Có cách chữa rò hậu môn tại nhà không?

Rò hậu môn là hiện tượng rách hoặc vỡ lớp niêm mạc của ống hậu môn do nhiều nguyên nhân, gây đau đớn, chảy máu hậu môn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Đây là bệnh lý cần phát hiện và can thiệp điều trị sớm. Vậy có cách chữa rò hậu môn tại nhà hay không?

1. Bệnh rò hậu môn là gì?

Rò hậu môn (còn gọi là bệnh mạch lươn) là tình trạng nhiễm trùng các khe và nhú trong ống hậu môn (nơi để đưa phân ra ngoài) khiến cho các tuyến ở giữa hai cơ thắt bị viêm, sinh mủ, sau đó vỡ mủ tạo thành lỗ rò hoặc đường rò.

Các nguyên nhân có thể gây rò hậu môn như: chấn thương niêm mạc hậu môn, vết nứt do quá trình rặn khi bị tiêu chảy, táo bón, sinh nở. Các bệnh lý suy giáp, khối u, béo phì, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, bệnh viêm ruột, giang mai cũng gây nên các vết rò hậu môn thứ cấp.

Xung quanh ổ rò là tổ chức hạt do các phản ứng viêm tạo nên. Tùy theo phản ứng của bệnh nhân và mức độ nhiễm khuẩn mà các lỗ rò có nhiều dạng khác nhau, bao gồm: rò ngoài cơ thắt, rò qua cơ thắt, rò hoàn toàn (có lỗ rò ngoài), rò không hoàn toàn (chỉ có lỗ rò trong), rò trong cơ thắt, rò đơn giản, rò phức tạp (đường rò phân nhánh, ngoằn ngoèo),...

Rò hậu môn là bệnh lành tính, nhưng nếu không được chăm sóc và chữa trị đúng cách có thể gây các biến chứng nặng nề cho cơ thể. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính, thường gặp nhất ở lứa tuổi từ 30-50 tuổi; nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 4 lần nữ giới.

2. Triệu chứng của bệnh rò hậu môn

Khi người bệnh bị rò hậu môn sẽ có các triệu chứng sau:

  • Xuất hiện những nốt nhỏ, thường xuyên chảy dịch có mùi hôi ở hậu môn và tầng sinh môn.
  • Khi đại tiện, phân sẽ bị rỉ qua lỗ rò khiến hậu môn sưng nóng, đau tức, căng rát và xuất hiện mủ.
  • Sưng đau hậu môn, kích ứng da xung quanh hậu môn do dịch bị rò ra ngoài.
  • Đau khi đại tiện.
  • Có thể chảy máu lẫn mủ vùng hậu môn.
  • Sốt, ớn lạnh, mệt mỏi do nhiễm trùng.

3. Điều trị rò hậu môn bằng phương pháp nào?

  • Khi bệnh nhân được chẩn đoán xác định có lỗ rò hậu môn thì phương pháp điều trị triệt để nhất là tiến hành phẫu thuật cắt bỏ lỗ rò.
  • Nguyên tắc điều trị: Xác định lỗ rò trước khi tiến hành; Lựa chọn kỹ thuật, phương pháp mổ; Loại bỏ những phần xơ quanh lỗ rò; Không làm tổn thương cơ thắt vùng hậu môn.
  • Tùy vào đặc điểm, cấu tạo của lỗ rò bác sĩ ngoại khoa sẽ quyết định phương pháp phẫu thuật thích hợp. Một số phương pháp mổ thường được áp dụng hiện nay là: Phẫu thuật Fistulotomy, Advancement flap procedures hoặc Seton,...
  • Sau phẫu thuật, bệnh nhân thường mất khoảng 5 - 6 tuần để phục hồi sức khỏe. Trong thời gian này người bệnh cần nghỉ ngơi, không vận động mạnh gây tổn thương tới vết mổ.
  • Sử dụng các loại thuốc giảm đau theo chỉ định sau phẫu thuật nếu có các triệu chứng đau, khó chịu vùng hậu môn.
  • Bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ vào bữa ăn hàng ngày để hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và tránh tình trạng táo bón.

4. Rò hậu môn có thể điều trị tại nhà không?

Khi đã được chẩn đoán là có lỗ rò hậu môn, bệnh nhân cần phải đến các cơ sở y tế để thực hiện phẫu thuật can thiệp kịp thời. Đây là biện pháp điều trị triệt để và hiệu quả nhất, tránh sử dụng các biện pháp dân gian điều trị tại nhà gây tăng tình trạng nặng nề của bệnh.

Có thể thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà, phòng ngừa rò hậu môn khi có các vết nứt hoặc có các yếu tố nguy cơ như rặn nhiều do táo bón, bệnh lý viêm đại tràng, sau cuộc sinh nở thường,.... Vết nứt có thể tự lành nhờ sự hỗ trợ từ thay đổi chế độ ăn uống và các biện pháp chăm sóc tại nhà.

Một số biện pháp phòng ngừa rò hậu môn có thể thực hiện tại nhà như sau:

  • Ngâm vùng hậu môn vào chậu nước ấm trong khoảng 10-15 phút mỗi ngày. Cách này có thể làm giảm các triệu chứng đau rát, sát khuẩn vùng hậu môn do các vết nứt. Tuy nhiên, đây chỉ là phương pháp cải thiện triệu chứng, không phải để điều trị bệnh.
  • Chế độ dinh dưỡng bổ sung chất xơ là vô cùng quan trọng trong giảm hình thành và tình trạng nặng nề vết nứt vùng hậu môn gây rò hậu môn. Học viện Dinh Dưỡng Hoa Kỳ khuyến cáo rằng, nên bổ sung ít nhất 38 gram chất xơ với nam và 25 gram chất xơ với nữ mỗi ngày để giúp phân không quá cứng gây ra táo bón, đồng thời phân không quá lỏng đến mức gây tiêu chảy. Một số thực phẩm có chứa chất xơ nên sử dụng như ngũ cốc nguyên cám, các loại đậu, lúa mạch, hạt bí ngô, Atiso,...
  • Có thể sử dụng các loại kem làm mềm phân, uống đủ nước, sử dụng các trái cây và rau xanh như bông cải xanh, rau bina, cải bắp, dâu tây, dưa lưới, ớt ngọt, rau cần tây, dưa hấu, rau diếp,... để tăng dinh dưỡng cho cơ thể, phòng ngừa táo bón.
  • Chăm sóc vùng da quanh hậu môn bằng cách giữ vệ sinh sạch sẽ sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh hậu môn bằng vòi rửa nhẹ, khăn mềm sạch, tránh dùng giấy vệ sinh để lau rửa.
  • Tránh các tổn thương vùng hậu môn do mặc trang phục bó cứng, ngồi trên vùng không bằng phẳng,...

Như vậy, rò hậu môn là bệnh lý vùng hậu môn - trực tràng lành tính, nhưng nếu điều trị không đúng các có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể. Người bệnh không thể tự ý điều trị tại nhà khi đã xuất hiện lỗ rò. Tuy nhiên, có thể ngăn cản sự hình thành lỗ rõ từ việc loại bỏ các yếu tố nguy cơ. Giữ gìn vệ sinh và ngăn chặn tình trạng táo bón là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan