Giảm nhu động ruột dễ gây táo bón

Táo bón được xác định là tình trạng đi đại tiện ít hơn 3 lần mỗi tuần, xảy ra do hai nhóm nguyên nhân chính là táo bón nguyên phát và táo bón thứ phát. Trong đó, tình trạng giảm nhu động ruột là một yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến táo bón.

1. Tổng quan về táo bón

1.1. Táo bón là gì?

Tiêu chí Rome định nghĩa về táo bón khi người bệnh có ít nhất 2 trong số các triệu chứng sau đây:

  • Số lần đi đại tiện ít hơn 3 lần mỗi tuần
  • Mỗi lần đi đại tiện rất khó khăn: Phân cứng, cảm giác tắc nghẽn hậu môn trực tràng.
  • Sau mỗi lần đi vệ sinh vẫn còn cảm giác phân trong ruột và có thể xuất hiện máu trên phân cứng.

1.2. Các nguyên nhân dẫn đến táo bón

Nguyên nhân dẫn đến táo bón bao gồm 2 nhóm, đó là nhóm nguyên nhân nguyên phát và nhóm nguyên nhân thứ phát.

Nhóm táo bón nguyên phát xảy ra do rối loạn chức năng hoạt động của đường ruột, bao gồm các loại như sau:

  • Vận động ruột bình thường: Mặc dù phân di chuyển qua đại tràng với tốc độ bình thường nhưng bệnh nhân vẫn cảm thấy khó khăn khi đi đại tiện.
  • Vận động ruột chậm hay giảm nhu động ruột: Nhu động ruột bị giảm làm chậm sự di chuyển của phân qua đại tràng. Người bệnh mắc tình trạng này không tạo được lực đẩy thích hợp để đưa phân ra khỏi trực tràng, cơ nâng trực tràng và cơ thắt hậu môn không giãn được khi đi vệ sinh.
  • Chức năng sàn chậu bị rối loạn: Người bệnh mắc tình trạng này thường có cảm giác đi đại tiện không hết, thời gian mỗi lần đi đại tiện kéo dài hoặc phải sử dụng lực đè ở sàn chậu để giúp phân thoát ra khi đi đại tiện.

Nhóm táo bón thứ phát xảy ra do các nguyên nhân sau:

  • Chế độ dinh dưỡng không hợp lý như uống không đủ nước; chế độ ăn thiếu các thực phẩm cung cấp chất xơ (rau củ quả, trái cây, ngũ cốc); uống nhiều loại đồ uống gây lợi tiểu (cà phê, rượu, trà..); ăn nhiều đồ ăn chứa chất béo động vật...
  • Thường xuyên nhịn hoặc bỏ qua cảm giác đi tiêu: Khi trực tràng chứa đầy phân, cảm giác đi đại tiện sẽ được truyền đến vỏ não. Trong trường hợp này nếu bạn nhịn và bỏ qua cảm giác muốn đi vệ sinh sẽ làm phân không được tống ra ngoài, hệ đường ruột sẽ tiếp tục hấp thu nước từ phân làm chúng trở nên khô, cứng và khó thoát ra ngoài hơn.
  • Táo bón do thuốc: Một số loại thuốc gây tác dụng phụ là táo bón khi sử dụng trong thời gian dài như thuốc giảm đau opioid (morphin, codein, tramadol...); thuốc điều trị parkinson (benztropin, trihexyphenidyl, orphendrin), thuốc chẹn kênh Canxi (verapamil, diltiazem, nifedipin..); sắt và các chế phẩm bổ sung sắt, thuốc chống trầm cảm (imipramin, amitriptillin).
  • Các triệu chứng toàn thân như tăng canxi máu (bổ sung canxi quá nhiều làm tăng canxi máu dẫn đến tình trạng giảm nhu động ruột, phân bị giữ lại trong ruột lâu hơn và khiến cho nước trong phân bị tái hấp thu nhiều dẫn đến tình trạng táo bón); mang thai (nội tiết tố khi mang thai bị thay đổi làm chậm nhu động ruột, áp lực cơ học của tử cung lên ruột tăng theo sự phát triển của thai nhi, bổ sung sắt trong thai kỳ, chế độ ăn uống thay đổi...); hạ kali máu; suy giáp... cũng có thể gây giảm nhu động ruột dẫn đến táo bón.
  • Các bệnh lý như parkinson, Hirschsprung, chấn thương đầu, tổn thương tủy sống, đột quỵ làm tăng nguy cơ mắc táo bón.
  • Lạm dụng thuốc nhuận tràng: Sử dụng thuốc nhuận tràng trong thời gian dài sẽ làm giảm khả năng hoạt động của hệ cơ đại tràng, khiến cho hệ cơ này không thể hoạt động được khi không dùng thuốc, giảm nhu động ruột làm cho tình trạng táo bón của người bệnh tăng lên.
giảm nhu động ruột
Giảm nhu động ruột làm cho tình trạng táo bón của người bệnh tăng lên

2. Giảm nhu động ruột làm tăng nguy cơ táo bón

Nhu động ruột là quá trình co bóp hình lượn sóng xảy ra tại các cơ quan trong hệ tiêu hóa, có tác dụng di chuyển, tiêu hóa và hấp thu chất dưỡng từ thức ăn cho cơ thể. Quá trình này bắt đầu từ thực quản khi thức ăn được nuốt xuống, sau đó di chuyển đến dạ dày, ruột non và kết thúc ở hậu môn. Hệ cơ tại thành mạch của các cơ quan tiêu hóa từ thực quản, dạ dày, ruột non và hậu môn phối hợp nhịp nhàng giúp thức ăn di chuyển, tiêu hóa, hấp thu chất dinh dưỡng và bài tiết phân ra khỏi cơ thể.

  • Tại thực quản: Nhu động ruột có vai trò đẩy thức ăn xuống dạ dày.
  • Tại dạ dày: Nhu động ruột tiến hành co bóp giúp nghiền thức ăn thành kích thước nhỏ hơn để dễ chuyển hóa thành chất dinh dưỡng cho cơ thể hấp thu.
  • Tại ruột non: Sự co bóp của nhu động ruột tại ruột non gồm hai giai đoạn là co bóp nhào trộn (co bóp phân đoạn) và co bóp đẩy (co bóp nhu động). Đây là giai đoạn biến đổi thức ăn và hấp thu hầu hết các chất dinh dưỡng. Trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 giờ các co bóp của nhu động mới đẩy được nhũ trấp từ tá tràng tới van hồi – manh tràng.
  • Những chất cặn bã sẽ được nhu động đẩy xuống xuống ruột già.

Vì vậy, khi sự hoạt động nhịp nhàng của nhu động ruột bị phá vỡ làm rối loạn nhu động ruột dẫn đến các tình trạng như tăng nhu động ruột hoặc giảm nhu động ruột.

Giảm nhu động ruột xảy ra khi sự hoạt động của các cơ trơn bị giảm đi dẫn đến các hậu quả như sau:

  • Thức ăn bị chậm tiêu, ăn không tiêu, đầy bụng khó tiêu.
  • Phân và các chất cặn bã vì không nhận được đủ lực đẩy từ các cơ trơn nên bị tắc nghẽn trong ruột dẫn đến táo bón.
  • Đau bụng, chướng bụng và căng tức bụng.

Nhu động ruột giảm là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến táo bón. Vì vậy, nắm được các yếu tố làm giảm nhu động ruột sẽ giúp bạn có biện pháp xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt và vận động hợp lý để bảo cơ thể trước những nguy cơ gây bệnh.

Một số nguyên nhân làm giảm nhu động ruột như sau:

  • Chế độ ăn uống không hợp lý: Chế độ dinh dưỡng không bổ sung đủ chất xơ cho cơ thể, ăn nhiều thức ăn chứa mỡ động vật.
  • Uống ít nước: Uống ít nước làm giảm vận động nhu động ruột, giảm hoạt động của hệ tiêu hóa.
  • Lười vận động
  • Người bệnh mắc các bệnh lý như hội chứng ruột kích thích, parkinson...
giảm nhu động ruột
Giảm nhu động ruột xảy ra khi sự hoạt động của các cơ trơn bị giảm đi dẫn đến đau bụng

3. Các biện pháp giúp điều hòa nhu động ruột và giảm táo bón

Tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn đến giảm nhu động ruột mà có các biện pháp xử trí khác nhau. Một số biện pháp có tác dụng làm điều hòa nhu động ruột và giảm táo bón như sau:

  • Thay đổi chế độ ăn uống: Bổ sung các thực phẩm chứa nhiều chất xơ như ngũ cốc, bột yến mạch, rau xanh, trái cây (bơ, chuối, cam...), củ quả (bí ngô, đu đủ, bông cải xanh...).
  • Uống đủ lượng nước mỗi ngày (khoảng 1,5 – 2 lít) và nên uống một ly nước ấm vào mỗi buổi sáng để giúp điều hòa nhu động ruột của hệ tiêu hóa, hạn chế tình nguy cơ mắc táo bón.
  • Tập luyện thể dục mỗi ngày: Luyện tập thể dục hàng ngày như đạp xe, đi bộ, bơi lội... sẽ giúp hệ đường ruột hoạt động tốt hơn, tăng nhu động ruột và giảm được tình trạng ăn không tiêu, táo bón.
  • Bổ sung vi khuẩn có lợi probiotic: Các lợi khuẩn đường ruột giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, điều hòa nhu động ruột. Một số thực phẩm giúp bổ sung lợi khuẩn cho cơ thể như sữa chua, dưa muối, kim chi...
  • Giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái: Các tình trạng căng thẳng, stress làm giảm nhu động ruột đáng kể. Vì vậy luôn giữ tinh thần thoải mái và vui vẻ sẽ giúp hệ tiêu hóa của cơ thể hoạt động tốt hơn, tránh tình trạng giảm nhu động ruột gây táo bón.

Tình trạng giảm nhu động ruột kéo dài không được điều trị sẽ gây khó chịu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, trong trường hợp giảm nhu động ruột gây táo bón kéo dài, đặc biệt là có liên quan đến các bệnh lý như hội chứng ruột kích thích, parkinson... bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán chính xác nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan