Người bị viêm tụy cấp có được uống sữa không?

Viêm tụy cấp là tình trạng bệnh lý viêm nhu mô tuyến tụy xảy ra đột ngột trong một khoảng thời gian ngắn, diễn biến từ các mức độ từ nhẹ đến nặng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị viêm tụy cấp, góp phần cải thiện triệu chứng và ngăn viêm tụy cấp tái phát. Một câu hỏi được nhiều bệnh nhân quan tâm là liệu viêm tụy cấp có được uống sữa không, câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.

1. Vai trò của tuyến tụy trong cơ thể

Tuyến tụy là cơ quan thuộc bộ máy tiêu hóa của cơ thể. Tuyến tụy vừa có chức năng ngoại tiết (sản xuất enzyme, tiết ra dịch tụy để tiêu hóa thức ăn), vừa có chức năng nội tiết (tiết hormon vào máu như: insulin, glucagon có tác dụng điều hòa đường huyết,...). Khi tuyến tụy bị viêm, quá trình tiêu hóa sẽ bị cản trở. Vì vậy, việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng trong viêm tụy cấp có ý nghĩa lớn trong điều trị và dự phòng tái phát viêm tụy cấp.

2. Nguyên tắc dinh dưỡng trong điều trị viêm tụy cấp

  • Bắt đầu chế độ nuôi dưỡng qua đường tiêu hóa khi người bệnh giảm triệu chứng đau bụng khoảng 70%.
  • Với thể nhẹ và vừa: Có thể cho bệnh nhân ăn thử bằng đường miệng, nếu cơ thể bệnh nhân không dung nạp được mới đặt sonde dạ dày.
  • Với thể nặng: Cho bệnh nhân ăn qua sonde dạ dày, nếu không dung nạp có thể chuyển sang dùng sonde hỗng tràng. Nếu bệnh nhân vẫn không thể dung nạp bằng đường tiêu hóa, có thể thử nghiệm các loại công thức dễ hấp thu như sữa thủy phân, sữa bán nguyên tố và nguyên tố (dưới dạng thuỷ phân).
  • Sau 5-7 ngày dinh dưỡng qua đường tiêu hóa mà không dung nạp được hoặc không đạt mức năng lượng thiết yếu, chuyển qua dinh dưỡng tĩnh mạch. Thành phần dinh dưỡng theo công thức: Protid: 1,2-1,5g/kg/ngày, Carbohydrate: 4-7 mg CHO/kg/phút, Glutamine > 0,2 g/kg, Lipid: 0,8-1,5g/kg/ngày. Chế độ dinh dưỡng ít chất béo nên được duy trì nguy cả khi bệnh nhân đã phục hồi sau viêm tụy cấp, lượng chất béo tiêu thụ không nên vượt quá 30g/ngày, tránh tăng mỡ máu và tránh gây kích thích tụy bài tiết.

3. Viêm tụy cấp có được uống sữa không?

Một câu hỏi được nhiều bệnh nhân đặt ra là viêm tụy cấp có nên uống sữa hay không. Các chuyên gia khuyên bệnh nhân viêm tụy cấp nên sử dụng loại sữa ít béo hoặc không có chất béo, sữa chua, hoặc các loại sữa thay thế như sữa hạnh nhân, sữa đậu nành, sữa gạo,...

Sữa chua là một sản phẩm từ sữa giàu acid lactic và men tiêu hóa, hỗ trợ việc vận chuyển thức ăn dễ dàng hơn, tiêu hóa tốt hơn. Sữa chua không đường được khuyến khích cho bệnh nhân viêm tụy cấp với 1-2 hũ/ngày.

Tuy nhiên, bệnh nhân nên hạn chế uống sữa hoặc các chế phẩm từ sữa có hàm lượng chất béo cao như: phomai, bánh sữa,...

4. Viêm tụy cấp nên ăn gì?

  • Protid: Bệnh nhân viêm tụy cấp nên sử dụng nguồn đạm ít béo như: thịt nạc, cá, thịt gia cầm (không da), lòng trắng trứng; đậu, ...
  • Glucid: Cơm, bánh mì, ngũ cốc nguyên hạt, yến mạch, bột mì nguyên cám, hay đồ ngọt ít béo phù hợp với chế độ ăn những ngày đầu viêm tụy cấp.
  • Trái cây và rau quả
    • Bệnh nhân viêm tụy cấp nên ăn các loại trái cây và rau quả giàu chất xơ. Bông cải cũng như các loại rau cải xanh khác với hàm lượng hợp chất chứa lưu huỳnh cao, giúp giải độc cho cơ thể, trong đó có giải độc tụy.
    • Một số loại nấm chứa các hợp chất chống viêm mạnh mẽ, có thể làm giảm viêm và sưng quanh tụy, có thể kể đến như nấm đùi gà, nấm mỡ, nấm hương, mộc nhĩ.
    • Các loại khoai như khoai lang,... chứa beta-caroten, một chất chống oxy hóa mạnh và có tác dụng tốt đối với tụy.
    • Các loại quả mọng nước như dâu tây, mâm xôi, nho, cherry cũng chứa hàm lượng chống oxy hóa cực cao giúp tăng cường chức năng của tuyến tụy.
  • Nước: Bệnh nhân viêm tụy cấp nên uống đủ 1.5-2 lít nước mỗi ngày, nên dùng nước lọc hoặc nước ép trái cây, nước rau quả không đường thay vì chọn những đồ uống có cồn, nước ngọt có ga.

5. Viêm tụy cấp kiêng ăn gì?

  • Thực phẩm nhiều dầu mỡ: Bệnh nhân viêm tụy cấp nên tránh dùng bơ, mỡ động vật, dầu thực vật. Các món chế biến quá nhiều dầu mỡ như: thực phẩm rán, rau xào, chiên, xúc xích, lạp xưởng... nên được hạn chế ở bệnh nhân viêm tụy cấp. Đối với thịt đỏ, một loại thịt giàu chất đạm cũng như chất béo, nên lựa chọn những phần thịt chứa ít mỡ nhất, hoặc chuyển sang nguồn cung cấp protein khác như trứng, đậu,...
  • Thực phẩm quá ngọt, lạnh: Viêm tụy cấp làm suy giảm chức năng tụy, rối loạn tiết men tiêu hóa nên hạn chế khả năng tiêu hóa thực phẩm. Vì vậy, bệnh nhân viêm tụy cấp nên kiêng ăn những thực phẩm quá ngọt, lạnh, nhiều chất béo như kem, phô mai, socola, hay thức uống ngọt.
  • Thức uống có cồn, có ga: Rượu bia chính là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng bệnh lý viêm tụy. Việc ngưng sử dụng rượu, bia và các loại đồ uống có cồn nào cần được tuân thủ nghiêm ngặt.
  • Các loại gia vị cay nóng: Mù tạt, sa tế, ớt là những gia vị cay nóng, cũng sẽ khiến các triệu chứng viêm tụy cấp lâu hồi phục hơn, nên cần được hạn chế tối đa trong chế độ ăn của bệnh nhân viêm tụy cấp.

Tóm lại, viêm tụy cấp là một bệnh lý đòi hỏi chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt. Tùy vào thời điểm cụ thể của bệnh mà bệnh nhân được chỉ định những đường dinh dưỡng khác nhau. Thời kỳ bệnh ổn định, bệnh nhân viêm tụy cấp có thể sử dụng sữa ít béo không đường, sữa chua hoặc sữa đậu nành, hạnh nhân,... bệnh nhân viêm tụy cấp nên kiêng ăn một số thực phẩm nhất định và nên hạn chế các chế phẩm từ sữa giàu chất béo như phô mai.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan