Đau bắp chân khi đi lại, có phải mắc bệnh động mạch?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Bệnh viêm tắc động mạch chi dưới thường không có triệu chứng rõ ràng, vì vậy thường được chẩn đoán nhầm với các bệnh lý về xương khớp, bệnh do tuổi già. Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường có hiện tượng đau bắp chân khi đi bộ, phải dừng lại, ngồi nghỉ mới có thể tiếp tục đi được.

1. Bệnh viêm tắc động mạch chi dưới là gì?

Bệnh động mạch chi dưới là tình trạng bệnh lý của động mạch chủ và các động mạch chi dưới trong đó lòng động mạch bị hẹp gây giảm tưới máu cơ và các bộ phận liên quan phía hạ lưu.

Thiếu máu cơ sẽ dẫn đến hiện tượng đau khi gắng sức, về sau đau cả khi nghỉ ngơi và kèm theo các biểu hiện thiếu máu cục bộ như loạn dưỡng, loét, hoại tử.

2. Nguyên nhân của bệnh viêm tắc động mạch chi dưới

Nguyên nhân chính của căn bệnh này là do xơ vữa động mạch. Vì vậy bệnh thường gặp ở những người cao tuổi và những người có yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, rối loạn chuyển hoá mỡ, ít vận động...

Hút thuốc
Hút thuốc là làm tăng nguy cơ mắc xơ vữa động mạch

3. Triệu chứng cơ năng

3.1. Giai đoạn đầu

Đau cách hồi chi dưới: đau mỏi và co cứng bàn chân, bắp chân, đùi hoặc mông khi đi bộ, phải dừng lại nghỉ ngơi mới có thể đi tiếp. Hiện tượng này tái xuất hiện trở lại với cùng một mức gắng sức, ở cùng một khoảng cách đi.

Vị trí đau gợi ý vị trí động mạch bị tổn thương:

  • Đau ở vùng mông hoặc vùng đùi: tổn thương động mạch chậu
  • Đau ở bắp chân: tổn thương động mạch đùi-khoeo
  • Đau ở bàn chân: tổn thương động mạch cẳng chân

Bệnh nhân thường mất ngủ, mệt mỏi vì đau thường xuất hiện về đêm. Bệnh nhân có cảm giác đau rát hoặc tê bì, lạnh chi và giảm đi nếu để thõng chân hoặc đứng dậy.

3.2. Giai đoạn nặng

Xuất hiện hiện tượng teo cơ, loét, hoại tử các ngón chân, có thể cả bàn chân kèm theo cảm giác đau liên tục, sử dụng thuốc giảm đau nhưng hiệu quả không cao.

4. Chẩn đoán mắc bệnh

Bác sĩ sẽ kiểm tra mạch đập ở các vị trí nếp bẹn, khoeo chân, mu chân của người bệnh. Nếu thấy hiện tượng mạch yếu hoặc không có mạch đập thì bác sĩ sẽ nghi ngờ bạn mắc bệnh động mạch chi dưới.

Sau đó người bệnh sẽ được siêu âm Doppler mạch máu để biết chính xác vị trí, mức độ hẹp tắc, khả năng can thiệp, nên điều trị nội khoa hay phẫu thuật. Ngoài ra đo chênh lệch huyết áp giữa cổ chân và cánh tay để biết mức độ thiếu máu.

Doppler tim
Siêu âm Doppler mạch máu để đánh giá chính xác tình trạng động mạch

5. Điều trị hiệu quả

Phương pháp điều trị tối ưu và hiện đại nhất hiện nay là tái lưu thông động mạch bị tắc bằng cách sử dụng phương pháp nong (đặt stent động mạch chậu, đùi, khoeo...) chi dưới qua da bằng ống thông.

Việc điều trị bệnh thường bắt đầu ở giai đoạn muộn với nhiều biến chứng nguy hiểm do người bệnh sẽ không xuất hiện triệu chứng khi bệnh mới khởi phát. Nếu bạn xuất hiện những cơn đau lặp lại nhiều lần, hoặc ngay khi bạn không có triệu chứng nhưng có những yếu tố nguy cơ như: tuổi trên 70, tuổi trên 50 và có tiền sử đái tháo đường, béo phì, cao huyết áp hay hút thuốc, bạn nên đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa để phát hiện sớm các bệnh lý từ đó có phương án điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Hội tim mạch học Việt Nam.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

84.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan