Dự phòng viêm đại tràng tái phát

Viêm đại tràng là bệnh lý phổ biến và không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên rất dễ tái đi tái lại nếu không được điều trị triệt để. Do đó cần có phương pháp phòng và điều trị hợp lý để bệnh không tái phát lại.

1. Viêm đại tràng là bệnh gì?

Đại tràng (ruột già) là đoạn cuối cùng của đường ống tiêu hóa trong cơ thể. Ruột già cấu tạo bởi một đoạn ống dài khoảng 1,2m, là nơi nhận thức ăn đã được tiêu hóa và hấp thụ tại ruột non. Tại đây, các chất dinh dưỡng và nước chưa được hấp thụ tại ruột non sẽ được hấp thu tiếp. Các chất cặn bã sẽ được đào thải ra ngoài qua phân. Đây cũng là nơi có nhiều loại vi khuẩn đường ruột và ký sinh trùng sinh sống, do đó, đại tràng rất dễ bị viêm nhiễm.

Viêm đại tràng là khi các vi khuẩn, ký sinh trùng phát triển mạnh, chúng sẽ tấn công niêm mạc khiến cho đại tràng bị tổn thương, viêm nhiễm gây ra tình trạng viêm đại tràng.

Viêm đại tràng là bệnh có tỷ lệ mắc cao ở Việt Nam. Cứ 3 người đến khám bệnh đường tiêu hóa thì có 1 người bị viêm đại tràng. Đây không phải là căn bệnh nguy hiểm, tuy nhiên, nếu không phát hiện sớm và điều trị triệt để thì bệnh rất khó điều trị dứt điểm, dễ bị viêm đại tràng tái phát. Có người có thể tái phát 4 lần trong một năm. Đặc biệt có thể dẫn đến ung thư đại tràng nếu tái phát nhiều lần.

2. Triệu chứng viêm đại tràng và viêm đại tràng tái phát

  • Tiêu chảy: phân có nhầy và máu. Có thể đi ngoài tới 10 lần một ngày và diễn ra trong thời gian dài.
  • Đầy hơi, chướng bụng
  • Đau bụng: ban đầu bệnh diễn ra âm thầm sau đó tăng dần nhu cầu đi ngoài. Lúc đầu đau quặn bụng dưới mức độ nhẹ sau đó mức độ ngày càng tăng lên và có nhầy máu trong phân.
  • Viêm đại tràng kịch phát: ban đầu người bệnh có dấu hiệu tiêu chảy đột ngột dữ dội, sốt đến 40° C (104° F), đau bụng. Triệu chứng và dấu hiệu toàn thân: người bệnh mệt mỏi do tiêu chảy nhiều, sốt cao, thiếu máu, chán ăn và sút cân.

3. Nguyên nhân gây viêm đại tràng

  • Hằng ngày người bệnh đưa rất nhiều loại đồ ăn thức uống vào cơ thể. Từ đó các loại virus, vi khuẩn, giun, sán... xâm nhập vào cơ thể, phát triển và gây bệnh. Đây chính là lý do tại sao người bị viêm đại tràng hay bị tái phát viêm đại tràng, khó chữa dứt điểm được.
  • Do thức ăn không đảm bảo: ăn nhiều đồ chua, cay, đồ uống có cồn, có ga hay các thực phẩm độc hại...
  • Khi thấy có các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy... người bệnh thường tự đi mua thuốc để uống. Các loại thuốc kháng sinh vừa tiêu diệt vi khuẩn có hại đồng thời cũng tiêu diệt luôn vi khuẩn có lợi. Hệ vi khuẩn có lợi ở đường ruột bị mất cân bằng khiến bệnh dễ bị tái phát trở lại.
  • Tinh thần căng thẳng, lo âu, stress, tinh thần không ổn định... cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh đường ruột, đặc biệt là viêm đại tràng.
  • Điều trị không triệt để: Sau khi dùng thuốc 2,3 ngày, các triệu chứng sẽ giảm nhanh chóng. Nhưng lúc này, các tác nhân chưa được tiêu diệt mà chỉ mới tạm thời bị yếu đi. Khi đó người bệnh sẽ có tâm lý chủ quan và dừng sử dụng thuốc dù chưa kết thúc đợt điều trị. Do đó, vi khuẩn chưa được tiêu diệt sẽ hoạt động trở lại dẫn đến viêm đại tràng tái phát.
Ăn uống nhiều đồ chua cay đồ uống có cồn có thể gây tình trạng tái phát viêm đại tràng
Ăn uống nhiều đồ chua cay đồ uống có cồn có thể gây tình trạng tái phát viêm đại tràng

4. Các phương pháp phòng bệnh viêm đại tràng và viêm đại tràng tái phát

  • Cần có một chế độ ăn uống khoa học: Hạn chế những loại đồ ăn chiên, rán, xào, thay vào đó nên chế biến thức ăn bằng cách luộc, hấp, kho. Hạn chế đồ uống có cồn, có ga hay đồ uống có chứa chất kích thích như cafe, chè... Thay vào đó, nên bổ sung nước ép hoa quả, sinh tố, nước lọc hay nước khoáng... Ăn đúng bữa, không bỏ bữa. Không ăn quá nhiều trong một bữa vì có thể gây quá tải cho hệ tiêu hóa, dễ đầy bụng, chướng hơi, đi ngoài.
  • Cần phải thật kiên trì: Dùng thuốc đúng liều lượng mà bác sĩ chỉ định, không tự ý ngưng thuốc khi chưa có sự cho phép của bác sĩ. Nếu không tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ rất dễ dẫn đến chữa viêm đại tràng không khỏi.
  • Khi bị bệnh, không tự ý mua thuốc về dùng. Thay vào đó, nên đến gặp bác sĩ để được khám, tư vấn và được chỉ định phác đồ điều trị hợp lý.
  • Hạn chế căng thẳng, lo âu, stress...
  • Tập luyện thể dục thể thao: chạy bộ, thiền, yoga...
  • Tăng cường hệ miễn dịch cho hệ tiêu hóa bằng cách bổ sung lợi khuẩn sống Bifido. Việc bổ sung này giúp cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Đồng thời dưới tác dụng của vi khuẩn, các vết loét cũng nhanh chóng lành lặn.

5. Phương pháp chẩn đoán viêm đại tràng và viêm đại tràng tái phát

  • Nuôi cấy và soi phân: tìm các loại vi khuẩn, virus gây bệnh.
  • Nội soi đại tràng sigma có sinh thiết: Phân biệt bệnh Crohn và viêm loét đại tràng.
  • Chuẩn độ huyết thanh và sinh thiết: thực hiện ở bệnh nhân nghi ngờ nhiễm amip
  • Xét nghiệm phân tìm độc tố Clostridium difficile: người bệnh có tiền sử sử dụng kháng sinh.

Như vậy, viêm đại tràng là bệnh không nguy hiểm nhưng rất dễ tái phát. Do đó người bệnh cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý để tránh tái phát viêm đại tràng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan