Ăn vào đắng miệng là bệnh gì?

Ăn gì cũng thấy đắng miệng là triệu chứng thường gặp ở nhiều bệnh lý khác nhau. Trong Đông y, ăn gì cũng thấy đắng miệng được quy vào rối loạn chức năng ở gan, mật. Tuy nhiên, trong Tây y, đắng miệng có thể biểu hiện của nhiều bệnh, không chỉ ở gan và mật. Vậy khi thấy đắng miệng là bị bệnh gì?

1. Ăn vào đắng miệng là bị bệnh gì?

Trong y học hiện đại, có nhiều nguyên nhân khiến ăn gì cũng thấy đắng miệng, như:

  • Khô miệng, giảm tiết nước bọt hoặc viêm tuyến nước bọt: Khô miệng (xerostomia) là tình trạng giảm tiết nước bọt làm vi khuẩn phát triển hơn và gây đắng miệng. Giảm tiết nước bọt có thể do thói quen hút thuốc lá, dùng thuốc điều trị, môi trường sống và làm việc bị ô nhiễm, thường xuyên hít phải các chất hóa học như benzen, xăng, bụi, hoặc bị căng thẳng, lo lắng kéo dài. Tuy nhiên, nếu bị khô miệng và đắng miệng lâu ngày, cần đến thăm khám bác sĩ để được kiểm tra và tìm nguyên nhân.
  • Hội chứng miệng bỏng rát: Ăn gì cũng thấy đắng miệng có thể là do mắc phải hội chứng miệng bỏng rát. Đây là tình trạng mà trong miệng lúc nào cũng cảm thấy nóng và rát giống như ăn ớt, kèm theo hôi miệng hoặc đáng miệng.
  • Bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Axit ở dạ dày trào ngược lên thực quản khi cơ vòng ở đỉnh dạ dày bị yếu đi. Khi axit trào ngược sẽ gây nóng rát thực quản ở vùng bụng hoặc ngực, làm hôi miệng hoặc đắng miệng.
  • Nấm miệng, viêm lưỡi: Ăn gì cũng thấy đắng miệng cũng có thể là do nấm miệng hoặc viêm lưỡi, nấm miệng là những đốm trắng thường xuất hiện ở trong vòm miệng, họng hoặc trên lưỡi. Nấm miệng gây cảm giác khó chịu trong miệng, làm đắng miệng và ảnh hưởng đến việc ăn uống.
  • Mắc các bệnh về răng miệng: Viêm nha chu, viêm lợi, nhiễm trùng răng, ... là các bệnh về răng miệng thường gặp, chủ yếu do chăm sóc vệ sinh răng miệng chưa tốt. Khi có vấn đề về sức khỏe răng miệng sẽ khiến cho miệng bị hôi hoặc đắng.
  • Dùng thuốc: Ăn gì cũng thấy đắng miệng do bạn đang dùng một số loại thuốc kê đơn để điều trị bệnh. Các loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tâm thần, bệnh tim, gout thường có vị đắng. Ngoài ra, bổ sung một lượng lớn các loại thuốc có chứa đồng, kẽm, sắt, crôm hoặc canxi cũng có thể làm đắng miệng.
  • Mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên: Cảm lạnh, viêm xoang, polyp trong mũi, hay các bệnh viêm đường hô hấp trên có thể làm ảnh hưởng đến vị giác và lưỡi, gây đắng miệng.
  • Điều trị bệnh ung thư: Hóa trị và xạ trị ung thư có thể ảnh hưởng đến vị giác khiến ăn gì cũng thấy đắng miệng hoặc khi ăn cảm thấy có mùi vị của kim loại trong miệng.
  • Dây thần kinh bị tổn thương: Vị giác kết nối trực tiếp với các dây thần kinh của não bộ. Khi các dây thần kinh bị tổn thương có thể ảnh hưởng đến vị giác, gây rối loạn vị giác hoặc đắng trong miệng. Dây thần kinh bị tổn thương có thể là do khối u ở não hoặc chấn thương vùng đầu, phẫu thuật vùng đầu, mặt hoặc cổ.
  • Mang thai: Khi mang thai 3 tháng đầu, phụ nữ có thể cảm thấy ăn gì cũng thấy đắng miệng, hoặc cảm thấy thức ăn có mùi vị kim loại. Lý do được biết đến là sự thay đổi nội tiết tố trong giai đoạn mang thai, làm ảnh hưởng đến vị giác, khiến người mẹ cảm thấy thèm ăn hoặc không thể ăn được gì vì thức ăn có mùi khó chịu. Thông thường, tình trạng này sẽ biến mất sau khi sinh nếu phụ nữ không gặp vấn đề bệnh lý gì khác.
  • Thời kỳ mãn kinh: Cơ thể người phụ nữ tiếp tục thay đổi nội tiết tố khi đến giai đoạn mãn kinh. Nồng độ estrogen giảm có thể làm khô miệng, từ đó gây cảm giác đắng miệng khi ăn uống.
ăn gì cũng thấy đắng miệng
Ăn gì cũng thấy đắng miệng có thể do một số nguyên nhân gây ra

2. Ăn gì cũng thấy đắng miệng, phải làm thế nào?

Để khắc phục chứng ăn gì cũng thấy đắng miệng, trước tiên phải xác định được nguyên nhân. Tùy vào nguyên nhân gây đắng miệng sẽ có cách xử lý phù hợp, như:

  • Do chăm sóc sức khỏe răng miệng kém: Chú ý vệ sinh khoang miệng sạch sẽ gồm đánh răng, chải lưỡi đúng cách, dùng chỉ nha khoa thay tăm để lấy thức ăn ở kẽ răng.
  • Do khô miệng, mất nước, hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích: Uống đủ nước mỗi ngày, hạn chế hoặc tập từ bỏ thói quen hút thuốc, uống cafe, trà, ... làm hôi miệng, đắng miệng và các bệnh về dạ dày.
  • Do bệnh đường tiêu hóa: Nếu ăn gì cũng thấy đắng miệng là do các bệnh lý hoặc dạ dày có vấn đề, cần sớm kiểm tra và điều trị. Ngoài ra, cần chia nhỏ các bữa ăn, tránh ăn thực phẩm chế biến sẵn, nhiều giàu mỡ và gia vị để giảm tình trạng trào ngược axit dạ dày.
  • Do giảm tiết nước bọt: Tăng cường ăn các loại trái cây giàu vitamin C như cam, bưởi, quýt, ... để kích thích tuyến nước bọt sản xuất, giảm đắng trong miệng, đồng thời cũng giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
  • Do dùng thuốc: Không tự ý sử dụng hoặc dùng quá liều các loại thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.

Để biết đắng miệng là bị bệnh gì và khắc phục như thế nào, tốt nhất là nên theo dõi sức khỏe và tìm đến bác sĩ để được tư vấn, chẩn đoán xác định nguyên nhân chính xác, từ đó mới có biện pháp phù hợp để chấm dứt tình trạng đắng miệng khi ăn uống.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

211.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan