Những ai nên được đo điện tim?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Sơn - Bác sĩ Tim mạch Can thiệp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Các bệnh lý tim mạch như bệnh động mạch vành, động mạch não, động mạch ngoại biên... đang có xu hướng trẻ hóa, chiếm 77% số ca tử vong hàng năm. Để phòng ngừa và phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch thì đo điện tim là phương pháp không thể thiếu khi tầm soát bệnh tim mạch.

1. Điện tim là gì? Thế nào là đo điện tim?

Điện tim là một xét nghiệm không xâm lấn, không gây đau giúp các bác sĩ có thể chẩn đoán được nhiều bất thường của tim. Trong y học, người ta thường sử dụng đo điện tim để phát hiện các bệnh lý của tim như: rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, chẩn đoán một số thay đổi, rối loạn về tim nói chung.

Đo điện tim (còn có tên gọi khác là điện tâm đồ, Electrocardiogram, EKG hoặc ECG) là một xét nghiệm ghi lại hoạt động của tim thông qua các miếng điện cực nhỏ mà kỹ thuật viên gắn vào da ngực, cánh tay và chân bạn. Xét nghiệm này được thực hiện nhanh chóng, an toàn và không đau. Theo đó, cùng với mỗi nhịp đập của tim, các tín hiệu điện sẽ phát sinh và lan truyền từ đáy đến mỏm tim.

ECG điện tim điện tâm đồ
Điện tim giúp các bác sĩ đánh giá bất thường của tim

2. Mục đích của đo điện tim

Việc đo điện tim hay đo điện tâm đồ sẽ giúp phát hiện ra: Nhịp tim bất thường hay bình thường, các rối loạn dẫn truyền trong tim; phát hiện ra các trường hợp thiếu máu cơ tim; phát hiện các trường hợp cấp tính (nhồi máu cơ tim cấp, viêm cơ tim cấp...) có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. Phát hiện các dấu hiệu điện giải bất thường, chẳng hạn như tăng kali hoặc tăng/giảm canxi máu.

3. Những ai cần đo điện tim?

Những người bệnh cần kiểm tra đo điện tim khi có những yếu tố như:

  • Xuất hiện các cơn đau ngực hoặc tim đập mạnh.
  • Chuẩn bị phẫu thuật.
  • Từng xuất hiện các vấn đề tim mạch trong quá khứ.
  • Gia đình có tiền sử bị các vấn đề tim mạch.
  • Nghi ngờ bản thân đang mắc các bệnh tim mạch.

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, bệnh tim mạch thường gặp thường do các nguyên nhân chính như: di truyền, chế độ ăn uống không hợp lý, điều kiện sống, sinh hoạt...

Điều trị đau tim khó thở
Người bệnh xuất hiện cơn đau ngực cần được làm điện tim đồ

Vì thế, để chẩn đoán được một số biểu hiện chứng tỏ bị bệnh tim thì chúng ta cần lưu ý đến các triệu chứng thường gặp như: mệt, khó thở khi gắng sức; khó thở khi nằm đầu thấp; khó thở kịch phát về đêm; đau ngực, hồi hộp, tím tái, ngất; đau ngực sau xương ức; phù, ho ra máu... Cần sớm thăm khám và chẩn đoán để đưa ra cách phòng và trị bệnh hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan