Chẩn đoán và điều trị tắc động mạch chủ chậu mạn tính

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Văn Dương - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Bệnh tắc động mạch chủ chậu nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dễ gây ra những biến chứng nặng tại chỗ và toàn thân. Điều trị bệnh tắc nghẽn động mạch chủ chậu có thể dùng thuốc hoặc can thiệp bằng các thủ thuật xâm lấn và nghiêm trọng hơn là điều trị phẫu thuật.

1. Tắc động mạch chủ chậu mạn tính

Động mạch chủ - chậu làm nhiệm vụ cung cấp máu cho chi dưới và các cơ quan trong vùng chậu đùi. Tắc động mạch chủ-chậu mạn tính là một bệnh lý khá thường gặp, nguyên nhân chính là do xơ vữa động mạch. Đa số bệnh được phát hiện vào giai đoạn muộn khi đã có biến chứng nên thường gây hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh.

Triệu chứng của bệnh tắc nghẽn động mạch chủ chậu có thể không rõ ràng. Người bệnh thường bị đau chân hoặc bị chuột rút khi đi bộ, đau mỏi ở mông, đùi hoặc bắp chân. Rối loạn hoạt động của cơ quan sinh dục như đàn ông có thể bị gặp vấn đề trong việc cương cứng của dương vật hoặc người bệnh đau khi nghỉ ngơi và có các vấn đề ở chân, bàn chân, lạnh và tê ở chân, có vết loét hoặc vết thương thậm chí là hoại tử ở chân và bàn chân.

Nguyên nhân gây ra bệnh tắc nghẽn động mạch chủ chậu phổ biến nhất là xơ vữa động mạch có thể do hút thuốc lá, mắc bệnh tiểu đường, cholesterol trong máu cao, huyết áp cao, di truyền hoặc bị béo phì. Tình trạng viêm như viêm mạch máu Takayasu có thể là nguyên nhân gây viêm động mạch làm tắc nghẽn động mạch. Nhiễm xạ vùng chậu cũng là một nguyên nhân gây tình trạng viêm thành động mạch dẫn đến tắc nghẽn động mạch.

Động mạch chủ bụng
Nhiễm xạ vùng chậu cũng là một nguyên nhân gây tình trạng viêm thành động mạch dẫn đến tắc nghẽn động mạch

2. Chẩn đoán và điều trị bệnh tắc động mạch chủ chậu mạn tính

2.1 Xét nghiệm cận lâm sàng

● Kiểm tra chỉ số cổ chân - cánh tay (ABI)

● Siêu âm Doppler mạch máu chi

Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh chính xác hơn như CT mạch máu, MRI mạch máu hoặc chụp cản quang động mạch chủ chậu xóa nền (DSA ). Các xét nghiệm này thường đòi hỏi phải sử dụng thuốc cản quang khác nhau để tìm ra được vị trí tắc nghẽn của động mạch từ đó lên kế hoạch điều trị trong tương lai. Đối với CT mạch máu và MRI mạch máu, thuốc cản quang được tiêm vào đường tĩnh mạch. Đối với chụp cản quang động mạch chủ chậu xóa nền (DSA ) qua ống thông , thuốc cản quang sẽ được truyền qua ống thông (catheter) đưa vào động mạch chậu - đùi.

CT 640
Chụp CT, MRI giúp chẩn đoán bệnh tắc động mạch chủ chậu mạn tính

2.2 Điều trị bệnh tắc nghẽn động mạch chủ chậu

Thay đổi yếu tố nguy cơ là điều cần thiết như bỏ hút thuốc, kiểm soát cholesterol hoặc huyết áp cao, kiểm soát bệnh tiểu đường và tập thể dục thường xuyên.

Uống thuốc kê đơn theo toa bác sĩ để ngăn ngừa cục máu đông và giúp kiểm soát cholesterol và cũng giúp ngăn ngừa sự tiến triển của mảng xơ vữa động mạch.

Nếu uống thuốc không thể cải thiện triệu chứng cho người bệnh thì có thể xem xét điều trị xâm lấn hoặc phẫu thuật.

Phương pháp điều trị xâm lấn phổ biến nhất là đặt một stent vào động mạch chủ hay động mạch chậu. Thủ thuật này thường được thực hiện cùng lúc với chụp cản quang động mạch chủ chậu xóa nền (DSA) qua ống thông. Stent là một giá đỡ kim loại để nén các mảng bám vào thành các động mạch để tạo ra một con đường rộng hơn đưa máu đến nuôi các động mạch chi dưới.

Phẫu thuật bắc cầu mạch máu là sử dụng 1 đoạn động mạch hoặc tĩnh mạch để nối động mạch chủ phía trên chỗ hẹp tới phần động mạch chậu phía dưới chỗ hẹp, tạo một đường lưu thông máu mới để nuôi động mạch chi dưới . Một cầu nối có thể được thực hiện trên một hoặc cả hai chi cùng một lúc. Đối với những trường hợp bệnh nhân bị bệnh lý động mạch chủ - chậu nặng như bóc tách động mạch chủ, cần sử dụng thiết bị đặc biệt (Stent graft) để tái thông dòng máu nuôi chi dưới và tránh biến chứng tổn thương các cơ quan vùng chậu.

Bác sĩ khám bệnh
Người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị sớm

3. Biến chứng bệnh tắc động mạch chủ chậu mạn tính

Bệnh tắc nghẽn động mạch chủ chậu nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dễ gây ra những biến chứng nặng tại chỗ và toàn thân. Nguy cơ tại chỗ là người bệnh có thể bị hoại tử ở chân, bàn chân và có khả năng phải cắt bỏ. Mặt khác, vì xơ vữa mạch là một bệnh hệ thống nên ngoài động mạch chủ, động mạch chậu bị tắc, tất cả các mạch máu khác trong cơ thể cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng, đặc biệt là động mạch nuôi tim nếu bị tắc sẽ gây nhồi máu cơ tim; động mạch nuôi não nếu bị tắc sẽ gây tai biến mạch máu não; động mạch thận bị tắc sẽ gây suy thận, tăng huyết áp... Các biến chứng này rất nguy hiểm có thể gây tử vong cho người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan