Bệnh tim mạch - P2: Nguyên nhân - Phòng ngừa

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Khoa Khám bệnh & nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Ở một người khỏe mạnh có trái tim khỏe mạnh, sẽ hiếm khi đột tử do loạn nhịp tim nếu không có tác nhân bên ngoài, chẳng hạn như điện giật hoặc sử dụng ma túy. Tuy nhiên, nếu trái tim bị bệnh hoặc bị thay đổi cấu trúc, các tín hiệu điện của tim có thể dẫn truyền qua tim không còn bình thường, dẫn đến rối loạn nhịp tim.

I. Nguyên nhân

1. Bệnh mạch vành

Sự tích tụ các mảng chất béo trong động mạch (xơ vữa động mạch) là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh mạch vành. Những thói quen sống không lành mạnh, chẳng hạn như chế độ ăn uống nhiều chất béo, ít rau quả củ, lười vận động, thừa cân và hút thuốc có thể dẫn đến xơ vữa động mạch.

2. Rối loạn nhịp tim

Các nguyên nhân phổ biến của rối loạn nhịp tim bao gồm:

  • Bệnh động mạch vành
  • Bệnh tiểu đường
  • Lạm dụng ma túy
  • Sử dụng quá nhiều rượu hoặc caffeine
  • Dị tật tim bẩm sinh
  • Huyết áp cao
  • Hút thuốc
  • Một số loại thuốc, thực phẩm chức năng và thuốc thảo dược
  • Căng thẳng
  • Bệnh van tim

3. Dị tật tim bẩm sinh

Dị tật tim bẩm sinh thường xảy ra khi bé còn trong bụng mẹ. Các khuyết tật ở tim có thể phát triển cùng với sự phát triển của tim, khoảng một tháng sau khi thụ thai, làm thay đổi lưu lượng máu trong tim. Một số điều kiện y tế, thuốc và gen có thể đóng một vai trò trong việc gây ra dị tật tim.

Khiếm khuyết tim cũng có thể xảy ra ở người lớn. Khi bạn già đi, cấu trúc của tim có thể thay đổi, gây ra dị tật tim.

4. Bệnh cơ tim

Nguyên nhân của bệnh cơ tim, dày hoặc giãn cơ tim, có thể phụ thuộc vào loại:

  1. Bệnh cơ tim giãn nở: Nguyên nhân của loại bệnh cơ tim phổ biến nhất này thường không được biết rõ. Tình trạng này thường khiến tâm thất trái giãn to. Bệnh cơ tim giãn nở có thể do giảm lưu lượng máu đến tim (bệnh thiếu máu cơ tim) do tổn thương sau cơn đau tim, nhiễm trùng, độc tố và một số loại thuốc, bao gồm cả những loại thuốc dùng để điều trị ung thư. Bệnh cũng có thể được di truyền từ cha mẹ.
  2. Bệnh cơ tim phì đại: Loại này thường do di truyền. Bệnh cũng có thể phát triển theo thời gian do huyết áp cao hoặc lão hóa.
  3. Bệnh cơ tim hạn chế: Đây là loại bệnh cơ tim ít phổ biến nhất, khiến cơ tim trở nên cứng và kém đàn hồi, có thể xảy ra mà không rõ nguyên nhân. Hoặc có thể do các bệnh gây ra, chẳng hạn như rối loạn mô liên kết hoặc sự tích tụ của các protein bất thường (bệnh amyloidosis).

5. Nhiễm trùng tim

Nhiễm trùng tim, chẳng hạn như viêm nội tâm mạc, gây ra khi vi trùng đến cơ tim. Các nguyên nhân phổ biến nhất của nhiễm trùng tim bao gồm:

  • Vi khuẩn
  • Vi rút
  • Ký sinh trùng

6. Bệnh van tim

Nhiều nguyên nhân có thể gây ra các bệnh về van tim. Bệnh van tim có thể do bẩm sinh, hoặc van có thể bị hỏng do các tình trạng như:

II. Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch bao gồm:

  1. Tuổi tác: Tuổi càng cao làm tăng nguy cơ bị tổn thương và hẹp các động mạch cũng như cơ tim bị suy yếu hoặc dày lên.
  2. Giới tính: Nam giới nói chung có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn. Nguy cơ đối với phụ nữ tăng lên sau khi mãn kinh.
  3. Tiền sử gia đình: Tiền sử gia đình mắc bệnh tim làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành của bạn, đặc biệt là nếu cha mẹ mắc bệnh này khi còn trẻ (trước 55 tuổi đối với người thân nam như anh trai hoặc bố, và 65 tuổi đối với người thân nữ như mẹ hoặc chị gái).
  4. Hút thuốc: Nicotine gây co thắt các mạch máu của bạn và carbon monoxide (CO) có thể làm hỏng lớp nội mạc tim, khiến chúng dễ bị xơ vữa động mạch. Những cơn đau tim phổ biến hơn ở những người hút thuốc lá so với những người không hút thuốc.
  5. Ăn kiêng: Một chế độ ăn uống nhiều chất béo, muối, đường và cholesterol có thể góp phần vào nguy cơ bệnh tim.
  6. Huyết áp cao: Huyết áp cao không được kiểm soát có thể dẫn đến xơ cứng và dày lên các động mạch, gây hẹp động mạch.
  7. Mức cholesterol trong máu cao: Lượng cholesterol trong máu cao làm tăng nguy cơ hình thành mảng xơ vữa động mạch.
  8. Bệnh tiểu đường: Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Cả hai bệnh này đều có chung các yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như béo phì và huyết áp cao.
  9. Béo phì: Cân nặng quá mức thường làm trầm trọng thêm các yếu tố nguy cơ bệnh tim khác.
  10. Không hoạt động thể chất: Thiếu tập thể dục cũng có liên quan đến nhiều dạng bệnh tim và một số yếu tố nguy cơ khác.
  11. Căng thẳng: Căng thẳng không được giải tỏa có thể làm hỏng động mạch của bạn và làm trầm trọng thêm các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim.
  12. Sức khỏe răng miệng kém: Điều quan trọng là phải chải răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên, đồng thời khám răng định kỳ. Nếu răng và nướu của bạn không khỏe mạnh, vi trùng có thể xâm nhập vào máu và di chuyển đến tim, gây viêm nội tâm mạc.

III. Biến chứng

Các biến chứng của bệnh tim bao gồm:

  1. Suy tim: Một trong những biến chứng phổ biến nhất của bệnh tim, suy tim xảy ra khi tim của bạn không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Suy tim có thể là kết quả của nhiều dạng bệnh tim, bao gồm dị tật tim, bệnh mạch vành, bệnh van tim, nhiễm trùng tim hoặc bệnh cơ tim.
  2. Đau thắt ngực: Cục máu đông ngăn chặn dòng máu nuôi tim gây ra cơn đau tim, một phần cơ tim sẽ chết. Cục máu đông thường hình thành từ mảng xơ vữa động mạch vành.
  3. Đột quỵ: Các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch cũng có thể dẫn đến đột quỵ do thiếu máu cục bộ, xảy ra khi các động mạch đến não bị hẹp hoặc tắc nghẽn dẫn đến máu đến não quá ít. Đột quỵ là một trường hợp cấp cứu vì mô não bắt đầu chết chỉ trong vòng vài phút sau đột quỵ.
  4. Phình động mạch: Một biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể bạn. Nếu túi phình bị vỡ, bạn có thể phải đối mặt với tình trạng xuất huyết nội, đe dọa tính mạng.
  5. Bệnh động mạch ngoại vi: Thường là các động mạch ở chân do xơ vữa, không nhận đủ lượng máu. Điều này gây ra các triệu chứng, đáng chú ý nhất là đau chân khi đi bộ (đau cách hồi).
  6. Ngừng tim đột ngột: Ngừng tim đột ngột là tình trạng mất chức năng tim, nhịp thở và ý thức một cách đột ngột, thường do rối loạn nhịp tim. Ngừng tim đột ngột là một cấp cứu nội khoa. Nếu không được điều trị ngay lập tức, sẽ dẫn đến đột tử do tim.

IV. Phòng ngừa

Một số loại bệnh tim, chẳng hạn như dị tật tim, không thể ngăn ngừa được. Tuy nhiên, thay đổi lối sống lành mạnh có thể cải thiện bệnh tim của bạn, bao gồm:

  • Đừng hút thuốc
  • Kiểm soát các bệnh lý, chẳng hạn như huyết áp cao, cholesterol cao và bệnh tiểu đường
  • Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày vào hầu hết các ngày trong tuần
  • Ăn một chế độ ăn ít muối và chất béo bão hòa
  • Duy trì cân nặng hợp lý để đạt BMI = 18.5-22.9 kg/m2. (người châu Á)
  • Giảm thiểu căng thẳng
  • Vệ sinh răng miệng tốt

Kiểm tra sức khỏe định cũng là một trong những cách ,dự phòng bệnh tim mạch từ đó người bệnh có kế hoạch điều trị đạt kết quả tối ưu. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có các gói Khám sức khỏe tổng quát phù hợp với từng độ tuổi, giới tính và nhu cầu riêng của quý khách hàng với chính sách giá hợp lý, bao gồm:

Kết quả khám của người bệnh sẽ được trả về tận nhà. Sau khi nhận được kết quả khám sức khỏe tổng quát, nếu phát hiện các bệnh lý cần khám và điều trị chuyên sâu, Quý khách có thể sử dụng dịch vụ từ các chuyên khoa khác ngay tại Bệnh viện với chất lượng điều trị và dịch vụ khách hàng vượt trội.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

147 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan