Phòng ngừa rò tiêu hóa sau mổ bằng cách nào?

Bài được viết bởi Thạc sĩ - Bác sĩ Mai Viễn Phương - Trưởng Đơn nguyên Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Rò đường tiêu hóa sau phẫu thuật có thể xảy ra sau bất kỳ thủ thuật ổ bụng nào được thao tác ở đường tiêu hóa. Bất kể nguyên nhân là gì, sự rò rỉ của dịch ruột sẽ bắt đầu một loạt các tình trạng: Nhiễm trùng cục bộ, hình thành áp xe và hình thành lỗ rò (được coi là hậu quả của sự nhiễm trùng tập trung).

1. Tỷ lệ rò tiêu hóa sau mổ

Bất cứ một đường khâu, một miệng nổi nào ở đường tiêu hóa cũng có thể bị xì, bị bục. Xì, bục có khi dự đoán được trong khi mổ, có khi lại xảy ra một cách không ngờ. Vì vậy, sau mổ có đường khâu, có miệng nổi thì phải theo dõi hàng ngày, vào buổi sáng hoặc chiều hay nhiều lần trong ngày. Tùy tình trạng của mô đường tiêu hóa chung quanh chỗ khâu hay chỗ làm miệng nổi tốt hay xấu, tùy theo ổ bụng khi mổ sạch hay bẩn mà khả năng xì, bục khác nhau.

Xuất huyết tiêu hóa
Rò tiêu hóa có thể xuất hiện sau phẫu thuật

2. Thời gian xảy ra rò tiêu hóa

Xì bục thường xảy ra vào ngày thứ ba, thứ tư sau mổ, cũng có thể vào ngày thứ sáu hoặc thứ bảy nhưng thường ít hơn. Chính vì vậy mà với các phẫu thuật có đường khâu hay có miệng nổi, bệnh nhân thường xuất viện vào ngày thứ tám, sau khi cắt chỉ ở vết mổ thành bụng. Rò có thể xảy ra muộn hơn. Dịch tiêu hóa qua chỗ xì bục hình thành ổ tụ dịch hay ổ áp xe. Một lúc nào đó, ổ tụ dịch hay ổ áp xe tìm đường thoát mủ ra ngoài sẽ tạo thành rò.

3. Phòng ngừa trước mổ

Nuôi dưỡng:
Nếu như tình trạng toàn thân bệnh nhân tốt thì công việc chuẩn bị tương đối đơn giản. Tuy nhiên, với những bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nhân có những rối loạn dinh dưỡng, thiếu máu, những bệnh nhân ung thư đến trong giai đoạn muộn thì công việc nuôi dưỡng rất quan trọng. Nuôi dưỡng tốt hay xấu quyết định kết quả của phẫu thuật.

Làm sạch ruột:
Với tất cả các phẫu thuật ở đường tiêu hóa không cấp cứu, trong khoảng 3 - 4 ngày trước mổ phải ăn nhẹ rồi ăn lỏng. Ngày trước mổ phải nhịn ăn và thụt tháo phân. Nếu mổ ở đại trực tràng thì việc chuẩn bị mổ phải nghiêm ngặt hơn, nhịn ăn và thụt tháo nhiều ngày. Nhiều công trình đã chứng minh rò miệng nổi ở nhóm bệnh nhân được chuẩn bị đại tràng tốt thấp hơn nhiều so với nhóm bệnh nhân không được chuẩn bị tốt. Ngày nay, với Fortrans (thuốc rửa đại tràng qua đường uống), công việc chuẩn bị ruột đơn giản hơn và bệnh nhân cũng ít bị mất sức hơn.

4. Phòng ngừa trong mổ

Mở thông ruột non ở phía trên miệng nối ra da. Nếu như trong khi mổ nhận thấy miệng nối không an toàn, do mô ruột nơi khâu nổi không được nuôi dưỡng tốt hay do lòng ruột không sạch, có thể mở thông ruột ở phía trên đường khâu ra da, dẫn lưu qua ống thông hay dẫn lưu toàn bộ. Nếu đường khâu, miệng nối đại tràng có thể dẫn lưu ở hồi tràng hay ở manh tràng. Dẫn lưu ruột làm cho bụng không/ít chướng. Ruột chướng là một trong những nguyên nhân làm miệng nói xì bục.
Hậu môn nhân tạo:
Nếu miệng nối ở đại tràng chậu hông hay ở trực tràng không đảm bảo mức độ lành tốt, có thể làm hậu môn nhân tạo ở đại tràng ngang. Hậu môn nhân tạo này được đóng lại sau 2 - 3 tuần, không để lâu hơn. Để lâu sẽ làm ảnh hưởng tới sinh hoạt và tâm lý người bệnh. Thêm nữa, để lâu thì khi đóng lại thường sẽ khó khăn hơn.
Rửa đại tràng trong mổ:

Gần đây, người ta thường rửa đại tràng trong mổ nếu thấy trong đại tràng có phân. Cắt đôi đại tràng trên chỗ tắc, đặt ống thông to qua đường cắt vào đại tràng, đẩy ngược lên phía trên (ống này dùng để tháo phân đã được làm lỏng) và cắt ruột thừa.
Qua manh tràng nơi gốc ruột thừa đặt một ống Malecot vào manh tràng. Qua ống này, cho chảy khoảng 10 lít nước ấm vô trùng vào đại tràng. Lượng nước này sẽ tống phân từ manh tràng, đại tràng lên, đại tràng ngang, đại tràng xuống qua ống thông to chảy ra ngoài. Phương pháp rửa đại tràng trong mổ này được dùng nhiều trong mổ cấp cứu tắc ruột do ung thư đại tràng trái và đã mang lại kết quả tốt đẹp

phong-ngua-ro-tieu-hoa-sau-mo-bang-cach-nao-2
Đề phòng ruột chướng khi mổ giúp tránh rò tiêu hóa

5. Phòng ngừa sau mổ

Hút dạ dày liên tục sau mổ:
Hút dạ dày làm cho bụng đỡ chướng, đỡ căng, bệnh nhân thở dễ hơn, lưu thông ruột trở lại sớm hơn.
Đặt ống thông trực tràng:
Sau phẫu thuật ở đại tràng, ở dạ dày, ở ruột non mà bụng chướng nhiều phải đặt ống thông trực tràng. Nên đặt vào ngày thứ ba, khi bụng bắt đầu chướng. Phải đặt ống thông vào sâu, nơi bóng trực tràng. Ống phải đủ to để không bị tắc do phân.
Dùng kháng sinh:
Vấn đề sạch bẩn ở trường mổ, ở đường khâu, ở miệng nói là yếu tố rất quan trọng trong lành vết thương. Nhiều công trình đã chứng minh, khi mổ ở phần trên đường tiêu hóa, kháng sinh không thật cần thiết nhưng khi mổ ở đại tràng, bắt buộc phải dùng kháng sinh. Kháng sinh được dùng sau mổ. Khi cần thiết, dùng cả trước mổ, trong mổ và sau mổ.
Nuôi dưỡng tốt sau mổ:
Trong những ngày đầu sau mổ, bệnh nhân nhịn ăn uống, đường tĩnh mạch là đường nuôi dưỡng duy nhất. Nuôi dưỡng bằng các dung dịch đạm, truyền máu trong những trường hợp cần thiết. Nuôi dưỡng tốt thuận lợi cho sự lành đường khẩu, miệng nói, tránh xì bục gây viêm phúc mạc hay rò trở lại.
Vận động sớm:
Khi nào thấy có thể thì hãy cho bệnh nhân vận động ngay. Trong đa số các phẫu thuật, bệnh nhân có thể vận động ngay chiều ngày mổ. Bắt đầu bằng những động tác nhẹ nhàng như ngồi dậy, ai chân thõng xuống giường. Chiều ngày mổ có thể đi lại quanh giường, sau đó, có thể tự làm vệ sinh thân thể hàng ngày. Mọi động tác vận động cần sự trợ giúp của người điều dưỡng. Vận động sớm giúp máu lưu thông dễ dàng hơn, trung tiện trở lại sớm hơn, vết mổ chóng lành hơn, hạn chế rò.

Trên đây là một số biện pháp để phòng ngừa rò tiêu hóa sau mổ. Hãy theo dõi trang web: Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo:

  • Nguyễn Đình Hổi. Rò tiêu hóa, Bệnh ngoại khoa đường tiêu hóa. Nhà xuất bản Y học 1994, 225-253.
  • Nguyễn Hoàng Bắc. Rửa đại tràng trong khi mổ. Luận văn thạc sĩ khoa học Y Dược, Đại học Y Dược TPHCM 1997.
  • Nguyễn Trung Tín. Rò tá tràng sau phẫu thuật chấn thương và vết thương tá tràng: Đặc điểm lâm sàng và thái độ xử trí, Y học Thực hành 2001, 401, 8:15-18.
  • Nguyễn Trung Tín. Rò tụy sau phẫu thuật: Đặc điểm lâm sàng và kết quả điều trị. Y học TPHCM 2001,5,4:46-50.
  • Phạm Hữu Thiện Chí. Đánh giá kết quả điều trị ung thư tâm vị và 1/3 dưới thực quản bằng phẫu thuật cắt thực quản qua khe hoành. Luận án tiến sĩ Y học ĐHYD TP HCM 2008.
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

808 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan