Cách dùng thuốc chống loét hậu môn nhân tạo

Hậu môn nhân tạo là chỗ mở của đại tràng hay hồi tràng trên thành bụng. Phụ thuộc vào tình trạng người bệnh để bác sĩ chỉ định đặt túi hậu môn tạm thời hoặc túi hậu môn vĩnh viễn. Sau khi thực hiện đặt hậu môn nhân tạo, người bệnh và người thân cần biết cách chăm sóc và sử dụng thuốc chống loét hậu môn nhân tạo để phòng tránh nguy cơ nhiễm trùng, biến chứng sau phẫu thuật.

1. Khái niệm về hậu môn nhân tạo

Hậu môn nhân tạo là lỗ mở ở ruột non hoặc ruột già trên thành bụng nhằm đưa toàn bộ phân, chất thải ra ngoài thay thế hậu môn thật vào một túi gắn ở thành bụng.

Phụ thuộc vào tình trạng người bệnh để bác sĩ chỉ định đặt túi hậu môn tạm thời hoặc túi hậu môn vĩnh viễn. Người bệnh thường được chỉ định đặt hậu môn nhân tạo trong những trường hợp sau: Viêm ruột, ung thư đại trực tràng, viêm loét đại tràng, túi thừa đại tràng, són phân, chấn thương, khâu cơ vòng... Những người bệnh này được chỉ định đặt hậu môn nhân tạo nhằm mục đích hạn chế nguy cơ tắc nghẽn, vô hiệu hóa đại trực tràng khi thực hiện xử lý những tổn thương ở bàng quang hay ruột kết.

Thủ thuật mở hậu môn nhân tạo đòi hỏi kỹ thuật phức tạp nên yêu cầu bác sĩ chuyên khoa cần có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Quá trình đặt hậu môn nhân tạo cần chính xác và hạn chế tối đa những sai sót để không gây ra bất kỳ biến chứng như tắc ruột, nhiễm trùng vết mổ, viêm phúc mạc, viêm thanh mạch đại tràng, thủng đại tràng, thoát vị thành bụng, hẹp hậu môn nhân tạo, đại tiện không tự chủ, rò hậu môn nhân tạo...

2. Cách dùng thuốc chống loét và chăm sóc vùng da sau đặt hậu môn nhân tạo

2.1. Loét vùng da xung quanh lỗ hậu môn nhân tạo

Cách chăm sóc vùng da xung quanh lỗ hậu môn nhân tạo bị loét như sau:

  • Vệ sinh vùng da xung quanh hậu môn nhân tạo (tốt nhất là dùng nước muối sinh lý 0.9%). Trường hợp người bệnh bị loét có nguy cơ nhiễm khuẩn cần dùng cồn Betadine để sát khuẩn;
  • Thuốc chống loét hậu môn nhân tạo sử dụng là bột chống kích ứng. Sau khi vệ sinh vùng da sạch sẽ, bơm bột vào vùng da xung quanh hậu môn nhân tạo (đặc biệt là vùng da dễ bị kích ứng). Để 3 – 5 phút sau đó phủi sạch đi. Thuốc bột chống kích ứng tác dụng làm dịu và chống kích ứng, điều trị, làm khô vùng da xung quanh hậu môn nhân tạo;
  • Sau khi lấy hết thuốc bột ra, tiến hành bôi keo chống rò rỉ vào phần chân xung quanh của đế hậu môn nhân tạo hoặc lỗ hậu môn nhân tạo, vị trí có nguy cơ cạo bị rỉ dịch, vị trí có ống hoặc que cố định hậu môn nhân tạo. Trường hợp người bệnh bị loét vùng sát chân hậu môn nhân tạo, tiến hành nắn vòng chống loét hậu môn nhân tạo sát với bờ của lỗ hậu môn nhân tạo, sau đó dán túi lên. Trường hợp người bệnh bị loét vùng quanh chân hậu môn nhân tạo rộng, tiến hành sử dụng miếng dán chống loét hậu môn nhân tạo (miếng dán Hydrocolloid loại dày cắt lỗ hậu môn nhân tạo vừa vặn), dùng keo chống rò rỉ bôi một vòng phía trong miếng dán và dán chóng túi lên.

2.2. Thoát vị cạnh hậu môn nhân tạo

Thoát vị cạnh hậu môn nhân tạo là biến chứng do lỗ mở hậu môn nhân tạo rộng, hoặc do thành bụng quanh lỗ mở không đảm bảo được độ vững chắc. Trong trường hợp này, người bệnh cần được theo dõi và xem xét khâu phục hồi thành bụng quanh lỗ mở hoặc đóng hậu môn nhân tạo nếu có chỉ định.

2.3. Sa lồi hậu môn nhân tạo

Sa lồi hậu môn nhân tạo thường xảy ra ở hậu môn kiểu hai nòng súng, kiểu quai. Hậu môn nhân tạo bị đẩy ra ngoài gây đau nhức, thiếu máu nuôi dưỡng có thể dẫn đến hoại tử hậu môn nhân tạo (triệu chứng lồi niêm mạc ra ngoài màu tím sấm, phân ít lưu thông qua hậu môn nhân tạo). Trong trường hợp này, đoạn đại tràng sa lồi cần được đẩy vào phía trong một cách nhẹ nhàng, nếu đoạn đại tràng không thể đẩy vào kèm theo tình trạng thiếu máu cần xem xét thực hiện phẫu thuật làm lại hậu môn nhân tạo hoặc đóng hậu môn nhân tạo nếu đã đến thời điểm đóng.

3. Một số lưu ý khi chăm sóc hậu môn nhân tạo

3.1. Bảo vệ vùng da quanh lỗ thông hậu môn nhân tạo

Màu sắc, tính chất vùng da quanh lỗ thông hậu môn nhân tạo cần được giữ giống với màu sắc các phần da còn lại trên cơ thể. Một số điểm cần lưu ý như sau:

  • Túi hậu môn nhân tạo và miếng dán chống loét hậu môn nhân tạo phải có kích thước phù hợp. Miếng dán có đế quá nhỏ sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương lỗ thông stoma, gây sưng viêm. Ngược lại nếu miếng dán có đế quá rộng sẽ gây rò rỉ chất thải và kích ứng da. Nếu người bệnh gặp phải bất kỳ trường hợp nào nêu trên cần tiến hành thay túi đựng và miếng dán bảo vệ kích thước phù hợp hơn;
  • Túi đựng phân nên được thay theo lịch định kỳ trong quá trình chăm sóc hậu môn nhân tạo, không được để khi có tình trạng rỉ, ngứa hoặc tràn túi mới thay;
  • Tháo túi hậu môn nhân tạo ra khỏi da một cách cẩn thận, nhẹ nhàng và không kéo mạnh;
  • Vệ sinh vùng da xung quanh lỗ thông stoma bằng nước sạch/nước muối sinh lý. Trước khi đeo băng, dùng vòng chống loét hậu môn nhân tạo hoặc miếng dán bảo vệ da cần phải lau khô da hoàn toàn;

3.2. Làm rỗng túi hậu môn nhân tạo

Người bệnh nên quy định một thời điểm nhất định trong ngày để thay túi hậu môn nhân tạo (có thể là sáng sớm trước bữa ăn hoặc sau ăn 1 giờ). Thông thường chất thải sau phẫu thuật hậu môn nhân tạo sẽ loãng và nhiều nước. Người bệnh có thể chờ đến khi chất thải định hình lại và nắm được thời điểm tốt nhất để làm sạch và thay túi.

Ngoài ra người bệnh cần lưu ý:

  • Chất thải khi đầy đến 1/3 – 1⁄2 túi cần làm rỗng để ngăn túi bị phồng và rò rỉ;
  • Người bệnh nên chọn một khu vực thay đồ chỉ dành riêng để vệ sinh vùng hậu môn nhân tạo;
  • Dùng vòi xịt rửa sạch lại nếu thấy chất thải còn dính lại bên trong túi.

3.3. Chế độ ăn cho người bệnh

Một số hướng dẫn về chế độ ăn cho người bệnh sau khi phẫu thuật đặt hậu môn nhân tạo như sau:

  • Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày;
  • Nhai kỹ, ăn chậm;
  • Uống 8 – 10 cốc nước mỗi ngày;
  • Trong 1 – 2 tuần đầu sau khi phẫu thuật, người bệnh nên sử dụng các loại thực phẩm vị nhạt và chứa ít chất xơ, sau dần mới dùng các loại thực phẩm có chứa nhiều gia vị, chất xơ để đánh giá mức độ ảnh hưởng trên hệ tiêu hóa;
  • Không ăn các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, thay vào đó nên chọn các loại ngũ cốc tinh chế;
  • Không uống rượu bia, chỉ dùng các loại nước uống không có ga, không chứa cồn.

3.4. Chăm sóc hậu môn nhân tạo khi tắm và vệ sinh cơ thể

Người bệnh làm phẫu thuật hậu môn nhân tạo chỉ sử dụng nước sạch để tắm và vệ sinh cơ thể. Trường hợp bạn sử dụng xà phòng để tắm, cần lưu ý rửa hết bọt trên vùng da làm hậu môn nhân tạo, vì xà phòng có thể khiến lớp đế của miếng dán chống loét hậu môn nhân tạo khó bám dính vào da.

Không tháo túi hậu môn khi tắm hoặc bơi lội để tránh nguy cơ thải phân có thể xảy ra.

Phẫu thuật đặt hậu môn nhân tạo nếu không được chăm sóc đúng cách rất dễ dẫn đến tình trạng viêm, loét hậu môn nhân tạo. Hi vọng qua bài viết này sẽ giúp người bệnh có thêm nhiều thông tin về cách chăm sóc và sử dụng các biện pháp chống loét vùng da hậu môn nhân tạo.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan