Glycine là chất gì và có tác dụng gì?

Chúng ta vẫn thường nghe nói về Glycine, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ Glycine là chất gì và glycine có tác dụng gì. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng Glycine, cùng tìm hiểu thông tin qua bài viết dưới đây.

1. Glycine là chất gì?

Glycine (được viết tắt là Gly hoặc G) là một hợp chất hữu cơ có công thức H2NCH2COOH. Glycine là axit amin có khối lượng phân tử nhỏ nhất trong số 20 axit amin thường được tìm thấy trong protein.

  • Bản chất Glycine là một chất rắn tinh thể không màu, có vị ngọt.
  • Glycine là một trong số 20 axit amin được sử dụng để tạo ra protein trong cơ thể con người, cấu tạo nên mô, tạo thành các khớp, cơ quan và cơ bắp, do đó có vai trò khá quan trọng với hầu hết các cơ quan.
  • Trong số các protein trong cơ thể, Glycine tập trung chủ yếu trong collagen (loại protein phong phú nhất ở người và nhiều loại động vật có vú) và cũng có một phần trong gelatin (một chất được làm từ collagen).

Vào năm 1820, Glycine được phát hiện khi nhà khoa học Henri Braconnot luộc gelatin với acid sulfuric. Hiện nay, Glycine được sản xuất công nghiệp bằng cách xử lý axit chloroacetic bằng amoniac. Mỗi năm có khoảng 15 triệu kg được sản xuất bằng cách này.

  • Glycine được tổng hợp trong gan từ các axit amin, threonine và serine. Ở người, Glycine được tìm thấy với nồng độ cao trong da, mô cơ, mô liên kết của các khớp.
  • Glycine đóng một số vai trò quan trọng trong cơ thể. Cần thiết cho việc sản xuất nhiều loại axit khác nhau, bao gồm cả axit mật, axit nucleic, creatine phosphate và porphyrin. Với quy mô rộng lớn hơn, glycine tham gia và hỗ trợ nhiều quá trình quan trọng.
  • Glycine có liên quan chặt chẽ với hệ thống thần kinh trung ương và hệ thống tiêu hóa. Nó điều chỉnh nồng độ của acid mật giúp cho sự phân hủy của chất béo. Ngoài ra, Glycine cũng cần thiết cho sinh tổng hợp heme - thành phần quan trọng của hemoglobin – giúp duy trì tính toàn vẹn của tế bào hồng cầu và khả năng vận chuyển oxy tối ưu nhất.

2. Tác dụng của glycine đối với sức khỏe

Theo nghiên cứu đã được công bố của Departments of Cell and Developmental Biology thuộc Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill, glycine có thể được sử dụng để giúp giảm bớt triệu chứng ở những người bị mắc các bệnh như: Loét dạ dày, hội chứng ruột bị rò rỉ, viêm khớp, tiểu đường, suy tim, bệnh thận, rối loạn thần kinh, mệt mỏi kéo dài, rối loạn giấc ngủ và thậm chí một số bệnh ung thư.

Glycine có thể được tìm thấy ở những dạng bổ sung nhưng nếu có thể thì bổ sung từ nguồn thực phẩm tự nhiên sẽ thu được những lợi ích tốt nhất.

2.1. Thúc đẩy sự tăng trưởng của cơ bắp

Glycine là một trong ba axit amin cần thiết mà cơ thể sử dụng cho quá trình sinh tổng hợp creatine. Creatine cung cấp nguồn năng lượng trực tiếp cho cơ bắp và giúp xây dựng các mô cơ. Nhờ vai trò trong việc chuyển đổi chất dinh dưỡng từ chế độ ăn uống của bạn, Glycine cũng giúp cung cấp năng lượng cho tế bào giúp nuôi dưỡng các mô cơ, tăng cường sức mạnh, độ bền và hiệu suất. Đồng thời, Glycine cũng có lợi trong việc sản xuất và quy định hormone, giúp cho cơ thể tổng hợp hormon steroid điều chỉnh tỷ lệ chất béo và kiểm soát tiêu hao năng lượng.

2.2. Sửa chữa, bảo vệ sụn khớp

Cùng với các axit amin khác có trong thành phần của nước hầm xương (đặc biệt là proline), glycine góp phần quan trọng trong sự hình thành collagen, thúc đẩy chức năng và tăng trưởng của các khớp, gân cơ và dây chằng. Có khoảng 1/3 collagen được tạo thành từ glycine mà collagen lại là yếu tố rất quan trọng trong việc hình thành các mô liên kết giúp cho các khớp giữ được sự mềm dẻo và có thể chịu được các tác động hay sốc. Và đây cũng là lý do tại sao collagen thủy phân vẫn thường được sử dụng để điều trị các bệnh thoái hóa khớp điển hình như viêm xương khớp.

Bởi vậy, Glycine rất cần thiết cho sự dẻo dai, co giãn của sụn; giúp chữa lành các khớp bị tổn thương nhẹ và có thể ngăn ngừa việc mất khả năng vận động ở nhóm người cao tuổi.

2.3. Giúp cải thiện hệ tiêu hóa

Các Axit amin, bao gồm glycine và proline, giúp tái tạo mô ở đường tiêu hóa, giữ lại các hạt thức ăn và vi khuẩn ở bên trong ruột thay vì để chúng đi qua những lỗ nhỏ di chuyển đến máu và gây viêm. Glycine là chất xúc tác giúp tạo thành hai trong số những chất quan trọng nhất tạo nên lớp mô ở ruột là collagen và gelatin.

Gelatine và Collagen có thể làm dịu niêm mạc của đường tiêu hóa ở những người mắc bệnh viêm ruột hoặc chứng khó tiêu (bao gồm hội chứng ruột bị rò rỉ, Crohn’s, IBS, viêm loét đại tràng và trào ngược axit dạ dày), thậm chí nó còn thúc đẩy, cân bằng và phát triển hệ vi sinh probiotic.

Glycine ức chế sự tiết acid trong dạ dày và bảo vệ chống lại các chứng loét do hóa chất và gây ra căng thẳng. Glycine ngăn ngừa viêm đại tràng, ngăn ngừa các tổn thương dạ dày gây ra do rượu. Glycine có thể làm tăng đáng kể khả năng dung nạp của Aspirin ở đường tiêu hóa trên.

Glycine còn giúp cải thiện rối loạn chức năng của cơ trơn sau khi cấy ghép cũng như làm giảm phản ứng viêm, từ đó duy trì tính toàn vẹn của ruột và niêm mạc trong xạ trị ung thư.

Trong đường tiêu hóa, glycine hoạt động như một loại nhiên liệu cho quá trình trao đổi chất. Nó cần thiết để sản xuất axit nucleic, mật, creatine phosphate và porphyrins – những chất được sử dụng để phá vỡ các chất dinh dưỡng được nạp vào cơ thể qua chế độ ăn uống.

2.4. Làm chậm quá trình lão hóa

Glycine là một trong ba axit amin mà cơ thể bạn sử dụng để tạo ra glutathione - một chất chống oxy hóa mạnh giúp bảo vệ tế bào chống lại tổn thương oxy hóa do các gốc tự do gây ra, được cho là nguyên nhân của nhiều bệnh.

Nếu không có đủ glycine, cơ thể bạn sản xuất ít glutathione hơn, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cách cơ thể xử lý căng thẳng oxy hóa theo thời gian.

Trong một số nghiên cứu đã được công bố, glycine thậm chí còn tham gia quá trình giúp ngăn ngừa đột biến tế bào dẫn đến ung thư. Một vài bằng chứng cho thấy việc sử dụng liệu pháp axit amin có thể ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư bằng cách giúp giảm viêm, cắt giảm nguồn cung cấp năng lượng có liên quan đến nhiều bệnh mãn tính khác ngoài ung thư.

2.5. Tác dụng chống viêm

Viêm vốn là yếu tố khởi nguồn của nhiều bệnh tật. Glycine với tác động trực tiếp lên các tế bào viêm, từ đó thực hiện nhiệm vụ khử các nhân tố phiên mã – nguyên nhân hình thành các gốc tự do và các cytokines viêm.

2.6. Hỗ trợ hệ thần kinh

Glycine có lợi cho việc hỗ trợ nhận thức và thần kinh trung ương vì giúp điều hòa tổng hợp trao đổi chất của một số chất dinh dưỡng mà não và dây thần kinh sử dụng. Do vai trò trong chức năng thần kinh và dẫn truyền thần kinh, glycine cũng giúp cải thiện giấc ngủ, nâng cao tinh thần, cải thiện tâm trạng, trí nhớ và hành vi.

Dùng glycine trước khi ngủ cải thiện chất lượng và hiệu quả của giấc ngủ bằng cách tăng thời gian ngủ và có giấc ngủ sâu bởi Glycine ảnh hưởng đến các neuropeptides nhất định trong SCN trong vùng hippocampus.

Ngoài ra glycine còn hỗ trợ điều trị các bệnh tâm thần. Bổ sung glycine trong suốt 5 năm có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng của OCD (rối loạn ám ảnh cưỡng chế) ở người lớn. Bổ sung glycine làm giảm đáng kể triệu chứng tâm thần phân liệt.

Ở bệnh nhân tâm thần phân liệt giúp điều trị cải thiện các triệu chứng nhận thức. Glycine giúp điều trị bệnh tâm thần phân liệt bằng cách làm tăng sự truyền dẫn thần kinh trung gian qua thụ thể NMDA và được sử dụng cùng với thuốc điều trị tâm thần.

2.7. Làm giảm mệt mỏi

Do vai trò trong hệ thống thần kinh trung ương và hệ thống tiêu hóa, glycine có thể giúp tăng cường mức năng lượng, cân bằng lượng đường trong máu và ngăn ngừa mệt mỏi, thậm chí có thể được sử dụng để làm dịu sự lo lắng hoặc căng thẳng khiến bạn thức giấc vào ban đêm và giúp ngủ ngon hơn. Không những vậy, chúng còn giúp mang trực tiếp chất dinh dưỡng đến các tế bào và mô để cung cấp năng lượng vào mọi thời điểm trong ngày.

2.8. Giúp cải thiện làn da

Hoạt chất Glycine (thông qua việc tiêu thụ collagen) giúp cải thiện đáng kể tính đàn hồi của làn da ở phụ nữ cao tuổi, cải thiện độ ẩm và mất cân bằng nước của da. Collagen thủy phân đã được chứng minh là có lợi trong việc ngăn chặn tia UV-B gây tổn thương da và lão hóa da.

Một nghiên cứu đã thống kê cho thấy phụ nữ dùng 2,5g collagen peptide trong liên tục 4 tuần giảm 20% nếp nhăn ở vùng mắt và hiệu quả vẫn kéo dài sau khi nghiên cứu kết thúc. Vào tuần sử dụng thứ 8, collagen đã cải thiện đáng kể độ đàn hồi của da lên đến 65%.

Glycine cải thiện việc sử dụng chất chống oxy hóa của cơ thể từ đó làm chậm tác động của quá trình lão hóa, đồng thời góp phần cấu tạo nên cơ, giúp làn da khỏe mạnh, săn chắc và giảm tác động lão hóa.

Không những thế, glycine còn tăng tốc độ lành da đối với các vết thương trên da, nhất là ở bệnh nhân bị tiểu đường.

2.9. Cải thiện chất lượng giấc ngủ

Nhiều người phải vật lộn để có được một đêm ngon giấc, vì họ khó đi vào giấc ngủ hoặc khó ngủ. Mặc dù có một số cách giúp bạn cải thiện chất lượng giấc ngủ của mình, chẳng hạn như không uống đồ uống có chứa caffein vào thời gian cuối ngày, tránh các loại màn hình vài giờ trước khi đi ngủ, nhưng bạn không biết rằng glycine cũng có thể hữu ích.

Loại Axit amin này có tác dụng làm dịu não của bạn và có thể giúp bạn đi vào giấc ngủ bằng cách hạ nhiệt độ cơ thể.

Nghiên cứu đã ghi nhận ở những người có vấn đề về giấc ngủ được uống 3 gam glycine trước khi ngủ giúp giảm thời gian họ đi vào giấc ngủ, nâng cao chất lượng của giấc ngủ, giảm cơn buồn ngủ vào ban ngày và cải thiện nhận thức. Chính bởi vậy mà glycine có thể được coi là một sự thay thế tốt cho thuốc ngủ để cải thiện chất lượng giấc ngủ vào ban đêm và tình trạng mệt mỏi vào ban ngày.

2.10. Bảo vệ trái tim của bạn

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy glycine bảo vệ bạn chống lại bệnh tim giúp ngăn chặn sự tích tụ của một số hợp chất có liên quan đến chứng xơ vữa động mạch, làm cứng và thu hẹp động mạch.

Loại Axit amin này cũng có thể cải thiện khả năng sử dụng oxit nitric của cơ thể - một phân tử quan trọng làm tăng lưu lượng máu và giảm huyết áp.

Trong một nghiên cứu quan sát trên 4.100 người bị đau ngực, nồng độ glycine cao hơn có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim và các cơn đau tim sau 7,4 năm theo dõi. Sau khi thống kê các loại thuốc giảm cholesterol, các nhà nghiên cứu cũng quan sát thấy chỉ số cholesterol trong máu cải thiện hơn ở những người có mức glycine cao hơn.

2.11 Cách bổ sung Glycine đúng cách, hiệu quả

Không có quy định chính thức về lượng glycine dùng hàng ngày.

  • Các nghiên cứu chỉ ra rằng glycine có thể được sử dụng một cách an toàn với liều cao lên tới 15 đến 60 gam mỗi ngày khi cần thiết. Theo như ước tính hầu hết người phương Tây có chế độ ăn uống tiêu chuẩn chỉ có khoảng 2 gam glycine có được từ chế độ ăn hàng ngày, rất có thể nguyên nhân là do họ không ăn các loại thức ăn có chứa nhiều glycine như gân động vật, da và xương.
  • Với những trẻ khỏe mạnh, thanh thiếu niên, người lớn bị stress tâm lý, giảm trí nhớ, mất trí nhớ, rối loạn tâm thần, chậm phát triển trí tuệ có thể dùng 200 đến 300 gam mỗi ngày trong 14 đến 30 ngày.
  • Đối với người bị các vấn đề về rối loạn giấc ngủ, glycine được dùng với liều 50mg, 20 phút trước khi đi ngủ.
  • Với người loét dạ dày: dùng hỗn hợp 30% glycin và 70% calci carbonat có tác dụng trung hòa acid giống như sữa. Khi có chỉ định dùng sữa để điều trị loét dạ dày nhưng người bệnh lại không dung nạp được sữa thì nên khuyến cáo nên dùng chế phẩm này. Ưu điểm của hỗn hợp trên là không gây ra nhiễm kiềm toàn thân và không gây ra tăng toan trở lại do bù trừ. Liều thông thường là 1 đến 2 viên (viên 150mg glycin và 350mg calci carbonat).

Trên đây là những tác dụng phổ biến của glycine đối với sức khỏe con người, bạn có thể tham khảo và sử dụng cho từng mục đích điều trị khác nhau. Nếu cần thiết nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên môn trước khi dùng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan