Cách chăm sóc, dinh dưỡng cho bệnh nhân hội chứng ruột ngắn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Hội chứng ruột ngắn là một nhóm các triệu chứng xảy ra sau khi bệnh nhân phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột, phần còn lại chưa kịp thích nghi để đảm bảo chức năng của hệ tiêu hóa. Chính vì vậy, cách chăm sóc, dinh dưỡng cho bệnh nhân hội chứng ruột ngắn là vô cùng quan trọng để giúp bệnh nhân nhanh chóng phục hồi và vẫn đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể.

Dinh dưỡng cho bệnh nhân gặp phải hội chứng ruột ngắn là vô cùng quan trọng, làm sao để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể nhưng vẫn giúp cho phần ruột còn lại phục hồi, thích nghi sau phẫu thuật. Trong thời gian chờ ruột phục hồi, bạn cần tuân thủ các hướng dẫn về dinh dưỡng cho bệnh nhân hội chứng ruột ngắn sau đây:

1. Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ

Khi gặp phải hội chứng ruột ngắn, có nghĩa là phần ruột còn lại của bạn chưa kịp thích nghi để đảm bảo chức năng của hệ tiêu hóa. Chính vì vậy bạn cần chia nhỏ bữa ăn, để ruột có thể hấp thu được các dưỡng chất từ đồ ăn.

Bạn nên chia thành 6 - 8 bữa ăn nhỏ trong ngày. Việc ăn các bữa nhỏ cách điều nhau trong ngày sẽ giúp làm giảm áp lực lên phần ruột còn lại và không làm căng vết khâu nối ruột.

Đồng thời các bữa ăn có ít thức ăn cũng dễ tiêu hóa và hấp thu nhanh hơn, do đó làm giảm các triệu chứng ứ đọng thức ăn trong lòng ruột. Trong quá trình ăn, bạn nên ăn chậm và nhai kỹ, để việc tiêu hóa, hấp thu ở ruột được dễ dàng hơn.

Khi đường ruột của bạn đã thích ứng, đồng nghĩa với việc các triệu chứng của hội chứng ruột ngắn giảm đi, bạn có thể từ từ quay trở lại chế độ ăn 3 bữa trong ngày.

Nhịn ăn
Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày giúp ruột hấp thu được nhiều dưỡng chất hơn

2. Uống ít nước trong khi ăn

Việc ăn và uống nhiều chất lỏng cùng lúc với bữa ăn sẽ khiến thức ăn đi qua ruột nhanh hơn, có nghĩa là ruột của bạn có thể không tiêu hóa hoặc hấp thu hết các chất dinh dưỡng. Chính vì vậy, cách tốt nhất là bạn không nên uống thêm nước trong bữa ăn, bởi bạn còn ăn nước canh hoặc nước của các món khác như phở, bún, hủ tíu,...

Tổng lượng nước bạn sử dụng trong mỗi bữa ăn ngoài thức ăn khô không nên vượt quá 120ml (tương đương khoảng 1/2 bát ăn cơm). Nếu có uống canh hay súp trong bữa ăn, bạn nên chia đều lượng chất lỏng này ra từng phần trong thời gian ăn, không nên uống hết trong một lần.

XEM THÊM: Điều trị hội chứng ruột ngắn như thế nào?

3. Ăn đủ chất dinh dưỡng

3.1. Chất đạm

Lượng đạm trung bình cho một người đó là 1 - 1,2g/kg cân nặng/ngày.

Ví dụ một bệnh nhân có cân nặng là 50kg sẽ cần 50 - 60g đạm/ngày. Trong đó khoảng 25-30g (50%) đã được cung cấp từ các loại ngũ cốc như gạo, bánh mì,... Do đó bạn cần cung cấp thêm khoảng 25 - 30g đạm từ nguồn gốc thực phẩm giàu đạm. Trung bình mỗi 100g thực phẩm giàu đạm sẽ cung cấp 17 - 20g đạm. Như vậy, bệnh nhân nặng 50kg cần ăn khoảng 150 - 200g thịt nạc hay cá mỗi ngày.

Một số loại thực phẩm giàu đạm như là:

  • Thịt gia cầm: Gà, vịt
  • Thịt bò, lợn, cừu
  • Trứng
  • Đậu phụ
  • Các sản phẩm từ sữa như sữa, pho mát
  • Bơ lạc xay nhuyễn và các loại bơ hạt khác như bơ hạnh nhân
  • .....

3.2. Chất bột đường có lượng chất xơ thấp hoặc đã tinh chế

Lượng chất bột đường thường chiếm khoảng 50% năng lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày. Như một bệnh nhân có cân nặng khoảng 50kg sẽ cần khoảng 750kcal từ chất bột đường, tương đương khoảng 3 bát cơm mỗi ngày. Nếu bệnh nhân ăn thành 6 bữa nhỏ trong ngày, thì mỗi bữa ăn 1/2 bát cơm là đủ.

Một số thực phẩm chứa chất bột đường như:

  • Bánh mì trắng
  • Ngũ cốc
  • Khoai tây bóc vỏ, khoai lang
  • Gạo trắng
  • Mì sợi, bún, miến.

XEM THÊM: Hậu quả của hội chứng ruột ngắn

Chất bột đường
Bổ sung chất bột đường có lượng chất xơ thấp hoặc đã tinh chế

3.3. Chất béo vừa phải

Trong trường hợp bạn bị cắt mất đoạn dài hồi tràng thì bữa sáng bạn nên ăn chất béo nhiều hơn và giảm dần ở các bữa trưa và bữa chiều tối.

Một số thực phẩm chứa chất béo như:

  • Dầu ăn
  • Bơ thực vật
  • Mayonnaise
  • Các loại nước chấm
  • Sốt kem
  • Nước trộn sa lát

Ví dụ: Bạn có thể cho thêm ít bơ lên trên bánh mì hoặc thêm sốt mayonnaise vào món sa lát. Bạn không nên ăn thức ăn rán ngập dầu.

3.4. Ăn ít đường

Bạn nên luyện tập thói quen ăn không quá ngọt, và không nên lạm dụng các chất tạo ngọt nhân tạo trong chế biến thức ăn.

Một số loại thực phẩm chứa đường, bao gồm:

  • Đường: Bánh quy giòn, bánh ngọt, kẹo, sô cô la, chè, trà sữa, nước hoa quả
  • Các loại siro
  • Mạch nha
  • Mật ong

3.5. Chọn lọc chất xơ

Chất xơ, đặc biệt là chất xơ không hòa tan, không tiêu hóa và làm cho khối lượng phân to hơn, chúng có thể gây ra tình trạng nguy hiểm khi bạn đang mắc hội chứng ruột ngắn. Chất xơ không hòa tan có nhiều trong ngũ cốc nguyên cám, gạo lứt, rau củ.

Chất xơ hòa tan thường an toàn hơn, vì khi vào trong hệ tiêu hóa chúng sẽ tạo thành dung dịch nhầy vừa phải, giúp cho việc tiêu hóa hấp thu chậm lại, ít làm tăng áp lực lên ruột của bạn.

Một số loại thực phẩm có chứa chất xơ hòa tan như là:

Protein đậu nành
Đậu nành là nguồn thực phẩm cung cấp chất xơ hòa tan dồi dào
  • Các loại hạt khô
  • Hoa quả
  • Đậu hạt các loại
  • Rau đay
  • Mồng tơi
  • Chất bổ sung chất xơ - psyllium

Thực phẩm chứa ít chất xơ hòa tan như:

  • Cốm mì, cốm gạo, ngũ cốc làm từ ngô và các loại ngũ cốc khác.
  • Gạo trắng
  • Bánh mì trắng, bánh mì ngũ cốc.
  • Khoai tây nước hoặc nghiền bỏ vỏ

Thực phẩm chứa chất xơ không hòa tan nên tránh bao gồm:

  • Bánh mì nguyên cám, bánh quy nguyên cám, ngũ cốc nguyên cám và các sản phẩm nguyên cám khác.
  • Lúa mì
  • Các loại hạt nguyên vỏ.
  • Vỏ và hạt trái cây
  • Hoa quả sấy khô.

4. Cung cấp đủ nước hàng ngày

Nhu cầu nước hàng ngày của một người được tính bằng cách lấy cân nặng nhân với 40ml. Nếu bạn nặng 50kg thì nhu cầu nước hàng ngày của bạn sẽ là 50 x 40ml = 2.000ml, tương đương khoảng 8 ly nước loại 250ml mỗi ngày.

Đây là tổng lượng nước đưa vào cơ thể, bao gồm cả nước được cung cấp qua các dạng thức uống và thức ăn lỏng như canh, cháo. Vì vậy bạn cần trừ hết các phần nước từ thức ăn rồi mới biết lượng nước lọc cần phải uống hàng ngày.

Đồng thời bạn cũng cần tránh đồ uống quá nóng hoặc quá lạnh. Các dạng đồ uống này không tốt cho hệ tiêu hóa của bạn, đặc biệt là khi bạn đang gặp phải hội chứng ruột ngắn.

Bạn cũng nên chọn đồ uống ít đường, điều này sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mất nước.

Nước khoáng
Nhu cầu nước hàng ngày của một người được tính bằng cách lấy cân nặng nhân với 40ml

5. Một số lưu ý đặc biệt trong chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân hội chứng ruột ngắn

5.1. Hạn chế lactose khi không dung nạp lactose

Lactose là một loại đường thường có trong sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa. Triệu chứng của tình trạng không dung nạp lactose như là chướng bụng, đầy hơi, chuột rút, đại tiện phân lỏng, đau rát hậu môn... Các triệu chứng này thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau ăn hoặc uống sản phẩm từ sữa.

Nếu bạn gặp phải tình trạng này, bạn nên sử dụng các sản phẩm sữa đã được loại bỏ lactose. Nếu bạn ăn được sữa chua, bạn có thể ăn khoảng 100ml/ngày.

5.2. Hạn chế oxalate khi cắt bỏ hồi tràng

Với những bệnh nhân đã cắt bỏ hồi tràng và còn nguyên ruột già thì cần ăn chế độ ăn ít oxalate. Oxalate có trong nhiều loại thực phẩm khác nhau và có thể gây sỏi thận.

Bạn cần tránh các thức ăn và đồ uống có chứa lượng oxalate cao như:

  • Trà
  • Cà phê
  • Nước ngọt có ga
  • Sô cô la
  • Các loại hạt
  • Các sản phẩm từ đậu nành
  • Rau lá xanh
  • Khoai lang
  • Cần tây
  • Trái cây họ dâu tây
  • Quýt
  • Cây đại hoàng
  • Củ mài
  • Mầm lúa mì

5.3. Cách ăn rau

Sau khi phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột, bạn sẽ gặp khó khăn khi tiêu hóa các loại rau chưa được nấu chín. Bạn nên ăn rau đã nấu chín mềm và lúc đầu bạn chỉ nên ăn khoảng 1/2 bát sau đó tăng dần, khi ăn cần nhai kỹ.

Rau là một nhóm thực phẩm được biết đến với giá trị dinh dưỡng cao và nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe.
Nên nấu rau chín mềm để người bệnh dễ ăn sau khi phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột

Nếu các triệu chứng tiêu hóa của bạn không nặng lên, bạn có thể tăng dần lượng rau nấu chín trong chế độ ăn lên một cách từ từ. Khi đường ruột bạn đã ổn định, bạn có thể thử một chút rau sống.

Các loại rau thường được dung nạp tốt, bạn nên lựa chọn như là:

  • Cà rốt
  • Đậu cô ve
  • Rau chân vịt, cải bó xôi
  • Củ cải đỏ
  • Khoai tây bỏ vỏ
  • Ngọn măng tây
  • Rau diếp
  • Dưa chuột gọt vỏ, bỏ hạt
  • Sốt cà chua bỏ hạt và vỏ
  • Bí, bầu bỏ vỏ và hạt

Các loại rau có thể gây đầy bụng hoặc khó chịu, bạn nên tránh, gồm có:

  • Hành tây
  • Bông cải trắng, bông cải xanh
  • Bắp cải
  • Đậu hạt như đậu lăng, đậu gà, đậu đỏ, đậu lima
  • Ngô
  • Cải xoăn
  • Đậu Hà Lan.

>>Xem thêm: Liệu pháp dinh dưỡng cho hội chứng ruột ngắn ở bệnh nhân trưởng thành- Bài viết bởi Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

6. Sử dụng các chế phẩm bổ sung Vitamin và khoáng chất như thế nào?

Sau khi phẫu thuật, khả năng ăn uống của bạn giảm đi, do đó có khi bạn cần phải bổ sung thêm 1 viên multivitamin mỗi ngày để đảm bảo cung cấp đủ vi chất cho cơ thể. Bạn nên dùng loại viên uống bổ sung có hàm lượng các vi chất vừa đủ theo nhu cầu.

Tùy theo tình trạng cụ thể của bạn, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng một số vitamin, khoáng chất có liều cao hơn, như là:

  • Khi cắt gần hết hồi tràng cần bổ sung vitamin A, D và E, nên dùng dạng hòa tan trong nước.
  • Khi cắt phần cuối hồi tràng và đại tràng cần bổ sung vitamin B12 dưới dạng tiêm trong vòng 1 - 3 tháng.
tiêm tĩnh mạch Buscopan
Cần bổ sung vitamin B12 dưới dạng tiêm khi cắt phần cuối hồi tràng và đại tràng
  • Khi cắt bỏ hồi tràng, còn nguyên ruột già, bệnh nhân cần bổ sung canxi.
  • Kali thường bị thiếu khi bệnh nhân bị tiêu chảy nhiều. Cách bổ sung Kali tốt nhất là thông qua các thực phẩm như khoai tây, chuối, cà chua,... Các loại thuốc bổ sung kali có thể gây ra các tác dụng phụ như tăng nhịp tim và nguy cơ tim mạch, do đó chỉ sử dụng khi bác sĩ kê đơn và được theo dõi sát.

7. Dung dịch bù nước đường uống

Khi đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, ngoài việc mất nước, cơ thể bạn có thể bị mất thêm các chất điện giải như natri, kali. Khi này, bạn có thể mua các loại dung dịch bù nước và điện giải, sau đó pha theo hướng dẫn, không cần kê đơn. Tổng lượng nước cần bổ sung bằng lượng dịch mất đi.

Lưu ý rằng, dung dịch bù nước này không giống như loại dung dịch bù nước khi chơi thể thao.

8. Các chất bổ sung dinh dưỡng dạng lỏng

Nếu bạn bị sụt cân, bạn có thể bổ sung dinh dưỡng có lượng calo cao. Bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi làm điều này. Vì các công thức dinh dưỡng có thành phần khác nhau, việc lựa chọn phải phụ thuộc vào loại phẫu thuật, kiểu rối loạn chuyển hóa và kiểu suy dinh dưỡng.

Bạn có thể được khuyến nghị sử dụng thêm chất bổ sung đặc biệt có hàm lượng đường thấp và có thành phần đã được tiêu hóa sơ bộ nhằm giúp cơ thể bạn dễ hấp thu hơn. Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể khuyến nghị bạn sử dụng triglyceride mạch trung bình (MCT), đây là một loại chất béo dễ tiêu hóa và có thêm calo.

Nếu bạn không thể ăn hoặc uống các công thức dinh dưỡng, bạn hãy thử sữa tăng cường. Nó giúp làm tăng lượng calo và protein trong chế độ ăn của bạn. Cách pha sữa tăng cường:

  • Trộn 960ml sữa tươi với 130 sữa bột (bất kỳ loại sữa nào như sữa nguyên kem, 1%, 2% chất béo, sữa tách kem).
  • Trộn kỹ các thành phần trên, sau đó để vào trong tủ lạnh.
sữa công thức
Sữa tăng cường giúp bổ sung lượng calo và protein trong chế độ ăn của bạn

Hỗn hợp trên tạo nên 4 phần sữa tăng cường, mỗi lần bạn uống 240ml. Giá trị dinh dưỡng bạn nhận được cho mỗi lần uống đó là:

  • Sữa nguyên kem: 230 calo và 16g protein
  • Sữa 1% chất béo: 180 calo và 16g protein
  • Sữa 2% chất béo: 200 calo và 16g protein
  • Sữa tách bơ: 160 calo và 16g protein.

9. Cách ghi nhật ký ăn uống cho bệnh nhân hội chứng ruột ngắn

Việc ghi nhật ký ăn uống hàng ngày rất quan trọng, đây là việc làm hữu ích để tìm tra thức ăn nào tốt nhất cho bạn. Nhật ký ăn uống cần có các thông tin sau:

  • Thời gian bữa ăn, bữa phụ hoặc uống.
  • Tên các thực phẩm, đồ uống
  • Lượng thực phẩm, đồ uống đã sử dụng.
  • Triệu chứng gặp phải (nếu có).

Trong trường hợp bạn được phẫu thuật mở thông hồi tràng hoặc có hậu môn nhân tạo, bạn cần ghi lại lượng phân thải ra trong 1 tuần. Khi lượng phân đã ổn định, không còn sự khác biệt giữa các ngày, thì chỉ cần ghi mỗi tháng một lần, mỗi lần kiểm tra 1 - 2 ngày. Các thông tin này bạn cần mang đi khi khám lại.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

352 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan