Dấu hiệu viêm túi mật cấp qua 4 giai đoạn tiến triển

Viêm túi mật cấp là bệnh thường gặp có thể tiến triển nhanh chóng qua qua 4 giai đoạn, nguyên nhân chủ yếu chiếm đến trên 95% là do sỏi túi mật gây ra. Người bệnh chủ yếu gặp phải các triệu chứng như đau vùng hạ sườn phải, sốt, rối loạn tiêu hóa, nếu không điều trị thì ở một số người có thể tiến triển và gây ra những biến chứng nguy hiểm.

1. Viêm túi mật cấp là gì?

Viêm túi mật cấp là tình trạng niêm mạc túi mật bị tổn thương, gây ra viêm tiết dịch, giải phóng các chất gây viêm, dẫn tới tổn thương niêm mạc nặng hơn và gây thiếu máu, làm tình trạng viêm kéo dài và nguy cơ nhiễm khuẩn túi mật nếu không được kiểm soát có thể dẫn tới hoại tử túi mật và thủng. Viêm túi mật cấp và viêm túi mật cấp do sỏi đều có đặc điểm chung là thường gặp ở những người độ tuổi trung niên tới cao tuổi.

Một số trường hợp viêm túi mật cấp tính không được điều trị sẽ tiếp tục tái phát, túi mật sẽ trở nên xơ, co lại và không cô đặc mật được cũng như không làm trống túi mật được dẫn tới viêm túi mật mạn tính.

2. Nguyên nhân gây viêm túi mật cấp

Những nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng viêm túi mật cấp bao gồm:

  • Do sỏi túi mật chiếm tới 90 - 95%, khi hình thành sỏi trong túi mật sẽ gây tắc dịch mật bên trong túi mật dẫn tới viêm túi mật do sỏi.
  • Không do sỏi chiếm khoảng 5-10% gồm các nguyên nhân như: Chấn thương, Nhiễm trùng các loại vi khuẩn như E.coli, Enterococcus, Klebsiella và Enterobacter. Bệnh lý thương hàn, nhiễm khuẩn huyết. Ung thư, tắc ống mật chủ dẫn đến tắc ống túi mật. Hẹp cơ vòng Oddi, nhú bóng Vater. Một số nguyên nhân ít gặp như Thiếu máu, tổn thương do hóa chất, phản ứng dị ứng.
Dấu hiệu viêm túi mật cấp
Dấu hiệu viêm túi mật cấp ban đầu thường là đau vùng hạ sườn phải, sốt, rối loạn tiêu hóa

3. Dấu hiệu viêm túi mật cấp

Viêm túi mật cấp diễn biết theo 4 giai đoạn như:

Giai đoạn 1: Túi mật căng to

  • Bệnh nhân đau bụng vùng thượng vị quặn từng cơn, những cơn đau quặn do sự tắc nghẽn của sỏi ở cổ túi mật.
  • Buồn nôn và nôn: Bệnh nhân không giảm đau sau khi nôn. Những dấu hiệu này có thể thấy trong giai đoạn đầu.

Giai đoạn 2: Viêm túi mật mủ

  • Đau bụng liên tục khu trú tại hạ sườn phải, có thể đau sau lưng hoặc đau ở vai phải.
  • Toàn thân: Bệnh nhân bắt đầu thấy dấu hiệu sốt, thường không sốt cao trong giai đoạn này.
  • Khám dấu hiệu murphy dương tính: Cách khám dấu hiệu murphy là đặt đầu các ngón tay của bàn tay phải lên vùng dưới bờ sườn bên phải, khi bệnh nhân thở ra thì dùng tay ấn tay sâu thêm, khi bệnh nhân thở vào bàn tay giữ nguyên. Thực hiện sau 3 - 4 lần như thế, khi đang ở thì thở vào, bệnh nhân ngừng thở vì quá đau gọi là Murphy dương tính, do chạm vào túi mật viêm của bệnh nhân. Dấu hiệu này có độ đặc hiệu cao, tuy nhiên đôi khi một số trường hợp viêm túi mật nhưng không có dấu hiệu này dương tính, cho nên độ nhạy của nghiệm pháp này không được cao.

Giai đoạn 3: Túi mật hoại tử

  • Đôi khi nếu tình trạng này diễn biến cấp tính sẽ dẫn tới hoại tử túi mật.
  • Lúc này bệnh nhân không chỉ đau khu trú tại hạ sườn phải mà đau lan tỏa khắp cả bụng.
  • Toàn thân: Bệnh nhân sốt cao, người rất mệt mỏi.
  • Khám thấy: Phản ứng thành bụng dương tính, co cứng thành phụng.
  • Xét nghiệm bạch cầu tăng cao, CRP dương tính.

Giai đoạn 4: Thủng túi mật

  • Thông thường bệnh nhân nếu không điều trị đúng cách có khoảng 10% tiến triển nặng dẫn tới thủng túi mật, thời gian khoảng 48-72h sau khi có các dấu hiệu đầu.
  • Đôi khi có thể xảy ra sớm hơn ở những bệnh nhân có bệnh lý đái tháo đường, viêm tắc động mạch...
  • Giai đoạn này bệnh nhân đau bụng dữ dội, sốt tăng cao kèm theo rét run, toàn thân có hội chứng sốc nhiễm khuẩn nhiễm độc... cần phải tiến hành điều trị ngay, nếu không bệnh nhân tử vong do sốc nhiễm trùng.

4. Phân loại mức độ nặng của viêm túi mật

Việc phân mức độ nặng của bệnh giúp định hướng biện pháp điều trị phù hợp, phân độ theo hướng dẫn Tokyo năm 2013 về mức độ nặng của viêm túi mật như sau:

Viêm túi mật cấp nhẹ (cấp độ 1)

  • Túi mật viêm nhẹ, chỉ có những phản ứng viêm tại chỗ.
  • Bệnh nhân khỏe, không thấy có rối loạn chức năng các cơ quan.

Viêm túi mật cấp trung bình (cấp độ 2): Viêm túi mật kèm theo một hay nhiều tiêu chuẩn sau

  • Thời gian xuất hiện triệu chứng lớn hơn 72h
  • Bạch cầu trên 18 G/l.
  • Sờ thấy khối ở hạ sườn phải.
  • Tổn thương viêm tại chỗ: viêm phúc mạc mật khu trú, áp xe túi mật, áp xe gan, túi mật hoại tử, hoại thư túi mật...
  • Viêm túi mật cấp nặng (cấp độ 3): Túi mật viêm kèm theo rối loạn chức năng của một hoặc nhiều cơ quan như: Rối loạn chức năng tim mạch bệnh nhân hạ huyết áp cần điều trị với dopamine ≥5mcg/kg/phút hoặc liều bất kỳ Dopamine. Rối loạn chức năng thần kinh suy giảm mức độ ý thức. Rối loạn chức năng hô hấp khi tỷ lệ PaO2/FiO2 < 300. Rối loạn chức năng thận, biểu hiện thiểu niệu, creatinin > 2mg/dl) Rối loạn chức năng gan (PT INR > 1.5) Rối loạn huyết học khi tiểu cầu giảm < 100.000/mm3.
Dấu hiệu viêm túi mật cấp do sỏi
Viêm túi mật cấp do sỏi thường gặp ở những người độ tuổi trung niên tới cao tuổi

5. Cách điều trị viêm túi mật

Các biện pháp điều trị viêm túi mật phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh và khả năng đáp ứng của điều trị. Các biện pháp điều trị có thể gồm nội khoa, dẫn lưu túi mật xuyên gan qua da, phẫu thuật.

5.1 Điều trị nội khoa

  • Người bệnh nhịn ăn, đặt sonle dạ dày, truyền dịch đường tĩnh mạch.
  • Thuốc ức chế tiết acid, giảm co thắt cơ vòng oddi.
  • Thuốc giảm đau, hạ sốt và kháng sinh được chỉ định điều trị.
  • Theo dõi bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị.

5.2 Dẫn lưu túi mật xuyên gan qua da

Đây là phương pháp có thể sử dụng như một biện pháp thay thế phẫu thuật khi người bệnh không thực hiện được phẫu thuật. Được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân viêm túi mật cấp mức độ nặng(độ 3) có chỉ định dẫn lưu túi mật.
  • Viêm túi mật cấp tính có chỉ định phẫu thuật những người bênh nguy cơ biến chứng do phẫu thuật cao.
  • Có chỉ định phẫu thuật nhưng lại có những chống chỉ định với phương pháp phẫu thuật.
  • Viêm túi mật cấp mức độ vừa (độ 2): Dẫn lưu túi mật chỉ định khi không đáp ứng với điều trị nội khoa thông thường. Thất bại sau khi thực hiện điều trị nội khoa từ 24-48 giờ.
  • Những trường hợp mức độ vừa nhưng có các yếu tố tiên lượng điều trị nội khoa không hiệu quả như: người bệnh tuổi trên 70, mắc bệnh đái tháo đường, nhịp tim nhanh...

Dẫn lưu túi mật khá an toàn, ít biến chứng, tuy nhiên cũng có thể gây ra biến chứng như: Chảy máu, nhiễm khuẩn, rò mật.

5.3 Phẫu thuật

Chỉ định: Những bệnh nhân trẻ, thể trạng tốt, không có chỉ định phẫu thuật, mổ sớm trước 48 giờ và túi mật viêm nặng giai đoạn nung mủ hay hoại tử thì nên tiến hành cắt túi mật. Phẫu thuật có thể được thực hiện sau dẫn lưu túi mật qua da, nếu không có biến chứng gì của phường pháp trước đó.

Khi phẫu thuật có thể dẫn tới một số biến chứng như: Tổn thương đường mật, tổn thương các cơ quan khác, nhiễm trùng vết mổ, tắc ruột sau phẫu thuật, chảy máu, thuyên tắc mạch do huyết khối, nhiễm trùng đường tiểu.

Viêm túi mật cấp tính có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm tới tính mạng nếu không được điều trị sớm và đúng cách, còn lại một số có thể dẫn tới viêm túi mật mạn tính. Cho nên khi có những biểu hiện nghi ngờ bệnh nên tới các cơ sở y tế để được điều trị sớm và đúng cách.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan