Triglyceride tăng cao: Nguyên nhân là gì?

Triglyceride là một dạng chất béo thường được chuyển hóa ở gan có tác dụng dự trữ và cung cấp năng lượng cho cơ thể khi cần thiết. Tuy nhiên, khi chỉ số Triglyceride cao trong máu có thể gây ra những bệnh lý tim mạch, huyết áp, thận, tiêu hóa...Tìm hiểu thông tin liên quan đến nguyên nhân tăng Triglyceride máu và các phương pháp điều trị để dự phòng biến chứng nguy hiểm.

1.Thông tin chung về Triglyceride

Triglyceride là một dạng Lipid - chất béo trung tính cần thiết ở con người. Thông qua quá trình chuyển hóa tại gan, Triglycerid sẽ tồn tại ở dạng năng lượng dự trữ và có thể cung cấp cho cơ thể khi cần thiết.

Triglyceride là sự kết hợp của 3 axit béo cùng với một dạng đường đơn Glucose. Hợp chất này được cung cấp qua hai con đường chính là ngoại sinh và nội sinh. Ngoại sinh chính là từ các thực phẩm ta ăn hằng ngày còn ngoại sinh là từ các tế bào gan tổng hợp nên.

Khác với Cholesterol, một hợp chất có tác dụng trong việc tham gia xuất một số loại hormone, hỗ trợ trong quá trình hoạt động của tế bào sợi thần kinh và cấu tạo nên màng tế bào, vai trò chính của Triglyceride là dự trữ năng lượng và cung cấp cho cơ thể.

Chỉ số Triglyceride bình thường trong cơ thể thường ở dưới mức 150 mg/dL hoặc dưới 1,7 mmol/L. Tình trạng Triglyceride máu tăng được xác nhận khi chỉ số này qua xét nghiệm máu lúc đói cao hơn 150 mg/dL. Ngưỡng tiệm cận cao thường nằm từ 150 - 199 mg/dL (1,8 đến 2,2 mmol/L), ngưỡng cao là từ 200 - 499 mg/dL (2,3 đến 5,6 mmol/L) và rất cao là từ 500 mg/dL trở lên (5,7 mmol/L trở lên).

2. Triglyceride cao nguyên nhân là gì?

Triglyceride cao nguyên nhân có thể được chia thành hai nhóm là tăng Triglyceride máu nguyên phát và thứ phát:

Nhóm tăng Triglyceride nguyên phát bao gồm những nguyên nhân sau:

Type 1

  • Tăng Chylomicron huyết thanh có tính gia đình: Thiếu LPL hoặc/và thiếu apo-CII
  • Bệnh nhân có nhiễm sắc thể lặn ở trẻ em.
  • Những rối loạn chức năng LPL hiếm gặp

Type 2

  • Tăng Triglyceride huyết thanh có tính gia đình: tăng VLDL
  • Bệnh nhân có sắc thể trội ở người trưởng thành
  • Tăng Lipid máu hỗn hợp có tính gia đình
  • Tăng nồng độ apoB máu

Type 3

  • Tăng Triglyceride máu hỗn hợp bao gồm tăng chylomicron và VLDL ở người trưởng thành

Nhóm tăng Triglyceride thứ phát bao gồm những nguyên nhân sau:

  • Hút thuốc lá: Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu làm tăng nồng độ Triglyceride, cholesterol có hại (LDL) và giảm nồng độ Cholesterol có lợi (HDL), từ đó gây ra tình trạng xơ vữa mạch máu. Những người càng hút thuốc nhiều, lượng mỡ được đào thải sẽ càng kém, mỡ thừa từ đó tích tụ trong máu, trên các tạng hoặc bụng.
  • Ít hoạt động thể chất: Vận động thể dục thường xuyên giúp quá trình trao đổi chất và đào thải mỡ thừa diễn ra hiệu quả hơn. Ngược lại, những người hạn chế vận động sẽ gặp phải tình trạng rối loạn Lipid, ảnh hưởng đến sự lưu thông máu, khả năng hấp thu chất dinh dưỡng... Lượng mỡ thừa không được sử dụng hay đào thải sẽ bị tích tụ và gây gia tăng nồng độ Triglyceride.
  • Lạm dụng rượu bia: Uống rượu bia quá nhiều có thể gây kích thích gan sản xuất thêm Axit béo và làm tăng nồng độ Triglycerides trong máu. Đồng thời, việc sử dụng rượu bia kèm theo tiêu thụ nhiều thức ăn nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật, tiết canh... có thể khiến chỉ số Triglycerides tăng đột biến.
  • Thừa cân, béo phì: Khoảng 70% người bị thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc phải bệnh lý rối loạn lipid máu, đồng nghĩa với nồng độ Triglyceride tăng cao.
  • Bệnh nhân bị các bệnh lý về nội tiết như suy giáp, đái tháo đườnghội chứng chuyển hóa
  • Tiêu thụ chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, Carbohydrate tinh chế và các loại đường fructose nhân tạo...
  • Tăng Triglyceride có thể là hậu quả của việc sử dụng một số loại thuốc như thuốc tăng cường Thuốc ức chế protease, Corticosteroid, Estrogen, ức chế Beta không chọn lọc, Isotretinoin, Propofol, Clozapine, Olanzapine, Cyclosporine, Sirolimus, Tacrolimus...
  • Ảnh hưởng di truyền từ gia đình.

3. Dự phòng tình trạng tăng Glyceride máu

Dưới đây là một số biện pháp giúp dự phòng tình trạng tăng Glyceride:

  • Tập thể dục thường xuyên: Đây là biện pháp được ưu tiên hàng đầu để cải thiện tình trạng rối loạn chuyển hóa Lipid nói chung và tăng Triglyceride trong máu nói riêng. Người bình thường nên dành ra ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục với các bài tập như chạy bộ, chơi bóng chuyền, bơi lội, cầu lông, tập gym... Hoặc nếu không đủ sức khỏe có thể lựa chọn những phương pháp vận động nhẹ nhàng hơn như tập Yoga, đi bộ, thực hiện các động tác thể dục tại nhà...Với những người không có thời gian, hãy cố gắng kết hợp hoạt động thể chất với các công việc hàng ngày như đi cầu thang bộ, đi qua đi lại trong giờ nghỉ... Tập thể dục khoa học và thường xuyên có thể làm giảm chỉ số Triglyceride máu, đồng thời hỗ trợ làm tăng nồng độ HDL máu (một dạng mỡ tốt)
  • Điều chỉnh chế độ ăn hợp lý: Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm nhiều tinh bột, đường như bột gạo trắng, đường Fructose, bột mì trắng... để có thể làm giảm lượng chất béo trung tính. Ngoài ra, nên bổ sung vào thực đơn hằng ngày nhiều rau xanh, rau củ, trái cây...chứa nhiều chất xơ giúp giảm mỡ máu và hỗ trợ tiêu hóa. Ngoài ra, sử dụng các chất béo lành mạnh có trong như dầu ô liu, đậu phộng, dầu hạt cải... và axit béo omega-3 có trong các loại cá như cá thu, cá hồi, cá ngừ...để thay cho việc tiêu thụ các loại mỡ xấu thường có trong mỡ động vật, nội tạng, thức ăn nhanh, đồ chiên nhiều dầu mỡ...
  • Không sử dụng nước ngọt hay thức uống có cồn như rượu bia là một phương pháp giúp làm giảm nồng độ Triglyceride trong máu, tuy nhiên không phải ai cũng có thể áp dụng được. Nếu không thể cắt được việc tiêu thứ các loại đồ uống này, điều tốt nhất là nên hạn chế tiếp xúc với chúng. Ngoài ra, có thể thay thế các loại đồ uống này bằng việc sử dụng nước xay từ trái cây, trà giảm cân...
  • Sinh hoạt khoa học, đi ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya... Là các thói quen hằng ngày có thể giúp hạn chế tình trạng tăng Triglyceride máu.
  • Giảm căng thẳng, lo lắng sẽ gián tiếp làm giảm nồng độ chất béo trong máu. Mọi người có thể áp dụng phương pháp này thông qua việc tham gia các hoạt động yêu thích như đi chơi với bạn bè, nghe nhạc, đọc sách, xem phim... tất cả những hoạt động này có thể giúp tinh thần được thoải mái và vui vẻ.
  • Sử dụng thuốc hỗ trợ điều trị Triglyceride tăng cao là phương pháp được áp dụng khi bệnh nhân đã dùng nhiều biện pháp khác nhưng vẫn không kiểm soát được chỉ số này. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc đòi hỏi sự chỉ định cũng như giám sát của bác sĩ điều trị để hạn chế được những biến chứng, cũng như có thể tạo ra được hiệu quả tốt nhất.

Triglyceride là một chất béo có nhiều tác dụng đối với cơ thể, nhưng một khi chỉ số này tăng quá cao có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Có rất nhiều nguyên nhân có thể làm tăng Triglyceride máu, vì thế mọi người cần phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe toàn diện để có thể kịp thời phát hiện tình trạng này. Từ đó bác sĩ có thể đưa ra những phương pháp điều trị và dự phòng thích hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

19.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan