Giãn tĩnh mạch thực quản nôn ra máu điều trị như thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Dương Xuân Lộc - Bác sĩ Ngoại tiêu hóa - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có kinh nghiệm hơn 12 năm làm Bác sĩ Ngoại tiêu hóa.

Giãn tĩnh mạch thực quản nôn ra máu cần được điều trị kịp thời, hạn chế tối đa nguy hiểm cho người bệnh. Hiện tình trạng giãn tĩnh mạch thực quản nôn ra máu đã được điều trị bằng nhiều cách khác nhau, phù hợp với tình trạng cụ thể của từng người bệnh. Nôn ra máu do giãn tĩnh mạch thực quản là gì?

Các tĩnh mạch ở phần thấp thực quản có thể bị giãn ra khi lưu lượng máu đến gan bị giảm đi nhiều lần do mô sẹo hoặc các cục máu động. Khi dòng máu tắc nghẽn, máu tích tại các mạch máu khác xung quanh đó, gồm cả mạch máu phần dưới của thực quản. Bởi các tĩnh mạch nhỏ và không thể mang hết lượng máu lớn được tích tụ, nên chúng có nguy cơ phồng lên, giãn ra. Tình trạng này là giãn tĩnh mạch thực quản. Khi tĩnh mạch thực quản bị giãn quá lâu có thể gây rò rỉ máu và vỡ, dẫn đến chảy máu nguy hiểm.

Khi đó người bệnh có các triệu chứng điển hình nhất là nôn ra máu. Bên cạnh đó là biểu hiện đau bụng, chóng mặt, đi phân đen, ra máu, sốc so bị mất máu, ...Người bệnh bị giãn tĩnh mạch thực quản nôn ra máu có thể do các nguyên nhân như giãn tĩnh mạch thực quản lớn, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, bị xơ gan nặng.

1. Điều trị giãn tĩnh mạch thực quản nôn ra máu như thế nào?

Người bệnh bị giãn tĩnh mạch thực quản nôn ra máu có thể điều trị bằng phương pháp nội soi nhẹ nhàng và hiệu quả dựa trên chỉ định của bác sĩ điều trị. Thông qua nội soi người bệnh sẽ được cầm máu, thắt giãn tĩnh mạch thực quản.

Phương pháp nội soi cầm máu và thắt tĩnh mạch thực quả thường chỉ định trong các trường hợp cấp cứu, là cách điều trị được đánh giá là an toàn và hiệu quả nhất hiện nay đối với người bệnh. Bằng phương pháp nội soi thắt tĩnh mạch thực quản, bác sĩ có thể kết hợp các phương pháp tiền mê cho bệnh nhân trong suốt quá trình. Bởi vậy, nội soi điều trị giãn tĩnh mạch thực quản nôn ra máu diễn ra nhẹ nhàng, an toàn, hiệu quả và nhanh chóng.

Quy trình nội soi thực quản dạ dày
Người bệnh bị giãn tĩnh mạch thực quản nôn ra máu có thể điều trị bằng phương pháp nội soi nhẹ nhàng và hiệu quả

2. Phương pháp TIPS điều trị giãn tĩnh mạch thực quản nôn ra máu

TIPS là phương pháp điều trị mới cho bệnh nhân xơ gan được áp dụng trong trường hợp giãn tĩnh mạch thực quản nôn ra máu mà điều trị nội soi thắt búi giãn tĩnh mạch được đánh giá là không hiệu quả. Đây là phương pháp can thiệp nội mạch, xâm lấn tối thiểu, nhưng không phải phẫu thuật giúp giảm tối đa các biến chứng cho bệnh nhân và rút ngắn thời gian phục hồi.

Với TIPS, người bệnh có thể điều trị dự phòng chảy máu tiêu hóa hoặc điều trị cấp cứu chảy máu tiêu hóa do vỡ búi tĩnh mạch thực quản mà điều trị nội khoa và nội soi không mang lại hiệu quả. Trong các trường hợp người bệnh đã thắt tĩnh mạch bằng nội soi nhiều lần trước đó nhưng tình trạng tái phát chảy máu vẫn tiếp diễn, hoặc không thể điều trị thắt tĩnh mạch bằng nội soi có thể được chỉ định điều trị bằng phương pháp TIPS.

Tuy nhiên, điều trị giãn tĩnh mạch thực quản nôn ra máu bằng phương pháp TIPS có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh như suy gan, rối loạn tâm thần, có thể phát triển các độc tố mà thông thường sẽ được lọc ở gan được chuyển qua shunt trực tiếp vào máu. Bác sĩ thường sẽ chỉ định TIPS khi người bệnh đã điều trị tất cả các phương pháp khác mà thất bại hoặc không hiệu quả. Đây cũng là biện pháp điều trị tạm thời cho người bệnh đang chờ được ghép gan.

3. Các phương pháp điều trị khác

Trẻ mắc tay chân miệng độ 2 thường được điều trị bằng thuốc
Thuốc cũng là một lựa chọn trong điều trị giãn tĩnh mạch thực quản nôn ra máu

Ngoài ra, để điều trị giãn tĩnh mạch thực quản nôn ra máu cho người bệnh, bác sĩ điều trị có thể sử dụng các loại thuốc làm chậm lưu lượng máu vào tĩnh mạch cửa. Loại thuốc octreotide gọi là (Sandostatin) thường được sử dụng kết hợp với phương pháp nội soi để điều trị chảy máu giãn tĩnh mạch thực quản. Người bệnh có thể sử dụng thuốc trong 5 ngày sau khi phát hiện chảy máu.

Người bệnh có thể được điều trị tùy vào tình trạng dựa trên chỉ định của bác sĩ như phương pháp ngăn ngừa nhiễm trùng bằng một loại kháng sinh, phương pháp bồi hoàn thể tích máu bằng cách truyền máu và các yếu tố đông máu để cầm máu. Đây là các phương pháp điều trị tạm thời cho người bệnh.

Ghép gan cho người bệnh là phương án điều trị khả thi cho người bệnh gan nặng hoặc bị chảy máu do giãn tĩnh mạch thực quản tái phát nhiều lần.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan