Nhịp tim chậm có gây nguy hiểm sức khỏe không?

Bình thường, nhịp tim của cơ thể giao động trong khoảng từ 60 đến 100 nhịp/phút. Nhịp tim chậm là khi tim đập dưới 60 nhịp mỗi phút. Nhịp tim chậm có thể là một vấn đề nghiêm trọng với sức khỏe nếu tim không bơm đủ máu giàu oxy cho cơ thể.

1. Các triệu chứng của nhịp tim chậm

Ở những người bị nhịp tim chậm, não và các cơ quan khác có thể không nhận được đủ oxy, từ đó gây ra các triệu chứng sau:

  • Tiền ngất hoặc ngất xỉu
  • Chóng mặt hoặc choáng váng
  • Mệt mỏi
  • Khó thở
  • Đau ngực
  • Lú lẫn hoặc gặp vấn đề về trí nhớ
  • Dễ dàng mệt mỏi khi hoạt động thể chất

2. Nhịp tim chậm có nguy hiểm không?

Khi nhịp tim chậm là bình thường: Đối với hầu hết những người trẻ tuổi, vận động viên được đào tạo chuyên sâu và những người tập thể dục thường xuyên, nhịp tim dưới 60 là bình thường và khỏe mạnh. Với những đối tượng này, nhịp tim chậm không được coi là một vấn đề sức khỏe.

Tuy nhiên, nếu cơ thể chúng ta xuất hiện các triệu chứng nhưng bỏ qua chúng, đôi khi có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng hơn.

Nếu nhịp tim giảm xuống dưới 30 nhịp/phút, cơ thể có thể không nhận được đủ lượng oxy lên não, gây nên các dấu hiệu điển hình như ngất xỉu, choáng váng và khó thở. Máu cũng có thể ứ lại trong buồng tim, gây ra suy tim sung huyết.

Nhịp tim chậm có gây nguy hiểm sức khỏe không?
Nhịp tim chậm đối với người trẻ và vận động viên là điều bình thường

3. Nguyên nhân gây nhịp tim chậm

Nhịp tim chậm có thể do:

  • Tổn thương mô tim do quá trình lão hóa
  • Tổn thương các mô tim do bệnh tim hoặc đau tim
  • Dị tật tim bẩm sinh
  • Nhiễm trùng mô tim (viêm cơ tim)
  • Một biến chứng của phẫu thuật tim
  • Tuyến giáp kém hoạt động (suy giáp)
  • Mất cân bằng sinh hóa máu, chẳng hạn như kali hoặc canxi
  • Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (ngưng thở lặp đi lặp lại trong khi ngủ)
  • Bệnh viêm, chẳng hạn như sốt thấp khớp hoặc bệnh lupus ban đỏ hệ thống
  • Thuốc, bao gồm một số loại thuốc điều trị nhịp tim không ổn định (rối loạn nhịp tim), tăng huyết áp và rối loạn tâm thần.

Xung điện của tim

Trái tim bao gồm bốn ngăn - hai trên (tâm nhĩ) và hai dưới (tâm thất). Một máy tạo nhịp tim tự nhiên (nút xoang), nằm trong tâm nhĩ phải, thường kiểm soát nhịp tim của bạn bằng cách tạo ra các xung điện bắt đầu mỗi nhịp tim.

Các xung điện này truyền qua tâm nhĩ, khiến chúng co lại và bơm máu vào tâm thất. Sau đó, những xung động này đến một cụm tế bào được gọi là nút nhĩ thất (AV).

Nút nhĩ thất truyền tín hiệu đến một tập hợp các tế bào được gọi là bó His. Các tế bào này truyền tín hiệu xuống nhánh trái phục vụ tâm thất trái và nhánh phải phục vụ tâm thất phải, làm cho tâm thất co lại và bơm máu - tâm thất phải gửi máu nghèo oxy đến phổi và tâm thất trái gửi máu dồi dào oxy cho cơ thể.

Nhịp tim chậm xảy ra khi tín hiệu xung điện chậm lại hoặc bị chặn.

Các vấn đề về nút xoang

Nhịp tim chậm thường có khởi đầu ở nút xoang. Nhịp tim chậm có thể xảy ra do các nguyên nhân từ nút xoang như:

  • Nút xoang phát xung điện chậm hơn bình thường
  • Nút xoang tạm dừng hoặc không phát với tốc độ bình thường
  • Nút xoang phát một xung điện bị chặn trước khi khiến tâm nhĩ co lại

Ở một số người, các vấn đề về nút xoang dẫn đến nhịp tim chậm và nhanh xen kẽ (hội chứng nhịp tim nhanh-chậm).

Block tim (block nhĩ thất)

Nhịp tim chậm cũng có thể xảy ra do tín hiệu điện truyền qua tâm nhĩ không được truyền đến tâm thất (block tim hay block nhĩ thất).

Block nhĩ thất được phân loại dựa trên mức độ mà tín hiệu từ tâm nhĩ đến các buồng bơm chính của tim (tâm thất).

  • Block nhĩ thất độ một: Ở dạng nhẹ nhất, tất cả các tín hiệu điện từ tâm nhĩ đến tâm thất, nhưng tín hiệu bị chậm lại. Block tim cấp độ một hiếm khi gây ra các triệu chứng và thường không cần điều trị nếu không có bất thường nào khác trong dẫn truyền xung điện.
  • Block nhĩ thất độ hai: Không phải tất cả các tín hiệu điện đều đến được tâm thất. Một số nhịp bị "rớt", dẫn đến xung điện chậm hơn và đôi khi không đều.
  • Block nhĩ thất độ ba (block nhĩ thất hoàn toàn): Không có xung điện nào từ tâm nhĩ đến tâm thất. Khi điều này xảy ra, một máy tạo nhịp tim tự nhiên sẽ tiếp quản, nhưng điều này dẫn đến các xung điện chậm và đôi khi không đủ khả năng để kiểm soát nhịp đập của tâm thất.

4. Yếu tố nguy cơ

Tuổi tác

Tuổi tác là yếu tố nguy cơ chính của nhịp tim chậm. Các vấn đề về tim, thường liên quan đến nhịp tim chậm, phổ biến hơn ở người lớn tuổi.

Các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh lý tim mạch

Nhịp tim chậm thường liên quan đến tổn thương mô tim do một số bệnh lý tim mạch. Do đó, các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim cũng có thể làm tăng nguy cơ nhịp tim chậm. Thay đổi lối sống hoặc điều trị y tế có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim liên quan đến các yếu tố sau:

Nhịp tim chậm có gây nguy hiểm sức khỏe không?
Bệnh tim mạch là yếu tố làm tăng nguy cơ nhịp tim chậm

5. Các biến chứng của nhịp tim chậm

Nếu nhịp tim chậm gây ra các triệu chứng đã đề cập ở trên, các biến chứng có thể xảy ra có thể bao gồm:

  • Thường xuyên bị ngất xỉu
  • Tim không có khả năng bơm đủ máu dẫn tới suy tim
  • Ngừng tim đột ngột hoặc đột tử

6. Phòng ngừa nhịp tim chậm bằng cách nào?

Cách hiệu quả và tối ưu nhất để ngăn ngừa nhịp tim chậm là giảm nguy cơ phát triển bệnh tim. Nếu có tiền sử bệnh tim, bệnh nhân cần theo dõi nó và tuân thủ kế hoạch điều trị để giảm nguy cơ nhịp tim chậm.

Để điều trị hoặc loại bỏ các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bệnh tim, chúng ta cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Tập thể dục và ăn uống theo một chế độ lành mạnh: Duy trì một lối sống lành mạnh cho tim bằng cách tập thể dục thường xuyên và ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, ít chất béo, ít đường, ít muối với nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân làm tăng nguy cơ phát triển bệnh lý tim mạch.
  • Giữ huyết áp và nồng độ cholesterol trong tầm kiểm soát: Thay đổi lối sống và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để điều chỉnh huyết áp cao (tăng huyết áp) hoặc cholesterol cao.
  • Ngừng hút thuốc: Nếu bạn đang hút thuốc và không thể tự bỏ thuốc, hãy nói chuyện với bác sĩ để có thêm lời khuyên hoặc các biện pháp giúp bỏ thói quen hút thuốc.
  • Uống rượu bia có chừng mực: Đối với người lớn khỏe mạnh, điều đó có nghĩa là tối đa một ly mỗi ngày đối với phụ nữ ở mọi lứa tuổi và nam giới từ 65 tuổi trở lên, và tối đa hai ly mỗi ngày đối với nam giới dưới 65 tuổi. Nếu không thể kiểm soát việc sử dụng rượu của bản thân, hãy nói chuyện với bác sĩ về các biện pháp bỏ rượu và quản lý các hành vi khác liên quan đến lạm dụng rượu.
  • Không sử dụng các loại thuốc hướng thần.
  • Quản lý căng thẳng: Tránh căng thẳng không cần thiết và tìm hiểu các phương pháp để giảm căng thẳng một cách lành mạnh.
  • Đi khám theo lịch trình: Khám sức khỏe định kỳ thường xuyên và báo cáo các dấu hiệu hoặc triệu chứng cho bác sĩ.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ là một trong những cách nhận biết sớm và phòng tránh bệnh nhất là đối với những bệnh nhân có dấu hiệu mắc bệnh tim mạch, từ đó có kế hoạch điều trị đạt kết quả tối ưu. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có các gói Khám sức khỏe tổng quát phù hợp với từng độ tuổi, giới tính và nhu cầu riêng của quý khách hàng với chính sách giá hợp lý, bao gồm:

Kết quả khám của người bệnh sẽ được trả về tận nhà. Sau khi nhận được kết quả khám sức khỏe tổng quát, nếu phát hiện các bệnh lý cần khám và điều trị chuyên sâu, Quý khách có thể sử dụng dịch vụ từ các chuyên khoa khác ngay tại Bệnh viện với chất lượng điều trị và dịch vụ khách hàng vượt trội.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org; health.clevelandclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan