuốc điều trị rối loạn tiêu hóa ở người lớn theo chỉ dẫn của bác sĩ

4. Cách phòng tránh bị rối loạn tiêu hóa ở người lớn

Để phòng tránh bị rối loạn tiêu hóa ở người lớn cũng như các vấn đề khác liên quan đến tiêu hóa, bạn cần xây dựng cho mình một lối sống khoa học. Dưới đây là một số lời khuyên cho bạn để tránh bị rối loạn tiêu hóa:

  • Ăn uống đủ chất, ăn chín uống sôi, hạn chế sử dụng các thực phẩm gây kích thích hệ tiêu hóa, gây tiêu chảy.
  • Nếu bạn thường xuyên bị táo bón, cần bổ sung nhiều chất xơ và rau xanh trong chế độ ăn để hỗ trợ quá trình đào thải của cơ thể.
  • Hạn chế sử dụng các loại đồ uống có cồn.
  • Bổ sung men vi sinh hoặc bổ sung lợi khuẩn tốt cho đường ruột.
  • Tập thói quen đi đại tiện khoa học, mỗi ngày đều nên đi đại tiện 1 lần vào cùng một thời điểm.
  • Nâng cao sức đề kháng của cơ thể để chống các tác nhân sinh vật gây nên chứng rối loạn tiêu hóa bằng cách bổ sung vitamin và khoáng chất, kết hợp tập luyện thể dục thể thao đều đặn.

Ngày nay, y học hiện đại đã vô cùng phát triển, mọi người nên trực tiếp đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, từ đó xác định nguyên nhân và có phác đồ điều trị bệnh cụ thể. Thăm khám sức khỏe định kỳ cũng là việc làm hết sức thiết thực để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan