Ngừng tim: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Tiến Đạt - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Tim mạch - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ đã có hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu – tim mạch.

Ngừng tim hay tim ngừng hoạt động là một hiện tượng cực kỳ nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng. Ngừng tim cần được can thiệp sớm để khỏi mất não. Chỉ có 3 phút để hành động cấp cứu khi ngừng tim xảy ra.

1. Ngừng tim là gì?

Ngừng tim hay còn gọi là ngừng tuần hoàn, đây là tình trạng mất đột ngột các chức năng của tim, khiến tim bất ngờ ngừng đập do rối loạn hoạt động điện của tim. Khi tim ngừng đập sẽ dẫn đến mất tri giác và ngừng thở, mạch không bắt được, huyết áp không đo được.

Lúc này cần nỗ lực hồi sức cấp cứu ngay lập tức vì tim ngừng đập sẽ dẫn đến tử vong chỉ trong vòng vài phút. Tình trạng ngừng tim có thể xảy ra đột ngột ngay cả trên một quả tim hoàn toàn khỏe mạnh hoặc trong các tai nạn do điện giật, tai nạn do đuối nước, do sốc phản vệ, đa chấn thương... Bệnh có thể xảy ra ở cả trong viện và ngoại viện.

2. Các nguyên nhân gây ngừng tim thường gặp

Rung thất (còn gọi là rung tâm thất) là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra biến chứng ngừng tim. Rung thất xảy ra khi dòng điện kích hoạt quá trình co cơ tim bình thường bị thay thế bởi các hoạt động điện hỗn loạn, điều này dẫn đến tim ngừng đập, tim không còn khả năng bơm máu đến não và các bộ phận quan trọng khác của cơ thể. Cuối cùng, tổn thương não vĩnh viễn và tử vong là điều có thể xảy ra nếu lưu lượng máu đến não không được nhanh chóng phục hồi trong vòng năm phút.

Cơn đau tim (hay còn gọi là cơn hồi máu cơ tim) là nguyên nhân phổ biến nhất gây rung thất.

Rối loạn nhịp tim do các nguyên nhân khác nhau.

Các nguyên nhân khác ít gặp hơn nhưng cũng có thể gây ngừng tim bao gồm: Ngưng thở, ngạt thở, sét đánh, chấn thương, điện giật, ngộ độc và đuối nước.

Sét đánh
Một trong những nguyên nhân gây ngừng tim điển hình là do sét đánh

3. Nhận biết bệnh nhân ngừng tim

  • Bệnh nhân không thở hoặc thở không bình thường.
  • Đánh giá ngừng tuần hoàn không được quá 10 giây.
  • Bệnh nhân nhồi máu cơ tim có biến chứng rung thất sẽ bị mất tri giác.

4. Cấp cứu ngừng tim tại bệnh viện

Ngừng tim là một cấp cứu y khoa nghiêm trọng. Tỷ lệ tử vong do ngừng tim có thể được giảm thiểu thông qua kỹ thuật cấp cứu tim - phổi sớm (CPR) và sốc điện khử rung (dùng xung điện áp vào ngực giúp phục hồi nhịp tim bình thường). Ở các nước tiên tiến, ở nơi công cộng đã được trang bị máy khử rung tự động để thực hiện khử rung khẩn cấp cho những trường hợp ngừng tim đột ngột.

Hồi sức tim - phổi sớm và khử rung là biện pháp duy nhất để đảo ngược lại sự ngừng tim. Những biện pháp cấp cứu phải được thực hiện trong vòng vài phút sau khi ngừng tim.

Cứ mỗi phút qua đi, cơ hội sống còn của người bệnh sẽ giảm từ 7 - 10%. Ở những những trường hợp khử rung trong vòng 5-7 phút, tỷ lệ sống còn của bệnh nhân ngừng tim đã lên đến 49%. Việc hồi sức hiếm khi thành công nếu tiến hành sau hơn 10 phút kể từ thời điểm ngừng tim.

Khuyến cáo AHA năm 2010, việc sử dụng năng lượng sốc theo thông tin của nhà sản xuất máy. Nhiều ý kiến cho rằng nên sốc điện ở mức cao nhất có thể của máy sốc điện (thường là 200J với máy sốc điện 2 pha, 360J với máy sốc điện 1 pha).

5. Cấp cứu ngừng tim ngoài bệnh viện

115
Nếu người bệnh bất tỉnh, không thở... thì cần gọi cấp cứu 115 ngay lập tức

Nếu người bệnh bất tỉnh, không thở... thì cần gọi cấp cứu 115 ngay lập tức. Trong lúc chờ nhân viên y tế, người cấp cứu cần tiến hành ép tim theo đúng kỹ thuật để giúp nạn nhân hồi phục phần nào, tránh tử vong.

  • Đặt người bệnh nằm ngửa trên mặt phẳng cứng, nếu nạn nhân đang nằm sấp thì cẩn thận lật lại. Trường hợp nghi ngờ chấn thương cột sống cổ thì nên cố gắng lật cả người nạn nhân lại: lật đầu, cổ, thân và chân cùng một lúc.
  • Đặt 1 bàn tay lên chính giữa 1/2 dưới của xương ức nạn nhân, bàn tay còn lại đặt lên trên bàn tay trước đó, các ngón tay xen kẽ, cùng chiều nhau. Dùng lực của cả 2 bàn tay, 2 vai và thân mình ép vuông góc xuống lồng ngực của người bệnh sao cho xương ức lún xuống khoảng 4 - 5 cm, sau đó nhấc tay lên và tiếp tục nhịp thứ hai. Tốc độ ép tim cấp cứu tối ưu là 100 – 120 lần/phút.
  • Mỗi nhịp ép tim đúng kỹ thuật sẽ phải bắt được động mạch bẹn nảy hoặc động mạch cảnh nảy (Những người không được đào tạo chuyên nghiệp thì không nên dừng lại kiểm tra mạch, chỉ ép tim và hô hấp nhân tạo), đánh giá mạch không vượt quá 10 giây, chỉ nên đánh giá sau mỗi 2 phút cấp cứu.

Việc tiến hành ép tim giúp làm tống máu lên vòng tuần hoàn nhờ lực ép trực tiếp lên tim kết hợp với tạo ra sự thay đổi áp lực trong lồng ngực. Thêm vào đó, ép tim sẽ đưa máu từ thất phải lên trao đổi khí ở phổi, đưa máu từ thất trái ra tuần hoàn vành và tuần hoàn não, máu sẽ thụ động trở về nhĩ khi ngừng ép, tim giãn và áp lực lồng ngực giảm xuống.

Cùng với việc ép tim, người thực hiện cấp cứu cũng cần khai thông đường thở và thổi ngạt cho nạn nhân bằng kỹ thuật ngửa trán - nâng cằm:

  • Dùng lòng bàn tay đặt lên trán rồi ấn ra sau, làm ngửa đầu bệnh nhân, dùng tay còn lại nhấc hàm dưới của bệnh nhân lên để đưa cằm ra trước. Kĩ thuật đẩy hàm dưới sử dụng khi nghi ngờ nạn nhân có chấn thương cột sống cổ.
  • Thổi ngạt trực tiếp kiểu miệng-miệng, mặt nạ thổi ngạt: dùng miệng thổi khí vào phổi bệnh nhân thông qua màng lọc, qua mặt nạ thổi ngạt hoặc thổi trực tiếp, thổi chậm trong vòng 1 giây sao cho nhìn thấy lồng ngực nhô lên. Ban đầu cần thổi 2 nhịp liên tục để đánh giá đường thở của bệnh nhân có thông suốt không. Nếu không thấy lồng ngực của bệnh nhân nâng lên nhẹ nhàng thì cần mở miệng bệnh nhân ra để phát hiện dị vật.

Hai động tác ép tim và hô hấp nhân tạo phải được thực hiện xen kẽ nhau một cách nhịp nhàng, theo các chu kỳ hồi sinh tim - phổi.

6. Các khuyến cáo của Hội Tim Mạch Học Việt Nam

  • Can thiệp động mạch vành qua da được khuyến cáo ở bệnh nhân ngừng tim được cứu sống và điện tâm đồ nhồi máu cơ tim có ST chênh lệch
  • Kiểm soát thân nhiệt được chỉ định cho bệnh nhân ngừng tim được cứu sống nhưng không cải thiện được chức năng thần kinh.
  • Cần thiết thiết lập một hệ thống chăm sóc sức khỏe với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp để phát hiện bệnh nhân nhồi máu cơ tim có ST chênh lên và chuyển một cách nhanh chóng, trực tiếp đến trung tâm có khả năng tái tưới máu 24/7.
  • Tất cả các nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nghi ngờ nhồi máu cơ tim cần được tiếp cận với thiết bị khử rung và đào tạo về cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản.
  • Chụp động mạch vành cấp cứu (và chụp mạch vành can thiệp nếu có chỉ định) cho những bệnh nhân ngừng tim được cứu sống mà điện tâm đồ không có nhồi máu cơ tim có ST chênh lên nhưng có nguy cơ cao dẫn đến tình trạng thiếu máu cơ tim.
  • Truyền tĩnh mạch một lượng lớn và nhanh dung dịch lạnh không được khuyến cáo ở bệnh nhân sau tái lập được tuần hoàn tự nhiên.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

37.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan