RCA là gì trong tim mạch?

Bệnh tim ngày càng phổ biến và là vấn đề đáng quan tâm của toàn xã hội vì gây ra tỷ lệ tử vong khá cao. Nhiều người bệnh bị các bệnh lý tim mạch được chỉ định chụp mạch vành và sẽ nhìn thấy ký hiệu RCA trong kết quả chụp. Vậy RCA viết tắt là gì và có ý viết gì trong tim mạch. Cùng tìm hiểu RCA là gì trong tim mạch qua bài viết sau.

1. Các động mạch vành là gì?

Bất kỳ quan nào cũng cần phải có các động mạch cấp máu để cung cấp dinh dưỡng và oxy để hoạt động và tim cũng không ngoại lệ. Tim có hai động mạch thực hiện chức năng này gọi là động mạch vành có vai trò cung cấp máu nuôi tim. Các động mạch vành này chạy dọc trên bề mặt tim và chia thành nhiều nhánh nhỏ để đưa máu đến từng tế bào để nuôi cơ tim.

2. Có những động mạch vành nào?

Có 2 động mạch vành để nuôi tim là: Động mạch vành trái và động mạch vành phải.

2 động mạch này đều xuất phát từ động mạch chủ lên trong đó động mạch vành trái bắt đầu từ thân chung (LMCA), chia thành hai nhánh lớn: Nhánh liên thất trước (LAD) lớn hơn và chạy dọc rãnh liên thất và nhánh mũ (LCx). 2 nhánh của động mạch vành trái có vai trò cung cấp máu cho toàn bộ phần tim bên trái. Phần bên trái gồm nhĩ trái và thất trái sẽ chịu trách nhiệm nhận máu giàu oxy và bơm máu đi nuôi các cơ quan trong cơ thể. Trong khi đó, động mạch vành phải (RCA) sẽ cung cấp máu cho phần tim còn lại nằm ở bên phải và bộ phận phát nhịp của tim gọi là nút xoang. Vậy RCA tim mạch là viết tắt của động mạch vành phải, 1 trong 2 động mạch cấp máu nuôi tim.

2. Bệnh động mạch vành là gì và ảnh hưởng của bệnh động mạch vành đến cơ thể

Bệnh động mạch vành hay bệnh mạch vành là tình trạng được đặc trưng bởi quá trình viêm và tích tụ mỡ trong thành động mạch vành. Quá trình này đã bắt đầu từ trẻ ở bất kỳ người nào, trong quá trình sống, sinh hoạt và ăn uống sẽ tích tụ dần, diễn tiến trở thành mảng xơ vữa. Khi mảng xơ vữa này đủ lớn có thể làm hẹp lòng mạch và cản trở máu lưu thông.

Động mạch vành có vai trò vô cùng quan trọng vì đây là động mạch cung cấp máu nuôi cơ tim, trong khi đó, tim lại là cơ quan bơm máu nuôi tất cả các cơ quan khác trong cơ thể. Vì vậy, bất kỳ bệnh lý nào tại động mạch vành đều có nguy cơ làm giảm lưu lượng máu nuôi tim và từ đó dẫn đến nhồi máu cơ tim, suy tim và ảnh hưởng đến các cơ quan khác, thậm chí gây tử vong cho người bệnh.

Ngoài ra, bệnh lý động mạch vành thường xuất phát từ nguyên nhân hay gặp nhất là do xơ vữa mạch máu. Các mảng xơ vữa tồn tài trong thành mạch vành không chỉ làm làm hẹp lòng mạch dần, dẫn đến tắc mạnh mà khi các mảng xơ vữa này bong ra có thể tạo thành huyết khối. Huyết khối này nếu di chuyển đến các cơ quan khác có thể gây ra các bệnh lý cấp cứu như nhồi máu phổi, nhồi máu não và huyết khối tĩnh mạch sâu,....

3. Các triệu chứng khi bị bệnh động mạch vành

Triệu chứng của bệnh động mạch vành sẽ phụ thuộc vào mức độ hẹp lòng mạch và các biến chứng do bong mảng xơ vữa và huyết khối gây ra. Tùy vào từng trường hợp mà người bệnh sẽ có những cơn đau ngực từ nhẹ đến dữ dội và kèm các triệu chứng khác.

Nếu động mạch vành hẹp hoặc tắc thì cơ tim sẽ bị thiếu máu nuôi, và gây ra triệu chứng đau ngực. Nếu nguồn máu nuôi này bị tắc hoàn toàn sẽ dẫn đến tình trạng nhồi máu cơ tim. Nếu lúc này không được cấp cứu tái thông kịp thời, cơ tim sẽ bắt đầu chết dần và không thể hồi phục lại được. Tuy nhiên, vẫn có một vài trường hợp bị thiếu máu cơ tim hoặc nhồi máu cơ tim mà không có triệu chứng gì và được gọi là “nhồi máu cơ tim yên lặng”.

Các triệu chứng mà người bệnh động mạch vành có thể gặp bao gồm:

  • Cảm giác đè nén, bóp nghẹt, nặng hoặc đau giữa ngực;
  • Cơn đau có thể nhẹ hoặc rất dữ dội;
  • Đau thường lên tay, vai, cổ, bàn tay;
  • Trong cơn đau có thể kèm triệu chứng khó thở từ vừa đến nhẹ;
  • Cảm giác mệt nhiều, đuối.

4. Chẩn đoán bệnh động mạch vành

Đầu tiên khi tiếp cận một người bệnh có các triệu chứng bất thường, bác sĩ hỏi bệnh và thực hiện việc khám xét kỹ lưỡng. Nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh động mạch vành sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm bao gồm:

  • Điện tâm đồ: Các đầu cảm nhận hoạt động điện được gắn lên da người bệnh ở vùng trước tim để giúp phát hiện các bất thường về nhịp tim hoặc các tổn thương cơ tim nếu có.
  • Các nghiệm pháp gắng sức: Người bệnh sẽ thực hiện một hành động gắng sức như chạy bộ trên máy trong lúc được mắc máy để theo dõi hoạt động tim. Các nghiệm pháp gắng sức có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh động mạch vành cũng như tìm ra ngưỡng gắng sức an toàn cho người bệnh. Nếu người bệnh không thể thực hiện hành động gắng sức thì vẫn có thể thực hiện ngay khi người bệnh nghỉ ngơi, nhờ vào việc dùng một loại thuốc đặc biệt có khả năng làm gắng sức cơ tim.
  • Chụp mạch vành: Bác sĩ sẽ sử dụng một sợi dây luồn vào động mạch ngoại biên để đi đến động mạch vành và bơm thuốc cản quang để chụp tia X. Hình ảnh thu được sẽ giúp chỉ ra các vị trí hẹp, tắc hoặc những vấn đề khác của động mạch vành.
  • Xạ hình tim: Người bệnh sẽ được sử dụng thuốc gắn đồng vị phóng xạ và truyền vào người. Một máy chụp đặc biệt sẽ giúp ghi lại mức độ bắt thuốc của cơ tim với đồng vị này. Những cơ tim bình thường sẽ có mức bắt thuốc khác với những vùng bị tổn thương.

5. Chụp động mạch vành – Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh động mạch vành hiệu quả

Chụp động mạch vành là thủ thuật can thiệp tim mạch cơ bản và được sử dụng rất rộng rãi. Mục đích của thủ thuật này là giúp đánh giá được toàn bộ hình thái của hệ động mạch vành. Những tổn thương của hệ động mạch vành có thể được phát hiện thông qua chụp mạch vành là hẹp, tắc động mạch, huyết khối, hoặc bóc tách... Khi phát hiện những bất thường tại động mạch vành, bác sĩ sẽ tiến hành điều chỉnh nong rộng hoặc lấy bỏ huyết khối vì vậy chụp động mạch vành vừa là phương pháp chẩn đoán vừa là phương pháp điều trị.

Đánh giá kết quả chụp động mạch vành sẽ bao gồm:

  • Đánh giá tổng quan về giải phẫu hệ động mạch vành, động mạch vành phải hay trái trội hơn.
  • Đánh giá các bất thường về giải phẫu bao gồm vị trí xuất phát của động mạch hoặc của các nhánh, đường đi của từng động mạch vành...
  • Đánh giá tổn thương động mạch vành:
    • Vị trí tổn thương, hẹp hoặc tắc.
    • Số lượng các nhánh bị hẹp, tắc.
    • Mức độ hẹp động mạch, xác định bằng cách đo theo % đường kính chỗ hẹp nhất so với đường kính chỗ đoạn lành tham chiếu trước chỗ hẹp. Có 4 mức độ được phân loại là: nhẹ < 50%; vừa từ 50 – 70%; nhiều > 70% và tắc hoàn toàn động mạch.
    • Tính chất chỗ hẹp: vôi hóa, lệch tâm, dài hoặc huyết khối.
    • Dòng chảy phía sau chỗ hẹp.
    • Tuần hoàn bàng hệ.

6. Điều trị bệnh động mạch vành như thế nào?

Điều trị bệnh động mạch vành bao gồm việc hạn chế các yếu tố nguy cơ và dùng thuốc điều trị.

  • Những yếu tố nguy cơ gây bệnh động mạch vành có thể thay đổi được là: hút thuốc lá, lười vận động thể dục, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, tăng đường huyết, thói quen ăn uống kém, thừa cân béo phì...
  • Thuốc uống được sử dụng để điều trị bệnh động mạch vành gồm:
    • Thuốc kháng kết tập tiểu cầu: Có tác dụng làm giảm nguy cơ tạo cục máu đông, ví dụ như aspirin, ticagrelor, clopidogrel.
    • Thuốc hạ lipid máu: giúp giảm loại các thành phần mỡ xấu trong máu, đặc biệt là LDL cholesterol. Thuốc hạ mỡ máu nhóm statin thường được dùng, gồm atorvastatin, simvastatin, rosuvastatin,...
    • Thuốc hạ huyết áp: những bệnh nhân có bệnh mạch vành thường kèm bệnh lý tăng huyết áp từ trước. Ngược lại, kiểm soát huyết áp tốt cũng giúp hạn chế nguy cơ bệnh mạch vành. Thuốc hạ áp gồm nhiều loại với họ thuốc cơ chế khác nhau.
  • Thủ thuật can thiệp mạch vành qua da (PCI): đây là nhóm thủ thuật can thiệp có vai trò tăng lưu lượng máu lưu thông qua động mạch vành, có nhiều thủ thuật gồm:
    • Nong bóng: sau khi chụp mạch vành, thủ thuật viên sẽ bơm một loại bóng nhỏ đặc biệt tại chỗ hẹp hoặc tắc trong lòng mạch vành để mở thông vị trí này.
    • Đặt stent mạch vành: cũng được thực hiện trong quá trình chụp mạch vành, một cuộn kim loại nhỏ gọi là stent sẽ được đưa qua chỗ hẹp mạch vành, bung ra để làm rộng lòng mạch. Stent làm bằng kim loại sẽ được lưu lại trong lòng mạch vành nên sẽ không bị tình trạng tái hẹp.
    • Khoan cắt: khoan cắt mảng xơ vữa tồn tại trong lòng mạch vành để loại bỏ nguy cơ tắc hẹp động mạch vành.
    • Phẫu thuật bắt cầu mạch vành (CABG): Đây là một phẫu thuật phức tạp. Một đoạn động mạch được lấy từ ngực hoặc từ chân sẽ được sử dụng để nối mạch máu, thay thế cho đoạn bị tắc cung cấp máu cho đoạn sau chỗ mạch vành bị tắc. Phẫu thuật này được sử dụng trong các trường hợp đoạn tắc nặng và nhiều vị trí.

Như vậy, RCA là viết tắc của động mạch vành phải, một trong hai động mạch cấp máu nuôi dưỡng tim. Tổn thương động mạch vành phải hoặc bất kỳ vị trí nào trên động mạch vành đều ảnh hưởng rất nhiều đến tim mạch và các cơ quan khác. Mọi người cần hạn chế các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch có thể thay đổi được để chủ động phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan