Hồi sinh cánh tay...hình chữ z

Cánh tay phải không thể cử động, phải mang khớp giả hơn 12 năm của ông Triệu Văn Lịch đã “hồi sinh” sau ca phẫu thuật tại Bệnh viện Vinmec Hạ Long.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Triệu Văn Lịch (67 tuổi), người dân tộc Dao ở xã Tân Dân (Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh) hồ hởi khoe, tuy chưa thể mang vác các vật nặng nhưng cánh tay phải bị “tàn phế” đã có thể vươn thẳng, cử động linh hoạt trong sinh hoạt hàng ngày.

Cách đây hơn 12 năm, ông bị ngã gãy tay trong một lần đi rẫy. Trải qua 3 lần phẫu thuật, cánh tay ấy vẫn “lủng lẳng”, bị biến dạng nặng nề hình chữ Z, cử động bất thường, mất lực, không thể lao động và sinh hoạt được. “Thu nhập của gia đình tôi chỉ trông vào mấy sào ruộng. Thời điểm bị tai nạn, tôi 53 tuổi, là trụ cột của gia đình. Sau đó, vợ tôi phải cáng đáng từ việc lớn tới việc nhỏ trong nhà, vừa lo tiền cho tôi trị bệnh, vừa lo sinh hoạt hàng ngày, tiền học của các con. Thương vợ con, nhưng với cánh tay này, tôi không thể làm gì hơn được". Phải vất vả lắm, vợ chồng ông mới tu sửa được căn nhà để không còn cảnh “mưa tới mặt, nắng tới đầu”. “Được căn nhà thì cái bếp vẫn phải chịu cảnh lụp xụp”.

Ông Lịch gặp các bác sĩ Vinmec Hạ Long lần đầu tiên trong một buổi khám từ thiện của Bệnh viện. Lúc này đã là cuối giờ chiều, đoàn công tác đang thu dọn để rời đi.

TS.BS Phạm Hồng Hà – Giám đốc Bệnh viện Vinmec Hạ Long, người trực tiếp phẫu thuật cho ông Lịch nhớ lại: “Đây là trường hợp khớp giả xương cánh tay phải, cần thiết phải mổ chỉnh hình để phục hồi chức năng vận động của cánh tay. Vì vậy, đoàn đã ở lại để tư vấn và hướng dẫn cho ông Lịch hoàn thiện hồ sơ trước khi rời địa phương”.

Qua thăm khám, TS. Hà chẩn đoán, cánh tay phải của bệnh nhân biến dạng, nhưng các ngón bàn tay vận động tốt, khớp khuỷu vận động tốt, các dây thần kinh không bị ảnh hưởng.

Thế nhưng, “vì trước đây tay bác không được cố định chắc (bó bột, phẫu thuật, bất động không đủ thời gian...) nên ổ gãy bị di động liên tục, không thể lành xương. Những nguyên nhân khác cũng phải kể đến là: nhiễm trùng ổ gãy xương, phản ứng với vật liệu kết xương, nuôi dưỡng kém, kỹ thuật mổ kết xương không đúng nguyên tắc...”.

Sau ca phẫu thuật, cánh tay biến dạng hình chữ Z của ông Lịch (ảnh trái) đã có thể duỗi thẳng, cử động bình thường.

Sau hội chẩn, TS. Hà và ê-kíp đã tiến hành phẫu thuật tạo hình làm mới 2 đầu ổ gãy, chỉnh trục thẳng hàng, kết xương cánh tay bằng nẹp khóa và ghép xương mào chậu tự thân. Đây là xương xốp, có nhiều tế bào gốc và tế bào sinh xương.

“Vì mổ lại lần thứ 4, nên nếu ê-kíp mổ không cẩn thận, ít kinh nghiệm, sẽ dễ gây tổn thương thần kinh quay đi ngay cạnh ổ khớp giả. Điều này khiến bệnh nhân sau mổ không duỗi được cổ tay, di chứng sẽ rất nặng nề. Việc lấy xương ghép ở cánh chậu bệnh nhân cũng phải đúng kỹ thuật để có thể ghép và tránh không làm tổn thương các cơ quan lân cận như mạch máu, dây thần kinh...”, TS. Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.

Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của ê-kíp chuyên môn cao, trang thiết bị hiện đại và sự chăm sóc chu đáo của y bác sĩ, thể trạng của bệnh nhân nhanh chóng hồi phục. Kết quả tái khám cũng rất khả quan: chỗ ghép xương đang lành, xương non phủ lên tốt, xương cánh tay thẳng trục và chức năng vận động được khôi phục hoàn toàn.

187 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan